Monday, March 28, 2016

HẰNG SƠN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG

"Chuông khuya dẫn mối sầu về
Giọt buồn ai để rơi nhòe trang kinh
Chao ơi! Sư nữ đa tình"


Nếu các bạn xem hết bộ phim tập truyền hình "Tiếu Ngạo Giang Hồ" (笑傲江湖) mới nhất của TQ năm 2013 (nội dung có thay đổi), bạn sẽ thấy xúc động giữa mối tình của Đông Phương Bất Bại (東方不敗) hy sinh cho Lệnh Hồ Xung (令狐冲), nhưng nếu bạn đọc hết bộ tiểu thuyết nguyên thủy của Kim Dung, không biết các bạn thì sao nhưng riêng tôi, tôi cảm thương cho mối tình lẻ loi đơn phương của "tiểu sư muội" Nghi Lâm (儀琳小師妹) dành cho "Lệnh Hồ đại ca" (令狐大哥).

Trong "Tiếu Ngạo Giang Hồ", Kim Dung giới thiệu cho chúng ta biết "Ngũ Nhạc Kiếm Phái " (五嶽劍派) tọa lạc trên 5 ngọn núi có thật ở TQ. Đó là: Hoa Sơn (華山), Thái Sơn (泰山), Tung Sơn (嵩山), Hành Sơn (衡山) và Hằng Sơn (恆山). Trong đó Hằng Sơn là môn phái của các ni cô, nhỏ và yếu nhất trong 5 môn phái.


Hôm nay tôi xin nói về Hằng Sơn trước, môn phái Hằng Sơn của "tiểu sư muội Nghi Lâm".

Nghi Lâm (儀琳): Là một trong những nhân vật nữ khả ái nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Nghi Lâm là một nhân vật khá đặc biệt. Cô là một ni cô, bố là hòa thượng, mẹ cũng là một ni cô. Cô xuất gia từ nhỏ trong phái Hằng Sơn (là đệ tử của Định Dật), xinh đẹp và có một tâm hồn trong sáng, một trái tim nhân hậu. Khi đến thành Hành Dương, cô đã thầm yêu Lệnh Hồ Xung khi anh chàng này xả thân cứu cô khỏi bàn tay của Điền Bá Quang.


Cô yêu Lệnh Hồ Xung bằng một mối tình câm lặng, và luôn khẩn cầu Bồ Tát phù hộ cho chàng. Đồng thời, Nghi Lâm cũng là người rất hiểu Lệnh Hồ Xung, hiểu mối tình si của anh chàng với Nhạc Linh San (岳靈珊) và thường xuất hiện mỗi khi có những biến cố đặc biệt của Lệnh Hồ Xung. Kết thúc câu chuyện, Lệnh Hồ Xung và đồng môn phái Hằng Sơn tôn cô làm chưởng môn nhưng cô đã nhất quyết không chịu, lặng lẽ tu hành, ngày ngày tụng kinh mong Bồ Tát phù hộ cho vợ chồng Lệnh Hồ Xung.


Tình yêu thanh cao thần thánh đó, chúng ta có thể thấy nó thể hiện trong đoạn:

Như Nghi Lâm đã từng tâm sự với Á bà bà:

"Gia gia không hiểu lòng tiểu ni! Các vị sư tỷ Nghi Hòa, Nghi Thanh cũng đều không hiểu lòng tiểu ni!".

Đoạn cuối truyện, Nghi Lâm đã nói với Á bà bà về tình yêu của mình:

"Bà bà ơi! Bà bà không hiểu lòng dạ tiểu ni. Hễ Lệnh Hồ đại ca được sung sướng là tiểu ni vui lòng".

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan cảm khái nàng với bài thơ "lục bát 3 câu":

"Chuông khuya dẫn mối sầu về
Giọt buồn ai để rơi nhòe trang kinh
Chao ơi! Sư nữ đa tình"

Theo Wikipedia, bây giờ chúng ta tìm hiểu chút ít về Hằng Sơn. (LKH)


Hằng Sơn (tiếng Trung phồn thể: 恆山; giản thể: 恒山; bính âm: Héng Shān) còn gọi là Nguyên Nhạc (元岳) hay Thường Sơn (常山), nằm ở huyện Hồn Nguyên (浑源县) tỉnh Sơn Tây (山西省), Trung Quốc, là một núi trong "Ngũ Nhạc" (五嶽), nên còn gọi là Bắc Nhạc (北嶽). Đỉnh cao nhất của Hằng Sơn là Thiên Phong Lĩnh (天峰岭) cao 2.016,1m, miếu thờ chính là miếu Bắc Nhạc, thờ thần Hằng Sơn (Bắc Nhạc đại đế 北岳大帝). Tương truyền rằng vua Thuấn khi đi tuần thú tới đây đã phong Hằng Sơn là Bắc Nhạc. Theo Đạo giáo, một trong bát tiên là Trương Quả Lão cũng tu tiên tại đây, và sau cùng, tại đỉnh Hằng Sơn, ông đã cưỡi một chiếc lông bay lên trời. Từ đầu thời kỳ Tây Hán, Hằng Sơn đã có chùa miếu; đến thời kỳ Minh, Thanh thì chùa miếu đã khá đông đúc, với "tam tự, tứ từ, cửu đình các, thất cung, bát động, thập nhị miếu" (ba chùa, bốn đền thờ, chín đình gác, bảy cung, tám động, mười hai miếu). Phong cảnh Hằng Sơn vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở với các ngôi chùa kì lạ, các dòng suối đẹp, được Từ Hà Khách 徐霞客(1587-1641) thời nhà Minh ghi chép lại trong Từ Hà Khách du ký.


HẰNG SƠN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG:

Phái Hằng Sơn được nhà văn Kim Dung miêu tả trong bộ Tiếu ngạo giang hồ có bản doanh đặt trên đỉnh dãy núi Hằng Sơn cao chót vót.

Đây là kiếm phái được sáng lập bởi các ni cô, với Định Nhàn sư thái (定閑師太) làm Chưởng môn. Hằng Sơn cũng là nơi trú ngụ của ni cô Nghi Lâm thánh thiện ôm mối tình câm với chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung.

Hằng Sơn nằm ở tỉnh Sơn Tây, giáp với Nội Mông Cổ, thuộc vùng cao nguyên khô hạn, quanh năm nắng gió, cát bụi. Là nơi tiếp giáp giữa Trung Nguyên và biên ải năm xưa nên phong cảnh tại Hằng Sơn rất hùng vĩ, với những ngôi chùa được xây dựng ở vị trí hiểm trở, nhưng cũng có không ít dòng suối đẹp, với nước xanh trong vắt. Đỉnh cao nhất của Hằng Sơn là Thiên Phong Lĩnh khoảng trên 2.016 m.


Thời cổ, Hằng Sơn có tới 18 thắng cảnh, tuy nhiên ngày nay chỉ còn tồn tại Triều điện (朝殿), Hội Tiên phủ (会仙府), Cửu Thiên cung (九天宮) cùng Kim Long hạp (金龙峡) và Huyền Không Tự (悬空寺). Chùa Huyền Không cách cửa núi Hằng Sơn khoảng 3 km, được xây dựng khoảng cuối thời Bắc ngụy với kiến trúc đặc sắc. Chùa treo lơ lửng trên không và đã tồn tại hơn 1.500 năm. Trong chùa dung hòa cả ba triết lý Phật, Nho, Đạo, kết tinh trong kiến trúc chùa.

(Sưu tầm trên mạng)



No comments: