Wednesday, April 20, 2016

CÁ CHẠCH RÂU - KẺ HỪNG HỰC, NGƯỜI TẶC LƯỠI !

Dân Nhật Bản rất thích ăn lươn nướng cho nên kỹ thuật làm thịt và cách nấu nướng đã lên hàng tuyệt đỉnh. Ở Úc vào mấy nhà hàng Hoa ăn "dẫm xà" các bạn thường thấy có món lươn, tôi không mấy thích vì vẫn cảm thấy có mùi tanh tanh và mấy khoanh lươn trong dĩa sao mà to thế, tôi đến hồ rọng cá trong nhà hàng, nhìn vào mới biết đây không phải là lươn mà là con chình, giống như lươn nhưng to và ngắn đòn. Ở chợ Úc, đôi khi có lươn bán nhưng con lươn nhỏ hơn lươn ở VN nhiều.
Hồi còn ở VN, tôi thích ăn lẫu lươn, lúc đó thường xuống nhà hàng Mỹ Xuyên ở bến Ninh Kiều nhậu với bạn bè, có khi thì lươn um, lươn xào sả ớt. Thịt rắn, trăn, rùa, cua đinh,... cái gì cũng dám nhậu, vậy mà ký ức của tôi lại không có con cá chạch.
Lên mạng tìm xem nó như thế nào thì thấy giống giống như lươn và nhiều tin tức về món này. Đó là món "cứu tinh của đàn ông"... Có một món ăn ngon làm từ cá chạch, mời các bạn đọc chơi.
CÁ CHẠCH RÂU - KẺ HỪNG HỰC, NGƯỜI TẶC LƯỠI !
Giao mùa, oi bức đến khờ người. Thế mà, không ít quý ông vẫn hăng hái sưu tầm món bổ dương đích thực. Thưởng cháo chạch bùn, là gợi ý không tệ.
Ăn cháo lâu "mòn răng", một đàn anh sành ẩm thực đưa ra lý do mê súp Việt của mình. Đồng thời, nguồn dinh dưỡng từ cháo giúp cơ thể nhanh hấp thu hơn xôi, cơm... Nói cháo dễ nấu cũng được hay khó ngon đều có lý. Bởi phụ thuộc vào “gu” riêng từng người: đặc hoặc lỏng, nóng hay nguội...


Thế nên, thử đưa ra ý tưởng mới: "tác hợp" chạch sụn với khoai môn cau trong nồi cháo gạo thơm nóng, dạng lỏng. Loại khoai này này rất dẻo và không thiếu dư vị béo bùi. Xay nhuyễn một nửa lượng khoai định nấu hòa cùng cháo, nhằm tạo làn hương đặc biệt cùng vị béo thanh tổng hợp từ nước hầm xương với ít mỡ cá thoát ra... Tất nhiên, không thể thiếu hành, tiêu và dĩa rau đắng non mượt.
Vừa thổi vừa húp, không bổ bề ngang cũng bổ chiều dọc. Dù là hàng nuôi, nhưng thịt cá vẫn chắc dẻo, ngọt ngào quên thôi. Khoái nhất là nhai cọng xương sụn giòn sần sật. Riêng túi mật, thon gọn gấp đôi que tăm - đắng mạnh hơn mật cá bống kèo, và chất chứa hậu ngọt thanh thanh. Nhờ vậy, càng kích thích khẩu vị - thêm chén nữa.
Nhúm rau đắng biển giòn mát, lát khoai môn bùi bùi lại bổ trợ cho nhau. Lỡ trớn, có người hít hà vì cắn ngay xác tiêu bé tí, mà cay hỗn tổ cha.


Trở lại chuyện cháo chạch sung cỡ nào? - Rất khó nói! Đành rằng nhiều tài liệu đông y cho rằng, giống “nhân sâm nước” này giúp tráng dương, đẹp da... Song lương y Đinh Công Bảy phân tích rằng, chính yếu là do tâm lý và niềm tin của người dùng. Ví dụ, trong tuần trăng mật, mới nghe tên cháo chạch thôi, đôi uyên ương đã đắm đuối - gầy thêm hiệp phụ. Cũng tô “cháo tình” nóng bỏng ấy, trong dạ tiệc hấp hôn lần thứ 30, nhân vật chính lại tặc lưỡi thở dài. Thật tệ!
Càng hữu lý. Song lúc này, giá chạch sung đang rớt giá thảm hại: 150.000kg giá sỉ, 168.000 đồng/kg, bán lẻ. Người nuôi còn rối hơn canh hẹ: 70.000 - 80.000 đồng/kg, tại ao, phía Nam, vẫn thiếu người mua. Ngặt nỗi cá quá lứa, xương sẽ cứng ngắt, lại đội thêm chi phí - lỗ “thấu xương”. Một số người còn mong chờ, mức giá này sớm ngang tiền cá bống kèo, để dễ ăn hơn.
Do vậy, nếu được, hãy tranh thủ húp cháo chạch quên... cạo râu, trước khi định làm từ thiện!
Tạ Tri (08/05/2014)

No comments: