Sunday, April 24, 2016

CÁ RỒNG BIỂN THÂN LÁ VÀ THÂN CỎ

Cá rồng biển thân lá (leafy sea dragon, Phycodurus eques) có thân màu vàng đến nâu và được trang điểm lộng lẫy hơn loài cá rồng biển thân cỏ (weedy sea dragon Phyllopteryx taeniolatus) màu hơi đỏ.
Cá rồng biển là một trong những loài sinh vật biển ngụy trang lộng lẫy nhất trên hành tinh. Được trang trí bằng những bộ phận phụ có dạng lá, nhẹ như tơ trên khắp cơ thể, chúng được trang bị hoàn hảo để hòa nhập vào đội ngũ tảo bẹ và rong biển mà chúng sống cùng.

Là loài động vật đặc hữu của vùng nước ngoài khơi đông và nam Úc, chúng có cùng họ hàng với cá ngựa và cá ống (pipefish). Cá rồng biển thân lá có thân màu vàng đến nâu với những bộ phận phụ phủ màu ô-liu tuyệt đẹp. Loài thân cỏ có những bộ phận nhô ra ít sặc sỡ hơn và thường có màu hơi đỏ với những đốm vàng.
Cá rồng biển có mũi nhỏ, rất dài; thân mảnh khảnh được bao phủ bằng những vòng xương; đuôi nhỏ, và không giống như loài cá ngựa cùng họ, chúng không được sử dụng để kẹp chặt. Vây ngực và vây lưng của chúng nhỏ, trắng đục, đẩy chúng tới và định hướng một cách khó khăn trong nước, nhưng dường như chúng rất hài lòng bị cuốn đi và trôi nổi theo dòng nước giống như rong biển. Loài thân lá có thể dài 35 cm, trong khi loài thân cỏ lớn hơn một chút và dài 46 cm.

Giống như cá ngựa, cá rồng biển đực chịu trách nhiệm mang những cá con. Nhưng thay vì dùng túi giống như túi của cá ngựa, cá rồng biển đực có một vùng ấp trứng như bọt biển ở bên dưới đuôi nơi con cái đẻ trứng vào trong giai đoạn cặp đôi. Trứng được thụ tinh trong khi chuyển từ con cái qua con đực. Con đực ấp trứng và đến hạn, đẻ những con cá nhỏ li ti vào nước sau khoảng 4 tới 6 tuần.


Cá rồng biển sống nhờ những động vật giáp xác nhỏ. Người ta chưa biết chúng có bị săn bắt bỡi những động vật khác hay không. Tuy nhiên, chúng thường bị những người lặn biển tìm bắt để nuôi làm cảnh. Thực tế việc bắt chúng như vậy làm giảm số lượng nghiêm trọng đến nỗi vào những năm đầu 1990 Chính phủ Úc đã áp đặt sự bảo vệ hoàn toàn cả hai loài. Sự ô nhiễm và mất nơi sinh sống cũng gây nguy hiểm cho số lượng, gần đây chúng bị xếp vào danh sách các loài sắp nguy cấp.
(Nguồn: Biển và Người)

No comments: