Thursday, April 14, 2016

THỰC TẠI LÀ THẬT HAY GIẢ ?

Kết thúc Kinh Kim Cương, Đức Phật đã nói bốn câu kệ sau, coi như là bản tổng kết về hình ảnh của thực tại, được nhìn qua lăng kính Chân Không của Đạo Phật:


Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.

一切有为法,
如梦幻泡影,
如雾亦如电,
应作如是观

Bài kệ đã sử dụng đến 6 hình ảnh mong manh nhất, vô thường nhất của thế giới là mộng, huyễn, bọt, bóng, sương mai, điện chớp để quán chiếu vào tầng sâu nhất của mọi sự vật, hiện tượng. Qua đó, hành giả có thể từ bỏ những bám víu của mình vào sinh, lão, bệnh, tử, buồn vui, thăng trầm, được mất... của cuộc sống, nhằm trực diện với thể tánh chân không của vạn vật.
Tuy nhiên, nếu bạn đã biết đến 4 câu kệ trên, mà đau khổ vẫn có mặt, buồn vui vẫn có mặt, hơn thua vẫn có mặt... và tất cả những cảm xúc đó vẫn hành hạ bạn như một gáng nặng trên vai, thì bạn biết rằng, bài kệ trên chẳng dành cho bạn. Nói một cách khác, chúng không có tác dụng gì hết ngoài việc ru ngủ nhận thức của chúng ta trước thực tại cuộc sống.
Hãy mường tượng thế này cho dễ hiểu: với một kẻ vừa đi ngang qua con sông, đã bước lên bờ một cách an toàn. Họ bỏ lại con thuyền, họ bỏ lại con sông sâu, và đang tận hưởng cảnh trí ở trên bờ mang lại. Nếu bạn hỏi họ có thuyền không, họ sẽ trả lời là không; nếu bạn hỏi họ sông có nguy hiểm không, họ cũng sẽ trả lời là không; nếu bạn hỏi họ sông có thật không, họ cũng trả lời là không... Câu trả lời "Không" đó là rất thật với họ, vì họ đã bước lên bờ, vì họ đã đi qua nguy hiểm, vì họ không còn bám víu vào chiếc thuyền... Họ không nói dối chúng ta, nhưng câu trả lời của họ lại không dành cho ta.
Tại sao vậy? Tại vì chúng ta đang ở giữa dòng sông. Con sông đủ sâu để gây nguy hiểm cho bạn. Và chiếc thuyền thì rất cần cho chúng ta, muốn đi qua dòng sông một cách an toàn. Chúng ta không thể bỏ thuyền vào lúc này, nếu như chúng ta không muốn chết đuối. Con sông là thật, chiếc thuyền là thật, sự nguy hiểm khi đang giữa dòng là thật.... Cái "có thật" đó là rất thật với chúng ta - những kẻ đang giữa dòng, nhưng lại là giả - với những kẻ đã qua bờ bên kia.
Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu tất cả các pháp hữu vi là mộng, là huyễn, là bọt, là bóng, là sương mai, là điện chớp... bởi thực tại đích thực là như thế. Nhưng tại sao bạn biết các pháp hữu vi, vui buồn sướng khổ, vốn dĩ là ảo ảnh như điện chớp sương mai mà vẫn cứ bám víu vào nó? Câu trả lời chỉ có một mà thôi: tại vì ta chưa bước sang bờ bên kia, tại vì ta còn đang lênh đênh giữa dòng, tại vì cái biết của ta chỉ là cái biết của tri thức, không phải là cái biết của thực tại kinh nghiệm.
Hãy nghe lời tôi, thay đổi bài kệ của Đức Phật thành:
Tất cả các pháp hữu vi
Đều là thật có với tôi
Đều có tác dụng lên tôi
Và tôi cần nhìn sâu nó
Và tôi cần vượt thoát nó.
Bài kệ của tôi nhắn nhủ với bạn rằng: đau khổ là thật, hãy nhìn cho sâu sắc; sinh tử là thật, đừng có coi thường; được mất là thật, luôn cần phải tỉnh táo... Chỉ khi bạn nhìn đau khổ là thật, bạn mới có thể thoát khỏi đau khổ; chỉ khi bạn nhìn sinh tử là thật, bạn mới không nô lệ cho nó; chỉ khi bạn nhìn được mất là thật, bạn mới thật tâm đương đầu.
Tôi không nói bài kệ của Đức Phật là sai. Nó rất đúng, nhưng không dành cho bạn. Nếu bạn đang trên sông, bạn cần phải nương thuyền để đi qua. Đừng coi thường sự nguy hiểm của dòng sông sâu, đừng vội buông chiếc thuyền khi ta không biết bơi. Sông là giả, thuyền là giả, sự nguy hiểm là giả... chỉ đúng với người đứng trên bờ, không đúng với người đang đứng giữa sông. Vì thế, hãy vững tay chèo, hãy chắc tay lái.
Hoàn cảnh của chúng ta đang đứng là hoàn cảnh nguy hiểm của sông sâu. Chỉ khi nào biết thừa nhận đau khổ là thật, ta mới có cơ hội để nhìn sâu vào nguyên nhân, diễn biến và kết quả mà nỗi buồn ta đang mang. Chỉ khi nào biết thừa nhận sống chết đang đè nặng trên hai vai, ta mới tinh tấn, chuyên cần, nỗ lực mỗi ngày. Chỉ khi nào dám thừa nhận ta đang nằm trong vòng vây của bon chen, tranh giành, được mất, hơn thua, bệnh tật... thì ta mới cân nhắc trong từng ý niệm, tỉnh giác trong từng chọn lựa đúng sai. Đừng nghe sách vở dạy bạn sông là giả, thuyền là giả, sự nguy hiểm là giả..., bởi những gì sách vở nói chỉ giúp bạn cái biết về tri thức, không phải cái biết của kinh nghiệm trực tiếp; chỉ giúp bạn giảm đau tạm thời, không giúp bạn chấm dứt cội nguồn của sinh tử.
Tôi đã nghe nhiều sách vở dạy bạn về mọi thứ là ảo hoá, là vô thường, là không thật. Và thực tế một đứa trẻ lên ba cũng biết mọi thứ là vô thường. Nhưng tại sao ta vẫn cứ bám víu vào nó? Tại vì ta chỉ dùng lý thuyết về vô thường để đánh lừa người khác, đồng thời cũng đánh lừa cả bản thân. Và càng đánh lừa bản thân, ta càng ảo tưởng ta đã giác ngộ, đã thành Phật đến nơi rồi. Và khoảnh khắc ảo tưởng đó xuất hiện, cũng là lúc cánh cửa sinh tử mở ra với chính mình. Đừng để sách vở đánh lừa bạn, đừng để những vị đạo sư đánh lừa bạn.
Tôi cũng thấy giới trẻ hiện nay có nhiều điều kiện để hiểu biết về công nghệ, về khoa học, về kỹ thuật... và qua những hiểu biết như vậy, chúng ta lầm tưởng giới trẻ ngày nay giỏi giang, uyên bác, thông thái hơn người xưa... Kỳ thật càng tích luỹ những cái biết đó nhiều, con người càng rời xa gốc rễ của chính mình. Họ ảo tưởng có thể đi lên mặt trăng, giải thích được các hiện tượng thời tiết, sáng tạo ra tàu ngầm, nguyên tử... nghĩa là quyền năng con người đã sánh ngang với Chúa. Nhưng xin nhớ cho rằng, có một khoảng cách lớn giữa cái biết lý thuyết với cái biết của sự trải nghiệm, cái biết của người khác với cái biết của chính mình.... Sự lầm tưởng như vậy thật là đáng tiếc, không phải tiếc cho người, mà là tiếc cho sự trưởng thành của chính ta.
Có một câu chuyện Ấn Độ cổ kể lại rằng: có một chàng thanh niên, bước vào một căn phòng tối. Chân anh ta rờ rẫm như thế nào, lại giẫm phải một "cái gì đó" trơn trơn, mềm mềm, dài dài, suôn suôn. Trong đầu anh ta hiện ngay hình ảnh "cái gì đó" là một con rắn, và như phản ứng tự nhiên, anh ta sợ hãi, hét lên, nhảy bổ ra ngoài. Có một người khác cầm cái đuốc vào, soi sáng căn phòng tối, phát hiện "cái gì đó" không phải là "con rắn" như anh kia tưởng tượng, mà chỉ là "sợi dây thừng". Nỗi sợ tan biến, tiếng hét tan biến. Vậy hỏi rằng, nỗi sợ và sự phản ứng của anh chàng kia có cần thiết không?
Câu trả lời của tôi rất đơn giản, một khi căn phòng còn chưa được chiếu sáng, thì nỗi sợ là thật, và sự phản ứng là thật. Tại sao? Tại không chạy thật nhanh, có thể "sợi dây thừng" sẽ cắn bạn chết mà chưa hiểu tại sao. Sự thở phào nhẹ nhõm chỉ có mặt khi căn phòng được chiếu sáng, "sợi dây thừng" trở về là "sợi dây thừng", vô hại và vô tác dụng với bạn.


Câu chuyện đó cũng nói cho chúng ta biết về hình ảnh của thực tại mà chúng ta đang vẽ vời. "Cái gì đó" là "cái gì đó", nhưng nó vẫn còn là "con rắn" nguy hiểm trong trí tưởng tượng của ta. Chỉ khi nào bật đèn, nghĩa là sự trải nghiệm của bạn đủ chín muồi, thì bạn mới nhận ra "con rắn" ảo tưởng mà chúng ta đang mơ mộng. Bằng không, nghĩa là kinh nghiệm chưa đủ chín, nghĩa là căn phòng còn đang tối, thì mọi thứ vẫn còn nằm trong vòng vây của sự tưởng tượng, và mọi phản ứng về "con rắn" là rất cần thiết cho sự an toàn của chúng ta.
Đức Phật nói không sai.
Nhưng tiếp nhận lời của Ngài cần phải có thứ lớp căn cơ
Biết mình đang ở đâu để ứng dụng "con thuyền" cho phù hợp
Tôi gọi đó là kẻ tự do với con thuyền, tự tại với sự nguy hiểm của dòng sông.

Tác giả bài viết: Trí Không
(4/2/14)
(trích trong mạng Suy Nghiệm)

No comments: