Friday, May 6, 2016

NƯỚC NÀO KHUẤY NÊN THUỐC ?

Sebastian Kneipp, thầy tu trong thời bảo thủ của các thầy thuốc phương Tây, đã không thể vô cớ trở thành ngự y của hoàng gia nước Áo, nếu ông này không chữa lành nhiều người bệnh bằng cách dùng nước khoáng thiên nhiên. Hàng trăm tụ điểm nghỉ dưỡng ở nước Đức, nơi có tên bắt đầu bằng chữ Bad, ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi trân trọng giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước đặc sản của mỗi địa phương, món nước khoáng thiên nhiên!
Không có gì lạ nếu nước, thành phần chiếm đến ¾ tổng lượng của cơ thể, là điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng của cuộc sống. Người ta có thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng không thể nhịn uống vì chỉ cần thiếu 3% nước đã đủ để nhiều dấu hiệu bệnh lý bắt đầu xuất hiện, chỉ cần thiếu 10% nước thì cơ thể lâm vào tình trạng nguy kịch.

Cũng không có gì khó hiểu nếu tập thể chất điện giải đại lượng như Na, Cl, Ca, Mg, P…, và khoáng tố vi lượng, như Fe, Zn, Cr, Se, Mn, Cu…, là nhân tố cơ bản để tối ưu hóa toàn bộ tiến trình biến dưỡng và dẫn truyền thần kinh. Nước khoáng thiên nhiên vì thế là thức uống nên thuốc nhờ an toàn, hiệu quả, tiện dụng và kinh tế, và nhất là khi người tiêu dùng biết cách ứng dụng nhằm mục tiêu phục vụ sức khỏe. Thí dụ:
1. Giải độc cho cơ thể: Theo kinh nghiệm của ngành y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda, uống 300 ml nước khoáng, để lạnh càng tốt, vào buổi sáng sớm ngay sau khi thức dậy, là biện pháp hiệu quả để giải độc toàn diện cho cơ thể, chẳng hạn cho người lạm dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê…, nhờ tác dụng nhuận gan, lợi tiểu và nhuận trường một cách hòa hoãn và đồng bộ. Nước khoáng vì thế là món uống không nên thiếu sau giờ tập dưỡng sinh của người cao tuổi.

2. Bệnh tiểu đường: Viêm thần kinh ngoại biên dưới hình thức đau nhức, tê bại… là một trong các di chứng thường gặp trong bệnh tiểu đường do hậu quả rối loạn dẫn truyền thần kinh gắn liền với tình trạng đường huyết không ổn định. Kết hợp nước khoáng thiên nhiên trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày là giải pháp nhẹ nhàng và an toàn để bảo vệ cấu trúc của hệ thần kinh ngoại biên và từ đó phòng tránh nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người lỡ có máu quá “hảo ngọt”!


3. Viêm loét dạ dày: Nhiều người chưa biết nước khoáng là món thuốc rẻ tiền trong bệnh viêm loét dạ dày. Tùy theo trường hợp bệnh lý cá biệt nên áp dụng như sau:
-Trong trường hợp ợ chua vì thừa chất toan (dịch vị) trong dạ dày, nên uống nhiều ngụm nhỏ nước khoáng để lạnh trước mỗi bữa ăn khoảng 15 phút.
-Ngược lại, nếu ợ hơi khó tiêu do thiếu men tiêu hóa nên uống nước khoáng, cũng với nhiều ngụm nhỏ, nhưng hâm nóng và ngay sau bữa ăn.


4. Trẻ con bội nhiễm: Thầy thuốc rành bệnh trẻ con đều rõ rối loạn nước và chất điện giải là nguy cơ thường gặp ở trẻ bị bội nhiễm kéo dài, nhất là trong tình trạng tiêu chảy, sốt xuất huyết… Bên cạnh liệu pháp đặc hiệu, kịp thời bổ sung nước và chất điện giải bằng cách pha nước khoáng với men vi sinh đường ruột, là biện pháp đơn giản mà hiệu quả để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.



5. Bệnh tim mạch: Nhớ uống nhiều nước mỗi lần uống thuốc là lời khuyên thường nghe. Đúng nhưng khéo hơn nữa là dùng nước khoáng thiên nhiên mỗi khi uống thuốc hạ áp, trợ tim, bảo vệ thành mạch… vì đó là cách tận dụng các thành phần khoáng tố vi lượng để kéo dài hiệu năng của thuốc đồng thời giảm thiểu phản ứng phụ thông qua tác dụng gia tốc tiến trình đào thải hóa chất tổng hợp trong thuốc.


6. Bệnh tiết niệu: Trong bệnh đường tiết niệu, cụ thể là viêm bàng quang, căn bệnh hay gặp ở phụ nữ, hay phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới, thanh trùng đường tiểu, càng nhanh càng tốt càng ít phải dùng thuốc kháng sinh càng hay để tránh hiện tượng lờn thuốc, là biện pháp cần thiết để vừa giảm thiểu triệu chứng gây khó chịu, vừa tránh dư chứng cho người bệnh. Uống nhiều nước khoáng là nhân tố cơ bản trong phác đồ điều trị nhờ tác dụng lợi tiểu nhẹ của khoáng tố kali và manhê trong nước khoáng là đòn bẩy để giải tỏa áp lực trong bàng quang.


7. Vận động viên: Thất thoát nước và chất điện giải qua mồ hôi là điều cần được lưu ý hàng đầu cho người tập thể dục thể thao, người làm việc nặng dưới trời nắng gắt. Nước khoáng pha với nước ép trái cây theo tỷ lệ 3 phần nước khoáng, 1 phần nước trái cây, là thức uống “tăng lực” trên cơ sở sinh học cho người muốn mau hết mệt sau giờ thao luyện, sau buổi lao động.



8. Người lao tâm lao lực: Phản ứng kiến tạo nhằm phục hồi nội tạng bị tổn thương khó có thể được tiến hành như mong muốn nếu thiếu nước. Trong tình trạng tiêu hao dưỡng chất, như ở người lao tâm lao lực, cũng như cho đối tượng sau chấn thương, sau phẫu thuật, sau hóa trị, xạ trị… ly lớn nước khoáng sau mỗi bữa ăn nhiều chất đạm là cơ sở hợp lý để gia tốc tiến trình tổng hợp dưỡng chất cho tế bào.


9. Béo phì: Khi chọn hình thức ăn kiêng hay nhịn ăn để giảm cân, “gia chủ” sợ nhất hai điều: đói và mệt! Nước khoáng uống suốt ngày chính là phương tiện đơn giản để người ăn kiêng một mặt giảm thiểu năng lượng nhưng không quá đói và mặt khác không bị rối loạn nước và chất điện giải trong lúc cơ thể bước vào tiến trình giải độc.


10. Bảo vệ thị giác: Với người phải sinh hoạt trong môi trường thiếu ánh sáng thiên nhiên cũng như đối tượng phải làm việc nhiều giờ trước máy vi tính khiến cặp mắt cứ phải điều tiết liên hồi, thói quen uống nước khoáng nhiều lần trong ngày, không cần nhiều, mỗi lần không hơn 200ml, nhưng đều đặn mỗi giờ, là biện pháp để ổn định thị lực và phòng tránh tình trạng tăng nhãn áp dẫn đến nhức đầu, chóng mặt…, căn bệnh không còn hiếm thấy ở nhiều người trẻ làm việc trong văn phòng đóng kín.  Nếu được với chút trái cây chứa nhiều tiền sinh tố A, như xoài, thơm, đu đủ càng hay để khoáng tố vi lượng trong nước khoáng có dịp bắt tay với sinh tố trong hoa quả.



Nước mình không thiếu nước khoáng thiên nhiên. Nước lã khó khuấy nên hồ. Nhưng lại không quá khó để nước uống thành món nên thuốc nếu hiểu hơn về nước khoáng thiên nhiên. Tiếc ghê cho ngành du lịch nước ta vì ở nước người thì nguồn nước khoáng nào cũng là đòn bẩy cho dịch vụ điều trị phục hồi. Tài nguyên của nước mình, uổng quá đi thôi!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

No comments: