Monday, May 9, 2016

TẢN MẠN VỀ NỊNH

Đang ngồi buồn không về quê được trong hè này thì thằng bạn là giáo sư đại học Cần Thơ gọi điện qua hỏi tôi Nịnh là gì ? Chữ này đâu có chi gút mắc , trẻ con cũng biết. Tôi chẳng cần lật tự điển cũng trả lời được. Nịnh là nói tốt cho người nào đó hơn mình mà họ không có đức tính đó. Người đàn ông nhìn một phụ nữ không đẹp nhưng khen cô có duyên, hay khen áo em hôm nay đẹp quá, người ta gọi đó là nịnh đầm. Những người được nịnh trong xã hội thường là thủ trưởng của các đơn vị, công ty được nhân viên khen thông minh, có khẩu tài, viết diển văn hay dù họ biết chắc rằng đã có người chấp bút.


Theo sử sách Trung quốc, kẻ thành đạt, giàu có có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh bợ thì chưa ai vượt qua được Hoà Thân thời vua Càn Long nhà Thanh. Vua Càn Long hứng chí làm thơ, Hoà Thân hết lời ca ngợi “thơ Hoàng Thượng tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế !” Hoà Thân còn ca tụng “ Công ơn của Hoàng Thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Vua Nghiêu, vua Thuấn”. Nhờ thế mà Hoà Thân từ một tên quan nhỏ đã leo lên đến Tể Tướng và giàu có tột đỉnh.
Một câu chuyện nữa cũng bên Trung quốc là chuyện Triệu Cao, Tể tướng nhà Tần, rất được lòng Tần Nhị Thế, âm mưu giết hại Thừa tướng Lý Tư. Triệu Cao đem dâng vua một con hươu và bảo đó là con ngựa. Tần Nhị Thế hỏi quần thần “ con vật này là con hươu hay con ngựa”. Bọn xu nịnh Triệu Cao tất cả đều tâu là ngựa.


Truyện cổ Việt nam có kể , một tên đầy tớ có thói quen phỉnh nịnh, chủ nói gì hắn đều nói theo và phóng đại tô màu. Đi chơi ở làng bên, người chủ khen “ lúa đồng làng này tốt quá”, tên đầy tớ ca theo “lúa đồng làng ta tốt gấp mười lần”. Chủ khen cô thôn nữ xinh gái. Tên đầy tớ ca theo “ cô nương nhà ta xinh gấp mười lần !”. Khi gặp bà già, chủ nói bà già này xấu xí, tên đầy tớ quen mồm buột miệng “ Bà nhà ta xấu gấp mười lần”(!) Chuyện nịnh này thì không cần biết kết quả cũng biết số phận kẻ nịnh ra sao rồi.
Trong sách cổ có chuyện, một quan huyện trong lúc thăng đường, vô tình “xì hơi” cái tủng. Quan huyện mắc cở định chữa thẹn thì tên lính hầu đã đến bên xum xoe: “Bẩm quan lớn, con nghe như có tiếng đàn, tiếng sáo!”. Một tên thư ký khác thốt lên: “Bẩm quan lớn con thấy thoang thoảng hương quế, hương trầm, hương lan…” Huyện quan tỏ vẻ buồn rầu: “Ta nghe nói trung tiện mà thơm thì ta e chẳng còn sống được bao lâu nữa”. Hai tên thuộc hạ đính chính: “Bẩm quan lớn, dạ, bây giờ mới có mùi thúi ạ!” “Dạ bẩm quan lớn, bây giờ thì thối lắm, thối lắm ạ !”
Tôi nhắc lại những chuyện này cho bạn nghe, anh ta nói: “Những điều ông kể sách vở có viết hết rồi. Bây giờ tôi kể chuyện mới là có người nói khi té sông mình phải nịnh một người nào đó để được cứu vớt.”.
Trời ơi! Té sông uống nước sặc gần chết còn tư tưởng đâu để mà nịnh. Trường hợp này có nịnh cũng chết đuối. Tôi la lên trong điện thoại: Thôi thôi! Ông kể chuyện mới tôi nghe cười sặc ở trên bờ cũng chết, cần gì dưới nước.
Thái Nguyên
(Nguồn: Tống Phước Hiệp Vĩnh Long)

No comments: