Friday, July 29, 2016

CHIÊM NGƯỠNG LOÀI HOA "NỮ HOÀNG ĐỘC DƯỢC" CỦA VIỆT NAM

Nữ hoàng độc dược hay bả sói là những biệt danh dùng để chỉ loài hoa Ô đầu chứa chất kịch độc làm liệt cơ xương, loạn nhịp tim, gây tử vong cho người.


Trước khi đọc tiếp, chúng ta xem Wipedia giải thích:

Củ Ấu tàu, ấu tẩu, hay còn gọi là củ ấu tàu, là rễ củ của cây Ô đầu, tên khoa học là Aconitum fortunei, thuộc họ mao lương Ranunculaceae được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược" (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận.



Cây thường mọc hoang ở các vùng núi cao biên giới phía Bắc Việt Nam bao gồm các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghĩa Lộ, Cao Bằng, Bắc Kạn

Ô đầu là cây thuốc có độc, tất cả các phần của cây đều chứa chất gây độc, nhiều nhất là ở củ. Củ ấu tàu rất độc, lượng độc của củ ấu tẩu có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu và chết.



Ấu tàu mọc trên cạn và chỉ có ở vùng núi cao. Lá tựa như lá ngải cứu, chia thành ba thuỳ, có răng cưa ở nửa trên. Rễ củ hình nón, mọc thành chuỗi, có củ cái, củ con. Dưới thân cây, rễ cái phình thành củ giống như củ đậu, gọi là củ mẹ. Cạnh cổ rễ cái, mọc ra những củ con. Trên đầu củ con có một búp mang lá ngầm. Sau khi cây nở hoa, củ mẹ sẽ héo và tiêu dần. Củ mẹ thường nhẹ, rỗng, ở giữa màu xám; củ con thì nặng, chắc hơn và lõi màu vàng.

Trong dược thư Việt Nam, củ nhỏ được gọi là phụ tử, còn củ lớn được gọi là ô đầu. Phụ tử có độc tính kém hơn ô đầu. (Trích đoạn Wikipedia)



Cây hoa Ô đầu có nhiều loại, phổ biến như Aconitum napellus, Aconitum fortunei. Trong đó, Aconitum napellus thường mọc ở vùng sườn núi châu Âu, còn Aconitum fortunei được tìm thấy ở vùng núi Hà Giang, Lào Cai (Sa Pa) của Việt Nam và nhiều nơi khác.



Cây trưởng thành cao khoảng 1 mét, lá cây có đường kính 5-10 cm xẻ thành 5-7 phần, hoa có màu tím đậm hoặc hơi xanh, mũ hoa hẹp dài hình cái mũ. Vì có hình hài hoa như vậy nên Ô đầu còn được gọi là "khăn đội đầu của thầy tu".



Cây hoa Ô đầu chứa một loạt hóa chất có độc tố cao như aconitine, mesaconitine, hypaconitine và jesaconitine. Nếu hái lá cây mà không dùng găng tay, chất aconitine có thể xâm nhập vào cơ thể người một cách dễ dàng qua da.



Chất độc trên cây Ô đầu tập trung đậm đặc nhất ở phần quả của cây, ngay cả cánh và mật hoa cũng chứa chất độc. Khi trúng độc tố của cây Ô đầu có thể làm tứ chi bị tê bì, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, loạn nhịp tim, nếu đủ liều có thể gây tử vong.



Tương truyền thời kỳ Hy Lạp cổ đại, những người chăn cừu đã biết lấy chất độc từ cây Ô đầu để tẩm vào mũi tên bắn chết chó sói. Cho nên cây hoa này còn được biết đến với cái tên là cây bả sói.



Thời kỳ đế quốc Roma cổ đại, người ta còn dùng chất độc của cây Ô đầu để chống lại tội phạm và kẻ địch. Ở châu Âu, đây có lẽ là một trong những loài hoa đẹp nhưng độc nhất nên còn được tôn phong là "nữ hoàng độc dược".



Với một lượng 20 – 40 ml chất độc từ cây Ô đầu có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong trong vòng 2 – 6 tiếng trúng độc. Còn nếu liều lượng lớn hơn thì có thể gây tử vong ngay. Chất độc của Ô đầu cũng từng được người Eskimos sử dụng để săn cá voi. Thậm chí phát xít Đức từng dùng chất độc của cây Ô đầu để làm đạn độc.



Tuy chứa chất kịch độc nhưng cây Ô đầu lại được sử dụng làm dược liệu trong việc bào chế thuốc trong chữa tim, chống viêm, xoa bóp khi nhức mỏi chân tay, khớp. 

Theo Khám phá

No comments: