Wednesday, July 27, 2016

HÃY NHÌN VÀO PHẬT, CHỚ NHÌN VÀO TĂNG

Nếu các bạn chịu khó đọc lại những bài tôi đã post qua, tôi thường hay kể:
"Chiếc áo không làm nên thầy tu,
Nhưng thầy tu không thể không có chiếc áo...
Đọc kinh không thể sẽ thành Phật,
Nhưng muốn thành Phật không thể không đọc kinh..."



Thời gian qua có những bài báo đả kích việc những người đội lớp thầy tu đi lường gạt người khác, không chỉ ở VN mà ở Úc bọn họ cũng làm y như vậy.
Tôi cũng đã có nhắc các bạn GHPGVN cũng đã ra thông báo, giáo hội không bao giờ chủ trương cho các tăng sĩ ra ngoài quyên tiền hay xin đóng góp cứu trợ xây chùa... Ở Úc chưa có giáo hội nào lên tiếng nhưng những người "giả mạo" tu sĩ xin tiền đóng góp chỉ biết có mấy câu "donation" và đưa cho các bạn mấy tấm hình Phật hoặc Quan Âm để xin tiền. Xin đừng cho và nếu cho thì xin đừng qui tội vào tu sĩ Phật giáo.


Xin các bạn luôn ghi nhớ, tu sĩ cũng là "người" và họ chắc chắn "không phải là Phật". Con người thì vẫn còn thất tình lục dục, tu giỏi thì giảm hay cai được còn mới tu hay tu dở thì vẫn như chúng ta hay còn tội hơn chúng ta nữa vì manh danh "tu sĩ".
Tôi cũng đã từng nói, tôi tin tưởng tuyệt đối vào Phật cũng như các bạn dù tin Phật hay tin Chúa hoặc tin những tôn giáo khác, đức tin của bạn hòan toàn và tuyệt đối đúng chỉ có những "tu sĩ" chưa đúng hay "không làm đúng". Có bài viết hôm nay tôi post cho các bạn đọc, xin các bạn cứ tiếp tục tin tưởng vào tôn giáo của mình là tuyệt đối đúng. sai chỉ là tu sĩ sai mà thôi. Hôm nay nếu tin Phật xin các bạn đọc bài sau. (LKH)


"HÃY NHÌN VÀO PHẬT, CHỚ NHÌN VÀO TĂNG"

Một lần chúng tôi đi hộ niệm bằng xe ô tô của một cô Phật tử. Trên xe, cô Phật tử lái xe hỏi chúng tôi rằng: “Tại sao có những quý Thầy cả đời tu hành mà lâm chung vẫn hiện tướng ác?” Cô lấy làm hoang mang vì “tu hành cả đời đến như quý Thầy” mà lâm chung vẫn hiện tướng ác, thì Phật tử tại gia “có còn hy vọng gì không?” Chư Tổ ngày trước, dù là tu hành theo pháp môn nào, khi ra đi rất tự tại, cho dù có tật bệnh hay không, thần thức không mê mờ, lúc ra đi ai nấy đều sáng suốt, tỉnh táo. Lúc đó, khi đối trước câu hỏi của cô Phật tử, chúng tôi có cả người xuất gia và tại gia không biết nên trả lời như thế nào. Sau cùng, chúng tôi nói với cô rằng: “Tu Phật thì hãy nhìn vào Phật, chớ nhìn vào Tăng.”



Truyền thuyết ghi lại rằng, ba lần vua Càn Long đến núi Phổ Đà (Trung Quốc), là đạo tràng của Quán Thế Âm Bồ Tát, đều gặp một nhóm sư sãi uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, ôm vai bá cổ, la hét lớn tiếng. Vua thường nghe mẫu hậu nói về đạo hạnh cao siêu, oai nghi tế hạnh của những người xuất gia ở núi Phổ Đà, nay chứng kiến những cảnh này thấy rất mâu thuẫn. Khi vua hỏi họ tại sao lại như vậy, những nhà sư trả lời rằng: “Đó là gia phong hải ngoại, cảnh giới La Hán, không việc gì đến ông.” Ba lần mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, vua tức giận quyết định cho binh lính san bằng núi Phổ Đà, bắt hết nhóm sư sãi uống rượu hút thuốc kia cho chém đầu. Khi dẫn binh lính vào chánh điện, thấy áo bào và mũ của mình bị mất do đánh bạc thua đám sư sãi, đội trên tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, vua mới hiểu ra rằng đám sư sãi đó chính là Bồ Tát hóa thân để thử ông, đúng như lời mẫu hậu của ông đã nói. Ông liền sám hối trước tượng Bồ Tát, phát nguyện từ nay không dám coi thường sư tăng. Trở về cung, vua kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mẫu hậu nghe. Mẫu hậu của ông nói rằng: “Từ nay, khi nào con thấy nhà sư quần áo không chỉnh tề, hành vi không đoan chính, thì con hãy nhớ lấy lời mẹ dặn, con ơi, công đức của Phật vô biên, hãy nhìn vào Phật, chớ nhìn vào Tăng.”


Bạn xem, câu nói này biết bao ý nghĩa, “Hãy nhìn vào Phật, chớ nhìn vào Tăng?”
Thế nào gọi là “nhìn vào Phật?” Đó là lấy những hành động, lời nói, suy nghĩ của Phật để làm chuẩn cho những hành động, lời nói, suy nghĩ của mình. Từ đâu mà biết được hành động, lời nói, suy nghĩ của Phật như thế nào? Từ kinh điển mà biết được. Đạo tràng chúng tôi vào những ngày tu thường tụng kinh Vô Lượng Thọ, khi đọc tới phẩm 8 “Tích Công Dồn Đức” nói về sự tu hành của Đức Phật A Di Đà khi còn ở quả vị Bồ Tát, trong kinh chép: “Khéo gìn khẩu nghiệp, không chê lỗi người. Khéo gìn thân nghiệp, không mất luật nghi. Khéo gìn ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm.” Hằng ngày chúng tôi tự hỏi mình đã làm được như vậy hay chưa? Khẩu nghiệp không nói lỗi của người, thân nghiệp luôn giữ oai nghi, ý nghiệp thanh tịnh không ô nhiễm, đã làm được hay chưa? Nếu chưa, thì hằng ngày đọc tụng đoạn kinh này, có thấy xấu hổ hay không?

Có một cô Phật tử ở đạo tràng nói với tôi rằng, mỗi lần hồi hướng cuối thời khóa, khi đọc tới Tứ Hoằng Thệ Nguyện “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ – Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn – Pháp môn vô lượng thệ nguyện học – Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành,” cô thấy rất xấu hổ. Xấu hổ nhất là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” cô nói, thậm chí chưa đoạn được phần phiền não nào, mà hằng ngày còn tạo thêm phiền não cho chính mình! Nếu hằng ngày đọc tụng cho nhiều, mà không thực hiện được lời trong kinh, vậy thì chúc mừng bạn, hằng ngày bạn lừa Phật dối Bồ Tát rất nhiều!


Vì vậy, “hãy nhìn vào Phật” để tự phản tỉnh và sửa lại hành động, lời nói, suy nghĩ của chính mình, để chính mình chân thật có được lợi ích từ việc học Phật, chứ đừng “nhìn vào Tăng” để phán xét đúng sai rồi chính mình làm tâm mình không tròn vẹn, không được sự lợi ích thân thật.
Tâm An
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: