Saturday, September 17, 2016

CHẢ RƯƠI HẢI DƯƠNG

Trong ẩm thực miền Bắc có 3 món đặc sản mà không phải ai cũng dám thử. Đó là:
- Thắng cố -món ăn độc đáo của người Mông
- Chả rươi Hải Dương
- Gỏi nhệch Thái Bình.
Trong lần đi Hà Nội vừa qua, lúc đi Sapa thì mình chịu thua món "thắng cố ngựa" nhưng lúc trở vể Hà Nội, mình đi dạo loanh quanh ở phố cổ tình cờ thấy có bán "chả rươi" ở phố Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng. Đây là một may mắn tình cờ chớ không phải mùa nào cũng có, như lúc đi chùa Hương vào quán kêu món "rau sắng" nhưng không có vì trái mùa. Mình vào mua và đem qua tiệm mì Vằn Thắn ở ngang đó để vừa ăn chả rươi vừa ăn mì Vằn Thắn, mì ăn được vừa ngon vừa rẻ. Còn chả rươi thì quá tuyệt vời, vừa thơm vừa béo, vừa dòn bên ngoài, vừa mềm bên trong. Nó giống như trứng chiên với thịt xay nhuyển nhưng thơm hơn và ngon hơn nhiều lắm, cũng như lần về Cần Thơ nhiều năm trước vào Mỹ Khánh ăn món chuột đồng rô-ti quá tuyệt và nhớ mãi cho đến bây giờ.
CHẢ RƯƠI HẢI DƯƠNG
Chẳng giống nem công, chả phượng, bào ngư, yến huyết cầu kỳ khó kiếm, chả rươi là món ăn bắt đầu và hình thành từ những gì dân dã nhất. Theo từ điển tiếng Việt: Rươi là con giun, thân có nhiều lông tơ nhỏ, sinh theo mùa, ở vùng nước lợ, xuất hiện nhiều vào cuối tháng chín đầu tháng mười hàng năm.


Hải Dương thuộc vùng châu thổ sông Hồng, được bao bọc bởi những con sông lớn, ăm ắp phù sa cuồn cuộn uốn mình ra biển, chính cái nơi tiếp giáp, gặp gỡ của những con sông này với vùng thuỷ triều lên mạnh tạo nên vùng nước lợ. Đây chính là vùng có nhiều rươi. Rươi không ai nuôi được, ngày thường có vác mai đào xới tung cả vùng đồng triều ngập lợ cũng chẳng tìm nổi một con.
Nhưng tháng chín đôi mươi tháng mười mùng năm, cả vùng bãi triều ngập trong mán nước phù sa nâu nhạt trở thành những ruộng rươi mênh mang. Người đi vớt rươi chỉ cần dùng lưới, vợt bằng vải màu hay rá rổ.


Còn nếu muốn lấy số nhiều thì phải tốn công hơn một chút. Thông thường người ta khơi bờ ruộng cho nước chảy, giăng mành mành rộng ra theo hình phễu rồi đơm đó vào. Rươi cứ việc theo dòng chảy, ào ạt trôi vô miệng đó. Đứng trên bờ, người ta chỉ việc nâng đó, trút rươi vào thuyền, chở lên mạn ngược gánh đi, cho kịp buổi chợ. Những thúng rươi ngon nhất được đem lên Hà Nội và những thành phố lớn bán cho các khách sạn, nhà hàng đặc sản. Loại ngon vừa đem về bán ở các chợ quê.
Để làm được món chả rươi ngon, khi mua rươi phải biết chọn lựa, con rươi thân phải mập màu hồng, bò khoẻ trong thúng là những mớ rươi còn tươi và ngon. Loại này khi đánh nhuyễn, thân rươi tan, ta sẽ có một bát bột rươi sánh, ánh vàng kem trứng, khi ăn cho vị ngọt đậm, béo ngậy, còn những con rươi mầu xanh, thân gày bò yếu là rươi non, khi đánh ít tan, rán lên sẽ khô, xác.


Mỗi món ăn lại có một số gia vị đi kèm để làm nên ”bản sắc”, làm chả rươi, bạn không thể không mua thêm thịt ba chỉ ngon, trứng gà, vịt tươi, lá lốt, hành hoa, thì là, lá gừng, hạt tiêu, mì chính, nước mắm ngon và đặc biệt phải có vỏ quýt – một vị mà nếu thiếu nó sẽ mất đi mùi vị đặc trưng của chả rươi.
CHẢ RƯƠI HÀ THÀNH
“Tháng 9 đôi mươi, tháng mười mùng 5” - câu ca nhắc người Hà Nội tìm ăn chả rươi - món ăn đặc trưng thu xứ Bắc đã thành "thông lệ".Đến mùa mà không được ăn thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ” (tùy bút Vũ Bằng)...
Con rươi
Con rươi trông gần giống một con đỉa lai con rết bởi vì cái thân hình nhũn nhũn nhưng rất nhiều chân của nó. Khi sống rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ, vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ và sặc mùi tanh tanh đến khó chịu. Thế mà lạ thật, cái con vật xấu xí “đáng sợ” ấy khi đã qua bàn tay khéo léo của các bà nội trợ lại trở thành “đặc sản” thơm ngon khó quên


Rươi là sinh vật sống vùng nước lợ chỉ xuất hiện cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi những ngày nắng dài bất chợt mưa tầm tã hay mưa nhiều bỗng một ngày nắng hửng. Các cụ bảo thời tiết tháng 9 đỏng đảnh như cô gái tuổi đôi mươi, lúc nắng như giữa mùa hè, lúc lại se lạnh tưởng đã sang đông, nhờ chính cái thời tiết ấy mà rươi chui ra khỏi đất lên mùa sinh sôi. Vì vậy món ngon rươi mang lại cũng tựa như rét nàng Bân tháng 3, chỉ đôi ngày nhưng làm người ta ngóng đợi như một dịp hiếm có.
Trên phố cổ Hà Nội giờ còn phố Hàng Rươi là dấu ấn một thời chốn kẻ chợ theo những mùa rươi về. Giờ người ta không bán rươi ở đó nhưng mỗi mùa cuối thu se lạnh, người Hà Nội lại cố ăn ít nhất một bữa chả rươi cho thỏa nỗi nhớ, như Vũ Bằng đã nói: “Hỡi các bà nội trợ, đừng có lần chần lắm mà lỡ việc, vì rươi không phải là một món ăn ngày nào cũng có đâu.


Cả một năm chỉ mấy ngày có rươi thôi. Mà những ngày có rươi đó nếu bà không mua nhanh lên thì hết đấy. Cả mùa không được ăn một miếng rươi vào miệng, không những bà ân hận mà người chồng yêu quý của bà lại làu nhàu".
Người nhìn không quen mắt sẽ thấy sợ, bởi con rươi hồng hồng xanh đỏ, nhớt nhớt lại dính bùn đất. Nhưng chính loại rươi nhìn còn xanh xanh nhạt mới là rươi tươi. Khi mùa rươi về, khắp các hàng các chợ đều bán rươi. Từ miền biển các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… rươi theo về tận thủ đô thỏa thú ăn ngon của người Hà thành.
Món đặc sản chả rươi
Khi nói đến rươi người ta nhớ ngay tới món chả rươi. Cái vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi trộn đúc trứng gà và hương thanh thanh của vỏ quýt cộng húng thơm hấp dẫn đến độ ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Muốn có món chả rươi ngon phải lựa những con còn tươi, chọn những con bơi bên trên màu xanh nhạt, những con chuyển màu đen hay đỏ đều là con ươn, ăn không ngon bằng. Rươi mua về sơ chế đơn giản bằng cách cho vào nước nóng già gọi là “làm lông” rươi. Lấy đũa khuấy đều cho lông rươi và những rác bẩn rụng hết, sau đó giội qua nước lạnh cho sạch đất.


“Làm lông” rươi rất quan trọng bởi nếu không sạch khi ăn sẽ bị rặm, thậm chí lạo xạo cát nếu làm không cẩn thận. Chỉ dùng nước nóng già chứ không phải nước đã sôi vì nước sôi làm rươi vỡ bụng, bao nhiêu chất đạm, chất bổ ngon nhất trong rươi cũng theo nước trôi hết.
Rươi làm sạch lông cho vào bát dùng đũa đánh, khi thịt rươi đã nhuyễn đập trứng và cho thịt lợn xay vào đánh thật đều. Chả rươi không thể thiếu vỏ quýt. Không biết tự bao giờ các bà các mẹ tìm ra cách “se duyên” vỏ quýt với thịt rươi, chỉ biết rằng cái vị thanh thanh, đăng đắng của vỏ quýt làm dậy mùi món chả, lại bớt đi phần đạm khó tiêu của rươi.
Tháng 9, tháng 10 cũng là mùa quýt miền Bắc vào vụ. Dùng vỏ quýt tươi hoặc ăn quýt dành vỏ phơi khô đợi đến ngày có rươi mang ra làm chả. Rươi thiếu vỏ quýt coi như mất đi một nửa vị ngon nhưng cũng chỉ cho vài lát thái chỉ thật nhỏ, bởi cho nhiều món rươi sẽ mang vị đắng.


Hỗn hợp rươi sau khi đánh nhuyễn cho thêm chút ớt và gia vị rồi bắc chảo lên rán. Rán chả rươi cần nhỏ lửa, tốt nhất dùng bếp than tổ ong hoặc lửa liu riu để món rươi nóng đều, chín giòn vàng bên ngoài nhưng phần trong thịt vẫn mềm béo. Nhớ mỗi lần mẹ làm món chả rươi, bố nhấp miếng rượu chả rươi ngọt lịm, con hít hà ăn mãi không thấy no cơm.
Món chả rươi đúng vị Hà thành phải ăn nóng, chấm với nước mắm pha chanh ớt, nhấn nhá thêm vài cọng húng thơm hay rau mùi thật không gì thú bằng.
Theo: amthuc365 (đăng trong mạng Thực Phẩm Quê)




No comments: