Thursday, September 15, 2016

HAI LOÀI HOA SALA

combined1
Chào các bạn,
Tương truyền Đức Phật nhập diệt giữa hai cây Sala, nên Sala được xem là cây thánh trong văn hóa Phật giáo.
Tuy vậy, do một tình cờ của lịch sử, ngày nay có đến hai cây Sala thuộc hai giống hoàn toàn khác nhau nhưng đều được xem là cây thánh: Cây Sala Ấn Độ có hoa trắng là cây Sala được nhắc đến trong kinh sách cổ; cây Sala của Tích Lan (còn gọi là cây Hoa Đầu Lân, hay Cannonball Tree) du nhập từ Nam Mỹ vào thời thuộc địa.
Dù vậy hai loài Hoa Sala này không nên bị nhầm với Hoa Ưu Đàm và Hoa Vô Ưu, là hai loại hoa khác rất phổ thông trong văn hóa Phật giáo.
I. Hoa Sala Ấn Độ
Sala Ấn Độ có tên khoa học là Shorea Robusta, thuộc gia đình thực vật Dipterocarpaceae, là cây sinh sản ở vùng Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Miến Điện… Tên shala, shaal hay sal, đến từ tiếng Sanskrit (शाल, śāla, có nghĩa là “nhà”), chỉ ý cây Sala được dùng để dựng nhà.
Tàn cây Hoa Sala Ấn Độ
Tàn cây Hoa Sala Ấn Độ
Cây có thể cao đến 35 m, đường kính đến 2,5m. Lá dài khoảng 10cm đến 25cm, rộng khoảng 5cm đến 15cm.
Cây Sala Ấn Độ
Cây Sala Ấn Độ
Hạt (trái) Sala Ấn Độ gần giống hạt cà phê, dài khoảng 1cm đến 1,5cm, ngang khoảng 1cm. Hạt Sala chứa nhiều dầu; người ta lấy dầu Sala để nấu ăn, làm sà phòng, và dùng trong kỹ nghệ chế biến thực phẩm.
Lá Sala đã già
Lá Sala Ấn Độ đã già
Hạt Sala (còn vỏ ngoài)
Hạt Sala Ấn (còn vỏ ngoài)
Hạt Sala (sạch vỏ ngoài)
Hạt Sala Ấn (sạch vỏ ngoài)
Hoa Sala Ấn Độ màu trắng, và mau tàn, biểu hiệu cho cuộc đời phù du sớm nở tối tàn.
Hoa Sala
Hoa Sala Ấn
Ở Tích Lan ngày nay, để phân biệt cây Sala Ấn Độ và cây Sala Tích Lan, người ta gọi Sala Ấn Độ là Sala Nguyên Thủy (Original Sal Trees). Chính phủ Tích Lan có dự án ươm cây Sala Nguyên Thủy và tặng các chùa để trồng.
II. Hoa Sala Tích Lan
Theo Tỳ kheo Shravasti Dhammika ở Úc, Tích Lan (Ceylon, Sri Lanka) không có cây Sala Nguyên Thủy để Phật tử dùng vào việc thờ phụng. Cây Hoa Sala Tích Lan, tên tiếng Anh là Cannonball Tree, và người Việt gọi là cây Hoa Đầu Lân, là cây thuộc vùng nhiệt đới Nam Mỹ, ở các quốc gia bờ biển Brazil và Guyana. Khoảng thế kỷ 19 ai đưa cây này vào Tích Lan thì không biết; có thể là người Bồ Đào Nha vì Brazil và Tích Lan đều là thuộc địa của Bồ Đào Nha, hoặc có thể là người Anh vì nước Anh kiểm soát cả Guyana lẫn Tích Lan.
Hoa Sala Tích Lan - Hoa Đầu Lân
Hoa Sala Tích Lan – Hoa Đầu Lân
Và vì sao người Tích Lan lại gọi cây này là cây Sala thì cũng không ai biết. Nhưng ngày nay cây này được trồng ở rất nhiều chùa và đền thờ ở Tích Lan và có tên là Sala. Thông tin trên mạng Internet cũng cho thấy, khi nói đến Hoa Sala, đại đa số bài vở đều nói đến Hoa Sala Tích Lan.
Cây và trái Sala
Cây và trái Sala Tích Lan
Sala Tích Lan có tên khoa học là Couroupita guianensis, là một loại cây có trái. Cây có thể cao đến 45m, hoa nhìn như đầu lân nên người Việt gọi là Hoa Đầu Lân, người Anh gọi là Cannonball Tree vì các trái Sala tròn lớn như các viên đạn súng thần công ngày xưa.
Nụ hoa Sala
Nụ hoa Sala Tích Lan
Hoa Sala - Hoa Đầu Lân
Hoa Sala Tích Lan – Hoa Đầu Lân
Hoa có mùi rất thơm, có thể dùng để làm nước hoa. Hoa kết trái tròn, đến già thì vỏ khô cứng, nhưng thịt bên trong mềm. Người ta dùng trái này cho gia súc ăn. Trái sala có thể nhiều đến mức hầu như che kín cả thân cây.
Trái Sala gìa rụng
Trái Sala Tích Lan già rụng
Cây Sala Tích Lan (hoa, lá, dầu) có nhiều chức năng y học tại các nước Ấn Độ, Tích Lan…
Cùng với Hoa Vô Ưu, Hoa Đầu Lân được trồng nhiều trong khuôn viên chùa và đền thờ Ấn giáo ở Ấn Độ và các quốc gia lân cận.
Lá Sala
Lá Sala Tích Lan
Hoa và trái Sala
Hoa và trái Sala Tích Lan
Tỳ kheo Shravasti Dhammika viết: “Đương nhiên biết rằng cây cannonball [Sala Tích Lan] không phải là cây Sala [Nguyên Thủy] cũng không nên cản Phật tử không dâng cúng trong chùa. Sự thật là, màu sắc, hình dáng, và hương thơm đẹp của hoa này làm nó xứng đáng được dâng tặng ‘người thầy của thần thánh và con người, vị Phật Toàn Giác'”.
Hy vọng loạt bài này sẽ giúp các bạn nắm được 3 loài hoa thánh quen thuộc trong văn hóa Phật giáo: Hoa Ưu Đàm (Hoa Linh Thoại), Hoa Vô Ưu (Hoa Không Buồn), và 2 loài Hoa Sala (Ấn Độ và Tích Lan).
Chúc các bạn luôn an lạc.
Mến,
Trần Đình Hoành

No comments: