Thursday, November 24, 2016

AI KHÔNG NÊN ĂN RAU MUỐNG?

Tối nay đến nhà ba tôi ăn chả cá Lã Vọng, về nhà lên FB mà không có một ý tưởng nào để post bài cho các bạn đọc. Tình cờ đọc qua post của một bạn FB, nhìn những thấm hình của bạn ấy về hoa chiều tím tự nhiên tôi nhớ đến những loại hoa "Rau Muống" trắng, tim tím nhất là màu tím của rau muống biển đâu thua gì màu tím hoa sim.


Hồi còn nhỏ có bài hát không biết có mang tính kỳ thị hay không ?
 
"Rau muống Bắc Ninh đem vô Biên Hòa
Rau muống Thanh Nghệ đem vào Cà Mau
Cà Mau không ăn rau muống đâu
Chỉ ăn cá lóc chặt đầu kho tiêu..."
 
Có lẽ người miền Nam ít ăn rau muống. Có ăn là rau muống Tàu, rau muống nước. Còn rau muống hoang dưới mương thì vớt cho heo ăn và sau này thì làm dưa trong những tiệm bán cơm tấm. Miền Bắc có lẽ rau muống là món rau chính. Luộc rau lên vớt ra là món rau, nặn tí chanh vào nước luộc là món canh. Đại loại là thế, có ngưới nói ăn rau muống tốt vì nhiều chất sắt, có người nói ăn rau muống phải rửa thật sạch vì ký sinh trùng có thể sống trong ruột cọng rau.



Người Tàu cũng ăn rau muống, họ gọi rau muống là Ung Thái (蕹菜) hay Không Tâm Thái (空心菜), có người còn gọi là Trừu Cân Thái (抽筋菜) vì họ nói ăn rau muống nhiều sẽ bị rút gân (chuột rút).

Việt Nam ta cũng có nghiên cứu về món ăn dân dã này nè. (LKH)


AI KHÔNG NÊN ĂN RAU MUỐNG?

Rau muống là loại thực phẩm phổ biến trong mùa hè và được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, loại rau này lại tiềm ẩn những nguy cơ có hại cho sức khoẻ và một số người không nên ăn.


Rau muống rất bổ dưỡng bởi thành phần chứa nhiều vitamin và khoáng chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C. Nguồn sắt dồi dào trong rau muống là nguồn thực phẩm xanh hữu hiệu cho sức khỏe cũng những người mắc bệnh thiếu máu và phụ nữ mang thai.
 
Rau muống còn có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, hiệu quả với người bị táo bón.
 
Người bị say nắng có thể dùng nước ép rau muống với một chút muối hoặc chanh để cơ thể nhanh chóng được tiêu khát, dễ chịu.
 
Trong rau muống có chứa một số chất đạm quý mà nhiều loại rau khác không có như lysin, tryptophan, threonin, valin, leucin… Đây là những axit amin cần thiết cho cơ thể, tốt cho những người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm. Nó cũng giúp mọi người phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.


Lưu ý gì khi ăn rau muống
 
Những sản phẩm như sữa bò, sữa chua, pho mát đều giàu hàm lượng canxi, còn rau muống lại chứa một số thành phần hóa học có thể làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ can xi, do vậy khi ăn cùng lúc những loại thực phẩm này sẽ không mang lại giá trị dinh dưỡng cao nhất cho cơ thể.
 
Rau muống là loại rau được nhiều người ưa thích vì dễ ăn, dễ chế biến thành nhiều món, có vị ngọt, tính mát, giải độc, sinh da thịt, nhuận tràng, lợi tiểu. Tuy nhiên, rau muốn lại lại là món đặc biệt cần “kiêng kỵ” đối với những ai đang bị vết thương trên da bởi chúng kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi trên da.


Ai không nên ăn
 
Theo kinh nghiệm dân gian, những người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong) và các viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, huyết áp cao không nên ăn rau muống; hoặc khi đang điều trị bệnh nội khoa, ngoại khoa nào đó cũng không nên dùng. Ngược lại, với bệnh nhân loãng xương đơn thuần, huyết áp thấp 90/60 mmHg, ăn rau muống vẫn tốt do hàm lượng can xi cao.
 
Theo kinh nghiệm dân gian, những người bị viêm đau nhức khớp, bệnh gout hay bị viêm đường tiết niệu thận do sỏi và huyết áp cao thì không nên ăn rau muống. Bởi vậy, nếu gia đình bạn có người bị các bệnh này thì cũng nên hạn chế.


Theo Cục bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rau muống là loại rau dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, chứa rất nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu…Việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mãn tính, giãn thể miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh .
 
Nguy hiểm từ rau muống
 
Một loại kí sinh trùng sán lá ruột lớn có tên Fasciolopsis buski phổ biến trên rau muống có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn rau sống hoặc nấu chưa chín kĩ. Kí sinh trùng này có thể neo mình vào thành ruột và gây ra các chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng. Nếu không được giải quyết kịp thời, các triệu chứng nhẹ có thể gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong


Để đảm bảo cho sức khỏe, cũng như duy trì món rau nhiều lợi ích trong các bữa cơm gia đình, chúng ta cần đảm bảo vệ sinh bằng cách rửa sạch từng ngọn, ngâm nước muối loãng hoặc tốt nhất là rửa sạch sau đó để ráo nước cho vào túi bảo quản trong tủ lạnh vài ngày thì ăn, như vậy nếu có lượng thuốc sẽ bị phân hủy bớt.
 
Thoa Nguyễn

No comments: