Wednesday, December 28, 2016

DỪA SÁP CẦU KÈ

Tối nay xem được một clip giới thiệu về một món đặc sản của miền quê ngoại:


Không biết vì sau nhiều năm gần đây mới rộ lên món "dừa sáp" trong khi với riêng tôi, tôi đã biết và ăn qua món dừa này mấy chục năm trước rồi. Biết sao không vì gia đình ngoại tôi ở Bến Cát thuộc quận Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Hồi nhỏ tôi có về quê ngoại vài lần nhưng sau này thì gia đình ngoại đã dọn lên Cần Thơ đã lâu vì để tránh chiến tranh.

Ở Cần Thơ, gia đình ngoại có mua căn nhà phía trong xóm Cả Đài, nhà có một miếng đất khá rộng phía sau, có một ao nuôi cá và một số cây ăn trái và trong số đó có một cây dừa mà ngoại gọi là dừa đặc ruột đem từ Cầu Kè về trồng. Cây không cao như dừa thường và cho rất it trái. Lâu lâu ngoại mới cho tụi tôi 1-2 trái để ăn. Bây giờ nó đã là một đặc sản. Tôi có post 1 clip video giới thiệu về nó ở bên dưới.


DỪA SÁP:

Những năm trở lại đây, du khách có dịp đến Trà Vinh thường được nghe giới thiệu về một sản phẩm rất độc đáo, một sản phẩm nghe quen nhưng cũng rất lạ có xuất xứ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, đã trở thành niềm tự hào của người Trà Vinh bởi không đâu trên đất nước Việt Nam có loại sản phẩm độc đáo này: Dừa sáp.

Dừa sáp hay còn gọi dừa kem có tên khoa học là Makapuno, một loại dừa tuy về hình thức không có gì khác biệt so với những trái dừa khác nhưng bên trong cơm rất dày và mềm dẻo như bột quánh lại, có khi choán gần hết phần không gian bên trong gáo Dừa. Nước cũng rất ít, sền sệt và trong như sương sa. Cái tên “Dừa sáp” quả đã diễn tả khá sinh động đặc điểm của cơm dừa bên trong.




Các loại trái dừa nói chung thông thường trải qua vài giai đoạn như: Khi dừa còn non, cơm mềm dẻo, nước ngọt, khi dừa già thì cơm dừa cứng lại, nước nhạt dần và có thể lên men. Riêng dừa sáp thì sau khi trải qua giai đoạn còn non với cơm dừa và nước dừa, sẽ tiếp tục phát triển dày dần phần cơm dừa lên lấp gần đầy khoảng trống của gáo dừa, chỉ để lại một không gian nhỏ chính giữa với chất lỏng sệt, có mùi thơm đặc trưng. Cơm dừa dạng xốp, mềm và dẻo chứ không còn cứng như cơm dừa của các quả dừa khác. Nên khi bổ trái dừa sáp ra ta thấy rất lạ mắt. Dừa sáp có độ tinh dầu và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn dừa thường với hương vị đặc trưng.



Sở dĩ dừa sáp quý hiếm là vì rất kén đất và khó trồng. Cùng là loại dừa sáp nhưng có trái cho sáp, có trái không. Thông thường một buồng dừa 12 trái, chỉ có khoảng 3-4 trái dừa sáp (tỉ lệ khoảng 20-40%), thậm chí có khi không có trái nào.




Quan sát bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa trái Dừa thường với trái Dừa sáp vì hình thức bên ngoài giữa hai loại dừa này rất giống nhau, chỉ những bác nông dân có kinh nghiệm lâu năm trồng dừa mới có thể phân biệt được. Căn cứ vào hình dạng và màu sắc của trái, người ta đã phân Dừa sáp Cầu Kè thành năm loại: Dừa sáp tròn, Dừa sáp dài, Dừa sáp có cạnh, Dừa sáp vỏ xanh, Dừa sáp vỏ vàng. Thực tế tùy vào mỗi loại mà có độ cơm Dừa dày, mỏng khác nhau. Một cách đơn giản để phân biệt trái Dừa thường và Dừa sáp, nhưng người ta phải lột vỏ - nếu Dừa thường khi gõ vào nghe tiếng "tưng tưng" thì Dừa sáp khi gõ vào lại nghe âm "cọc cọc"...



Về cách ăn dừa sáp, hiện có nhiều kiểu cách khác nhau. Trước hết dùng muỗng nạo hết cái dừa (sáp) cho vào đĩa, thêm đường, sữa đặc và đá bào hoặc cho vào tủ lạnh trước khi ăn.

Cách thưởng thức món này cũng giống như bơ, đu đủ ướp lạnh nhưng mùi vị đặc trưng hơn. Hương dừa hòa quyện với mùi sữa sẽ tạo thành một cảm giác ngây ngất, béo, mát lạnh và tươi ngon, không lẫn vào đâu được với bất cứ loại trái cây nào.



Nếu muốn hấp dẫn hơn, có thể cho tất cả hỗn hợp dừa – đường – sữa vào máy xay sinh tố sẽ có một món giải khát tuyệt vời trong mùa nóng. Bạn cũng có thể cho dừa sáp, đường, sữa cùng với các loại trái cây khác, bạn sẽ có món trái cây dầm dừa sáp rất tuyệt.

Theo Fruit Vietnam

(Sưu tầm trên mạng)


No comments: