Saturday, December 17, 2016

LỜI CẢM ƠN CÒN NỢ

Thời kỳ Bắc thuộc, Sĩ Tiếp (chữ Hán: "士燮" hoặc "士爕"; 137 - 226), nhiều sách phiên âm là Sĩ Nhiếp, là một viên Thái thú cai trị quận Giao Chỉ từ năm 187 đến năm 226, tương ứng cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông được coi là một vị quan cai trị có tâm và có tài được giới Nho học Việt Nam suy tôn là “Nam Giao Học Tổ” (南交學祖). Sĩ Tiếp còn được đánh giá cao bởi có công trong việc duy trì tình trạng hòa bình yên ổn ở Giao Châu trong suốt giai đoạn nội chiến thời Tam Quốc. Công lao của Sỹ Tiếp vẫn được các triều đại tôn trọng và bảo vệ, vì vậy ngày nay đến thôn Tam Á nơi có Đền thờ và ngôi mộ Sĩ Tiếp trải qua gần 2000 năm vẫn nằm yên giữa vùng đất kinh đô Luy Lâu một thời vàng son.


Thời kỳ Pháp thuộc, Alexandre Émile Jean Yersin (22 tháng 9 năm 1863 tại Aubonne, Tổng Vaud, Thụy Sĩ - 1 tháng 3, 1943 tại Nha Trang, Việt Nam) là bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông là người khám phá Cao nguyên Lâm Viên và vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội).
Yersin đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, sau này được đặt theo tên ông: Yersinia pestis.
Trong thời gian diễn ra Đệ nhị thế chiến, ngày 1 tháng 3 năm 1943, Yersin từ trần tại nhà riêng ở Nha Trang, ông để lại di chúc, "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn." Dù vậy, rất đông người tìm đến để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người dân Xóm Cồn và Nha Trang than khóc và để tang cho ông. Đoàn người đưa tang dài đến hơn ba cây số.


Ở phần trên tôi kể vắn tắt về 2 người được dân Việt Nam tôn sùng, thờ phượng cho những công lao của họ đã giúp cho ngườn dân Việt Nam. Tôi không muốn viết gì thêm để các bạn tự suy nghĩ và đánh giá bởi vì hôm nay tôi đọc được một bài rất đáng suy nghĩ của Tuấn Khanh mà tôi share lại dưới đây. (LKH)

LỜI CẢM ƠN CÒN NỢ

Nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bao quanh là rừng cây với những bông hoa trắng rung nhè nhẹ như bài hát không lời ru giấc muôn đời, mộ phần của bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) nằm cách không xa Hòn Bà, nơi làm việc của ông từ 1903.
Kể từ 1858, khi người Pháp đặt bước chân đầu tiên vào Việt Nam, lịch sử của người Việt đã có thêm một giai đoạn khác thường: giai đoạn thực dân với muôn vàn chuyện kể đau thương cũng như mới mẻ. Và trong tất cả những câu chuyện về sự có mặt của người Pháp thực dân ấy, có lẽ câu chuyện về bác sĩ Yersin là phần đầy những cảm hứng mà bất cứ người Việt Nam nào khi kể lại, cũng đều mang một tâm trạng khó tả.


Chuyện kể về người bác sĩ vĩ đại đó, đã làm dịu lại sự tức giận của một dân tộc tổn thương vì bị xâm chiếm trong các trang sách sử. Dù là nhà thám hiểm, nhà khoa học của cả Đông Dương, cuối cùng ông Yersin đã chọn Việt Nam, con người Việt Nam làm nơi cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng. Giúp cho dân bản xứ chữa các loại bệnh nhiệt đới, ông còn là người giúp xây dựng các phương thức canh nông và sinh hoạt tiên tiến. Dân chúng kính ngưỡng ông như là một vị Bồ tát, xây cả miếu thờ theo kiểu phương Đông, bất chấp họ nhìn thấy ông mỗi ngày cầu nguyện theo tín ngưỡng Tin Lành.
Sách xưa ghi lại năm 1890, ông Yersin tìm cách thám hiểm mở đường bộ từ thượng nguồn sông Đồng Nai về Sài Gòn cho người An Nam. Người dẫn đường cho ông khi đến Di Linh đã bỏ cuộc vì thấy quá nguy hiểm, nhưng ông Yersin vẫn lập kế hoạch đi tiếp. Có điều gì đó như một sứ mạng bí ẩn khiến người bác sĩ tài năng này từ bỏ rất nhiều cơ hội, tiền tài, danh vọng... để dành tình yêu cho người Việt. Ngay cả khi ông mất, ước nguyện của ông là được chôn úp mặt vào đất, như muốn ôm giữ cả nơi chốn đó.
Hóa ra, ký ức và di sản để lại của những người trong giai đoạn thực dân không nhỏ. Nó không chỉ có mỗi chuyện chiến tranh, cưỡng đoạt... mà còn là một phần của sức sống Việt Nam, là một phần trang ghi chép vô giá cho đời sau.


Không chỉ có Alexandre Yersin, mà Huế - Sài Gòn - Hà Nội... bất kỳ nơi đâu khi chế độ thực dân đến và lấy đi, họ vẫn để lại những điều đáng nhớ. Tòa Bưu điện Sài Gòn, Vương Cung Thánh đường hay Thảo Cầm Viên... cuộc sống được dựng lên chậm rãi và ân cần cho con người chứ không phải hoàn toàn phục vụ riêng cho một chế độ. Tháng 4.1861, khi đến Sài Gòn, đô đốc người Pháp Charmar đã lên kế hoạch xây dựng một thành phố tương lai phát triển của nửa triệu người, dù lúc đó, dân cư ở vùng đất này chỉ khoảng 70.000.
Thật đáng ngạc nhiên khi những người thực dân ấy, đến một vùng đất xa lạ và cộng sinh cùng một dân tộc xa lạ, họ vẫn nhìn về phía tương lai, xây dựng và tổ chức cho mai sau - dù có thể họ không còn cơ hội được nhìn thấy. Quả là khác với không ít quan chức hôm nay, vẫn hành động như nước Việt - dân Việt chỉ tồn tại trong nhiệm kỳ của họ. Loại suy nghĩ rất ngắn và nông cạn mà chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phải thở dài, thốt lên tên gọi bí ẩn, có tên “tư duy nhiệm kỳ”, trước Quốc hội.


Dù nhìn xa, nhưng có lẽ Thống sứ Paul Bert không thể ngờ rằng trăm năm sau, vườn Jardin de la Ville, hay thường dân còn gọi là vườn Préau lại trở thành lá phổi của Sài Gòn, và là mảng xanh kỳ diệu ngay trung tâm đô thị. Và chắc ông cũng không nhìn đủ xa rằng chính người bản xứ lại tự mình hủy diệt điều quý báu đó, đổi lại bằng một trạm xe và một bãi giữ xe ngầm.
Mới đây, ngôi biệt thự cổ trên trăm tuổi 2.900m2 nằm trên đường Võ Văn Tần, quận 3 vừa được bán đi với giá 35 triệu USD. Nghe cái giá mà nhiều người giật mình. Bởi giá tiền đôi khi là phương pháp hữu hiệu cuối cùng để có thể thức tỉnh được nhiều người về ý nghĩa của thời gian và lịch sử, dù mỉa mai biết mấy.
Rất nhiều thứ ở thành phố được phá bỏ, bán đi... không phải chỉ vì tiền, mà vì sự kiêu ngạo hoặc tàn bạo. Hoàng đế nhà Tần đốt hàng trăm loại triết học và lý luận, hủy diệt những mầm mống văn hóa tự do của Trung Hoa không vì điều gì cả, ngoài sự kiêu ngạo và hung ác. Dù được biện luận che chở, vẫn có không ít người tự hỏi sự hủy diệt đó dùng để làm gì trên đất nước mình. Giống như nhiều người dân thành phố vẫn chưa hiểu được hết vì sao phải hạ hết những hàng cây cao xanh đã sống qua thế kỷ, rồi thay bằng một quảng trường nắng chát, cũng như ngập lụt vì không có chỗ thoát nước chỉ qua một trận mưa.


Nếu không có ý kiến của các đại sứ quán, đặc biệt là đại sứ quán Phần Lan, có lẽ giờ đây thương xá Tax đã là đống gạch vụn. Giữa những ồn ào hoảng kinh của dân chúng kêu la vì thấy di sản của Sài Gòn đang chuẩn bị vào nhà máy nghiền mà dường như chẳng ai buồn đoái hoài, mãi đến khi đám đông ngoại quốc lên tiếng, đặc biệt là những quốc gia từng là thực dân một thời, thì di sản lịch sử 130 năm tuổi của Việt Nam mới được giữ lại.
Khi những di sản thực dân đáng yêu đó mỗi ngày càng co cụm, càng ít đi, chúng ta vẫn còn nợ một lời cám ơn với những con người thực dân ân cần đó. Họ để lại cho người Việt bài học về cái đẹp và sự chu toàn nhưng phai tàn bởi những đổi thay kiêu ngạo và không biết tiếc nuối.
Một đất nước không biết tiếc nuối, liệu có còn đủ sức mơ tới tương lai ?
Tuấn Khanh
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: