Wednesday, December 21, 2016

TỨ XUYÊN ( 四川)

Nếu nói về ẩm thực có vi cay, mấy hôm trước tôi có nói về đồ ăn Thái Lan nhưng nếu so sánh với thức ăn của Tứ Xuyên thì có lẽ cũng còn thua xa. Có một món tàu hủ xào rất cay của TQ được gọi là Ma Bà Đậu Hủ (麻婆豆腐) nhưng vẫn chưa chút nào bằng món lẩu Tứ Xuyên. Một món mà khi bưng ra chỉ thấy dầu nổi dầy trên mặt với màu đỏ của ớt và xuyên tiêu, phải nói nó không chỉ cay mà làm tê hết cái lưỡi của bạn. Ở Úc cũng có vài nhà hàng Tứ Xuyên nhưng ăn một lần cho biết chứ tôi không muốn vào ăn lần nữa.


Bây giờ mình tìm hiểu xem Tứ Xuyên ở đâu do Wikipedia giới thiệu:

"Tứ Xuyên (四川) là một tỉnh nằm ở tây nam của Trung Hoa. Tỉnh lỵ của Tứ Xuyên là Thành Đô, một trung tâm kinh tế trọng yếu của miền Tây Trung Quốc. Giản xưng của Tứ Xuyên là Thục (蜀), do thời Tiên Tần, trên đất Tứ Xuyên có hai nước chư hầu là Thục và Ba, nên Tứ Xuyên còn có biệt danh là Ba Thục (巴蜀).

Tỉnh Tứ Xuyên có một lịch sử lâu dài, cảnh quan đẹp, sản vật phong phú, từ xưa đã được gọi là Thiên phủ chi quốc (天府之国; quốc gia của trời đất thiên phủ). Phía tây Tứ Xuyên là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số như người Tạng, người Di và người Khương."

Hôm nay tôi đọc trên mạng IHay có một bài giới thiệu về đặc sản Tứ Xuyên như sau. (LKH)


Lẩu Tứ Xuyên, gấu trúc và thuật đổi mặt

Người Trung Quốc có câu "sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu" chứ không nhắc gì đến Thành Đô cả. Nhưng thành phố này cũng được xếp vào hàng thiên đường ẩm thực ở đất nước tỉ dân, với vô vàn món ăn nổi tiếng, đặc biệt là đậu hũ Ma Bà (bà già mặt rỗ) và lẩu Tứ Xuyên.

Chân dung" nồi lẩu Tứ Xuyên khổng lồ - Ảnh: Trần Ka

Lẩu Tứ Xuyên có ngon không?

Như tôi đã nhắc qua ở bài trước, đến giờ bản thân cũng khó phân định được món lẩu siêu cay nổi tiếng thế giới này có ngon hay không. Tôi ăn lẩu Tứ Xuyên chánh gốc sau chuyến tham quan Đô Giang Yển và núi Thanh Thành. Nồi lẩu được ngăn làm hai phần riêng biệt để chứa nước dùng khác nhau: một loại nước dùng đỏ ngập màu ớt và mỡ màng, loại kia ở giữa nồi thì "thanh tao" hơn, nhưng cả hai đều mang vị cay tê tê say say kỳ lạ của hạt hoa tiêu (hay còn gọi là xuyên tiêu). 

Nếu vị cay của ớt trong nồi lẩu chua cay ở Sài Gòn có hậu thấm thía "sâu lắng" rất đã miệng thì hương cay trong nước lẩu Tứ Xuyên lại cứ lơ lửng như mối tình tay ba, đến nỗi khó đoán định được nó đang thấm vào đâu trong vòm miệng. Có thể lẩu Tứ Xuyên ngon nhưng chính cái tinh dầu "ảo diệu" từ hạt hoa tiêu tiết ra đã loang phủ khắp đầu lưỡi, làm tê dại mọi cảm độ của vị giác chăng? Tôi gác đũa ngay sau khi xì xụp chén lẩu Tứ Xuyên đầu tiên trong đời mình. Cũng có thể do tôi khó tính và ăn cay kém. Mà này, nếu bạn không ăn được lẩu cay giống tôi thì còn rất rất nhiều món ngon khác ở đây để lựa chọn, như trong clip bên dưới.

Cùng "thưởng ngoạn" một vòng đặc sản ở Tứ Xuyên - Clip: Trần Ka 

Tôi đành ngồi uống ly hồng trà nóng ấm cầm hơi và bất giác nhớ về cảnh tượng tương tự trong lần thưởng thức món thịt kho Tô Đông Pha và gà ăn mày cũng vô cùng nổi tiếng, hồi đi Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) cách đây vài năm.

Nhưng mà thôi, ăn uống ngon dở cũng tùy khẩu vị. Hãy tạm đậy nắp nồi lẩu lại và tiếp tục lên đường khám phá những địa danh khác ở Tứ Xuyên nào.

Đi coi gấu trúc ở Thành Đô

Điểm đến tiếp theo của tôi là cơ sở nghiên cứu và gây giống gấu trúc Thành Đô nằm ngay trên đại lộ mang tên chính loài động vật quý hiếm này, cách trung tâm Thành Đô khoảng 10km, mở cửa từ 7 giờ 30 sáng đến 18 giờ chiều mỗi ngày.

Mua vé với giá 58 NDT/người để vào cơ sở này, bạn sẽ được tản bộ trên những con đường uốn lượn quanh co được che mát dễ chịu dưới rừng cây um tùm xanh tốt và những vườn trúc hoang dã đẹp mắt như trong Thập diện mai phục, không khí khó có nơi nào trong lành hơn. Ở đây, người ta khéo xây những hang đá nhân tạo lẩn khuất dưới những tán cây lớn để làm "nhà" cho gấu trúc.

Chú gấu ngồi ăn trúc ngon lành - Ảnh: Minh Giao 

Loài này phân bố đều ở 6 dãy núi lớn tại các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc, với tổng số chưa tới 2.000 con, nên được xếp vào loài nguy cấp cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Cơ sở trên được thành lập tháng 3.1987 nhằm mục đích bảo hộ và phát triển số lượng quần thể gấu trúc ở Tứ Xuyên, địa phương tập trung đến 80% số lượng gấu trúc toàn Trung Quốc.

Bạn sẽ phì cười lúc nào không hay khi nhìn chú gấu béo ục ịch ngồi cầm nhánh trúc đưa lên hàm tước sạch vỏ rồi nhai rôm rốp, ngon lành như nhai... mía. Tự thân loài gấu có bộ lông hai màu đen trắng toát lên một vẻ đẹp an bình khó lý giải. Cô hướng dẫn viên của cơ sở gấu trúc Thành Đô cho biết, loài động vật này dành phần lớn thời gian trong ngày để ăn và ngủ, còn hoạt động khác rất ít. Nhìn vẻ biểu cảm vô tư của những chú gấu đang ngồi ăn, chợt nghĩ cả đời người phấn đấu chỉ để đạt đến cuộc sống thư thái an nhàn, không sân hận ưu phiền hay đối nghịch như thế, mà mấy ai làm được.




Gấu trúc rất nhạy cảm với tiếng ồn, nên khi vào đây tham quan, bạn đừng làm chúng khó chịu và không nên có bất kỳ hành động nào can thiệp vào sinh hoạt tự nhiên của chúng. Thi thoảng bạn cũng sẽ có cơ hội nhìn thấy loài gấu trúc đỏ (hay còn gọi là cáo lửa) vô cùng quý hiếm. Hãy tranh thủ chụp ảnh nhưng đừng bật flash, vì có thể làm chúng hoảng sợ.

Gấu trúc được Trung Quốc coi là "quốc bảo" và biểu tượng của hòa bình hữu nghị. Thậm chí, người ta từng nhắc đến khái niệm "ngoại giao gấu trúc" vào những năm 1970. Khi ấy, lãnh đạo các nước đến thăm Trung Quốc trở về sẽ cảm thấy hơi phật ý nếu như không được tặng một chú gấu trúc để làm quà. Bởi vậy, khi đến Thành Đô du lịch, bạn cũng đừng quên mua một chú gấu trúc.... nhồi bông làm kỷ niệm.

Sau khi thăm cơ sở gấu trúc, điểm đến tiếp theo của tôi là đền Vũ Hầu (thờ Gia Cát Lượng) và Đỗ Phủ thảo đường ở ngay Thành Đô. Tuy nhiên, hai điểm tham quan này không gây ấn tượng với tôi bằng chuyến xem tuyệt kỹ "đổi mặt" trong show Xuyên kịch vốn gây được tiếng vang từ lâu với du khách nước ngoài.



Ở đền thờ Gia Cát Lượng - Ảnh: Trần Ka 

Cái nôi của thuật "đổi mặt"

Tứ Xuyên là cái nôi của thuật biến liễm 變臉
 (hay còn gọi là biến kiểm, tức đổi mặt trong tích tắc). Thuật đổi mặt từ xa xưa là cách hóa trang của dân gian trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thú dữ, tương truyền có từ thời Minh. Theo thời gian, thuật đổi mặt trở thành tuyệt kỹ bí truyền trên vũ đài kịch nghệ của Trung Quốc.

Tuyệt kỹ này là tiết mục đặc sắc và đáng xem nhất trong loại hình nghệ thuật Xuyên kịch, được Bộ Văn hóa Trung Quốc xếp vào hàng bí mật cấp 2 Quốc gia để bảo hộ tính độc nhất.

Nghệ sĩ Xuyên kịch đang biểu diễn đổi mặt ở hàng ghế khán giả - Ảnh: Minh Giao 
Gần đây, những nhà quản lý văn hóa nước này đứng ngồi không yên khi tuyệt kỹ đổi mặt kèm dụng cụ gắn mác bí truyền được "rao bán" trên mạng với giá bèo bọt.

Nhưng có lẽ tốt nhất là bạn cứ đường hoàng bỏ tiền đến sân khấu Xuyên kịch để coi những nghệ sĩ "giậm chân đổi mặt, hất tay biến liễm" cho lành, chứ học theo hay săm soi bí quyết thì có ích gì đâu!

Hôm ấy, tôi thấy những khán giả từ người Trung Quốc đến ngoại quốc liên tục vỗ tay tán thưởng sau các màn biểu diễn hài hước trên một sân khấu được trang trí công phu, có kèm cả bảng phụ đề tiếng Hàn, Nhật và tiếng Anh. Cuối chương trình, các nghệ sĩ có vẻ như kỳ cựu nhất còn xuống tận hàng ghế khán giả để biểu diễn tuyệt chiêu biến liễm ngay trước mặt khách xem kịch, tạo thành tiết mục cao trào gây ấn tượng mạnh cho tất cả.




Có vẻ như quá ấn tượng với chính khoảnh khắc cao trào ấy mà tối đó tôi mơ thấy một cảnh tượng kỳ lạ. Tôi thấy nghệ sĩ Xuyên kịch đứng biểu diễn ngay trước mặt mình. Sau 5 lần hất tay giậm chân, vị nghệ sĩ cao lớn ấy biến đổi thành 5 khuôn mặt khác nhau trong tích tắc, nhưng lần thứ 6 lại hóa thành khuôn mặt một chú... gấu trúc. Tôi tự hỏi mình trong mơ: gấu trúc sao đổi mặt được?

Giật mình tỉnh giấc trên chiếc giường êm ái trong căn phòng view đẹp ở tầng cao của khách sạn Shangri-la, tôi bước tới gần cửa kính ngắm nhìn cây cầu An Thuận vẫn đang lung linh với ánh đèn vàng ấm áp bên dòng Cẩm Giang tận tụy trôi lúc nửa đêm....

Tứ Xuyên, hẹn ngày trở lại!

Trần Ka


No comments: