Saturday, March 11, 2017

LỆ GIANG CỔ THÀNH

Vân Nam (雲南) là một tỉnh ở phía tây nam của Trung Quốc, giáp biên giới với Việt Nam (các tỉnh Việt Nam tiếp giáp gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang; các đơn vị hành chính của Vân Nam tiếp giáp với Việt Nam gồm châu Hồng Hà, Văn Sơn, địa cấp thị Phổ Nhị; cửa khẩu chính qua biên giới theo đường bộ và đường sắt là tại Hà Khẩu (河口) - Lào Cai). Thủ phủ của tỉnh này là thành phố Côn Minh (昆明). Vân Nam là nơi bắt nguồn của sông Hồng và sông Đà, sông Mê Kông cũng chảy qua Việt Nam.


Vân Nam nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên đẹp, trong đó những nơi mà nếu chúng ta đến Vân Nam phải đi tham quan là Côn Minh (昆明), Lệ Giang (麗江), Shangri-la (香格里拉县), Đại Lý (大理),...

Hôm nay tôi giới thiệu với các bạn về Lệ Giang cổ thành. (LKH)

LỆ GIANG CỔ THÀNH
麗江古城


Đô thị cổ Lệ Giang thường được biết đến dưới tên gọi Đại Nghiên cổ trấn (大研古镇). Đây là một thành phố cổ tuyệt đẹp cả về phong cảnh và lịch sử, nơi sinh sống của các dân tộc Bạch (白族), Nạp Tây (纳西族) và Tạng (藏族). Thành cổ này nằm trên độ cao 2.400 m, trên cao nguyên Vân Quý, cách Côn Minh hơn 500 km và có diện tích 3,8 km².


Nó không có tường thành, với trung tâm là phố Bốn Phương. Nó nổi tiếng về hệ thống đường thủy và cầu cống, nên còn được gọi là "Venezia của phương Đông". Lệ Giang có 354 chiếc cầu (bình quân cứ 1 km² có 93 cầu) bắc trên hệ thống sông Ngọc Hà trong nội thành. Những cây cầu được nhắc đến nhiều: Đại Thạch, Nam Môn, Mã Yên, Nhân Thọ, được xây vào đời Minh và Thanh.

Hiện nay Lệ Giang có khoảng 30.000 dân với hơn 6200 hộ, chủ yếu là người Nạp Tây (hay Na-xi). 30% người dân vẫn làm nghề thủ công (đức đồng, chạm bạc, thuộc da và lông thú, dệt).


Đô thị cổ Lệ Giang có lịch sử lâu đời hơn 800 năm. Lệ Giang được xây vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên. Trước cửa các ngôi nhà người ta đều trồng dương liễu và có suối nước chảy qua.
Phủ họ Mộc vốn là nơi ở của thủ lĩnh thế tập Lệ Giang, được xây vào thời nhà Nguyên. Dinh thự họ Mộc rộng 46 mẫu, trong dinh thự có 162 gian nhà lớn nhỏ. Trong dinh thự treo 11 tấm biển do các đời vua ban tặng, phản ánh lịch sử hưng thịnh của gia tộc họ Mộc. Sau khi được đại tu vào năm 1998, phủ họ Mộc trở thành Viện bảo tàng của đô thị cổ.


Tương truyền về lý do thành cổ Lệ Giang không có tường thành như sau: Thủ lĩnh họ Mộc cho rằng nếu xây thành có nghĩa là tự giam mình vì chữ mộc (木) nếu đóng khung xung quanh sẽ thành chữ khốn (困), nghĩa là bị vây hãm, trói buộc, nên đã không xây thành xung quanh để bảo vệ.


Các phố xá trong thành cổ Lệ Giang đều giáp núi gần sông, dải đá màu đỏ, mùa mưa không ̣ lầy lội, mùa khô không bụi bặm, những hoa văn trên mặt đá nền đường trông tự nhiên và thanh nhã, rất hài hòa với môi trường của cả thành cổ này. Phố Tứ phương ở trung tâm thành cổ là phố cổ tiêu biểu của thành cổ Lệ Giang.
Ngôi lầu Ngũ Phượng của chùa Phúc Quốc được xây dựng vào năm thứ 29 Vạn Lịch đời nhà Minh năm 1601, lầu này cao 20 mét. Do hình dáng bên ngoài của nó trông như năm con phượng hoàng từ xa bay đến, cho nên được gọi là “lầu Ngũ Phượng”, trên trần nhà trong lầu vẽ nhiều đồ án tinh sảo đẹp mắt. Lầu Ngũ Phượng đã tập hợp phong cách kiến trúc của các dân tộc Hán, Tạng và Na-xi, là của cải quý hiếm, tiêu biểu điển hình trong kiến trúc cổ đại Trung Quốc.


Cụm kiến trúc cư dân Bạch Sa cách thành cổ Lệ Giang 8 Km về phía Bắc, nơi đây là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của khu vực Lệ Giang thời nhà Tống đến thời nhà Nguyên (thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 14). Cụm kiến trúc này phân bố trên trục chính của tuyến từ nam đến bắc, trung tâm là quảng trường hình thang, một dòng suối từ phía bắc chảy qua quảng trường, bốn đường phố từ quảng trường tỏa ra bốn phương, mang đậm phong cách của địa phương. Sự hình thành và phát triển của cụm kiến trúc cư dân Bạch Sa đã đặt nền tảng cho bố cục của thành cổ Lệ Giang.


Cụm kiến trúc nhà ở tại Thúc Hà cách thành cổ Lệ Giang bốn Km về phía tây bắc, thị trấn nhỏ bên cạnh thành cổ, những ngôi nhà của cụm kiến trúc này cao thấp khác nhau, bố cục của nó giống phố Tứ Phương. Dòng sông Thanh Long chảy xuyên qua giữa cụm kiến trúc này, cầu Thanh Long xây vào thời nhà Nguyên (1368 –1644 công nguyên) bắc qua sông, cầu Thanh Long là cây cầu lớn nhất trong địa phận Lệ Giang.


Thành cổ Lệ Giang có lịch sử lâu đời, chất phác tự nhiên. Bố cục của thành cổ này nhấp nhô ngay ngắn, vừa mang bộ mặt của thành phố núi, lại có dáng dấp của thị trấn nhiều hồ ao. Cư dân Lệ Giang hoà nhập tinh hoa của các dân tộc Hán, Bạch, Di, Tạng, lại mang phong cách độc đáo của dân tộc Na-xi, là di sản quan trọng và hiếm hoi để nghiên cứu lịch sử kiến trúc và lịch sử văn hóa của Trung Quốc. Thành cổ Lệ Giang bao dung nền văn hóa truyền thống dân tộc phong phú, tập chung thể hiện sự hưng thịnh và phát triển của dân tộc Na-xi, là tài liệu lịch sử quan trọng để nghiên cứu sự phát triển của văn hóa loài người.


Một phần ba thành phố cổ đã bị phá hủy bởi một trận động đất vào tháng 2 năm 1996.
Đô thị cổ Lệ Giang (bao gồm cả Đại Nghiên, Thúc Hà và Bạch Sa) đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4 tháng 12 năm 1997. Du lịch nơi đây hiện nay rất phát triển.
(Sưu tầm trên mạng)



No comments: