Wednesday, March 29, 2017

VÕNG KHAI NHẤT DIỆN


VÕNG KHAI NHẤT DIỆN
網開一面


Khoảng năm 1766 TCN, người cai trị cuối cùng của triều đại nhà Hạ cực kỳ bạo ngược và phóng đãng. Điều này tạo ra sự căm phẫn, bất bình trong dân chúng.


Để giúp dân thoát khỏi cảnh lầm than này, Thương Thang đã đứng lên lật đổ bạo chúa, sau đó lập nên triều đại nhà Thương 商朝 (1600-1066 TCN).
Từ khi Thương Thang còn là người đứng đầu bộ tộc Thương, ông được người dân rất mực tôn kính bởi sự từ bi và tình thương đối với tất cả chúng sinh.
Một ngày nọ, trong khi Thương Thang đang bách bộ nơi thôn dã, ông bắt gặp một người bắt chim giăng một tấm lưới lớn trải rộng ra như một cái chuồng và lầm bầm: “Lũ chim chóc các ngươi mau tới đây đi, mau bay vào lưới của ta đi. Bất kể có bay thấp bay cao, bay Đông bay Tây gì thì cũng bay hết vào lưới ta đi!”
Thương Thang dừng lại và nói với ông ta rằng cách làm của ông quá tàn nhẫn vì ông không tha cho con chim nào thoát được dưới tấm lưới của mình, và rằng ông nên để lại ít nhất một mặt lưới mở.


Thương Thang cắt ba mặt của tấm lưới và sau đó thì thầm: “Chim ơi, thích bay bên phải thì cứ bay bên phải, thích bay bên trái thì cứ nhắm bên trái; còn nếu thật sự mệt mỏi với cuộc đời này thì hãy sà vào lưới ta!” Tất cả mọi người, kể cả người đàn ông đã giăng lưới, đều cảm động vì tấm lòng của Thương Thang đối với loài chim. Họ nhận ra ông là một người có nhân cách tuyệt vời.
Tin lành đồn xa, người đứng đầu các bộ tộc khác sau khi được nghe kể về câu chuyện này, đều quyết lòng dốc sức, nguyện trung thành với Thương Thang cùng sự tin tưởng tuyệt đối rằng, ông sẽ là một vị vua tốt.
Thương Thang nhận được sự ủng hộ của hơn 40 bộ tộc, tạo lập nền tảng thuận lợi giúp ông chấm dứt sự thống trị độc đoán của triều đại nhà Hạ; qua đó, ông trở thành người sáng lập triều đại nhà Thương.


Câu thành ngữ Võng khai nhất diện (網開一面) cũng từ đó mà thành. Nó có nghĩa là ‘lưới mở một mặt’. Ban đầu, thành ngữ này đọc là Võng khai tam diện (網開 三 面) nghĩa là ‘lưới mở ba mặt’.
Ngày nay thành ngữ này được dùng để chỉ tấm lòng nhân hậu, khoan dung, độ lượng của một người, thông qua việc cho người có lỗi một lối thoát hoặc cho phép họ có một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình.
Câu chuyện về Thương Thang được trích từ tập III của cuốn sách Sử ký của Tư Mã Thiên.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: