Monday, April 24, 2017

MÙA SỨA TRÊN PHÁ TAM GIANG

Nếu đi ăn tiệc ở Úc, đa phần là vào nhà hàng Hoa, món đầu tiên được đưa lên bàn là dĩa đồ nguội khai vị. Trong cái dĩa to, ngay chính giữa là món gỏi sứa, xếp chung quanh là, thịt heo sữa quay, vịt quay, xá xíu, jambon, gà xì dầu, thịt bò, chả. Đi ăn "dẫm xà" cũng có những người đẩy xe dẫm xà mời bạn ăn món gỏi sứa.


Ở VN ngày trước, có lẽ tôi dân Cần Thơ quê mùa nên không biết và chưa từng ăn sứa, nghe đến sứa là sợ vì sứa có độc. Đi tắm biển ai cũng dặn nhau coi chừng đụng vào sứa sẽ bị ngứa hay bị phỏng...có lẽ chỉ có dân miệt biển mới biết nhiều về sứa và biết ăn được hay không.
Thật sự với tôi, món gỏi sứa không có gì là ngon. Sứa không mùi vị, nhai chỉ thấy cái sựt sựt, giòn giòn, nếu thấy có mùi là mùi của dầu mè và mè rang trộn vào làm cho thơm miệng, cái chua chua của củ cải trắng và cà rốt được làm dưa trộn vào. Tôi nói ở đây là món gỏi sứa do các nhà hàng Hoa ở Úc làm, tôi chưa ăn qua gỏi sứa kiểu VN, nay nghe nói có món bún sứa...mà trên mạng quảng cáo nên không biết món sứa kiểu VN như thế nào.
Hôm nay, tôi chỉ muốn giới thiệu cho các bạn sứa ở VN cách bắt và cách ăn của dân miệt biển. (LKH)


MÙA SỨA TRÊN PHÁ TAM GIANG

Miếng sứa trong veo, giòn ngon, tươi rói, cắn ngập răng nghe vọng tiếng sựt, sựt… đã tai, nuốt đến đâu vị thanh mát tràn lan đến đấy, là tôi cảm thấy hả hê và mãn nguyện lắm với món sứa tươi chấm ruốc lắm rồi. Thế nhưng anh bạn thổ công ở làng Ngư Mỹ Thạnh khề khà: “Ăn như ri nhằm nhò chi, đang mùa sứa, phải ra tận phá Tam Giang, vớt con sứa lên ăn tại đò mới gọi là… sướng”.


Tôi theo cái "sướng" râm ran và âm ỉ ấy để bước vào một hành trình lênh đênh trên phá Tam Giang, theo những ngư dân của làng Ngư Mỹ Thạnh - một làng chài nằm ven Đầm Phá để được mục sở thị cảnh đánh bắt sứa khi đang độ vào mùa, với những mô tả đầy hấp dẫn mà tôi chưa thể hình dung trọn vẹn.


Con đò dọc chầm chậm rẽ nước, đưa tôi ra vùng đầm phá mênh mông, len lỏi trong hệ thống đánh bắt nò sáo - một kiểu thức mưu sinh quen thuộc của người ngư phủ trên Phá Tam Giang từ hơn trăm năm qua. Ra gần đến cửa biển, hệ thống đáy hàng khơi chắn ngang miệng phá, khi mùa gió chướng, sứa từ biển theo con nước vào vùng nước lợ ở đầm phá Tam Giang, nơi ba con sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu hợp thành vùng đầm phá rộng lớn nhất ở Đông Nam Á với hơn 22.000 hecta. Sứa mắc vào lưới đáy cũng là lúc ngư dân bắt đầu rộn ràng với mùa sứa giữa năm đầy hứng khởi.


Sứa ở Phá Tam Giang to như cái thúng, vỏ lốm đốm đỏ, mềm mềm như trái bong bóng, ngư dân kéo lưới đáy lên và lôi từng con sứa ra ngoài, chất lên ghe, sứa nhiều đến độ chất đầy ghe ngư dân đành… thả chúng về với nước vì không còn chỗ chứa.


Gặp khách lạ phương xa, những ngư dân hôm ấy đầy hào sảng, tặng tôi vài con sứa làm mồi lai rai. Chuyền tay nhau con sứa nặng chừng gần chục ký, anh bạn chủ ghe trổ tài chế biến, chỉ với con dao bửa củi, sứa được xả thịt, bỏ hết lớp vỏ ngoài và phần ruột vẫn còn dính vài con cá nhỏ bị sứa nuốt trọn chưa tiêu hết. Phần thịt trong nhất, chắc nhất nằm ở giữa con sứa áng chừng cỡ 1kg được giữ lại. Quả là xa xỉ bởi cả con sứa to đùng ngã ngửa, giờ chỉ còn lại phần tinh tuý nhất dùng ăn sống.


Miếng sứa được xắt lát vừa tầm hai lóng tay, bóng nhẫy, tươi rói, chẳng cần gia vị, nước chấm, cứ thế để ăn mộc, cắn đến đâu, vị ngọt thanh mát, thoảng một chút mặn nhè nhẹ của vị biển cứ nấn ná mãi nơi vòm họng. Đến lúc này, tôi mới thấm thía rõ cái sướng của anh bạn làng chài Ngư Mỹ Thạnh giới thiệu về món sứa tươi trên phá Tam Giang.


Sứa có thể chế biến được nhiều món như gỏi sứa, bún sứa, riêng với món sứa tươi ăn sống, để đượm thêm nhiều dư vị, có thể dùng kèm với mắm ớt tỏi, hoặc mắm ruốc Huế, kèm chút lá húng cay nồng và trái vả, chuối chát, khế chua xắt lát… đủ cho một bữa thịnh soạn - quên cả đất trời với món sứa tuyệt vời khi cùng những ngư phủ lênh đênh trên phá Tam Giang.

Nguyễn Đình

No comments: