Monday, April 10, 2017

TỬ ĐẰNG THỤ (紫藤樹)

Hôm nay lang thang trên FB nhìn những hình post của các bạn, có một tấm hình ở Ý với mấy cây Tử Đằng, nhớ lại thì tôi đã có post một bài nói về sự tích hoa Tử Đằng rồi. Mùa hoa Tử Đằng ở Nhật cùng một lúc với mùa hoa Anh Đào cho nên nếu đến Nhật mùa này thì cũng nên tìm xem. Lý Bạch có làm bài thơ về hoa Tử Đằng cũng lãng mạn lắm. (LKH)


BÀI THƠ HOA TỬ ĐẰNG

Tử đằng là loại cây dây leo thân gỗ, rụng lá vào cuối thu đầu đông, quãng thời gian sau đó là quãng thời gian ra hoa và nảy trồi của cây. Chữ TỬ (
ở đây là màu tím tía (rau tử tô hay tía tô); chữ ĐẰNG (藤) nghĩa gốc là cây mây.

Sau này, loài cây nào có vòi trườn về phía trước cũng gọi là ĐẰNG. Nghĩa rộng hơn nữa là nói về sự phát triển mềm dẻo mạnh mẽ không ai phá được: QUỐC TỘ NHƯ ĐẰNG LẠC (
國祚如藤絡 Vận nước như dây leo quấn nhau, nương nhau cùng phát triển).


Tử đằng có tên khoa học là Wisteria floribunda, là một loài cây có hoa trong họ Đậu. Hoa này còn gọi là tử đằng Nhật để phân biệt với hoa tử đằng Trung Quốc cùng chi (Wisteria Sinensis). Tiếng Đức gọi hoa tử đằng là Blauregen, mưa tím, bởi vì hoa rủ xuống như làn mưa màu tím chảy xuống từ mái hiên.

Tiếng Việt gọi hoa này là dây sắn tía, hoa Chu đằng, hoa Đằng la. Hoa tử đằng trong tiếng Anh là Chinese wisteria, tiếng Pháp là Glycine, Glycine de Chine và tiếng Nhật là Fuji. Hoa có nhiều màu. Loại hoa tím gọi là tử đằng, loại hoa trắng gọi là ngân đằng.


Ở Nhật Bản, hoa tử đằng bắt đầu nở rộ vào mùa Xuân tháng 4, tháng 5 khi mà trời đã bớt lạnh. Ở Việt Nam do có mùa đông ngắn hơn nên hoa tử đằng thường cho hoa vào tháng 2, tháng 3 (giáp tết âm lịch truyền thống) vẫn trong tiết trời ngày Đông. Hoa tử Đằng ngoài Bắc ngày xưa nhiều. Giờ hiếm nên lạ.

Như vậy, Tử Đằng ra hoa trùng với dịp hoa đào. Mặc dù là cây thân leo nhưng thân tử đằng khá cứng cáp, nó có nhiều nét tương đồng với thân cây sắn dây và cây hoa giấy ở Việt Nam. Cây có thể leo cao 20-30m trên tường, hay cũng có thể bò lan hàng chục mét vuông trên những dàn leo được thiết kế sẵn.


Hoa Tử đằng rất đẹp, được coi là biểu trưng của tình yêu bất diệt. Ở Nhật Bản có lưu lại một câu chuyện rất cảm động về sự tích của loài hoa này. Tử đằng (Fuji) là hóa thân của người con trai út dũng cảm và có hiếu, một mình chống lại quỷ dữ, hi sinh thân mình để cứu người mẹ thân yêu của mình. Hoa Tử đằng còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều áng văn, thơ, hội họa tuyệt mỹ.

Các bạn yêu thơ chắc chắn không lạ gì với bài thơ Cây Tử Đằng của nhà thơ Lý Bạch (Trung Quốc), được nhà thơ Đông A dịch ra tiếng Việt:


Tử đằng thụ (Lý Bạch)

Tử đằng quải vân mộc
Hoa mạn nghi dương xuân
Mật diệp ẩn ca điểu
Hương phong lưu mỹ nhân


紫藤樹 - 李白

紫藤掛雲木,
花蔓宜陽春.
密葉隱歌鳥,
香風留美人.


Cây tử đằng (Dịch nghĩa)

Tử Đằng rủ xuống từ vòm cây cao chót vót mây vờn
Hoa nở ngợp tràn, cảm rằng mùa xuân đang sung mãn nhất
Vòm lá rậm ẩn giấu lời chim hót
Gió đưa hương hoa nồng nàn níu giữ mỹ nhân.


Cây tử đằng (Dịch thơ: Đông A)

Tử đằng treo chót vót
Lớp lớp tưởng đương xuân
Cánh rậm che chim hót
Hương bay níu mỹ nhân

Nguồn: ĐKN

No comments: