Wednesday, May 31, 2017

NGƯỜI BẠN CŨ VÀ MẮM CUA CHUA

Năm 11 tuổi, tôi vào học lớp đệ nhất niên trường Trung Học Quy Nhơn, sau nầy đổi tên thành trường Trung Học Cường Để. Lúc bấy giờ trường dời về thôn Hoà Bình, xã Nhơn Phong do thầy Huỳnh Văn Gi làm hiệu trưởng.


Mười một tuổi nhưng tôi lại nhỏ con, gầy còm ngồi bên cạnh một bậc đàn anh cao lớn béo tốt, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, tươm tất.
Năm đó thầy Ngô Chanh dạy môn hoá học cho lớp chúng tôi. Trong giờ thực tập thí nghiệm khí HCl không biết bất cẩn như thế nào, khiến bình thuỷ tinh nổ tung như bom, một mảnh thuỷ tinh vỡ, bay ghim vào thân thể huynh trưởng, vô tình làm tấm mộc che chở cho tôi.
Bắt đầu từ đó, tôi vô cùng yêu quý bậc đàn anh này, vì huynh trưởng lớn hơn tới 5 tuổi, lúc nào cũng nghiêm nghị, tề chỉnh, sẵn sàng che chở cho thằng em nhỏ con ốm yếu.
Tình bạn học giữa hai chúng tôi nảy nở nhanh chóng, bất cứ nơi nào có mặt huynh trưởng, đều thấy thấp thoáng có bóng tôi. Chúng tôi đi cặp kè với nhau một cao, một thấp, một hồng hào khoẻ mạnh, một ốm yếu nhỏ con, một tình bạn phối hợp giữa hai cái thể chất tương phản lạ lùng.
Nhiều anh bạn học đệ nhị, đệ tam và kể cả cô tôi, người chủ nhà tôi trọ học, họ đều hoài nghi huynh trưởng bầu bạn với tôi, chỉ vì tôi có người chị xinh đẹp.
Riêng tôi, chắc chắn không phải như vậy; bởi vì anh cần có tôi, cần có một người chăm chú nghe anh, ngạc nhiên đến thích thú những điều anh suy nghĩ, theo đuổi; cần có người thông cảm chia sẻ. Tôi là một đối tượng lý tưởng đáng mơ ước để anh mạnh dạn hăng hái trình bày…
Có lần anh hỏi tôi có biết câu ca dao này không:

Ai về làm mắm cua chua
Gởi lên ông đội, khỏi mua tốn tiền.

Anh quả quyết câu ca dao này phát xuất từ thôn xóm anh, sau lan truyền trong thời đại Nhà Nguyễn Tây Sơn, bởi vì mắm cua chua của làng anh ngon nhất Bình Định. Ruộng lúa Bình Định có hai mùa: mùa tháng ba và tháng tám.


Vào lúc lúa bắt đầu xanh mơn mởn, sau một tháng cây mạ đã bén rễ vào ruộng nước phát triển mạnh, cũng là lúc cua bắt đầu sinh nở, cua sinh nhiều nhất vào cuối tháng tám ta. Những đàn cua con chạy tràn đầy dọc theo bờ cỏ này tha hồ mà quơ bắt cho đầy giỏ, nhưng chưa có thể làm mắm cua chua được. Người đàn anh của tôi nhấn mạnh:
“Phải chờ đến khi ruộng lúa gần gặt, hay đã gặt hái xong, lúc bấy giờ cua mới thực sự trưởng thành, trong yếm của cua đồng vun đầy gạch, những con cua này mới là nguyên liệu tốt nhất để làm mắm cua chua tuyệt hảo”.
Nghệ thuật làm mắm cua chua tại gia đình người đàn anh của tôi không đơn giản một chút nào. Khi bắt được một giỏ đầy cua, khoảng độ 200 con cua đồng, cua phải được đem ngâm vào nước hai ngày, hai đêm để cua nhả tung hết chất dơ bùn đất.
Một chậu nước lớn để ngâm cua nên đổ vào một ít muối để cua mau sạch. Sau 48 giờ, vớt cua ra cho vào cối đá và dùng chày tay bằng gỗ quý giã cho thật nát nhuyễn. Đổ thêm nước vào và dùng vải lọc vắt lấy nước gạch cua khoảng độ hai lít cho vào cất kỹ trong chiếc hũ sành. Nước cua này chỉ nên thêm nhiều muối và không nấu sôi, nhưng phải dùng đũa bếp thường xuyên khuấy đều hũ mắm cua chua, có thể để lâu trong nhiều tháng.
Nước cua lần đầu dùng làm mắm cua chua, người nhà của huynh trưởng tôi có thể giã thêm nhiều lần để vắt lấy thêm nước thứ nhì, đem nước này nấu sôi lên, nêm vào với ớt chín, năm ba lát gừng, tạo thành món mắm cua tươi thơm phứt, chan với cơm gạo mới hay ăn với bún vừa ra lò, thật vô cùng ngon miệng.


Nước mắm cua chua để chừng 2 tháng, bắt được cá tràu, trong nam gọi là cá lóc, làm vảy sạch sẽ, bỏ vào chiếc trã làm bằng đất nung, đổ mắm cua chua cho ngập đầy thân cá, xắt vài lát ớt chín và gừng củ thành từng lát mỏng bỏ vào khi bếp lửa riu riu vừa phải, mắm cua sôi nhẹ ngấm vào thân cá, cá quyện vào cua tạo thành món ngon đồng nội thơm phứt, tuyệt vời.
Người bạn học đàn anh của tôi đã đãi tôi nhiều lần món mắm cua chua kho với cá tràu thơm ngon tuyệt hảo, trong lúc tôi xì xụp tận hưởng cái vị mặn mà béo ngọt dịu dàng pha lẫn chút cay cay, thì bậc đàn anh của tôi hùng hồn kết luận, tuyên bố một câu nẩy lửa: “Mắm cua chua còn, thì nhân tài còn”.
Tuổi 11, không phải là tuổi để hoài nghi biện luận, nhân tài của chúng tôi lúc bây giờ là Nguyễn Huệ Quang Trung, ông đội của Ngài thích món mắm cua chua tha thiết đến ngần nào, dám trích một món tiền trong lương bổng tượng trưng của nghĩa quân để mua mắm cua chua, đến nỗi người thương ông đội phải nhắn nhe dặn dò qua ca dao làm mắm cua chua gởi ngay ông đội, thì vị chỉ huy trưởng tài ba Nguyễn Huệ phải yêu thích món mắm cua chua vô cùng. Thế là tôi gật đầu, giơ hai tay đồng ý, và từ đó danh từ “triết gia mắm cua chua” ra đời.
Sau vài năm Trung Học, tôi và “triết gia mắm cua chua” xa nhau bặt tăm tin tức. Khoảng năm 1967, “triết gia” tìm thăm tôi tại Sài Gòn. Tôi được biết thêm tin tức người đàn anh vừa bị thất cử trong một chức vụ dân cử địa phương, chỉ vì anh ta lấy hũ mắm cua chua làm dấu hiệu biểu tượng. Cử tri yêu thích mắm cua chua thì quá ít và chiến tranh đã làm cho nghệ thuật mắm cua chua thất truyền. Anh cần gặp tôi để sửa lại câu tuyên bố nẩy lửa năm xưa: “Mắm cua chua còn, thì người chịu khó, người nhẫn nại còn”. Tôi vô cùng cảm động cho mục đích cao cả của sự thăm viếng, và với tất cả sự suy tư thận trọng, lần này tôi hoàn toàn đồng ý với anh, vì phải là người chịu khó, nhẫn nại mới làm được món mắm cua chua như gia đình anh, thơm ngon hơn người. Tôi thầm nghĩ: “triết gia mắm cua chua” vô danh này có tinh thần phục thiện cao, chịu khó vượt hơn 600 cây số để thông báo sửa sai “triết lý” của mình, hơn hẳn nhiều người lừng danh trên thế giới vẫn cứ ngoan cố bám vào lầm lỗi của mình, dầu đã được nhiều phân tích gia phê bình, soi sáng..


Đó là lần cuối cùng tôi gặp người huynh trưởng, anh còn cho biết đã sinh được một cháu gái lấy tên U.P.G.D., một cái tên đẹp, rất lạ gồm cả tên cha mẹ và địa danh của mối tình vợ chồng. Năm 1980, người huynh trưởng cùng một nửa gia đình em trai tôi tổ chức vượt biên đi tìm tự do. Tất cả chuyến đi hơn 50 người đã vùi thây trong lòng biển cả. Tôi đã khóc cho em tôi, cho cháu tôi, cho huynh trưởng, cho hàng trăm ngàn thuyền nhân trong bài thơ:

“Biển Xanh Máu Lệ”.
Thuyền con vượt biển canh khuya
Đêm đen nỗi chết lệ chia đôi dòng
Còn gì đâu nữa mà mong
Người thương nước mắt lưng tròng cách xa
Quê hương mất hút nhạt nhoà
Ruột đau như cắt vỡ oà buốt tim
Cầm bằng đãi cát tìm kim
Một đi sống chết màn đêm hãi hùng
Bao la trời biển mông lung
Thuyền con chiếc lá trập trùng tiến lui
Trăm ngàn thây chết chôn vùi
Biển đau lòng biển, ngậm ngùi biển xanh
Em xuôi tay bỏ đời anh
Chiều sa thuỷ táng lệ thành bể mưa
Mây buồn tang chế nắng trưa
Đêm như vô tận, ngày chưa hết ngày
Mênh mông trời nước ai hay
Tiếng chuông cầu nguyện gió bay lạnh lùng…
Mai sau đất khách tạm dung
Biển xanh máu lệ, bão bùng trong ta
Nhịp tim sóng vỗ nhạt nhoà
Đêm mưa nước mắt chan hoà người ơi!

U.P.G.D. con gái đầu lòng của người huynh trưởng may mắn không theo cha vượt biên và một thời gian sau, cháu đến được bến bờ tự do, theo học tại University of Massachusetts. Giáo sư Thành tại đại học này, một người hăng say hoạt động trong các công tác văn hoá xã hội, đứng ra điều hợp các hội đoàn sinh viên Việt Nam tại mười trường đại học chung quanh thành phố Boston để mời các diễn giả Việt Nam về sinh hoạt với sinh viên, chia sẻ những kinh nghiệm sống ở quê người.
Để mở đầu chương trình sinh hoạt, giáo sư Thành đã mượn được một giảng đường danh tiếng tại đại học Harvard, tại giảng đường này, ngày 05 tháng 6, năm 1947, ông George Marshall, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến đây nói chuyện với sinh viên về kế hoạch tái thiết Âu Châu sau đệ nhị thế chiến, kế hoạch Marshall đã thành công rực rỡ, mang lại cho ông Marshall giải thưởng Nobel hòa bình.


Trong năm 1989, khi đến thuyết trình tại đây lần đầu, tôi đã được giới thiệu hai căn phòng lịch sử tại đại học Harvard: căn phòng trọ của cố Tổng Thống Kennedy khi còn là sinh viên nội trú và giảng đường Marshall.
Bây giờ, vài năm sau, tôi được giáo sư Thành mời đến đọc thơ, chia xẻ những kinh nghiệm giáo dục học tập với sinh viên Việt Nam tại giảng đường Marshall, nơi đã trở thành lịch sử. Lòng tôi tràn đầy hân hoan sung sướng mong được thăm lại Harvard, nhìn lại công trình kiến trúc khu Carpenter Center do kiến trúc sự nổi danh người Pháp Le Corbusier vẽ kiểu mẫu.
Thành phố Boston và những thị trấn chung quanh gồm hơn 10 đại học (trong đó có 3 đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ: Harvard, Massachusetts Institute of Technology, Boston College) đây là một trung tâm giáo dục gồm hàng trăm ngàn sinh viên và có nhiều sinh viên Việt Nam theo học. Chính tại “giảng đường lịch sử Marshal”, tôi gặp nữ sinh viên U.P.G.D., con gái đầu lòng của người huynh trưởng cũ.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ hứng thú cảm động đến rơi nước mắt. Chính U.P.G.D. đã đứng lên hỏi gợi ý để tôi hào hùng tuôn tràn nói về kỷ niệm và món ăn truyền thống mắm cua chua tại “giảng đường lịch sử Marshall” này.
Không biết hơn 44 năm về trước cử toạ đã vỗ tay hoan nghênh kế hoạch vĩ đại Marshall như thế nào, giờ đây hơn vài trăm sinh viên Việt Nam đã vỗ tay reo hò cười vang đón mừng một tiểu tiết trong sinh hoạt ăn uống: mắm cua chua thật vô cùng hào hứng.
Sau khi tốt nghiệp, U.P.G.D. rời Boston về định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington và làm việc tại hãng chế tạo máy bay Boeing, tôi vẫn thường xuyên điện đàm với U.P.G.D., nhờ cháu có đường dây điện thoại viên liên miễn phí.
Trong hai năm 1996-1997, tôi hoàn toàn mất liên lạc với U.P.G.D., tôi vô cùng lo ngại cho cô con gái người bạn học cũ, rất năng động, lanh lợi dễ thương, nhưng hơi bất thường vì đã phải đương đầu với bao hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo, nghiệt ngã.
Mùa hè năm 1998, U.P.G.D. liên lạc bằng email báo cho tôi biết, cháu đã rời bỏ hãng Boeing và hai năm qua cắp sách đi học lại, tìm nguồn vui trong học đường. Tháng 10 năm 1998, U.P.G.D. báo tin cho tôi biết đã tìm được một việc làm mới trong một hãng nhỏ, một công ty nhu liệu, chuyên về credit card tại thành phố Seattle. Công ty này, ký hiệu là U.P.G.D. trùng với bốn chữ khởi đầu tên của cháu, thật là một cuộc tao phùng định mệnh. U.P.G.D. rối rít khoe ầm với tôi trên đường giây điện thoại.


Cuối tháng 11 năm 1998, U.P.G.D. tâm sự với tôi, cháu chỉ thích thú các công tác từ thiện xã hội, giúp những người bất hạnh, cháu đã quá mệt mỏi, rã rời trong công việc chạy đua hàng ngày tại sở làm. U.P.G.D. ao ước được có một số tiền để trở về giúp đỡ những người nghèo đói ở Việt Nam.
Mỗi cổ phần của công ty chỉ có 25 cents, U.P.G.D. xin tôi 250 dollars để mua 1,000 cổ phần sung vào quỹ giúp kẻ khốn cùng. Tôi đã gởi ngay ngân phiếu đến U.P.G.D. với lời chúc cháu chóng đạt được sở nguyện.
Ngày 19 tháng 01, năm 2000, cổ phần của công ty này đã như hoả tiễn, thăng thiên lên đến 89 dollars; và trước khi lên đường trở về Việt Nam giúp đỡ những người đói khổ tuyệt vọng. U.P.G.D. hứa với tôi, khi trở lại Mỹ sẽ tặng quà cho tôi một chai mắm cua chua thơm ngon của xứ “nẫu”.
HUY-LỰC BÙI TIÊN KHÔI

CÀ CUỐNG, CON GIÁN VÀ ĐÀN BÀ

Tôi vẫn không hiểu vì sao người ta lại nói “cà cuống chết đến đít còn cay”. Đít cà cuống, sống hay chết, đâu có dính dáng gì đến mùi cà cuống. Mà tinh dầu cà cuống đâu có cay, thơm nồng mà. Thịt cũng ngon nữa.


Tuổi thơ của tôi có những ngày đi bắt cà cuống đem bán, kiếm tiền xem chớp bóng. Đến tuổi biết… nhậu, cà cuống bay xa. Nghe nói chúng tàn đời vì thuốc trừ sâu diệt cỏ.
 
Chỉ là hương nhân tạo
 
Hồi nhỏ tôi vẫn theo lũ bạn đi bắt cà cuống ở những cột đèn đường, đem bán cho mấy người ve chai. Cà cuống rẻ rề, cả chừng hai chục con mới được 5 cắc. Chỉ con đực mới có tinh dầu. Hồi đó tụi tôi đâu có biết đực cái thế nào, hễ thấy cà cuống là chộp. Vậy mà họ cũng mua.
 
Con đực được khều lấy tinh dầu. Rồi sau đó, đực hay cái gì cũng lên… chảo chiên hết.
 
Hương thơm cà cuống là do tinh dầu, là hỗn hợp gồm nhiều chất dầu dễ bay hơi, chứ không chỉ một chất. Đại học công nghệ Suranaree (Thái Lan) đã nhận diện được 22 chất tạo hương ở cà cuống đông lạnh, và 27 chất ở cà cuống luộc.
 
Thành phần chiếm nhiều nhất là hai ester (E) – 2-hexenyl acetate và butanoate. Hai chất này cũng có nhiều trong dầu chuối và các loại trái cây khác như táo, chuối, xoài, dâu, mận…
 
Ngoài ra còn nhiều ester lẻ tẻ khác… Tất cả gộp lại cấu thành mùi hương riêng của cà cuống. Từ những kết quả này, người ta dùng kỹ thuật phối hương để chế ra tinh dầu cà cuống nhân tạo.
 

Cà cuống đực có bùa mê
 
Hương thơm ở cà cuống đực cũng là chất mùi dẫn dụ, đại loại cũng giống như “bùa mê thuốc lú” để dụ con cái xáp lại, hoàn thành sứ mạng truyền giống. Chất dẫn dụ là tín hiệu hoá học mà động vật tiết ra để báo hiệu cho đồng loại nhận biết và thực hiện điều gì đó, chứ không riêng gì chuyện ái tình.
 
Chẳng hạn con ong tiết ra pheromone để làm tín hiệu phương hướng cho cả đàn ong bay về tổ. Còn con người có tiết ra pheromone để dụ nhau, hay để ai dụ ai? Chưa thấy khoa học nói tới, nhưng ông bà ta thì có nói “Lia thia quen chậu…”
 
Người ta chỉ dùng 12 loại ester trong số 27 chất trong tinh dầu cà cuống để làm hàng nhái. Hầu hết tinh dầu cà cuống bán ngoài thị trường đều là hương nhân tạo, chỉ gần giống thôi, làm sao mà giả được tinh dầu cà cuống thứ thiệt có “vị the” sục lên óc mà không buốt như mù tạt.
 

Nghe kể phát thèm
 
Chỉ cần nhỏ một giọt tinh dầu cà cuống vào nước mắm, chấm với đậu hũ, bánh cuốn, thịt heo, thịt gà… thứ gì cũng dậy mùi, cũng ngon.
 
Cà cuống là loại côn trùng. Về mặt an toàn thực phẩm, đa số côn trùng là loại ăn cỏ nên ít có vấn đề hơn loại ăn tạp. Cà cuống sống trên cạn dưới nước, đạm nhiều, béo ít.
 
Cà cuống lại có cánh cứng, cánh mềm, con đực có mùi, con cái có trứng, tiêu hành ớt tỏi, chiên giòn chắc là bắt mồi.
 
Cà cuống được chế biến theo nhiều kiểu: luộc, hấp, nướng… nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là cà cuống chiên. Tôi có bà bạn say mê cà cuống.
 
Mới đây gửi email kể chuyện năm xưa “… phần đầu cà cuống đực và cái đều có tí thịt, ăn trúng con đực thì mặc dù đã xào nhưng vẫn thoang thoảng thơm mùi dầu cà cuống.
 
Ăn đến phần thân thì xé chiều dọc thân cà cuống thành hai miếng bụng và lưng, để giữa hai hàm răng nhằn nhằn để tuốt tí thịt của con đực và tí trứng của con cái. Ngon vô cùng”. Nghe kể phát thèm.


Bà bạn này sợ gián. Chỉ cần con gián bay qua, cũng làm bà ta xanh mặt, toát mồ hôi, thở dốc… Con gián trông giống như cà cuống còn non.
 
Vậy mà với cà cuống, bả lại từ tốn “phanh thây”, từ tốn nhâm nhi đến tận cùng chi tiết. Đàn bà sao khó hiểu quá!
 
Vũ Thế Thành
(Sưu tầm trên mạng)

BIỂU TƯỢNG BÍ ẨN TRÊN TỜ 1 ĐÔ LA MỸ


Tờ tiền 1 USD của Mỹ có nhiều biểu tượng bí mật mà mới nhìn qua bạn sẽ không thể nhận ra, như sinh vật lạ, con mắt thần hay dãy số La Mã.


Sinh vật: Để thấy sinh vật nhỏ bé trong hình, có lẽ bạn phải dùng đến kính lúp. Biểu tượng đó nằm ở góc trên bên phải tờ tiền, phía trên, bên trái số 1. Nhiều người cho rằng đây là một con cú, được dùng để chống làm giả. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng đây là một con nhện, do phía sau số 1 có họa tiết hình mạng nhện. Theo giả thuyết thứ ba, sinh vật này sẽ trở thành phần đầu lâu trong hình đầu lâu xương chéo khi nghiêng tờ tiền.


Chữ cái: Chữ cái lớn cạnh hình George Washington cho biết ngân hàng nào thuộc Cục Dự trữ liên bang đã in tờ tiền. Trong đó, “A” là Boston, “B” là New York, “C” là Philadelphia, “D” là Cleveland, “E” là Richmond, “F” là Atlanta, “G” là Chicago, “H” là St. Louis, “I” là Minneapolis, “J” là thành phố Kansas, “K” là Dallas, và “L” là San Francisco.


Con đại bàng: Nằm ở mặt sau tờ USD, con đại bàng quắp 13 mũi tên trong một chân, chân còn lại quắp một cành ô-liu 13 quả. Con chim còn đeo khiên có 13 sọc ngang và 13 sọc dọc, phía trên là 13 ngôi sao. Một số tin rằng hình ảnh này có ý nghĩa đen tối, có thể là ngụ ý tới mục tiêu thống trị thế giới. Tuy nhiên, các học giả cho rằng con số 13 tượng trưng cho 13 thuộc địa ban đầu. Đây là 13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ đấu tranh và tuyên bố độc lập năm 1776, sau đó trở thành 13 tiểu bang đầu tiên của Mỹ.


Con mắt: Biểu tượng này xuất hiện trên đỉnh kim tự tháp, giữa một vầng hào quang. Nhiều người khẳng định con mắt thể hiện sự hiện diện của Chúa trời và người đang dõi theo nước Mỹ. Một số lại tin rằng đây là “con mắt nhìn thấu tất cả” thường được hội Tam Điểm nhắc đến. Họ cũng cho rằng những người sáng lập ra nước Mỹ thực chất là thành viên hội Tam Điểm.


Chữ số La Mã: Nhìn xuống đáy kim tự tháp, bạn sẽ thấy một dãy chữ số La Mã - “MDCCLXXVI”. Dãy chữ số này là biểu tượng cho con số 1776 - năm nước Mỹ tuyên bố độc lập.


Cây thập tự: Nhìn vào góc mặt sau của tờ đôla, bạn sẽ thấy một hình giống cây thập tự hoặc cối xay gió phía sau số 1. Một số tin rằng đây là cây thập tự Maltese và lời gợi nhắc tới Những hiệp sĩ Malta. Tổ chức này hình thành từ thời Trung Cổ và vẫn hoạt động đến ngày nay. Năm 1798, một đảo pháo đài của họ bị Napoleon chiếm giữ, khiến nhiều người phải chạy sang Mỹ.


Vị thần Hindu: Có lẽ bạn phải dùng đến kính lúp để nhìn thấy biểu tượng này: một hình người tóc búi ngay bên phải số 1 ở góc trái bên dưới tờ tiền. Hình tượng này được cho là thần Shiva của đạo Hindu hay còn được gọi là “Kẻ hủy diệt”.

Hoàng Linh
Theo Littlething



LỄ HỘI GIẪM ĐẠP DƯA HẤU Ở AUSTRALIA


Thời con tôi còn nhỏ, những ngày cuối tuần thường cùng với gia đình mấy người bạn đi những vùng thôn quê trong tiểu bang Victoria. Lúc có nghỉ dài hơn thì đi tiều bang khác hay ra nước ngoài. Tiểu bang đi nhiều nhất là New South Wale và Queensland. Nếu đi bằng máy bay thì trực tiếp đến Gold Coast còn nhiều khi hứng thú thì lái xe thời gian sẽ dài hơn nhưng ghé được nhiều nơi dọc đường như Canberra, Wollongong, Sydney, Coffs Habour,..rồi Gold Coast và Brisbane. Đến mỗi nơi chỉ đi chơi trong vài ngày nên không hiểu hết trừ những lễ hội lớn của tiểu bang. Vậy mà hôm nay tôi lại đọc trên mạng Việt nam để biết một lễ hội ở Úc dù tôi đã đi qua "Big Banana", "Big Pineapple", "Big Orange" nhưng chưa từng nghe qua hay biết tí xíu nào về "Big Watermelon". Mắc cỡ quá đi thôi!

Lễ hội giẫm đạp dưa hấu ở Australia


Hơn 20 tấn dưa được sử dụng trong 3 ngày tổ chức lễ hội, đem lại cho thị trấn nhỏ Chinchilla (Australia) lợi nhuận lớn gấp nhiều lần so với việc bán dưa.



Cứ vào cuối tuần thứ hai của tháng 2 hàng năm, thị trấn Chinchilla, bang Queensland, Australia lại tổ chức lễ hội dưa hấu có một không hai trên thế giới. Ảnh: Jessica Courtnie Photography.


Người tham gia đến vui chơi cùng những trái dưa vừa thu hoạch, bao gồm thi ăn dưa nhanh không dùng tay, đập dưa, chạy đua trên những con đường phủ đầy dưa hấu hay kéo co bằng dưa... Ước tính 20-25 tấn dưa đã được sử dụng chỉ trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Ảnh: Jessica Courtnie Photography.


Lễ hội này được tổ chức lần đầu vào năm 1994, chỉ thu hút một phần dân số tại thị trấn. Thế nhưng, ngày nay, số du khách tới tham dự đã lên đến 15.000 người. Ảnh: Jessica Courtnie Photography.


Nhiều người đặt câu hỏi về sự lãng phí thực phẩm, tuy nhiên, cách đây 2 năm, chuyên gia tư vấn kinh tế Reuben Lawrence sau khi tính toán giá trị đã kết luận việc “đập dưa” đem lại doanh thu lớn gấp nhiều lần so với việc bán vài kg lẻ. Chỉ trong 3 ngày giữa tháng 2, thị trấn nhỏ đã thu về 3,5 triệu USD nhờ du lịch. Ảnh: Jessica Courtnie Photography.


Theo ông Doug McNally, chủ tịch Ban tổ chức lễ hội, mỗi tấn dưa bị phá hủy mang về doanh thu 125.000 USD. Ảnh: Jessica Courtnie Photography.


“Đây là loại trái cây đem tới lợi nhuận cao nhất mà bạn có thể biết”, Terry O'Leary, một nông dân trồng dưa trong thị trấn chia sẻ. “Bạn sẽ không thể tin hoá ra việc đập dưa lại giúp kiếm nhiều tiền hơn hẳn giá trị ban đầu của nó”. Ảnh: Eat&Drink.

Hải Thu

Link tham khảo: http://www.melonfest.com.au/



Tuesday, May 30, 2017

TÂM TÍNH THAY ĐỔI SỐ MẠNG CŨNG BIẾN ĐỔI THEO


Vào thời nhà Minh ở trấn Giang Tô Giang Kinh có một tú tài tên là Trương Sinh. Hoàn cảnh gia đình anh ta rất nghèo khó, tư cách của anh thì tồi tệ, thường hay làm hại hàng xóm láng giềng. Tính nết anh ta lại khá hào sảng, tiền của mà anh ta vơ vét được nhờ bắt chẹt dọa dẫm người ta thì anh ta lại tùy ý đem cho khắp nơi, trong số hàng xóm rất nhiều người túng quẫn cũng được anh ta giúp đỡ rất nhiều, cho nên lương thực tiền của trong nhà anh ta chẳng giữ được lâu.
Có một năm vào đêm giao thừa, gia đình Trương Sinh lại không còn gì để ăn nữa. Anh ta thầm nghĩ trong số bạn cũ và thân thích đều đã từng có thù oán, hơn nữa phần lớn đều là những kẻ tiểu nhân nịnh bợ, nghĩ mãi không ra nhà nào có thể tới vay mượn chút tiền, bản thân lại không muốn vẫy đuôi van xin, cầu cạnh người ta. Anh ta mượn gia đình một cuộn vải cũ, tới hiệu cầm đồ ép người ta cầm với giá ngàn đồng tiền, mua một đấu gạo, thực phẩm và hương nến giấy, bỏ trong giỏ đi về nhà. Chiều tối hôm đó tuyết rơi dày, trên đường trơn trượt, anh đi nhanh về tới cổng nhà không cẩn thận bị ngã, tất cả những thứ trong giỏ bị đổ rơi vào vũng bùn. Trương Sinh vội vàng vào nhà cầm đèn trở ra tìm. Bất ngờ anh nhặt được một cái bao to, nhấc thử lên thấy rất nặng. Xách bao về nhà xem thử, bên trong có mấy thỏi vàng, hơn mười lượng bạc vụn, và hơn 100 đồng bạc trắng, mấy trăm tiền lẻ, một quyển sổ kế toán, mấy quyển sổ tay nhỏ, biết đó là những đồ của một nhà buôn tơ lụa. Trương Sinh sung sướng vô cùng, nghĩ thầm từ nay về sau có thể sống yên ổn rồi. Đúng lúc đem vào buồng trong, đột nhiên lại nghĩ: những thứ này nhất định là sổ kế toán thu của một người làm mướn trong cửa hàng tơ lụa, lúc đi ngang qua đây đã đánh rơi. Nếu như không giao được cho chủ tiệm, người này chắc chắn chỉ còn đường chết thôi. Chi bằng đợi người đó đến, trả lại cho người ta. Thế là mang túi, tự mình cầm đèn ngồi ngoài cửa giữa trời gió tuyết và chờ đợi.


Không lâu sau, thấy ở đàng xa có một ông lão và mấy người thiếu niên đi tới, tay cầm đèn hiệu của cửa hiệu tơ tằm, vừa đi vừa soi chiếu dọc con đường để tìm kiếm, dáng vẻ hoảng loạn. Trương Sinh nghĩ đây chắc chắn là người mất của, bèn chào hỏi họ: “Các vị đang tìm thứ gì thế?”.
Ông già thoáng nhìn thấy đó là Trương Sinh, biết anh ta là kẻ vô lại, không dám nói thẳng, chỉ úp úp mở mở muốn tránh đi.
Trương Sinh nói lớn: “Các người xách đèn lồng soi tìm khắp nơi, có phải là tìm đồ thất lạc hay không, trả lời tôi mau!”.
Ông già đành phải nói thật: “Vừa rồi tôi mang sổ kế toán thu đi ngang qua đây, gặp phải trận mưa tuyết, vội vàng gấp rút lên đường, đã đánh mất một bao vải, cho nên quay lại tìm kiếm. Bây giờ tìm không thấy, chắc là bị người đi đường nhặt mất rồi!”.
Trương Sinh hỏi ông ta trong bao đựng thứ gì, ông già kể tất những tiền bạc sổ sách ra, hoàn toàn phù hợp. Trương Sinh nói: “Xin mời đến nhà tôi ngồi chơi một lát, tôi đã biết người nhặt được của là ai rồi!”.
Ông lão vái Trương Sinh một vái, nói: “Nếu tiên sinh biết là ai xin hãy lập tức cho tôi biết, không dám tùy tiện tới nhà anh quấy rầy!”.
Trương Sinh nói: “Ở đây tuyết rơi nhiều, nhà kẻ hèn này ở ngay bên cạnh đây!”.
Nói xong anh ta lôi ông lão về nhà mình, vào trong mang ra cái bao vải và nói: “Mau xem có đúng là thứ này không?”.


Ông lão kinh hãi nhìn anh ta, môi không động đậy, không dám nói gì cả. Trương Sinh trấn an ông lão và nói: “Lão tiên sinh chớ nghi ngờ tôi. Nếu tôi muốn giữ những thứ trong túi này thì việc gì phải ngu dốt mà ngồi chờ ông đến để nói cho ông biết chứ!”. Vừa nói vừa đưa bao vải cho ông già.
Ông lão khóc nước mắt như mưa, nói: “Tôi làm quản lý sổ thu của cửa hàng, thứ tôi làm mất hôm nay chính là toàn bộ tiền bán hàng, bồi thường cũng không nổi, chỉ có con đường chết thôi. Cảm tạ tiên sinh đã cứu tôi!”.
Ông lão dập đầu lạy như tế sao. Sau khi đứng dậy, ông lão xin Trương Sinh hãy giữ lại một nửa. Trương Sinh thẳng thừng từ chối.
Ông lão nói: “Tiên sinh không nhận, tôi cũng không thể đi được!”.
Trương Sinh cười nói: “Không cần phải biếu, cho tôi mượn tạm mấy đồng bạc để tết này có thể ăn được bữa cơm no, vậy là cám ơn Ngài rồi!”.
Ông lão thấy anh ta rất thành thật, không dám nói gì thêm bèn lấy mấy đồng bạc trao cho anh ta, khấu đầu cám ơn rồi đi.
Trương Sinh cầm tiền ra ngoài mua lương thực và hoa quả để cúng Thần cúng Trời. Vợ chồng ăn bữa cơm tất niên. Đêm đó Trương Sinh nằm mơ bị người ta bắt trói, mang tới trước mặt một người dáng dấp như Vương giả. Vị Vương giả trách mắng anh ta nói: “Anh làm nhiều việc bất nghĩa, nếu không sửa lại, thì đáng rơi vào đường ngạ quỷ đó!”.
Trương Sinh đang dập đầu xin tha, đột nhiên có một người cầm một bản cáo trạng tới bẩm báo.
Vị Vương giả xem qua lập tức dịu lại và nói: “Đây là việc đại thiện, đủ để tiêu trừ những việc làm ác ngày xưa. Cần phải hoàn trả phúc lộc lại cho anh ta, ghi tên anh ta vào danh sách thi đậu khoa bảng năm nay”.
Rồi ông ta nói với Trương Sinh: “Sau khi anh trở về cần phải thực tâm hối cải những lầm lỗi trước kia, một lòng hướng thiện thì tương lai sẽ rất sáng sủa!”.

Trương Sinh tỉnh giấc, biết đó là về chuyện mình đã trả lại tiền của cho người ta, cảm thấy như đang được Thần phù hộ. Sau khi trời sáng, anh đứng trước bàn thờ Thần linh thề sẽ biết tự kiểm điểm bản thân, không làm điều ác chỉ làm việc thiện để chuộc lại những tội lỗi trước kia. Chẳng bao lâu sau, ông lão ngày trước mũ áo chỉnh tề tới nhà anh cảm tạ và nói: “Lần trước nếu không có tiên sinh làm ơn làm phước thì tính mạng của cả nhà lão đều đã không còn nữa rồi! Tôi đã báo cáo việc này lên chủ nhân của tôi rồi, ông ấy chắc chắn sẽ có báo đáp”. Trương Sinh khiêm tốn cảm ơn ông lão. Từ đó về sau anh hết lòng làm việc thiện, nhưng cuộc sống còn túng quẫn hơn, thường mấy ngày liền chẳng có gì để ăn.
Rằm tháng 7 âm lịch năm ấy, tất cả tú tài đều tới Kim Lăng tham gia cuộc thi Hương. Nhưng Trương Sinh một đồng cũng không có, thậm chí mỗi bữa cơm hàng ngày cũng khó kiếm, nên không còn nghĩ đến chuyện đi dự thi nữa. Lúc ấy bỗng nhiên anh lại gặp được ông lão ngày trước.
Ông lão hỏi anh: “Vì sao tiên sinh còn chưa lên đường tới dự thi?”.
Trương Sinh trả lời là vì không có tiền.
Ông lão lại nói: “Tiên sinh là một người lương thiện, thi Hương chẳng lẽ lại không thể tham gia! Xin tiên sinh hãy về trước và ở nhà đợi tôi!”.
Trương Sinh về nhà một lát sau thì ông lão cùng với một thanh niên tới. Ông lão nói với Trương Sinh: “Vị này chính là chủ nhân của tôi, cảm động nghĩa cả của tiên sinh, muốn báo đáp tiên sinh đã lâu! Nghe nói tiên sinh muốn đi thi nhưng cuộc sống khó khăn, xin tặng 20 vàng và 4 thạch gạo trắng”.
Rồi ông lão lại lấy từ trong tay áo ra 20 vàng trao cho Trương Sinh nói: “Đây là tiền công tôi dành dụm được, cũng kính tặng tiên sinh, xin tiên sinh hãy mau chóng đi thi!”.
Trương Sinh từ chối không được đành nhận lấy, rồi lập tức đáp thuyền tới Kim Lăng dự thi. Đến khi yết bảng quả nhiên thi đỗ. Ông lão cùng chủ cửa hàng lại tới biếu Trương Sinh tiền lộ phí về kinh đô dự kỳ thi Đình. Trương Sinh thi đỗ tiến sỹ, rồi được làm quan Quán sát sử.


Thiện niệm là quý báu nhất, Trương Sinh nhờ vào một thiện niệm đã tiêu trừ tội lỗi đọa vào đường Ngạ quỷ, thậm chí còn được bổng lộc vinh hoa, thật là nhanh chóng! Anh ta gặp món lợi lớn mà không nổi lòng tham, cũng là vì anh có thiện căn thích giúp đỡ chu cấp cho người gặp khổ nạn. Chuyện này chứng tỏ rõ vận mệnh con người không phải là “nhất thành bất biến” (nghĩa là khi số phận đã được bên trên an bài thì không thay đổi được chút nào), mà quan trọng là ở chỗ tự mình lựa chọn ra sao! Trời cao chủ trì công đạo, phạt ác khuyến thiện, báo ứng phân minh. Thiện có thiện báo, là để cổ vũ nhiều người làm việc thiện; ác có ác báo là để khiến người ta biết cảnh giác giữ gìn. Do đó loài người trên thế gian này, nhất định cần tuân theo Thiên Lý, luôn ôm ấp thiện niệm trong lòng. Người lương thiện trên thế gian được người đời khâm phục tôn kính, tự nhiên sẽ được Trời cao che chở, khiến cho phúc báo được dài lâu. Trái với Luật Trời, ngược với lòng người, hiểm ác tàn nhẫn, thì không phải “Đạo”, chúng ta cần phải hết sức kiên trì để ngăn chặn chúng.
Trí Chân
(Sưu tầm trên mạng)

CHIẾC ĐÀN PIANO MÀU GỤ ĐỎ

Khi tôi 20 tuổi, tôi bán hàng thuê cho một hiệu đàn piano ở St.Louis.


Một lần, chúng tôi lại nhận được một "đơn đặt hàng" là một bưu thiếp từ vùng Đông Nam Missouri. Trên bưu thiếp đó có viết " Xin hãy mang một chiếc đàn piano màu gụ đỏ tới cho cháu tôi. Tôi sẽ trả góp 10 đôla mỗi tháng bằng tiền bán trứng gà." Qua nét chữ có thể đoán đó được người viết là một bà cụ. Bà ấy viết câu đó lặp đi lặp lại kín mít tấm bưu thiếp, viết cả ra những diềm giấy còn thừa ở mặt trước cho đến khi chỉ còn ra một khung nhỏ ghi địa chỉ.

Tất nhiên công ty chúng tôi không thể bán piano trả góp 10 đô mỗi tháng. Nên chúng tôi lờ tờ bưu thiếp đi.

Tuy nhiên, đến một ngày, ở vùng Đông Nam Missouri đó có thêm vài người đặt mua đàn piano và chúng tôi phải chở đàn đến đó. Vì tò mò, tôi muốn đến địa chỉ của bà cụ xem sao. Gần như giống hệt những gì tôi tưởng tượng: bà cụ sống trong một túp lều lụp xụp cạnh cánh đồng.

Sàn căn lều rất bẩn. Gà thỉ chạy lung tung: không xe, không điện thoại, không nghề nghiệp. Chẳng có gì cả trừ một mái nhà, và đó cũng không phải là một cái mái tốt. Cháu gái của bá cụ khoảng 10 tuổi, đi chân đất và mặc váy vá.



Tôi giải thích cho bà cụ rằng chúng tôi rất buồn vì không giúp được bà cụ. Nhưng dường như những gì tôi giải thích chẳng có hiệu quả. Cứ 6 tuần một lần, chúng tôi lại nhận được một cái bưu thiếp y như nhau. Cần có một cái đàn piano màu gụ đỏ, và thề thốt rằng bà sẽ trả 10 đôla/tháng. Khoảng hai năm sau, tôi mở được một công ty giao bán piano của riêng mình, và đôi khi tôi đăng quảng cáo trên báo địa phương Missouri. Tôi bắt đầu nhận được những bưu thiếp như từng nhận ở công ty cũ. Trong hàng tháng trời, tôi cũng lờ những tờ bưu thiếp đó đi, vì tôi biết làm gì cơ chứ?

Nhưng rồi, một hôm ở công ty tôi có nhập vể một số đàn piano kiểu mới, trong đó có một chiếc đàn màu gụ đỏ. Dù biết mình có thể gây thua thiệt cho công ty, tôi vẫn quyết định đưa chiếc đàn lên xe ô tô chở tới nhà bà cụ và nói rằng nếu bà trả 10 đôla/ tháng thì bà sẽ phải trả 52 lần. Tôi đặt piano vào nơi ít có khả năng bị dột nhất. Tôi cũng dặn bà và cháu bé giữ cho bọn gà đừng nhảy lên đàn piano. Rồi tôi lên xe về công ty đinh ninh rằng thế là coi như mình đã cho không một cây đàn.


Nhưng cứ 10 đôla được gửi đến cho tôi rất đều đặn mỗi tháng. Cả 52 tháng. Đôi khi không chỉ là tiền giấy mà là những đồng xu được dùng băng dính đính vào bưu thiếp.

Nhận đủ tiền tôi không có liên lạc gì với bà cụ nữa trong suốt 20 năm.

Cho đến một ngày khi đi công tác ở Memphis, tôi ghé vào một nhà hàng để dùng bữa. ở đó, tôi được nghe thấy tiếng đàn piano hay nhất mà tôi từng được nghe. Và do một cô gái rất xinh đẹp đang chơi. Tôi lại gần cô ấy và đứng nghe nhạc. Khi chơi xong bản nhạc, chúng tôi nói chuyện với nhau, và thật như một điều kì diệu, đó chính là cô bé mặc váy vá trong căn lều nhỏ 20 năm trước.

Cô gái kể từ khi được bà đã đặt mua cho chiếc đàn piano màu gụ đỏ, cô đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc ở trường và địa phương. Bây giờ cô đã có gia đình còn bà cô đã mất.


Tôi hỏi cô có biết chiếc đàn piano màu gụ đỏ có ý nghĩa như thế nào không. Cô gái nói hồi đó cô còn quá nhỏ, chỉ biết có một chiếc đàn mà không hiểu gì nhiều. Nhưng tôi thì hiểu.

Cuối cùng, tôi bảo cô:

- Tôi rất mừng được gặp lại cô, còn bây giờ tôi phải đi về. Và tôi thực sự phải đi về, vì bạn biết đấy, đàn ông không bao giờ muốn bị nhìn thấy mình khóc ở nơi công cộng.


(Sưu tầm trên mạng)

TRƯƠNG HỒNG KIỀU


Trương Hồng Kiều 張紅橋 tên thật là Tú Phân 秀芬, không rõ năm sinh năm mất. Cái tên đẹp gắn liền với tên cây cầu Hồng Kiều nên mọi người đều gọi nàng là Trương Hồng Kiều, và dần dần không có ai gọi nàng bằng tên thật nữa. Sinh trong một gia đình phú quý ở trung nguyên, nhưng vì tránh cuộc chiến loạn cuối đời Nguyên nên cha mẹ Trương Hồng Kiều đã đưa cô đi lưu lạc đến phương nam. Không may, trên đường đi lưu lạc, cha mẹ của Trương Hồng Kiều đều lần lượt qua đời. Trương Hồng Kiều được gửi gắm vào nhà người dì. Trong cuộc chiến loạn, bà đã đưa cô đến huyện Mân ở Phúc Kiến, cuối cùng định cư ở bên cạnh cầu Hồng Kiều.
Cầu Hồng Kiều ở huyện Mân Hầu ngoài thành Phúc Châu hơn mười dặm, vốn có tên gọi là Hồng Sơn. Cầu tuy không to nhưng rất đặc sắc, toàn cầu có màu hồng tươi của gạch, trên có liễu xanh rủ, là một nơi tình thơ ý hoạ, các văn nhân tản sĩ tụ hội rất nhiều. Cầu này nhìn từ xa như một ngọn lửa hồng, nên nhiều người xưng gọi là Hồng Kiều.
Trương Hồng Kiều lớn lên là một nữ nhân tài sắc vẹn toàn nhưng số phận bi thảm. Nàng từng nói mong muốn có được người chồng tài như thi tiên Lý Bạch để sớm tối tương tuỳ, khiến tải tử quanh vùng đều gửi thơ mong nàng đoái hoài, nhưng nàng đều để ngoài mắt, tất cả có đến trăm người nàng đều không đáp lại.


Đầu năm Hoàng Sơ, có Lâm Hồng 林鴻 đứng đầu Mân trung thập tài tử, vốn là con cái một thế gia ở huyện Phúc Thanh, tài hoa mẫn tiệp hơn người. Chàng từng được Minh Thái Tổ thử tài xuất khẩu thành thơ, rồi ban cho chức Lễ bộ tinh thiện viên ngoại lang. Ở kinh đô Kim Lăng, chàng từng lấy một người vợ họ Chu, cũng là một tài nữ, giỏi thơ phú. Hai vợ chồng sớm tối xướng hoạ, nhưng hồng nhan bạc mệnh, hôn thú chưa được ba năm thì họ Chu lâm bệnh không qua được. Lâm Hồng đau buồn, nhân lại có mâu thuẫn với quan trên, nên bỏ về quê cũ.
Tại quê, trong khi nhàn rỗi, Lâm Hồng qua thăm một người bạn là Vương Xứng, cũng là một trong Mân trung thập tài tử, khi đó đang thuê trọ tại cạnh nhà Trương Hồng Kiều, mong được ngày có được hảo ý của nàng. Đêm đó khi hàn huyên cùng Vương Xứng, nhìn qua cửa sổ thấy bóng Hồng Kiều ngoài sân, chàng bất giác xuất khẩu một bài thơ. Nhân nghe Vương Xứng kể chuyện về nàng, chàng đã viết bài thơ bỏ vào một túi thơm rồi nhờ chủ nhà đưa sang cho nàng.


Hồng Kiều đọc thơ thấy là người không tầm thường, bất giác động tâm, gửi thơ đáp lại. Hai người từ đó thư từ qua lại rồi dần dần nên tình ý. Một thời gian sau, hai người cách tường chưa thoả, Lâm Hồng mượn lý do nhà họ Trương mát mẻ rộng rãi hơn nên chuyển sang ở trọ bên đó. Khi này người dì của Hồng Kiều đã có tuổi, không rõ hết sự tình, Lâm Hồng tiếng là ở trọ nhưng kỳ thực với Hồng Kiều đã như đôi uyên ương sớm tối bên nhau như vợ chồng.
Hai người say chìm trong hạnh phúc mà quên mất nghi lễ, không tính đến chuyện hôn giá. Được chừng một năm, Lâm Hồng bỗng nhận được thư của nhà vợ cũ ở kinh đô, bảo chàng quay về phục chức. Ân nghĩa với Hồng Kiều đã sâu đậm nhưng không cản được chí hướng nam nhi, chàng đã quyết chí trở lại kinh thành. Lúc lâm hành, Lâm Hồng viết thành một bài từ theo điệu "Niệm nô kiều" đưa cho Hồng Kiều. Nàng đọc bài từ, tâm trạng ngổn ngang cũng viết một bài từ hoạ nguyên vận.
Sau khi Lâm Hồng đi, Hồng Kiều ngày ngày mong ngóng. Có lần Lâm Hồng đã sai gia nhân đưa đến cho nàng một bức thư, trong có một bài từ "Mô ngư nhi" kèm theo bảy bài thơ tứ tuyệt, mỗi bài đều kết thúc bằng hai chữ "Hồng Kiều" bày tỏ nỗi nhớ nhung khôn nguôi.


Lâm Hồng ở nhà vợ cũ tại kinh thành, thân trai một mình, nhà vợ cũ tính chuyện lấy vợ khác cho chàng. Lâm Hồng nhân đó mới kể sự tình tại đất Mân. Theo miêu tả của chàng, nhà vợ cũ cho Hồng Kiều là người không đoan chính, bắt chàng phải cự tuyệt. Lâm Hồng day dứt không quên được chuyện cũ, sau khoảng một năm đã lên đường trở về nơi cũ.
Khi đến nhà họ Trương, chàng chỉ thấy cửa nhà tịch mịch, lầu không viện bế, chỉ còn dì của Trương Hồng Kiều. Hỏi ra mới biết nàng do tương tư đã lâm bệnh nặng mất trước đó một tháng. Khi tìm lại những vật cũ của Hồng Kiều, Lâm Hồng thấy một phong thư, mở ra xem thì thấy một nửa bài từ theo điệu "Điệp luyến hoa" còn dở, mặt sau viết bảy bài thơ tứ tuyệt, mỗi bài đều kết thúc bằng chữ "Hồng" (trong tên của Lâm Hồng).
Trong phong thư Lâm Hồng tìm được của Hồng Kiều để lại trước khi mất, mặt trước có bài từ này, mặt sau là bảy bài tuyệt cú. Bài từ này là nửa đầu điệu "Điệp luyến hoa", lời còn dang dở, có lẽ không nỡ viết tiếp.

蝶戀花 - 張紅橋
記得紅橋西畔路, 
郎馬來時, 
繫在垂楊樹。 
漠漠梨雲和夢度, 
錦屏翠帽留春住。


Điệp luyến hoa - Trương Hồng Kiều
Ký đắc Hồng Kiều tây bạn lộ, 
Lang mã lai thì, 
Hệ tại thuỳ dương thụ. 
Mạc mạc lê vân hoà mộng độ, 
Cẩm bình thuý mạo lưu xuân trú.


Điệp luyến hoa (Người dịch: Điệp luyến hoa)
Gửi đến Hồng Kiều, mé tây lộ, 
Khi ngựa chàng về, 
Tới gốc thuỳ dương buộc. 
Man mác mây lê trong mộng cũ, 
Bình phong vẻ biếc lưu xuân giữ.



Lâm Hồng khi đau buồn cũng viết một bài "Điệu vong" để khóc người mất.

悼亡 - 林鴻
柔腸百結淚懸河, 
掩玉埋香可奈何! 
明月也知留佩玦, 
晚來長怨畫青蛾。 
仙魂己遂梨雲夢, 
人世宣傳薤露歌。 
自是忘情惟上智, 
此生長抱怨情多!


Điệu vong - Lâm Hồng
Nhu trường bách kết lệ huyền hà, 
Yểm ngọc mai hương khả nại hà! 
Minh nguyệt dã tri lưu bội quyết, 
Vãn lai trường oán hoạ thanh nga. 
Tiên hồn kỷ toại lê vân mộng, 
Nhân thế tuyên truyền giới lộ ca. 
Tự thị vong tình duy thượng trí, 
Thử sinh trường bão oán tình đa!


Viếng người mất (Người dịch: Lê Xuân Khải)
Ngổn ngang trăm mối lệ đầm sa 
Giấu ngọc chân hương quá khổ mà 
Trăng sáng cũng hay lưu ngọc bội 
Ngắm ngày oán mãi vẽ thanh nga 
Hồn tiên đã toại lê vân mộng 
Nhân thế còn truyền giới lộ ca 
Nay hãy quên tình là đúng nhất 
Oán tình nàng hãy trút vào ta.



Bảy bài thơ để lại lúc lâm chung của Trương Hồng Kiều có tên là Lâm chung thi (臨終詩) kỳ 1 đến 7.

(Sưu tầm trên mạng)

HỒ BAIKAL

Xét về địa lý tự nhiên, Liên Bang Nga là quốc gia sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới, từ những khu rừng già rậm rạp với lượng gỗ khổng lồ, mỏ dầu trù phú cho tới nguồn nước ngọt cực lớn tới từ hồ Baikal.

Hơn cả một nguồn tài nguyên, hồ Baikal còn là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất thế giới với biết bao câu chuyện truyền thuyết xung quanh...



Truyền thuyết bí ẩn ở hồ nước ngọt phá 2 kỷ lục của thế giới
 
Đặc điểm có 1-0-2 và những cái "nhất"...

Hồ Baikal, còn được biết tới với cái tên Biển Hồ thiêng, nằm ở phía Nam Siberia, thuộc Nga. Đây là hồ nước ngọt cao tuổi nhất thế giới, ra đời cách đây 25 - 30 triệu năm về trước từ một vết đứt gãy của vỏ Trái đất. Baikal có diện tích khoảng 31.722km2 với độ sâu 1.642m, chiếm đồng thời hai kỷ lục về hồ nước ngọt sâu nhất và lớn nhất trên hành tinh.


Điểm độc đáo mà chỉ có hồ Baikal đang sở hữu chính là khả năng phát triển, mở rộng "thần kỳ" của nó. Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm, hồ Baikal "lớn thêm" khoảng 2cm, hiện, nó đã mở ra 336 nhánh tất cả.
 
Trữ lượng nước ngọt ở đây tương đương 20% lượng nước ngọt chưa đóng băng trên thế giới và 90% nếu chỉ tính ở riêng Nga. Trong trường hợp tất cả nguồn nước ngọt khác trên Trái đất cạn kiệt, nước ở hồ Baikal cũng đủ cho cả nhân loại dùng trong vòng 40 năm.


Giống như phần lớn các nơi khác trên đất nước Nga, nhiệt độ ở hồ Baikal khá thấp, có địa điểm xuống tới -19 độ C vào mùa đông. Đáng kinh ngạc hơn, nước hồ Baikal cực trong, từ trên bờ có thể nhìn thấy rõ những hòn đá cuội ở độ sâu 40m.
 
Thành phần nước ở đây cũng rất tinh khiết, chứa rất ít khoáng chất. Các chuyên gia kết luận rằng, không ngoa nếu gọi nước hồ Baikal gần như là nước cất.


Ngoài ra, hồ Baikal còn là "ngôi nhà" của hơn 2.500 loài động thực vật khác nhau. Một số loài động vật quý hiếm nổi tiếng chẳng hạn như loài cá Golomyanka độc đáo với thân trong suốt và không đẻ trứng mà đẻ ra cá con hay loài hải cẩu có tên gọi Nerpa Baikal.
 
Được cho đã di chuyển đến đây từ Bắc Bắc Dương hơn 800.000 năm trước, những chú hải cẩu nhỏ này đã trở thành biểu tượng của vùng di sản thiên nhiên Baikal diệu kỳ.


... là khởi nguồn cho những truyền thuyết bí ẩn...
 
Có nhiều câu chuyện dân gian kể về sự ra đời của hồ Baikal. Có chuyện kể rằng, thiên thạch đâm vào Trái đất và tạo ra một vết nứt lớn, nơi sau này chính là hồ Baikal.
 
Người ta đồn rằng, hồ có năng lực ma thuật siêu nhiên nào đó có thể kéo dài tuổi thọ con người. Đó cũng là lý do vì sao có những người sẵn sàng mạo hiểm ngâm mình trong nước hồ ở nhiệt độ -5 độ C để được bất tử.


Một câu chuyện khác về hồ xoay quanh người đàn ông đầy quyền lực tên Baikal. Thuở xưa, Baikal có một cô con gái xinh đẹp tên Angara. Angara đẹp đến nỗi để bảo vệ nàng, cha Baikal đã nhốt cô trong một tòa tháp cao. Nhưng người con gái xinh đẹp lại đem lòng yêu chàng Yenisey và trốn cha đi theo người yêu. Baikal biết chuyện, nổi giận và nguyền rủa Angara, ném một mảnh núi vỡ chắn đường không cho nàng gặp Yenisey.
 
Angara khát khô cả họng. Cô van nài cha mình tha lỗi và cầu xin ông ban cho mình nước uống. Thế nhưng, Baikal trả lời rằng, ông chỉ có thể cho cô nước mắt của mình mà thôi...


Đó là lý do vì sao nhánh sông Angara thuộc hồ Baikal và sông Yenisey tạo thành hình một giọt nước mắt như ngày nay. Còn về phần Baikal, đau buồn vì chuyện của con gái, ông trở nên lạnh lùng, ủ rũ y như vẻ ảm đạm, lạnh lẽo thường thấy của hồ sau này.
 
Ngoài ra, còn một truyền thuyết khác kể về sự ra đời của hồ nước rộng lớn nơi đây. Theo đó, khi con người đặt chân tới vùng này, không có dấu tích gì của nước cả. Mọi người tìm kiếm rất lâu nhưng vô ích. Họ chán chường, thất vọng và tức giận vô cùng.


May sao, có một người hành hương xuất hiện. Người đó cảm thương số phận của các cư dân sắp chết khát, bèn xé trái tim từ lồng ngực ra, ném xuống đất. Quả tim phá vỡ tầng đất dày phía dưới chân và nước từ đó tuôn ra xối xả, tinh khiết, tạo thành hồ Baikal như ngày nay.
 
Chưa dừng lại ở đó, đảo Olkhon thuộc hồ được cho là nơi Thành Cát Tư Hãn ra đời. Người ta cũng đồn rằng, chúa Jessus đã từng tới nơi đây và ban phước lành, trong khi vùng Cape Ryty thuộc phía Tây hồ Baikal bị nguyền rủa, có thể khiến ai đi qua đây chết "bất đắc kỳ tử".
... thậm chí cả những câu chuyện về người ngoài hành tinh...


Theo thời gian, những câu chuyện, đồn đoán về hồ Baikal càng nhiều hơn. Một tài liệu cũ của hải quân Nga năm 1982 có ghi lại về cuộc gặp gỡ người ngoài hành tinh dưới đáy hồ của một số thợ lặn.
 
Cụ thể, một số thợ lặn hải quân đã vô tình chạm trán các "sinh vật hình người mặc đồ màu bạc" ở độ sâu 50m. Kết cục là 3 người trong số họ đã chết vì đuổi theo, 4 người khác bị thương nặng.


Tới năm 2009, người ta lại phát hiện ra ở hồ Baikal những vòng tròn kỳ lạ đường kính lên tới 4,4km có thể nhìn thấy từ vệ tinh ngoài Trái đất. Hai năm sau, một chiếc tàu có tên Yamaha đã mất tích ở hồ vì hút vào các xoáy nước lớn.
 
Nhiều người cho rằng, đó là bằng chứng cho sự hiện diện của người ngoài hành tinh và các xoáy nước trên chính là cánh cửa đi tới thế giới địa ngục.


Bản thân người dân sống quanh hồ Baikal cũng kể lại nhiều điều bí ẩn. Rất nhiều người thường xuyên nhìn thấy các khung cảnh lạ trên mặt hồ: từ hình lâu đài cho tới xe lửa, tàu thuyền... Đôi khi, vào ban đêm, từ phía dưới hồ còn phát ra ánh sáng rất đáng sợ. Các nhà khoa học cho rằng, nhiều khả năng các hình ảnh mà người dân địa phương mô tả chính là các ảo ảnh được tạo ra bởi ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm trong không khí, bề mặt nước và dưới nước tại đây.
 

Dẫu vậy, hồ Baikal vẫn làm người ta phải hoài nghi về thứ được gọi là "người ngoài hành tinh". Cho tới nay, câu trả lời thực sự vẫn còn nằm trong bóng tối.
 
NGỌC TRUNG
(Sưu tầm trên mạng)