Wednesday, May 31, 2017

NGƯỜI BẠN CŨ VÀ MẮM CUA CHUA

Năm 11 tuổi, tôi vào học lớp đệ nhất niên trường Trung Học Quy Nhơn, sau nầy đổi tên thành trường Trung Học Cường Để. Lúc bấy giờ trường dời về thôn Hoà Bình, xã Nhơn Phong do thầy Huỳnh Văn Gi làm hiệu trưởng.


Mười một tuổi nhưng tôi lại nhỏ con, gầy còm ngồi bên cạnh một bậc đàn anh cao lớn béo tốt, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, tươm tất.
Năm đó thầy Ngô Chanh dạy môn hoá học cho lớp chúng tôi. Trong giờ thực tập thí nghiệm khí HCl không biết bất cẩn như thế nào, khiến bình thuỷ tinh nổ tung như bom, một mảnh thuỷ tinh vỡ, bay ghim vào thân thể huynh trưởng, vô tình làm tấm mộc che chở cho tôi.
Bắt đầu từ đó, tôi vô cùng yêu quý bậc đàn anh này, vì huynh trưởng lớn hơn tới 5 tuổi, lúc nào cũng nghiêm nghị, tề chỉnh, sẵn sàng che chở cho thằng em nhỏ con ốm yếu.
Tình bạn học giữa hai chúng tôi nảy nở nhanh chóng, bất cứ nơi nào có mặt huynh trưởng, đều thấy thấp thoáng có bóng tôi. Chúng tôi đi cặp kè với nhau một cao, một thấp, một hồng hào khoẻ mạnh, một ốm yếu nhỏ con, một tình bạn phối hợp giữa hai cái thể chất tương phản lạ lùng.
Nhiều anh bạn học đệ nhị, đệ tam và kể cả cô tôi, người chủ nhà tôi trọ học, họ đều hoài nghi huynh trưởng bầu bạn với tôi, chỉ vì tôi có người chị xinh đẹp.
Riêng tôi, chắc chắn không phải như vậy; bởi vì anh cần có tôi, cần có một người chăm chú nghe anh, ngạc nhiên đến thích thú những điều anh suy nghĩ, theo đuổi; cần có người thông cảm chia sẻ. Tôi là một đối tượng lý tưởng đáng mơ ước để anh mạnh dạn hăng hái trình bày…
Có lần anh hỏi tôi có biết câu ca dao này không:

Ai về làm mắm cua chua
Gởi lên ông đội, khỏi mua tốn tiền.

Anh quả quyết câu ca dao này phát xuất từ thôn xóm anh, sau lan truyền trong thời đại Nhà Nguyễn Tây Sơn, bởi vì mắm cua chua của làng anh ngon nhất Bình Định. Ruộng lúa Bình Định có hai mùa: mùa tháng ba và tháng tám.


Vào lúc lúa bắt đầu xanh mơn mởn, sau một tháng cây mạ đã bén rễ vào ruộng nước phát triển mạnh, cũng là lúc cua bắt đầu sinh nở, cua sinh nhiều nhất vào cuối tháng tám ta. Những đàn cua con chạy tràn đầy dọc theo bờ cỏ này tha hồ mà quơ bắt cho đầy giỏ, nhưng chưa có thể làm mắm cua chua được. Người đàn anh của tôi nhấn mạnh:
“Phải chờ đến khi ruộng lúa gần gặt, hay đã gặt hái xong, lúc bấy giờ cua mới thực sự trưởng thành, trong yếm của cua đồng vun đầy gạch, những con cua này mới là nguyên liệu tốt nhất để làm mắm cua chua tuyệt hảo”.
Nghệ thuật làm mắm cua chua tại gia đình người đàn anh của tôi không đơn giản một chút nào. Khi bắt được một giỏ đầy cua, khoảng độ 200 con cua đồng, cua phải được đem ngâm vào nước hai ngày, hai đêm để cua nhả tung hết chất dơ bùn đất.
Một chậu nước lớn để ngâm cua nên đổ vào một ít muối để cua mau sạch. Sau 48 giờ, vớt cua ra cho vào cối đá và dùng chày tay bằng gỗ quý giã cho thật nát nhuyễn. Đổ thêm nước vào và dùng vải lọc vắt lấy nước gạch cua khoảng độ hai lít cho vào cất kỹ trong chiếc hũ sành. Nước cua này chỉ nên thêm nhiều muối và không nấu sôi, nhưng phải dùng đũa bếp thường xuyên khuấy đều hũ mắm cua chua, có thể để lâu trong nhiều tháng.
Nước cua lần đầu dùng làm mắm cua chua, người nhà của huynh trưởng tôi có thể giã thêm nhiều lần để vắt lấy thêm nước thứ nhì, đem nước này nấu sôi lên, nêm vào với ớt chín, năm ba lát gừng, tạo thành món mắm cua tươi thơm phứt, chan với cơm gạo mới hay ăn với bún vừa ra lò, thật vô cùng ngon miệng.


Nước mắm cua chua để chừng 2 tháng, bắt được cá tràu, trong nam gọi là cá lóc, làm vảy sạch sẽ, bỏ vào chiếc trã làm bằng đất nung, đổ mắm cua chua cho ngập đầy thân cá, xắt vài lát ớt chín và gừng củ thành từng lát mỏng bỏ vào khi bếp lửa riu riu vừa phải, mắm cua sôi nhẹ ngấm vào thân cá, cá quyện vào cua tạo thành món ngon đồng nội thơm phứt, tuyệt vời.
Người bạn học đàn anh của tôi đã đãi tôi nhiều lần món mắm cua chua kho với cá tràu thơm ngon tuyệt hảo, trong lúc tôi xì xụp tận hưởng cái vị mặn mà béo ngọt dịu dàng pha lẫn chút cay cay, thì bậc đàn anh của tôi hùng hồn kết luận, tuyên bố một câu nẩy lửa: “Mắm cua chua còn, thì nhân tài còn”.
Tuổi 11, không phải là tuổi để hoài nghi biện luận, nhân tài của chúng tôi lúc bây giờ là Nguyễn Huệ Quang Trung, ông đội của Ngài thích món mắm cua chua tha thiết đến ngần nào, dám trích một món tiền trong lương bổng tượng trưng của nghĩa quân để mua mắm cua chua, đến nỗi người thương ông đội phải nhắn nhe dặn dò qua ca dao làm mắm cua chua gởi ngay ông đội, thì vị chỉ huy trưởng tài ba Nguyễn Huệ phải yêu thích món mắm cua chua vô cùng. Thế là tôi gật đầu, giơ hai tay đồng ý, và từ đó danh từ “triết gia mắm cua chua” ra đời.
Sau vài năm Trung Học, tôi và “triết gia mắm cua chua” xa nhau bặt tăm tin tức. Khoảng năm 1967, “triết gia” tìm thăm tôi tại Sài Gòn. Tôi được biết thêm tin tức người đàn anh vừa bị thất cử trong một chức vụ dân cử địa phương, chỉ vì anh ta lấy hũ mắm cua chua làm dấu hiệu biểu tượng. Cử tri yêu thích mắm cua chua thì quá ít và chiến tranh đã làm cho nghệ thuật mắm cua chua thất truyền. Anh cần gặp tôi để sửa lại câu tuyên bố nẩy lửa năm xưa: “Mắm cua chua còn, thì người chịu khó, người nhẫn nại còn”. Tôi vô cùng cảm động cho mục đích cao cả của sự thăm viếng, và với tất cả sự suy tư thận trọng, lần này tôi hoàn toàn đồng ý với anh, vì phải là người chịu khó, nhẫn nại mới làm được món mắm cua chua như gia đình anh, thơm ngon hơn người. Tôi thầm nghĩ: “triết gia mắm cua chua” vô danh này có tinh thần phục thiện cao, chịu khó vượt hơn 600 cây số để thông báo sửa sai “triết lý” của mình, hơn hẳn nhiều người lừng danh trên thế giới vẫn cứ ngoan cố bám vào lầm lỗi của mình, dầu đã được nhiều phân tích gia phê bình, soi sáng..


Đó là lần cuối cùng tôi gặp người huynh trưởng, anh còn cho biết đã sinh được một cháu gái lấy tên U.P.G.D., một cái tên đẹp, rất lạ gồm cả tên cha mẹ và địa danh của mối tình vợ chồng. Năm 1980, người huynh trưởng cùng một nửa gia đình em trai tôi tổ chức vượt biên đi tìm tự do. Tất cả chuyến đi hơn 50 người đã vùi thây trong lòng biển cả. Tôi đã khóc cho em tôi, cho cháu tôi, cho huynh trưởng, cho hàng trăm ngàn thuyền nhân trong bài thơ:

“Biển Xanh Máu Lệ”.
Thuyền con vượt biển canh khuya
Đêm đen nỗi chết lệ chia đôi dòng
Còn gì đâu nữa mà mong
Người thương nước mắt lưng tròng cách xa
Quê hương mất hút nhạt nhoà
Ruột đau như cắt vỡ oà buốt tim
Cầm bằng đãi cát tìm kim
Một đi sống chết màn đêm hãi hùng
Bao la trời biển mông lung
Thuyền con chiếc lá trập trùng tiến lui
Trăm ngàn thây chết chôn vùi
Biển đau lòng biển, ngậm ngùi biển xanh
Em xuôi tay bỏ đời anh
Chiều sa thuỷ táng lệ thành bể mưa
Mây buồn tang chế nắng trưa
Đêm như vô tận, ngày chưa hết ngày
Mênh mông trời nước ai hay
Tiếng chuông cầu nguyện gió bay lạnh lùng…
Mai sau đất khách tạm dung
Biển xanh máu lệ, bão bùng trong ta
Nhịp tim sóng vỗ nhạt nhoà
Đêm mưa nước mắt chan hoà người ơi!

U.P.G.D. con gái đầu lòng của người huynh trưởng may mắn không theo cha vượt biên và một thời gian sau, cháu đến được bến bờ tự do, theo học tại University of Massachusetts. Giáo sư Thành tại đại học này, một người hăng say hoạt động trong các công tác văn hoá xã hội, đứng ra điều hợp các hội đoàn sinh viên Việt Nam tại mười trường đại học chung quanh thành phố Boston để mời các diễn giả Việt Nam về sinh hoạt với sinh viên, chia sẻ những kinh nghiệm sống ở quê người.
Để mở đầu chương trình sinh hoạt, giáo sư Thành đã mượn được một giảng đường danh tiếng tại đại học Harvard, tại giảng đường này, ngày 05 tháng 6, năm 1947, ông George Marshall, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến đây nói chuyện với sinh viên về kế hoạch tái thiết Âu Châu sau đệ nhị thế chiến, kế hoạch Marshall đã thành công rực rỡ, mang lại cho ông Marshall giải thưởng Nobel hòa bình.


Trong năm 1989, khi đến thuyết trình tại đây lần đầu, tôi đã được giới thiệu hai căn phòng lịch sử tại đại học Harvard: căn phòng trọ của cố Tổng Thống Kennedy khi còn là sinh viên nội trú và giảng đường Marshall.
Bây giờ, vài năm sau, tôi được giáo sư Thành mời đến đọc thơ, chia xẻ những kinh nghiệm giáo dục học tập với sinh viên Việt Nam tại giảng đường Marshall, nơi đã trở thành lịch sử. Lòng tôi tràn đầy hân hoan sung sướng mong được thăm lại Harvard, nhìn lại công trình kiến trúc khu Carpenter Center do kiến trúc sự nổi danh người Pháp Le Corbusier vẽ kiểu mẫu.
Thành phố Boston và những thị trấn chung quanh gồm hơn 10 đại học (trong đó có 3 đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ: Harvard, Massachusetts Institute of Technology, Boston College) đây là một trung tâm giáo dục gồm hàng trăm ngàn sinh viên và có nhiều sinh viên Việt Nam theo học. Chính tại “giảng đường lịch sử Marshal”, tôi gặp nữ sinh viên U.P.G.D., con gái đầu lòng của người huynh trưởng cũ.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ hứng thú cảm động đến rơi nước mắt. Chính U.P.G.D. đã đứng lên hỏi gợi ý để tôi hào hùng tuôn tràn nói về kỷ niệm và món ăn truyền thống mắm cua chua tại “giảng đường lịch sử Marshall” này.
Không biết hơn 44 năm về trước cử toạ đã vỗ tay hoan nghênh kế hoạch vĩ đại Marshall như thế nào, giờ đây hơn vài trăm sinh viên Việt Nam đã vỗ tay reo hò cười vang đón mừng một tiểu tiết trong sinh hoạt ăn uống: mắm cua chua thật vô cùng hào hứng.
Sau khi tốt nghiệp, U.P.G.D. rời Boston về định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington và làm việc tại hãng chế tạo máy bay Boeing, tôi vẫn thường xuyên điện đàm với U.P.G.D., nhờ cháu có đường dây điện thoại viên liên miễn phí.
Trong hai năm 1996-1997, tôi hoàn toàn mất liên lạc với U.P.G.D., tôi vô cùng lo ngại cho cô con gái người bạn học cũ, rất năng động, lanh lợi dễ thương, nhưng hơi bất thường vì đã phải đương đầu với bao hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo, nghiệt ngã.
Mùa hè năm 1998, U.P.G.D. liên lạc bằng email báo cho tôi biết, cháu đã rời bỏ hãng Boeing và hai năm qua cắp sách đi học lại, tìm nguồn vui trong học đường. Tháng 10 năm 1998, U.P.G.D. báo tin cho tôi biết đã tìm được một việc làm mới trong một hãng nhỏ, một công ty nhu liệu, chuyên về credit card tại thành phố Seattle. Công ty này, ký hiệu là U.P.G.D. trùng với bốn chữ khởi đầu tên của cháu, thật là một cuộc tao phùng định mệnh. U.P.G.D. rối rít khoe ầm với tôi trên đường giây điện thoại.


Cuối tháng 11 năm 1998, U.P.G.D. tâm sự với tôi, cháu chỉ thích thú các công tác từ thiện xã hội, giúp những người bất hạnh, cháu đã quá mệt mỏi, rã rời trong công việc chạy đua hàng ngày tại sở làm. U.P.G.D. ao ước được có một số tiền để trở về giúp đỡ những người nghèo đói ở Việt Nam.
Mỗi cổ phần của công ty chỉ có 25 cents, U.P.G.D. xin tôi 250 dollars để mua 1,000 cổ phần sung vào quỹ giúp kẻ khốn cùng. Tôi đã gởi ngay ngân phiếu đến U.P.G.D. với lời chúc cháu chóng đạt được sở nguyện.
Ngày 19 tháng 01, năm 2000, cổ phần của công ty này đã như hoả tiễn, thăng thiên lên đến 89 dollars; và trước khi lên đường trở về Việt Nam giúp đỡ những người đói khổ tuyệt vọng. U.P.G.D. hứa với tôi, khi trở lại Mỹ sẽ tặng quà cho tôi một chai mắm cua chua thơm ngon của xứ “nẫu”.
HUY-LỰC BÙI TIÊN KHÔI

No comments: