Wednesday, July 26, 2017

"NÓI LÁO" QUA THI PHÚ

Giai thoại văn học:


“Nói láo” là đặt điều, là bịa ra mà nói, là nói điều không đúng sự thật, và nói láo là một sự xấu. Ngày xưa, bầy tôi nói láo với vua là mang trọng tội. Chiếu theo luật pháp của các triều đại phong kiến, nói láo với vua là mang tội “khi quân” có thệ bị xử trảm. Thế nhưng trong kho tàng văn chương ta có kẻ dám nói láo với vua và chẳng những không bị tội mà còn được nhà vua ban thưởng như giai thọai sau đây:
Số là, ông Đinh Nhật Thận hiệu Bạch Mao Am, sinh năm 1815, và mất năm 1860, người làng Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông thi đỗ Đình Nguyên Khoa Mậu Tuất năm Minh Mạng thứ 19, tức vào năm 1838 dương lịch. Ông được bổ làm quan ít lâu thì chán cảnh hoạn trường nên cáo quan về sinh sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc.
Ông Đinh Nhật Thận là bạn thân của nhà thơ “ngông” Cao Bá Quát, vì thế đến đời vua Tự Đức ông bị bắt giải về kinh vì bị tình nghi có nhúng tay vào vụ Cao Bá Quát khởi loạn. Nhưng vì không có bằng chứng nên được tha. Vua Tự Đức mến tài ông nên giữ ông ở lại kinh đô để dạy cho các tôn thất học.
Khi ở kinh thành, một hôm ông cùng các quan đại thần được theo ngự thuyền ngoạn cảnh trên sông Hương, nhân lúc vua và các quan đàm luận về đạo đức thánh hiền, ông có nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử tử, tử bất tử bất hiếu” (Vua khiến tôi chết, tôi không chết không trung; cha khiến con chết, con không chết không hiếu) và cho đó là một câu chí lý mà mọi người phải theo.


Nghe ông nói vậy, vua Tự Đức mới phán:
- Thế bây giờ trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này mà chết đi, khanh có làm không?
Nghe nhà vua phán, các quan ai nấy đều lo cho số phận của ông vì không nhảy thì mang tội bất trung còn nhảy thì chết một cách oan uổng. Thế nhưng ông vẫn bình tĩnh, lạy tạ nhà vua xong rồi lao mình xuống sông Hương. Giòng nước bắn tung tóe, mọi người đều nghĩ đây là nơi an giấc nghìn thu của ông Đinh Nhật Thận. Thế là kết liễu một đời tài hoa không tội lỗi...
Nhưng chỉ giây lát sau, hết dưỡng khí, bị ngộp thở, ông ngoi đầu lên bơi đến bám vào ngự thuyền. Vua Tự Đức thấy vậy bèn hỏi:
- Sao khanh không ở dưới đó mà chết đi còn trở lên đây?
Ông đáp:
- Thần định ở nhưng vừa xuống tới đáy sông thì gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần bằng hai câu thơ như sau:
“Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn!
Nhĩ ngộ minh quân nịch tử hà?”
我逢暗主含冤忍 !
你晤明君溺死何 ?
(Ta gặp vua ngu phải chịu chết oan đã đành, còn người gặp vì vua sáng suốt cớ sao lại chết đuối?)
Thần nghe ông ấy mắng đúng lắm nên phải lên đây tâu bệ hạ rõ.


Vua Tự Đức nghe qua cả cười, sai thị vệ đón ông lên ngự thuyền, lấy quần áo cho thay, rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng. Thưởng cho cái tài ứng phó mẫn tiệp mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, tức là nói láo.
Đó là nói láo đấy, nhưng nói láo mà nhà vua phải khen, các quan phải phục và người đời sau ca tụng mãi mãi. Lối nói láo đó không làm hại gì ai mà trái lại còn tô điểm cho kho tàng văn học thêm phong phú. Ở đời đã mấy ai không nói láo, nhưng đã có mấy ai nói láo có nghệ thuật để thiên hạ biết mình nói láo mà vẫn nghe, vẫn phục và vẫn có thiện cảm!
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: