Tuesday, August 15, 2017

CỤC TÌNH BÁO HOA NAM

Thời gian qua có khi lướt sóng qua cỏi ta bà, đọc hay xem qua nhiều mạng, cái cụm từ "Tình báo Hoa Nam" được lập đi, lập lại rất nhiều lần nghe riết rồi quen và không biết nó có thật hay không dù trong suy nghĩ vẫn nghĩ là muốn nói về một cơ quan tình báo của Trung Quốc. 


Thật ra nói về tình báo thì nước nào cũng có, nước lớn hoặc nước nhỏ đều có. Các tổ chức này hoạt động như thế nào mục đích gì thì chẳng ai biết nhưng nếu quá khoa trương hay lộ liễu thì là một đại họa dù đó là nước nào đi nữa.

Hôm nay tình cờ đọc được một bài viết về nó nên mạn phép share lại. Đọc chơi cho biết còn đúng hay không thì miễn bàn. Còn comment về chuyện chánh chị chánh em thì sẽ bị xóa ngay. Đã nói trước rồi xin đừng giận nhé!


HOA NAM TÌNH BÁO CỤC - ANH LÁ AI?

Hẳn người Việt không có ai chưa từng nghe đến cái tên tình báo Hoa Nam, con ngáo ộp khét tiếng trong đời sống chính trị nước Việt Nam. Thế nhưng, gần như chẳng mấy ai biết được tình báo Hoa Nam, hay Hoa Nam tình báo cục, nằm ở đâu trong cơ cấu tình báo của Trung Quốc.

Đối với người Việt, Hoa Nam tình báo ngày nay dường như cụm từ là để chỉ tất cả mọi vấn đề liên quan đến tình báo phương Bắc. Cứ tình báo Trung Quốc thì sẽ được gọi là tình báo Hoa Nam, vốn được xem là một phân cục tình báo phụ trách Nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đông Dương và Đông Nam Á.

Định kiến này sẽ dẫn đến sự nhầm tưởng tai hại rằng chỉ có một cơ quan tình báo Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam, dưới tên gọi tình báo Hoa Nam. Thực tế, có rất nhiều cơ quan tình báo Trung Quốc cùng hoạt động ngầm ở Việt Nam, cũng như bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Vậy đối với người Việt, Hoa Nam tình báo bắt nguồn từ đâu và liệu có thực sự tồn tại một cơ quan như thế hay không?



Câu trả lời là có và không.

Để tìm hiểu nguồn gốc Hoa Nam tình báo cục đối với người Việt, cần phải quay trở lại với thời kỳ quốc cộng liên minh kháng Nhật lần thứ hai ở Trung Quốc.

Tháng 10.1937, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) triệu tập hội nghị Bộ Chính trị về vấn đề hoạt động cách mạng ở 12 tỉnh phía nam Trung Quốc. Tại đại hội này, CCP quyết định thành lập Cục Dương Tử đặt tại Vũ Hán. Cục Dương Tử chịu trách nhiệm lãnh đạo hoạt động cách mạng ở phía nam và Tân Tứ quân ở miền nam, đàm phán với Quốc dân đảng và mở rộng tầm ảnh hưởng của cộng sản ở các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Quốc dân đảng. Cục Dương Tử lúc này được xem như Bộ Chính trị thứ hai, với sự góp mặt của 5 ủy viên Bộ Chính trị là Chu Ân Lai, Vương Minh, Bác Cổ, Hạng Anh và Khải Phong. Bộ Chính trị thứ nhất lúc đó đặt tại Diên An dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Cục Dương Tử lúc đó rất có trọng lượng trong CCP và bị Mao xem như là một cái gai.

Chính Chu Ân Lai, người được xem là ông tổ của tình báo cách mạng Trung Quốc, lúc đó đã nỗ lực thiết lập một mạng lưới tình báo hiệu quả trong lòng địch ở phía nam. Đến tháng 10.1938, Cục Dương Tử được đổi tên thành Cục Hoa Nam đặt tại Trùng Khánh. Sau đó, vào năm 1939, Chu ra lệnh cho Phan Hán Niên, một tên tuổi điệp báo lẫy lừng của CCP, thiết lập một mạng lưới tình báo lớn có trụ sở tại Thượng Hải, lấy tên là “Hoa Nam tình báo cục”.

Cục Tình báo Hoa Nam chính thức ra đời dưới sự quản lý của Cục Hoa Nam (còn được gọi là Cục Nam phương, Southern Bureau hoặc South China Bureau) từ năm 1939, mặc dù mạng lưới của nó đã được thiết lập rải rác từ trước đó.



Cục Hoa Nam phụ trách lãnh đạo kháng chiến ở các vùng Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Giang Tô, Hồng Kông và đặc biệt phụ trách quan hệ với các phong trào cách mạng ở Đông Nam Á. Đây có lẽ là yếu tố then chốt khiến Cục Tình báo Hoa Nam trở nên khét tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á bởi việc cục này cài cắm gián điệp vào các phe phái đối địch với phong trào cộng sản ở khu vực hoặc thậm chí vào chính các đảng có quan hệ là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt khi kinh đô của phong trào cộng sản ở Đông Á khi đó nằm tại Thượng Hải và Hồng Kông. Đây là hai địa bàn đặt trụ sở chính của tình báo Hoa Nam do Phan Hán Niên lãnh đạo. Cơ quan này cài cắm nhiều điệp viên nằm vùng trong lòng giới ngoại giao và quân đội Nhật Bản cũng như Quốc dân đảng.

Một trong những thành tích chói sáng nhất của tình báo Hoa Nam thời Chiến tranh thế giới thứ 2 là nắm trước được thời điểm chiến dịch Barbarossa xảy ra. Đây là cuộc tiến công chớp nhoáng do Hitler phát động nhằm vào Liên Xô.

Theo sử sách Trung Quốc, một điệp viên của Hoa Nam tình báo ở Trùng Khánh đã nghe ngóng được trong giới ngoại giao Nhật Bản về một kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức Quốc xã vào ngày 22.6.1941. Thông tin này được chuyển đến Chu Ân Lai và Chu lập tức ký một bức điện gửi về Diên An, rồi từ đó nó được gửi đến Moscow vào ngày 20.6, hai ngày trước khi cuộc tấn công nổ ra. Vài tháng sau đó, Hoa Nam tình báo tiếp tục nắm bắt được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau về quá trình chuẩn bị của quân đội Nhật cho một cuộc chiến tranh với Mỹ. Đến tháng 10, Hoa Nam tình báo kết luận quá trình chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất và quân đội của Thiên Hoàng sắp sửa gây chiến với Mỹ. Thông tin này được gửi về Diên An và một lần nữa được chuyển tiếp cho các lãnh đạo Liên Xô. Ngày 7.12.1941 chuyện gì đã xảy ra?



Xin được trả lời luôn, đó là trận Trân Châu Cảng, đánh dấu sự tham chiến của Nhật Bản vào Thế chiến thứ 2.

Đến lúc này, có lẽ câu hỏi liệu có thực sự tồn tại một tổ chức có tên Hoa Nam Tình báo Cục hay không đã được giải đáp. Vấn đề còn lại là Hoa Nam Tình báo Cục đã thoát thai hoán cốt ra sao trong dòng lịch sử kinh thiên động địa ở Đông Á tiếp diễn sau đó. Liệu nó có tiếp tục tồn tại hay không và nếu tồn tại thì nó đang nằm ở đâu trong guồng máy tình báo khét tiếng của Trung Quốc. Và nó đã từng hoạt động hay không ở Việt Nam?

Trong 1 tài liệu tiếng Trung mới được tiết lộ gần đây có nhắc tới thông tin, Cục Tình báo Hoa Nam (hay còn được gọi là Cục Hoa Nam, cơ quan tình báo tập trung vào các khu vực phía Nam TQ, Ấn Độ, bán đảo Đông Dương, Đông Nam Á) tổ chức mạng lưới gián điệp. Chính quyền Bắc Kinh chỉ đạo các điệp viên đóng tại khu vực này sử dụng danh nghĩa tị nạn “cách mạng văn hóa” “tị nạn chính trị” “nhóm tị nạn”, thâm nhập vào biên giới miền Bắc Việt Nam để thực hiện hoạt động tình báo và tổ chức “lực lượng thứ 5”. Trong các cuộc nói chuyện cấp cao tại Trung Quốc năm 1970, Mao Trạch Đông thừa nhận trách nhiệm của Trung Quốc liên quan đến hoạt động mang tình hữu nghị này. Tháng 11/1977, Chủ tịch Hoa Quốc Phong một lần nữa thừa nhận điều này.


Theo Ngọn Cờ
(Sưu tầm trên mạng)


No comments: