Sunday, August 27, 2017

PHÁ PHỦ TRẦM CHÂU

Điển tích văn học
PHÁ PHỦ TRẦM CHÂU
破釜沉舟
Phá phủ trầm châu (Chữ Phủ (釜) là chỉ nồi, còn chữ Châu (舟) là chỉ thuyền). Nguyên ý của thành ngữ này là đập vỡ nồi và đục thủng thuyền.


Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký - Hạng Vũ bản kỷ". Vào những năm cuối triền nhà Tần, nước Tần xuất binh tấn công nước Triệu. Nước Triệu bị thất bại bèn lui về cố thủ ở Cự Lộc (Tức phía tây nam Bình Hương tỉnh Hà Bắc ngày nay) thì bị quân Tân bao vây chặt. Bấy giờ, Sở Hoài Vương của nước Sở bèn phong Tống Nghĩa làm thượng tướng, Hạng Vũ làm phó tướng cùng dẫn quân sang cứu viện nước Triệu.
Nhưng khi Tống Nghĩa đưa quân đến An Dương thì dừng lại không đi nữa và nán lại ở đó những 46 ngày. Hạng Vũ thấy vậy vô cùng sốt ruột, ông nhiều lần yêu cầu Tống Nghĩa đưa quân bắc tiến cùng quân Triệu hợp sức, trong đánh ra, ngoài đánh vào thì quân Tần tất bị thất bại. Nhưng Tống Nghĩa lại muốn chờ cho tới khi hai bên Tần Triệu đánh nhau mệt rồi mới tiến đánh thì ngư ông được lợi, nên ra lệnh nghiêm cấm quân sĩ không ai được tùy ý hành động. Sau đó, Tống Nghĩa mở tiệc mời khách ăn uống no say, mặc cho đám quân lính chịu đói khát.


Hạng Vũ không thể nhịn được nữa, bèn bày mưu hạ sát Tống Nghĩa, các tướng sĩ liền bầu Hạng Vũ lên làm chủ tướng. Sau đó, Hạng Vũ lệnh cho hai vị tướng dẫn hai vạn quân vượt sông sang giải cứu Cự Lộc trước. Sau khi đánh thắng vài trận nhỏ, Hạng Vũ liền ra lệnh cho toàn quân vượt sông sang cứu viện nước Triệu.
Sau khi quân đội đã qua sông, Hạng Vũ đã áp dụng một loạt hành động quả quyết, đục thủng hết chiến thuyền, đập vỡ hết nồi nấu cơm, đốt hết doanh trại, chỉ đem theo ba ngày lương khô, nhằm tỏ lòng quyết tâm chiến đấu đến cùng, ngoài ra không còn lối thoát nào khác. Cho nên toàn quân sau khi đến ngoại vi Cự Lộc, liền nhanh chóng vây chặt quân Tần, qua 9 ngày kịch chiến đã đánh bại được quân Tần.


Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để ví về lòng quyết tâm chiến đếu đến cùng, anh dũng tiến lên, quyết một trận tử chiến. 

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: