Saturday, September 30, 2017

NHỮNG TẤM THẺ BÀI

Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa trong quá khứ nhưng vẫn còn âm vang. Trên những trang viết, những khúc phim, những bức ảnh, ca khúc. Và trên Bức Tường Đá Đen dưới bầu trời Hoa Thịnh Đốn. Hoặc ở những tấm thẻ bài của người lính tình cờ tìm lại được.

Ôi, những tấm thẻ bài ngày nào đã dựng lại cả một quá khứ



Richard Hiebsch nói lời từ giã Việt Nam cách đây ba mươi lăm năm. Hoặc đâu vào khoảng đó, ông nghĩ vậy. Sau đó, ông trở lại quê nhà Philadelphia, làm nhân viên hỏa xa, lập gia đình và nuôi dưỡng hai con.

Nhiều năm, rồi nhiều chục năm trôi qua. Những hình ảnh gây nhức nhối rồi cũng nhạt phai.

Thế rồi một hôm, “đúng vào Chủ Nhật sau Ngày Cựu Chiến Binh”, một cú điện thoại gọi đến. Lúc ấy, Hiebsch và vợ là Barbara đi vắng, khi trở về nhà ở Norristown thì thấy có một cái tin trên máy nhắn. Một giọng đàn bà nói: “Ông là Richard Hiebsch phải không? Tôi có một chút này để biếu ông, đó là những gì ông đã để lại ở Việt Nam.”

Những cảm xúc vùi chôn đã bao năm bỗng tràn về. Hiebsch, 56 tuổi, gọi lại. Và rồi ông gặp Tracey Hansen, 36 tuổi, một nhân viên cứu hỏa ở San Jose, California, người đã về Việt Nam hai chuyến.




Trong chuyến đi gần đây nhất, bà đã ra Huế và dừng lại mua nước uống ở một điểm bán giải khát bên đường. Người đàn ông già bán hàng có một cái bàn nhỏ bày đầy những đồ trang sức rẻ tiền. Một cái bát bằng thủy tinh trên bàn có chứa cái gì đó khiến bà Tracey chú ý.

“Đó là một bộ thẻ bài,” Hiebsch nói. “Bà ấy cầm lên xem và thấy đó là của quân nhân Hoa Kỳ. Bộ thẻ bài ấy mang tên tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đã bỏ ra hai đô la để mua những tấm thẻ bài ấy.”

Một tuần lễ sau thì gói hàng đó đến. Bên trong có hai miếng kim loại khắc tên, số quân, loại máu và tôn giáo của người sở hữu. Bà Tracey Hansen có viết kèm theo mấy chữ: “Tôi muốn nói lời cám ơn về sự phục vụ của anh và tất cả những gì anh đã hy sinh ở bên đó. Tôi rất lấy làm buồn và hối tiếc về cái cách mà người ta đã đối xử với các anh khi các anh trở về. Tôi quả tình là không thể nào hiểu nổi.”

Thế rồi, bà Hansen đã thấy mình có sứ mạng phải nối kết lại những tấm thẻ bài trên chiến trường Việt Nam với những người chủ của chúng. Trong hai chuyến đi của bà, bà đã mua hơn hai nghìn tấm thẻ bài của những người lính Mỹ đã được dân chúng địa phương đem bán như những vật lưu niệm. “Cho tới nay, bà ấy và người bạn là Bryan Marks, cũng là nhân viên cứu hỏa, đã gởi trả về người sở hữu chủ hơn bốn trăm chiếc thẻ bài (tham khảo thêm website www.vietnamdogtags.com). Hai người làm việc này không đòi hỏi một sự bồi hoàn tiền bạc nào cả.”

Tác phẩm “Tấm thẻ bài” của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh.

Với Hiebsch, lúc ông mở cái hộp đựng mấy chiếc thẻ bài do bà Tracey Hansen gởi cũng là lúc ông để mặc tình cho một phần đời của ông trở về lại.

“Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhớ lại mọi thứ,” Hiebsch nói.

“Nó đưa tôi ngược thời gian trở về lại quá khứ ngày xưa.”

Cái nơi chốn anh về lại đó là thành phố Quảng Trị và vụ Cộng Sản tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968.

Năm ấy, Hiebsch hai mươi tuổi, mới rời ngôi trường Cardinal Dougherty High School có mười tám tháng. Là người lính bộ binh, mang trên người những hộp đạn, những cục điện năng dự trữ cho máy truyền tin, những băng đạn súng máy, đạn súng cối. “Tất cả khoảng chừng 60 pounds. Trong một chuyến hành quân, tôi đang chờ để lên trực thăng thì bỗng thấy mình không mang những tấm thẻ bài.”

Sau này Hiebsch được cấp phát một bộ thẻ bài mới. Câu chuyện chỉ có bấy nhiêu.

Giờ đây ông vui mừng được nhận lại những tấm thẻ bài ấy. Chẳng những thế, hai miếng thẻ bài cũ mòn này còn nối kết ông với một quá khứ mà ông từng muốn xóa bỏ.


“Ở những năm ấy, mọi sự đều u ám, giờ đây bạn chỉ muốn quên hết, quên hết.” Hiebsch nói. “Thế rồi từ trong vũng lầy buồn chán, bỗng xuất hiện những vật nhỏ bé này. Nó giống như không khí mát mẻ trong căn phòng tù đọng. Tôi không biết phải giải thích như thế nào. Nó là nguồn xúc cảm tràn ngập trong hồn bạn.”

Nhận được những cái thẻ bài ngày xưa, ông tự thấy mình có thể đương đầu với nỗi đau mà ông đã chôn vùi bấy lâu.

“Chúng tôi cũng dũng cảm như bất cứ người lính nào khi đã khoác lên mình bộ quân phục,” ông nói. “Chúng tôi cũng chiến đấu gian lao. Đó là một nhiệm vụ cao cả. Chúng tôi thắng trong từng trận đánh nhưng đã thua cuộc chiến tranh. Tôi không muốn bất cứ người lính nào phải qua nỗi bi thảm như chúng tôi bị đối xử.”

Hiebsch rất trân trọng những tấm thẻ bài của Tracey Hansen trao lại. Ông dùng bàn chải đánh bóng và đóng khung trên nền nhung đen, đem chưng trong phòng làm việc.

Trong một cuộc họp mặt các cựu chiến binh ở Gladwyne, Hiebsch cho biết, những tấm thẻ bài của ông đã gây xúc động. Nhiều người hỏi ông tới tấp về lai lịch những tấm thẻ bài.

“Khi tôi nhìn thấy những cựu chiến binh của Thế Chiến II quây quần chung quanh tôi, tôi cảm thấy vinh dự,” Hiebsch nói. “Đây là thế hệ đã cứu thế hệ chúng tôi.”


Hơn bao giờ hết, ông tỏ lòng biết ơn người đàn bà mà ông chưa bao giờ gặp mặt đã trao lại ông những tấm thẻ bài.

“Bà đã làm việc này mà không cần biết người nhận lại là ai, đây quả là điều đáng kính phục,” Hiebsch nói.

“Tôi nghĩ đó mới đúng là tinh thần người Mỹ.”

Như Sao
theo: The Philadelphia Inquirer

No comments: