Saturday, September 16, 2017

TẠI SAO CHÚNG TA XẤU TÍNH?

Bài viết này của tôi chỉ dành cho những người xấu tính, những người xấu tính biết mình xấu tính, những người biết mình xấu tính và thực sự muốn thay đổi tính xấu (có cả tôi nữa). Bài viết này cũng dành cho những người không xấu tính nhưng có cái nhìn bao dung, thông cảm cho những người xấu tính.


Và bài viết này cực kì lành mạnh, không chửi, không châm biếm, không mỉa mai, không bới móc đời tư hay đụng chạm đến ai. Tôi chỉ cố gắng chia sẻ những gì mình hiểu biết, mong muốn bạn đọc hiểu biết, biết để yêu thương bản thân, để có cái nhìn tích cực và linh động hơn về những người đã từng đối xử không tốt với các bạn.

TẠI SAO CHÚNG TA XẤU TÍNH?


Chúng ta hay truyền tai nhau những thứ lý thuyết về những người giàu có rằng họ may mắn, họ là con ông cháu cha hay họ làm ăn gian dối, thủ đoạn nên mới giàu có dễ dàng như vậy. Một phần lớn những người thuộc giai cấp trung lưu và thấp hơn đều nghĩ rằng người giàu họ khinh thường mình, họ hoạnh họe, hách dịch hay còn được gọi là “chảnh”. Chúng ta (những người bạn của tôi, như tôi đã nói trước ở đầu bài viết) cảm thấy không thoải mái với người giàu, với người giỏi, với những người xinh đẹp bảnh bao hơn chúng ta, và điều đó bình thường thôi. Chúng ta mà nói ngược lại mới là không bình thường. Nhưng cái bình thường này lại không phải là điều tốt, vậy thì rốt cuộc ta phải làm sao đây?


Có ai dám nhủ thầm với chính mình rằng mình ghét nó là bởi vì mình ghen tị với nó, rằng mình thích hạ nhục nó là bởi vì mình ghen tị với nó, rằng mình ao ước được sống cuộc sống như nó? Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta từng tự nhủ thầm với chính mình rằng mày vô dụng, mày bất tài, mày không bằng nó. Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta làm những điều mình không muốn chỉ vì nếu không làm như vậy, “họ” sẽ xem thường mình, “họ” sẽ đánh giá mình. Chắc hẳn đã có ai đó trong chúng ta đôi khi cũng thích “diễn” một chút, nói quá một chút, phô trương một chút chỉ vì nếu không làm như vậy, “họ” sẽ biết con người thật của mình.
Cái con người “không là ai” này, cái con người “không có gì đặc biệt” này. Chúng ta giấu diếm, không dám nói thật, không dám sống thật vì ta sợ người khác nhìn mình đúng y hệt như cái cách chúng ta nhìn bản thân. Đôi khi chúng ta xấu hổ, chúng ta bị tổn thương nhưng cuối cùng nó được che đậy bằng sự giận dữ, người ta rất thường xuyên làm điều này, không phải sao?


Nhưng tôi muốn nói thế này, các bạn, người khác không thể xem thường bạn được nếu như bạn không đồng ý. Người khác không thể xem thường bạn được nếu như bạn không tự xem thường chính mình. Cái này được gọi là tự ti. Tự ti là nguồn gốc của ghen tị, là nguồn gốc của đố kị, là nguồn gốc của dối trá, là nguồn gốc của ảo tưởng. Và ghen tị, đố kị, dối trá, ảo tưởng không phải là tội lỗi. Đó là tiếng kêu cứu.
Từ sâu bên trong tâm hồn, ta đã đánh mất điều gì đó rồi, đánh mất quyền được hạnh phúc, quyền được ước mơ, quyền được tự do trở thành bất kì ai ta muốn. Ta vội vã trưởng thành và quên mất mình là ai, quên mất mình sống vì điều gì, chúng ta đã quên mất những điều ngây thơ thuở bé ta mơ mộng. Điều đáng buồn là những điều cỏn con đó trong mắt người lớn giống như là trò cười, bởi thế người ta mới bảo rằng chuyện con nít. Người lớn khiến ta tin rằng những điều đó chỉ là trò cười, và ta đã bỏ quên tuổi thơ như thế đó.


Các bạn, người khác có thể không cần biết chúng ta muốn gì nhưng chính chúng ta phải tự biết mình muốn gì. Đừng bao giờ xem thường tuổi thơ, đừng bao giờ xem thường những mơ ước thuở ban đầu vì những thứ thuộc về thời thơ ấu hình thành nhân cách của một con người. Nó là hạt giống, đơm hoa kết trái hay là hư hỏng đều là từ thuở ban đầu đó mà ra.
Vài người trong số những người lớn, bằng cách nào đó đã đi chệch xa ra khỏi giá trị đích thực của mình mất rồi, và đó là cách chúng ta kêu cứu. Hãy tự cứu lấy chính mình vì tôi hiểu ngọn lửa đố kị thiêu đốt chúng ta như thế nào, chúng ta đau khổ ra sao. Chúng ta xấu tính (ử, tôi đã nói trước bài viết này dành cho những ai xấu tính) thì chỉ có chúng ta đau khổ mà thôi. Những người hiểu chuyện, họ đã nhanh chóng tránh xa ta từ xa thật xa rồi. Hãy lắng nghe sự thật, lắng nghe con tim mình, đối diện với con quỷ và giết nó đi chứ đừng giết ước mơ, tự do và hạnh phúc của mình.


Bạn có bao giờ để ý rằng những người nghệ sĩ họ rất kiêu hãnh không? Không phải kiêu căng mà là kiêu hãnh cho dù họ giàu có hay là không. Tôi nói là nghệ sĩ nhé và ai không xứng đáng mang danh nghệ sĩ thì tôi không nói người đó. Tôi tự cho rằng, có lẽ họ đã sống thực sự hết mình, thực sự đam mê, thực sự cống hiến, họ thật sự cảm thấy thỏa mãn sống cuộc sống của mình, bên trong họ luôn luôn được lấp đầy, luôn luôn được thể hiện và chia sẻ. Họ biết mình là ai, họ biết mình muốn gì, họ sống cho chính mình và không so sánh bản thân với người khác. Cái này được gọi là tự trọng.
Dĩ nhiên, bài viết này chỉ hướng đến một góc rất nhỏ trong vô vàn các kiểu tính xấu ở các lứa tuổi, ở các cấp bậc trình độ ý thức khác nhau. Có những nguyên nhân là từ văn hóa của một nước, của một gia đình, của giáo dục vân vân.Cho nên, một lần nữa, tôi xin đính chính rằng bài viết này không mang tính chất dạy đời. Tôi viết cho mình và cho những ai muốn hiểu rõ hơn về bản thân, hiểu để thương. Hãy yêu thương và tha thứ cho chính mình.
Quyên Quyên

No comments: