Wednesday, November 15, 2017

BIẾN CƠM THÀNH THUỐC

Bàn về chế độ dinh dưỡng của người da vàng mà không nhắc đến hạt gạo ắt hẳn là thiếu sót lớn. Bằng chứng là nhiều người dù dự tiệc ê hề vẫn thấy đói nếu không dằn bụng với chén cơm.


Nhờ cơ chế tác dụng theo kiểu “3 trong 1” xây dựng trên tỷ lệ hài hòa giữa sinh tố, khoáng tố và chất xơ mà gạo là món ăn lý tưởng nhờ hiệu năng “kép”, vừa cung cấp năng lượng, vừa bổ sung dưỡng chất. Tuy không nổi bật về thành phần dưỡng chất vì không chứa nhiều chất đạm và chất béo như thịt cá, nhưng hạt gạo lại khéo nhờ sự hiện diện của chất xơ để món cơm vừa ăn đã tiêu. Chén cơm vì thế, tất nhiên còn tùy số lượng, khó là gánh nặng cho cơ quan giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột.

Song song với tiến bộ của kỹ thuật, hột gạo cũng phải thay đổi bộ mặt từ thế kỷ 19. Do có nhà máy xay gạo nên hột gạo tuy một mặt trắng hơn, bóng hơn, đẹp hơn nhưng mặt khác lại đánh mất phần lớn hoạt chất trong phần vỏ lụa. Vì quá coi trọng bề ngoài, vì quá chuộng màu trắng sữa của hột gạo đã qua tinh chế mà cám trở thành món ăn của gia súc! Hột gạo từ đó không còn là dạng thực phẩm thân thương ngày nào. Nói chi đến cám, ai cũng hiểu, nhất là các chuyên gia trong ngành dinh dưỡng, gạo càng trắng càng không còn hữu ích cho sức khỏe, nhưng chẳng qua nhờ “đẹp phấn son” nên gạo trắng vẫn cao giá hơn gạo lức!



Nhưng đó chưa phải là điểm đáng nói. Đáng lo hơn nhiều là tình trạng nhiều bệnh lý trầm kha có cơ phát tán từ khi gạo trắng chiếm lĩnh thị phần. Tuy không là yếu tố trực tiếp nhưng khuynh hướng lạm dụng chất đường, chất mỡ trong khẩu phần trong khi thiếu sự hiện diện của chất xúc tác biến dưỡng nằm trong vỏ lụa của hạt gạo là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh chứng nghiêm trọng. Không lạ gì khi nhiều căn bệnh thuộc nhóm “bệnh thời đại” bộc phát từ khi gạo lức càng lúc càng vắng mặt trên tiệm bán gạo.



Lý do rất đơn giản. Phần vỏ lụa của hột gạo chứa nhiều sinh tố B1, B2, B3, B5, E và tiền sinh tố A với ảnh hưởng trên toàn bộ chức năng hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, vận động… Bên cạnh đó là các khoáng tố sắt, magne, phorphor, kẽm, vôi…cần thiết cho chức năng tư duy và cấu trúc khỏe mạnh của tóc, da, móng tay…Chưa hết, hoạt chất trong vỏ lụa của hột gạo chính là hợp chất có tác dụng phòng chống ung thư thông qua cơ chế trung hòa độc chất oxy – hóa trong môi trường ô nhiễm do phế phẩm kỹ nghệ, trong hóa chất gia dụng, nông nghiệp, dược phẩm tổng hợp… Trước đây có nhà nghiên cứu thậm chí báo động về sự hiện diện của chất sinh ung thư trong hột gạo chà quá trắng. điều đó không có gì khó hiểu khi vắng chủ nhà trong lớp vỏ lụa thì tránh sao khỏi gà trong lỏi hột gạo không sớm mọc đuôi tôm!



Từ nhận thức đó nhiều thầy thuốc nổi tiếng, dù ở phương Tây, nơi chén cơm không là món ăn căn bản, đã từ lâu không ngừng kêu gọi người tiêu dùng trở về với thiên nhiên, trở về với hột gạo còn nguyên vỏ lụa. Điều đó cũng không đồng nghĩa là suốt đời phải theo món gạo lức. Không nhất thiết phải khắt khe như thế, vì đơn điệu trong chế độ dinh dưỡng, nhất là khi đến độ cường điệu, bao giờ cũng có hại. Chỉ cần thỉnh thoảng nên thay thế bữa cơm gạo trắng với gạo lức, với nếp than… Nếu được ít ngày trong tuần càng hay, nếu được 1-2 tuần trong tháng càng tốt, như một hình thức giải độc định kỳ cho cơ thể. Không cần phải lên lịch đổi món chi cho cuộc sống thêm phần căng thẳng. Miễn là đừng quên.


Nước Mỹ xưa nay bao giờ cũng là ứng viên hàng đầu về số huy chương vàng trong các thế vận hội. Ấy thế mà nhiều người chưa biết là từ mấy chục năm nay, vận động viên Hoa Kỳ bao giờ cũng có món ăn từ gạo thiên nhiên trong khẩu phần hằng ngày, thậm chí còn thường hơn thịt bò bít-tết! Lẽ nào các chuyên gia bên đó không có cơ sở khoa học vững chắc khi quyết định nuôi nâng động viên của họ như thế?



Không có dẫn chứng nào hùng hồn cho bằng kết quả trên thực tế. Oshawa đã không vô cớ bỗng nổi tiếng nhờ phương pháp dinh dưỡng với gạo lức muối mè. Nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ cần dựa vào gạo lức muối mè mà quên vai trò không thể thay thế của thầy thuốc. Đừng tự chữa bệnh theo lời đồn. Cũng đừng tự ngưng thuốc đặc hiệu vì tưởng có thể thay thế tức khắc bằng chế độ dinh dưỡng. Món ăn nào cũng thế, cho dù đã được thử lửa qua bao thế hệ, chỉ nên thuốc nếu dùng đúng chỉ định, từ cách dùng, liệu trình cho đến liều lượng. Sai chỉ định thì nước lã cũng có hại. Gạo lức cũng thế mà thôi.


Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: