Wednesday, December 6, 2017

THUỐC NÀO GIÚP NÃO LÂU GIÀ?

Trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng hiện nay nếu không đãng trí… mới là chuyện lạ! Dễ hiểu vì theo nguyên lý dẫn truyền thần kinh chiếm ưu thế của Utomski, não bộ chỉ đưa vào ký ức tín hiệu nào có cường độ mạnh nhất. Kích ứng thần kinh càng dồn dập thì tín hiệu trước đó, âm thanh hay hình ảnh cũng thế, đều bị bôi sạch. Người đang căng thẳng nếu không quên chuyện còn nóng hổi, chỉ có thể là… siêu nhân!


THUỐC NÀO GIÚP NÃO LÂU GIÀ?

Nói một cách tượng hình, não bộ chẳng khác nào bộ máy vi tính chẳng chịt mạch điện. Mỗi tế bào não bộ lại không bao giờ hoạt động đơn phương mà cùng lúc kết nối với các tế bào chung quanh qua không dưới 10.000 điểm giao tiếp! Hoạt động của não bộ, dù là khi động não để phán đoán hay lúc thả hồn bay bổng theo giấc mơ, chỉ có thể trơn tru khi dẫn truyền thần kinh chạy trót lọt đến điểm cần đến. Ngược lại, không đến nơi hay chạy lạc đường đều dẫn đến rối loạn chức năng tư duy. Với trí nhớ cũng thế. Tuy tín hiệu có vào nhưng quá yếu nên không đến được bộ nhớ, chẳng hạn vì thiếu cảm xúc đi kèm, thì kích ứng khi đó chẳng khác nào nước đổ đầu vịt, nghĩa là quên tuốt!


Dẫn truyền thần kinh chỉ có thể đi đến nơi về đến chốn khi dây thần kinh không bị sứt mẽ đâu đó. Cơ thể vì thế cần đủ dưỡng chất để bọc dây thần kinh cũng như để bắt cầu ở các giao điểm. Thiếu các chất này thì bẩm sinh có thông minh bao nhiêu cũng không nhớ nổi hai lần hai là mấy! Nhưng nếu tưởng chế độ dinh dưỡng dồi dào hoạt chất cho não bộ đã đủ thì lầm! Phản ứng tổng hợp các tác chất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh rất dễ suy giảm trong hai trường hợp:
Khi nạn nhân phải thường xuyên đồng hành với stress!
Khi gia chủ đã ăn sinh nhật thứ 40!


Chính vì thế khó tránh đãng trí nếu không có cách nào trung hòa mũi nhọn của stress cũng như kịp thời “trẻ trung hóa” bộ não. Không lạ gì nếu nhiều chuyên gia về stress khuyên tập dưỡng sinh khi còn… trẻ!
Theo kiểu nhìn thông thường hễ hết điện thì phải sạc bình, nhiều người vẫn tưởng muốn phòng chống tình trạng não bộ mau hết pin chỉ cần bổ sung nguồn dự trữ dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh. Đúng là có thực mới vực được đạo, nhưng không hoàn toàn chính xác. Bằng chứng là không thiếu người ngày nào cũng nuốt thuốc đa sinh tố-khoáng tố loại hàng hiệu như vẫn mệt cầm canh. Dường như còn thiếu chút gia vị gì đó?
Có ngay đáp án! Theo kết quả nghiên cứu đã được đúc kết ở nhiều nước châu Âu, nhiều người thậm chí tuy không với khẩu phần hàng ngày không đúng y như trong sách vở của thầy thuốc nhưng lúc nào cũng “dư sức qua cầu” nhờ họ có trong tay một món thuốc khác hữu hiệu hơn xa sinh tố, khoáng tố… 


Đó là niềm vui trong cuộc sống hàng ngày! Rõ ràng là dưỡng chất từ thực phẩm nếu muốn biến thành thuốc tốt phải được xúc tác bởi hoạt chất nội sinh qua cơ chế “Mỗi ngày tôi chọn vài niềm vui”! Đó mới chính là bí quyết để không hụt hơi trong cuộc đua đường dài với cuộc đời đằng nào cũng là bể khổ!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (01/12/2012)

No comments: