Saturday, January 20, 2018

MÌ QUẢNG VỊT PHAN THIẾT

Chắc tôi đã kể cho các bạn nghe lần đầu tiên về Việt Nam và ra miền Trung, lúc đến Đà Nẵng cũng tối rồi thấy có quán mì Quảng, mừng lắm vì mấy ngáy nay chỉ ăn thức ăn Việt mà không ăn đồ Tàu nên nhớ. Đến khi tô mì quảng dọn ra mới biết đó là mì Quảng Nam chứ không phải mì Quảng Đông, ăn cũng được, món ăn được thử lần đầu tiên trong đời. 


Tối nay xem "Việt Nam tươi đẹp", trong đoạn Diệu Nhi dẫn Anh Tú đi chợ Phan Thiết ăn món đặc sản, mới biết thêm món "Mì Quảng Vịt Phan Thiết".

ĐẾN PHAN THIẾT ĂN MÌ QUẢNG VỊT

Cuộc “hành trình” của mì quảng đi vào đến Phan Thiết là một khúc biến tấu hoàn toàn khác so với các địa phương với tên gọi mì quảng vịt. Là món mà người dân địa phương rất đỗi tự hào.

Có lẽ, mì quảng là món ăn có cách nấu đặc trưng vùng miền khá rõ nét. Nếu mì quảng có xuất xứ từ xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng) với tô mì chủ lực là bột gạo (sợi bánh to, màu trắng, vàng xen kẽ) và thịt đã nêm nếm gia vị theo kiểu thưng hay xào, ít nước, ăn kèm với bánh tráng nướng… thì mì quảng Nha Trang hoàn toàn khác, có vẻ “thanh” hơn với thịt luộc và nước lèo chủ yếu hầm từ xương, chan nước đầy ắp tô, ăn với rau xắt ghém, có thêm chả cá (chiên hay hấp).



Nhưng “câu chuyện” mì quảng Phan Thiết lại khác.



Hôm đó, chúng tôi ăn mì quảng (ngẫu nhiên) ở một quán bên đường, trước khách sạn ở đường Lê Lợi. Mới 6 giờ sáng quán đã đông khách, bà bán hàng nói với chúng tôi rằng, nếu đến trễ một chút sẽ không còn vịt. Quả vậy, đoàn chúng tôi 10 người, nhưng chỉ còn 8 tô mì vịt, hai người phải ăn mì quảng giò heo.

Nếu mì quảng Nha Trang với bánh phở (dạng khô) hay mì quảng xứ Quảng là bánh phở dạng tươi thì mì quảng Phan Thiết đúng là sợi mì (như kiểu mì trứng, mì hoành thánh, hủ tiếu mì). Bà bán hàng bảo, nước dùng nấu từ xương và giò heo. Thịt vịt (đùi, ức, cánh…) ướp gia vị và hầm với nước dừa cho thật mềm. Đơn giản vậy thôi, nhưng ăn rồi mới thấy là cả một bí quyết chế biến.




Trụng nhúm mì vừa mềm, bà bán hàng sắp lên mặt tô cái đùi vịt và chế nước, cuối cùng là đậu phọng rang (còn nguyên hạt) và tiện tay thêm một muỗng tương ớt, với giải thích là phải cay mới ra mì quảng. Rau ăn kèm có đủ loại: xà lách, rau thơm, giá…

Có nhiều người cho rằng, mì quảng vịt Phan Thiết hơi bị ngọt, nhưng một số quán có cách chế biến phục vụ “gu” khác nhau của khách, đặc biệt vào ngày chủ nhật, lễ, chủ quán nêm nếm giảm vị ngọt để phục vụ du khách. Miếng thịt vịt mềm, ngọt thanh bởi nước dừa và thêm vị ngọt của vịt đã làm thành vị đặc trưng. Nước dùng béo vừa và hơi cay, sợi mì mềm hơi dai khiến tô mì ăn có vị ngon khác nữa.



Và cuối cùng, chính những hạt đậu phọng rang đã làm nên hương vị rất “mì quảng”, chúng tôi đã thưởng thức đến muổng nước lèo cuối cùng.
Chị bạn tôi dân địa phương cho rằng, quán mì quảng ngon có tiếng ở Phan Thiết gần khu vực chợ, đến đấy hỏi ai cũng biết. Chúng tôi chưa có dịp tìm đến quán này, nhưng quán mì quảng vịt bên đường hôm ấy cũng đã ngon lắm rồi.

Có dịp đến Phan Thiết, bạn đừng quên thưởng thức một tô mì quảng độc đáo, hương vị khó quên nhé!


Theo Phụ nữ TP.HCM


No comments: