Tuesday, January 16, 2018

NỘI CHIẾN KHÔNG CÓ NGƯỜI THẮNG

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln: Nội chiến không có người thắng

Cổ nhân có câu: “Biển có thể thu nạp trăm sông, dung chứa được nên mới thành ra rộng lớn”. Một cá nhân hay một đất nước cũng vậy, bởi vì có thể dung nạp, bao dung được nhiều nên mới trở thành vĩ đại.


Trong lịch sử Thế giới, có rất nhiều người bởi vì bao dung mà có thể làm được việc lớn, bởi vì bao dung mà được lưu danh sử sách. Trong đó, Tổng thống Abraham Lincoln là một trong số những người ấy.

Vào giữa thế kỷ thứ 19, nước Mỹ xảy ra một cuộc chiến tranh Nam Bắc. Khi cuộc chiến tranh đi đến thời điểm cuối cùng, quân miền Nam đã rơi vào thế bại trận thì đột nhiên Tổng thống Abraham Lincoln muốn được đàm phán.

Thái độ và cách hành xử hữu nghị của Tổng thống Lincoln bấy giờ đối với phe phản quân đã khiến cho một vị đồng sự bất mãn. Người đồng sự này giận dữ, đập tay xuống bàn và nói: “Quân địch nhất định phải bị tiêu diệt!

Nghe xong lời này, Tổng thống Lincoln vẫn giữ vẻ ôn hòa, nói: “Khi họ trở thành bạn của chúng ta, thì chẳng phải là kẻ địch đã bị tiêu diệt rồi sao?
 

Trong nội chiến, đứng trước sự tàn sát, Tổng thống Lincoln luôn cảm thấy thương xót những người đồng bào, những sinh linh lầm than của dân tộc ông. Sau cuộc nội chiến, Tổng thống Lincoln đã tuyên bố, nội chiến kết thúc, tất cả đều là đồng bào, mọi người đều là người Mỹ. Các tướng sĩ quân đội phía Nam sau khi đầu hàng, mỗi người đều nhận được một văn kiện của quân đội liên bang, cam kết đảm bảo rằng từ đó về sau họ không bị làm phiền. Bởi thế mà người ta cho rằng, sự thành công của nước Mỹ là ở lòng bao dung đối với “kẻ địch”.

Thống soái Ulysses Grant – người chỉ huy của quân đội miền Bắc nói: “Chiến tranh đã kết thúc, những người phản loạn hôm nay một lần nữa trở thành đồng bào của chúng ta!”

Tổng thống Lincoln cũng nói rằng: “Nội chiến không có người thắng!

Cuộc nội chiến kết thúc, vị tướng Robert E. Lee, thống soái của quân đội miền Nam cũng nhanh chóng được tha và sau đó, ông trở thành hiệu trưởng của trường đại học Washington. Sau khi đầu hàng, tướng Lee cũng ra lời khuyên binh sĩ miền Nam còn ẩn núp khắp nơi đừng tạo chiến tranh du kích, công phá chính phủ miền Bắc và ông kêu gọi ủng hộ hòa bình Nam-Bắc.


Tổng thống Lincoln đã dùng mạng sống của bản thân để thực hành đức tin của mình, nỗ lực loại bỏ khó khăn để hoàn thành dự luật phế nô. Đây cũng là cách hành đạo “nhân” của ông.

Tổng thống Lincoln từng nói: “Tôi tán đồng rằng, động vật cũng có quyền lợi, giống như quyền lợi của con người mà Thượng thiên ban cho. Đây mới là đạo mở rộng lòng nhân ái.”

Nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ 20 – Albert Einstein cũng nói: “Nhiệm vụ của chúng ta là tự giải phóng bản thân bằng cách làm rộng vòng tròn của lòng trắc ẩn để ôm lấy mọi sinh vật sống và tất cả sắc đẹp của thiên nhiên.

Nhìn về quá khứ để suy ngẫm đến hiện tại, ngày nay rất nhiều người không hiểu “cạnh tranh”, thậm chí không cần phân biệt “đối thủ” và “kẻ địch”. Họ cho rằng, chỉ cần là không cùng nhóm lợi ích với mình thì trên cơ bản đều là kẻ địch, đều là không thể dung nạp. Trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đã không còn tình bằng hữu, không còn bao dung và lắng nghe.


Một chiếc bát chỉ có thể chứa đựng được một bát nước, một chiếc thùng lại chứa đựng được nhiều hơn. Các con sông lớn nhỏ khác nhau cũng bởi vì dung lượng lớn nhỏ khác nhau. Người rộng lượng có thể chất chứa được vạn vật, dung nạp được mọi chúng sinh. Nói cách khác, có thể chất chứa được vạn vật và dung nạp được mọi chúng sinh nên mới có thể thành ra to lớn, vĩ đại. Nước Mỹ là một quốc gia di dân, trong đó bao gồm rất nhiều chủng tộc người khác nhau. Nhưng, trong thời gian ngắn ngủi, nước Mỹ đã trở thành một cường quốc trên thế giới. Người ta cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất để tạo nên điều ấy chính là lòng bao dung và tinh thần trượng nghĩa trong văn hóa của người Mỹ. Phải chăng điều này là không thể phủ nhận?

An Hòa (t/h)

No comments: