Monday, February 5, 2018

VÔ DUYÊN ĐẠI TỪ, ĐỒNG THỂ ĐẠI BI

VÔ DUYÊN TỪ 

Lòng từ bi của chư Phật, Bồ-tát thường được mệnh danh là "vô duyên đại từ" và "đồng thể đại bi". 


Vô duyên từ là tình thương yêu không do dự, thúc đẩy (duyên). Từ bên trong (như một tâm trạng đang cô đơn, trống trải muốn làm bạn để giải sầu), hay bên ngoài, như khi thấy một đối tượng "hạp nhãn". Vô duyên từ là tình thương tự nhiên, không điều kiện, không nguyên nhân, không phải là một cảm xúc giai đoạn, một cảm ứng bên trong (nội tâm) hay một kích động bên ngoài, một tình yêu thường trực trong đó không có chủ tể "yêu" và đối tượng "bị yêu", hoàn toàn vắng bóng "cái tôi" trong đó. 

Có thể nói, khi có"cái tôi" thì không có tình yêu, và khi có tình yêu thì không có cái tôi. Hai chuyện ấy không thể hiện hữu song hành. Vô duyên từ ví như hoa nở tỏa hương ngào ngạt khắp không gian, nhưng hoa không bao giờ có ý rằng, tôi nở cho người ngắm và ngửi đây. Hay lại ngắm tôi đi, nếu không tôi sẽ khép lại cho bõ ghét. Không, hoa không bao giờ nghĩ như vậy, nở chỉ có việc nở và tỏa hương, không cần so đo tính toán, một mình hãy nở cho ai, vì ai. Vô duyên từ cũng vậy, là một tình yêu vô lượng bủa khắp mọi người, mọi vật; không phân biệt hữu tình hay vô tình. Đó là lòng thương chan chứa trải an vui hòa bình trên khắp mọi người mọi vật, không nỡ nhìn một chúng sanh nào đau khổ, kể cả chính mình, vì lòng từ không phân biệt mình, người. Cho nên hình ảnh đức Bồ-tát Di Lặc tượng trưng tâm Đại từ (họ Từ: Từ Thị) luôn có nét tươi vui, hài hòa với tất cả. Một trong những đặc tính của tâm từ là chia sẻ niềm vui, hay "vui với người vui" trong khi một đặc tính của tâm bi là "khóc với người khóc". Nhưng "vui với người vui" - đặc tính của tâm từ - không có nghĩa là "vui đâu dốc đó", mà là một đặc tính khó thực hiện, còn khó hơn cả đặc tính "khóc với người khóc" ở tâm bi. Từ là có thể vui cái vui của người khác ngay cả khi cái vui ấy được xây dựng trên sự đau khổ của chính mình.


Ở đây, ta thấy về tâm từ khó thực hiện tâm bi rất nhiều: Tôi dễ dàng chia sẻ nỗi buồn (bi) với bạn nếu bạn trượt trong khi tôi thi đậu, nhưng thật khó cái vui của bạn nếu bạn đậu mà tôi rớt. Tâm từ là thể, cái của tình yêu thương vô lượng, là tình yêu ấy khi ở trạng thái tỉnh, vô hành, vô tướng. Nhưng không phải vì vậy mà tâm từ không có tác dụng; ngược lại, nó là một chất xúc tác mạnh mẽ nhất khiến cho trời đất đổi mới, vạn vật vui hòa. Cho nên, nơi nào có thánh nhân cư trú, thì do mãnh lực từ tâm của vị ấy tỏa ra, trú xứ đó thường ít bị tai ương hoạn nạn. Khi gần một vị có tâm từ, ta cảm thấy hoan hỷ, thoải mái, bìnhan, mặc dù vị ấy không làm gì cho ta cả: Đó chính là mãnh lực của tâm từ. 

Xưa, khi đức Thế Tôn trở về thăm phụ vương sau khi đắc đạo, chú bé La Hầu La đứng bên Ngài, hoan hỷ thốt lên: Chỉ cái bóng của Đại Sa-môn cũng làm cho con mát mẻ lạ thường!


Vì tâm từ là tình yêu vô lượng ở trạng thái tỉnh, nên yếu tố phá hỏng tâm từ, nghịch với tâm từ chính là tâm sân. 

Tâm từ làm cho mình, người mát mẻ bao nhiêu, thì tâm sân, người nóng bức bấy nhiêu. Khi nổi sân là hết tâm từ, trong lòng làm cho ta bồn chồn nóng bức và tỏa ra một làn ám khí vây bủa mọi người xung quanh, một độc chất có thể chết người theo một thí nghiệm khoa học hiện đại. Người ta đã làm thì nghiệm bằng cách lấy hơi thở của một người đang sân hận cho vào trong một ống nghiệm, để hơi thở ấy ngưng tụ theo những điều kiện thích hợp, thì cuối cùng được đóng ống nghiệm, người ta được một ít độc chất khá mạnh.

Bởi thế, người hay sân hận, lo nghĩ thì thường dễ nhiễm bệnh nội thương do bởi chất chứa những độc chất kia.


Tâm sân và tâm từ là hai tâm sở không đội trời chung. Cái này có thì cái kia không có. Do vậy, người sân hận nên luyện tập pháp quán tâm từ. Nghĩa là tìnhyêu vô điều kiện, bình đẳng, không nguyên nhân, không đối tượng. 

Tình yêu thương ấy khi ở trạng thái động, nghĩa là thể trở thành dụng, thì chính là "đồng thể đại bi", lòng thương xót rất đặc biệt đối với những chúng sanh đau khổ, cứu giúp những kẻ bị hoạn nạn tai ách, "khóc với người khóc" như tục ngữ Ky Tô giáo có nói: Lòng đại bi này cốt ở chỗ "đồng thể", xem người với ta đồng một thể không khác gì cả, đồng đẳng hoàn toàn, không thấy có ngã cứu giúp và kẻ được cứu giúp, nghĩa là không có "cái tôi". Có xem đồng thể mới gọi là đại bi, nếu không thì chỉ là sự thương hại, làm phước, kiểu ban ơn cho người để được cầu danh lợi. Trong đồng thể đại bi cũng như vô duyên đại bi, "cái tôi" hoàn toàn vắng bóng.


Tình yêu không năng sở ấy, không phân biệt chủ thể đối tượng, là một năng lực mãnh liệt ở khắp nơi như dòng điện, nên mới có thể "ứng hiện tùy cơ": vào quạt thì quạt chạy, vào bóng đèn thì có ánh sáng, vào tủ lạnh thì biến nước thành băng... Nhưng khi có bóng dáng "cái tôi" xen vào, thì những trục trặc xảy đến cho thế gian và tai họa cũng không lường (như tai họa gây bởi dòng điện): Yêu càng nhiều thì ghét càng lắm. Năng lực ấy biến thành lực hận thù khi có "cái ta", chủ tể của tình yêu, thì bèn có vô số vấn đề xảy ra như: yêu nhân loại như ta đây mới đúng cách, xê ra cho ta cứu nhân, độ thế v.v...

Nhưng khi tình yêu không chia năng sở, không có người yêu và kẻ bị yêu, thì cũng không còn là hình dung tên gọi nữa, nên tạm gọi là Vô duyên đại từ. 
1942
Nguồn: VNBET

No comments: