Sunday, March 18, 2018

CÁCH PHÊ BÌNH, CHỈ TRÍCH KHÔNG GÂY MẤT LÒNG NGƯỜI KHÁC

Có ai ở đây thích bị phê bình không?

Tôi thì chắc chắn là không, vì qua thời gian, tôi đã hiểu giá trị của sự phê bình.


Khi ngoài 20 tuổi và làm công việc quan hệ công chúng. Có lần, tôi gửi mail cho biên tập viên của một chuyên trang và trình bày ý tưởng về câu chuyện liên quan đến khách hàng.

Tay biên tập kia phản hồi tôi một cách gay gắt, dù hắn bằng tuổi tôi. Những lời lẽ đó chẳng khác gì lời phê trên bài kiểm tra thời trung học, chỉ trích bài viết cũng như các lỗi chính tả.

Như bị tát vào mặt, ban đầu tôi rất tức giận nghĩ trong đầu: “Nghĩ mình là ai chứ? Tôi đã tốt nghiệp Đại học bằng tiếng Anh đấy, tôi biết nhiều hơn anh là cái chắc“.

Tuy nhiên thì, dù đang trong tâm thế muốn đánh lộn, tôi phải đau đớn thừa nhận rằng tay biên tập kia đã đúng. Tôi đã mắc những lỗi ngớ ngẩn không chấp nhận được, vô cùng kém chuyên nghiệp.

Dù chỉ là mail phản hồi, gã đó đã dạy tôi hai bài học từ những lời chỉ trích: Thứ nhất, đọc lại mọi thứ mà bạn viết ra trước khi gửi đi; thứ hai, đừng né tránh chỉ trích vì nó gay gắt, nó sẽ giúp bạn tiến bộ.

Câu chuyện này có vẻ không đáng nói lắm, tuy nhiên vấn đề của anh biên tập kia là chưa biết cách phê bình sao cho không mất lòng người khác. Đây là kỹ năng sống cực kỳ quan trọng, nó giúp bạn được những người xung quanh nể phục cũng như có được nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Sự thật là, con người đều “xù lông” khi bị phê bình, nhất là người còn trẻ tuổi. Dù lời phê bình có xác đáng hay không, hầu hết chúng ta đều cảm thấy tổn thương, chỉ là ít hay nhiều thôi.

Dù người đưa ra lời phê bình có ý tốt, người phải nhận phê bình cũng sẽ cảm thấy tổn thương lòng tự trọng. Nhưng nếu người phê bình thiếu tinh tế hay cố tình chỉ trích nặng nề, việc đó có thể khiến một số người cảm thấy rất đau khổ.

Ai cũng có nhận thức riêng về tầm quan trọng của chính mình. Tất cả chúng ta đều cần được trân trọng và cần cảm thấy nỗ lực và hành động của mình được đánh giá cao.

Lời phê bình có thể khiến chúng ta đánh giá thấp sự tồn tại cũng như hành động của mình. Những lời phê bình thiếu suy nghĩ có thể khiến bạn nghi ngờ chính mình và tầm quan trọng của bản thân.

Khi biết sự phê bình có thể gây tổn thương như thế, có thể bạn sẽ nghĩ rằng cứ tránh phê bình người khác là được. Ai lại muốn khiến người khác đau khổ hay khiến họ phải nghi ngờ giá trị của chính bản thân mình chứ?

Nhưng dĩ nhiên việc tránh phê bình người khác là hoàn toàn phi thực tế. Rất nhiều tình huống cần đến sự phê bình, thậm chí đôi khi phê bình là điều buộc phải làm.

Đôi khi, phê bình là việc buộc phải làm

Chẳng hạn như khi con trai bạn tiệc tùng suốt đêm thay vì làm bài tập về nhà. Hay khi bạn bè luôn đến muộn trong các buổi hẹn. Hay khi nhân viên của bạn phạm một lỗi có thể khiến công việc kinh doanh của bạn tổn thất hàng nghìn USD. Khi đó, rõ ràng bạn cần phê bình, nhưng vấn đề là bạn nên phê bình ra sao.

Điều quan trọng là bạn phải phê bình sao cho người nghe không thấy bị công kích cá nhân. Bạn cũng muốn người nghe phản ứng tốt với nhận xét của mình và từ đó có phản hồi tích cực. Phê bình thiếu tế nhị hoàn toàn có thể phản tác dụng.

Mong là người nghe sẽ biết ơn bạn vì lời nhận xét và học được điều gì đó từ nó.

Dưới đây là 4 cách phê bình một cách thông minh và mang tính xây dựng:

1. Khen trước đám đông, phê bình riêng với cá nhân

Bên cạnh việc bạn nói gì, thì thời điểm bạn nói cũng rất quan trọng.

Người nghe nên ở trong tâm thế sẵn sàng chấp nhận chỉ trích. Nếu họ có vẻ tức giận hay buồn bực, thì lời phê bình của bạn sẽ không chỉ khiến họ khó chịu thêm, mà còn làm tăng khả năng họ bác bỏ và chống lại bạn.

Ngoài ra, đám đông là nơi thích hợp để khen ngợi chứ không phải phê bình, hãy làm điều đó kín đáo một chút.

2. Phê bình một cách tích cực trong lời nói lẫn thái độ

Bạn có thể sẽ rất muốn nói thẳng, đặc biệt là khi không có nhiều thời gian, hoặc bạn là kiểu người không thích vòng vo.

Nhưng nếu bạn muốn đối phương ghi nhớ lời phê bình của mình, thì bạn phải cho họ thấy rằng bạn không chỉ nhận ra những điểm chưa tốt ở họ.

Hãy chắc chắn rằng bạn khen một cách chân thành và đúng sự thật. Tránh bất cứ sự tâng bốc không cần thiết nào để xoa dịu lời phê bình.

3. Tập trung vào vấn đề, không công kích vào con người


Không ai thích bị công kích cá nhân. Ngay cả khi làm việc gì đó sai, họ cũng không muốn thừa nhận sự thật mà không biện hộ gì.

Nếu bạn định nói về sai lầm của một người, bạn cần phải đặt một khoảng cách về tâm lý giữa lỗi lầm và người phạm lỗi.

Trong những tình huống với đời sống cá nhân, hãy làm lời phê bình không tập trung vào việc họ là “người xấu”, giúp họ hiểu được hành động của họ ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

4. Đưa ra gợi ý chứ không dạy đời

Khi người khác ra lệnh hay chỉ dẫn bạn làm việc gì đó, thì bạn cảm thấy như thế nào?

Bạn cảm giác như mình đang bị đối xử như một đứa trẻ phải không?

Vậy nên khi muốn cho người khác biết làm thế nào để cải thiện vào lần sau, quan trọng là bạn phải tỏ ra muốn giúp đỡ họ chứ không phải dạy đời họ.

Khi đưa ra gợi ý, hãy dùng từ ngữ tích cực, như, “Bạn có thể làm thế này” thay vì, “Bạn phải làm thế này”.

Hãy đặt câu hỏi để thúc đẩy đối phương nghĩ ra cách giải quyết riêng của họ. Nên nhớ rằng, một khi người đối diện cảm thấy tổn thương vì lời phê bình của bạn, họ sẽ chẳng muốn lắng nghe nữa.

Theo Live bold and bloom

No comments: