Wednesday, March 21, 2018

CÂU THƠ CỦA LÝ BẠCH BỊ HIỂU LẦM SUỐT HƠN 1000 NĂM

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương


Câu thơ của Lý Bạch bị hiểu lầm suốt hơn 1000 năm:

‘Đầu giường ánh trăng rọi. Ngỡ mặt đất phủ sương’…


Trên bầu trời thơ Đường, Lý Bạch chính là ngôi sao chói lọi nhất, tỏa ánh hào quang tận thiên thu. Thơ ông thấm đẫm phong cách trữ tình, lãng mạn, có phong thái siêu trần, thoát tục. Nhưng có một câu thơ kỳ lạ của thi nhân họ Lý đã bị hiểu lầm cả nghìn năm qua…

Câu thơ ấy nằm trong bài “Tĩnh dạ tư” nổi tiếng cổ kim. Đó là bài thơ đã gắn liền với tên tuổi của thi nhân họ Lý, được bao thế hệ độc giả mến mộ. Sử cũ ghi chép, năm 726 (Đường Thái Tông niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 14), theo lịch cũ khoảng vào ngày rằm tháng 9, Lý Bạch mới 26 tuổi đang du ngoạn Dương Châu. Trong một đêm trăng sáng, Lý Bạch ngửa mặt lên ngắm ánh trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, bất giác nhớ nhà, tức cảnh sinh tình rồi viết nên bài thơ thiên cổ ngàn năm sáng rọi.

静夜思 

床前明月光,
疑是地上霜.
举头望明月,
低头思故乡.

Tĩnh dạ tư

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa: Đầu giường ánh trăng chiếu rọi. Ngỡ là sương trên mặt đất. Ngẩng đầu ngắm trăng sáng. Cúi đầu nhớ quê cũ.

Dịch thơ: (Bản dịch Văn Nhược)

Ánh trăng chiếu sáng đầu giường
Ngỡ là mặt đất phủ sương móc dày 
Ngẩng đầu ngắm ánh trăng đầy 
Cúi đầu bỗng nhớ những ngày cố hương




Xã hội hiện đại, lối nghĩ của con người đã chệch đi quá xa ý tứ của cổ nhân, rất nhiều câu chữ cổ bị mai một, ý nghĩa bị ngộ nhận, hiểu lầm. Trong bài thơ của Lý Bạch, câu: “Sàng tiền minh nguyệt quang. Nghi thị địa thượng sương” (Đầu giường ánh trăng sáng, ngỡ là sương trên mặt đất) thì chữ “Sàng” (床) ở đây bị hiểu lầm thành “giường ngủ”.

Thực tế, điều đó hoàn toàn không phải như vậy. Căn cứ theo khảo chứng của nhiều học giả, chữ “床 – Giường” có tới 5 kiểu giải thích:

1. Là nói về “Đài giếng” (井台), tức là mặt bệ thành giếng.

2. Là nói về Thành giếng (井栏). Thời cổ đại thành giếng còn được gọi là “Ngân giường” (银床). Căn cứ theo phát hiện của các nhà khảo cổ học, vào thời Trung Quốc cổ đại, khi đào giếng nước, người ta thường dùng gỗ để ghép lại làm thành giếng. Hơn nữa, thành giếng được làm cao hơn 1 mét, giống như một cái tủ gỗ hình vuông vây quanh miệng giếng, đề phòng không may có người ngã xuống. Ngoài ra về cách thiết kế thành giếng này cũng có phần giống với giường ngủ đương thời. Chính vì vậy mà nó còn được gọi là “Ngân giường”.

3. Là một cách gọi thông thường để chỉ “Cửa sổ” (窗).

4. Là cách gọi của “Chõng tre” (坐卧).

5. Là cách gọi của “Hồ sàng” (胡床), một loại ghế ngồi có thể gấp lại thời xưa. Nó còn một tên gọi khác nữa là “Giao sàng” (交床) hay “Giao kỷ” (交椅). Cho đến tận thời nhà Đường chữ “床 – Giường” vẫn được mọi người hiểu là “Hồ sàng” (胡床).

Lý Bạch xa quê từ thời trẻ, luôn mang trong mình nỗi lòng của người khách tha phương. Ảnh: ifuun.com

Do vậy, đa số các học giả đều nhận định chữ “床 – Giường” trong thơ Lý Bạch nên hiểu là “Mặt thành giếng”. Vậy nên, ý nghĩa chính xác của câu thơ này là trong một đêm trăng thu sáng tỏ, thi nhân đứng bên giếng nước ngẩng đầu ngắm ánh trăng, tức cảnh sinh tình viết ý thơ. 

Lý Bạch sinh năm 701 tại Thanh Liên hương, Quảng Hán, Tứ Xuyên. Nơi đây vốn dĩ tên là Thanh Liêm hương, nhưng vì sau này Lý Bạch lấy hiệu là Thanh Liên cư sĩ nên đổi thành Thanh Liên hương. Tương truyền lúc ông sắp sinh, bà mẹ nằm mộng thấy sao Trường Canh. Vì sao này có tên là Thái Bạch nên bà đặt tên con là Bạch, ông mang họ Lý, nên gọi là Lý Bạch.

Lý Bạch ngay từ khi còn nhỏ đã bác học tinh thâm, ngoài kinh điển của Nho giáo, Thích giáo, Đạo giáo, văn ký nổi tiếng cổ đại ra còn học cả thi thư của bách gia, kiếm thuật. Ngay từ khi rất sớm, Lý Bạch đã chuyên tâm tu Đạo, thích ẩn cư nơi sơn cốc cầu Tiên tìm Đạo. Ông vân du sơn thuỷ, khổ cầu thuật đạo tu Tiên. Lý Bạch bản tính phóng khoáng, không thích sự gò bó, câu thúc nên được người ca ngợi gọi là “Thi Tiên”.

Đỗ Phủ từng nhận xét về ông như sau: “Bút lạc kinh phong vũ, thơ thành khấp quỷ thần“, ý rằng khi Lý Bạch hạ bút thì kinh động cả mưa gió, cảm động cả quỷ thần khiến tất cả phải rơi lệ. Hạ Tri Chương, một thi nhân nổi tiếng khác thời Đường từng tán thán rằng: “Lý Bạch là bậc Trích Tiên trên trời“, ý rằng nhà thơ là Tiên trên Trời bị giáng xuống cõi phàm trần.

“Tĩnh dạ tư” là một bài thơ nhuốm đầy u hoài. Thuở nhỏ, Lý Bạch thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi, ông lên đường ngao du sông biển, rời xa quê nhà, từ đó cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay chưa từng một lần trở lại. Cứ mỗi lần ngắm mảnh trăng trong treo trên bầu trời, họ Lý lại nhớ quê da diết.

Trong thơ Lý Bạch, hình ảnh ánh trăng xuất hiện dày đặc, đến nỗi người đời sau cứ mỗi khi nhắc đến Lý thì lại nhớ đến trăng, mỗi khi nhìn thấy trăng thì nhớ ra Lý. Viết về trăng hay nhất chính là Lý Bạch vậy. “Tĩnh dạ tư” ngập tràn một màu hoài niệm, ngập tràn ánh trăng. Trăng soi tỏ khắp cả bài thơ, trên trời, dưới đất đến đầu giường, trăng soi cả vào lòng thi nhân, chiếu lên nỗi niềm tha hương của người khách tang hải nhớ quê mà chẳng thể trở về.


“Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”


“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng. Cúi đầu nhớ cố hương”. Ảnh: Viebooks.com

Hai hành động chắc chỉ cách nhau một khoảnh khắc nhưng lại là hai trạng thái hoàn toàn khác biệt. Ngẩng đầu ngắm trăng là vui, là say cảnh đẹp. Cúi đầu nhớ quê là buồn, là u hoài, là thương tiếc. Ngẩng đầu – cúi đầu thoạt nhìn có vẻ chỉ là vài cử động giản đơn nhưng bên trong chất chứa tình ý sâu xa, là quan hệ nhân quả: Vì ngẩng đầu ngắm trăng mà chợt nhớ quê nhà.

Mà cái chợt nhớ ấy cũng không phải vô duyên vô cớ, bất thình lình. Chỉ khi trong lòng lúc nào cũng chất đầy một nỗi niềm nhớ thương đến thế thì khi bất ngờ gặp cảnh mới lại sinh tình làm vậy. Trong lòng người có tình, trăng chỉ là cái cớ, là chất xúc tác để thi hứng vút bay mà thôi. Thơ Lý Bạch tinh tế đến thế, thanh thoát đến thế, trong cảnh có tình, trong thơ có họa, thực làm người ta nghìn năm đọc hoài chẳng chán.

Minh Vũ – Văn Nhược

No comments: