Sunday, March 11, 2018

NỮ CHỦ BÚT TÀI BA CHƯA TỪNG VIẾT BÁO

Từ một thương nhân bị đánh giá không viết nổi một câu văn, bà Bút Trà trở thành chủ bút lâu đời và thành công ở Sài Gòn trước năm 1975.


Bà Bút Trà, phu nhân của nhà thơ Bút Trà – Nguyễn Đức Nhuận, tên thật là Tô Thị Thân, sinh năm 1903 tại Long An. Bà Thân tính tình thẳng thắn, tuy không học cao nhưng thông minh, có tài kinh doanh với những ý tưởng khác thường, táo bạo.

Bà cùng người chồng đầu tiên, một Hoa Kiều, gây dựng đến hơn 20 cơ sở kinh doanh, đa số là tiệm cầm đồ. Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc viết trong “Hồi ký văn nghệ”, bà Thân muốn chuyển sang nghề làm báo vì các tiệm cầm đồ luôn bị báo chí lên án kịch liệt. Bà tìm người giúp bà lập một tờ báo để đáp trả lại luồng dư luận này. Vậy là nhà thơ Bút Trà – Nguyễn Đức Nhuận, người Quảng Ngãi, được ông Bình Nguyên Lộc giới thiệu với bà Thân. Ông Bình Nguyên Lộc viết: “Từ bao lâu nay, con buôn nào cũng chỉ hành động có một trong ba cách: thứ nhứt cắn răng mà chịu đựng khi nào bị báo chí chưởi. Thứ nhì hối lộ cho các ký giả viết bài chưởi bới. Thứ ba thuê du côn đánh các ký giả đó. Bà Tô Thị Thân là người đầu tiên nghĩ ra giải pháp thứ tư. Mà bà là người chẳng viết được câu văn nào cả. Thật là oanh liệt”.

Nhà báo Trần Nhật Vy trong quyển “Ba nhà báo Sài Gòn” trích một giai thoại khác do nhà báo Ngọa Long viết trong loạt bài “10 năm làng báo Sài Gòn 1927-1937” về mối duyên của vợ chồng ông bà Bút Trà.

Chuyện kể rằng, lúc còn làm nghề cầm đồ, khi báo chí tấn công các tiệm cầm đồ thì bà Thân được chủ nhân các tiệm đó cử đến thương thuyết với báo Công luận. Tờ báo này là nơi khởi xướng việc công kích các tiệm cầm đồ, do ông Nguyễn Đức Nhuận, bút hiệu Phú Đức, làm chủ nhiệm và nhà thơ Nguyễn Đức Nhuận – Bút Trà làm thư ký tòa soạn. Lợi dụng việc trùng tên, chủ nhiệm Phú Đức thay vì tiếp bà Thân lại cử thư ký tòa soạn Bút Trà ra thay thế. Chuyện được giải quyết tốt đẹp nên họ được giới thương nhân thết đãi. Trong bữa tiệc, ông Bút Trà đã tặng bà Thân hai câu thơ chữ Nho rồi dịch ra tiếng Việt, đọc to:


“Đời tôi lắm lúc không bằng mộng
Tỉnh mộng thân mình sống lẻ loi”


Hai người cùng nhau khởi nghiệp làm báo từ đây.

Vợ chồng ông bà Bút Trà

Ông Bút Trà đã có thời làm cho các báo Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp Thời Báo, Công luận, nay trở thành chủ nhiệm báo Sài Thành nhưng thực tế người điều hành là bà Thân. Bà đích thân chọn tất cả các bài báo đăng trên Sài Thành nhưng tuyệt nhiên không đăng bài nào trả đũa lại những tờ báo từng công kích bà.

Khi người ta chế diễu bà là thím Xồi, tục danh của người chồng Tàu, bà chỉ điềm tĩnh, khẳng khái đăng báo đáp lại “Ừ, tôi tên là thím Xồi thì đã sao kia chớ? Thím ấy có làm hại xã hội bằng những bài vở khiêu dâm chăng? Có nêu gương đồi phong bại tục chăng?” Họ xoay qua chửi bà làm nghề cầm đồ. Bà đáp trên báo “Hàng ngàn người khác cho vay cắt cổ, sao cứ bà họ Tô mà chửi?” Chỉ vậy mà bà thành công, không báo nào dị nghị nữa.

Sau một thời gian làm báo, bà ly hôn người chồng Hoa Kiều rồi sau đó kết hôn với ông Bút Trà. Từ đó ông bà Bút Trà chuyên tâm với nghề làm báo, đưa tờ Sài Thành (sau đổi thành Sài Gòn rồi Saigon Mới) thành tờ báo bán chạy nhất. Thành công với nhật báo, bà xuất bản thêm 2 tờ tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn và Phụ Nữ Thời Báo do con trai của ông bà đảm nhiệm.

Tuy không viết một bài báo nào nhưng bà Bút Trà lại là linh hồn của tờ báo. Tổng thư ký tòa soạn báo Saigon Mới, Ông Trọng Nguyên, kể với ông Bình Nguyên Lộc: “Khi nào bà ấy quá bận việc khác, bà ấy chỉ thị cho tôi làm việc, đúng y như bà đã làm. Có tôi, bà cũng cứ thủ vai chính. Bà chỉ cần tôi về mặt kỹ thuật mà thôi. Tôi chết đi, bất kỳ ai thay thế cũng được, bởi cứ còn bà.”

Bà điều phối ký giả đi phỏng vấn hay dự các buổi thuyết trình, họp báo, rồi theo dõi và xem các bài tường trình rất kỹ lưỡng. Tuy vậy bà đối xử với nhân viên rất khôn ngoan, tâm lý. Nhà văn Hoàng Hải Thủy từng chia sẻ ấn tượng trong thời gian làm việc với bà Bút Trà: “Hai lần làm trong tòa báo của bà, tổng số 9 năm trời, tôi không một lần thấy bà Bút Trà xẵng giọng, to tiếng với nhân viên, bà không rầy la nhân viên có lỗi trước mặt đồng nghiệp của anh ta, bà cũng chẳng bao giờ than phiền một nhân viên nào làm việc bê bối với người trong tòa soạn, cần nói gì bà mời riêng nhân viên đó vào nói chuyện với bà.”

Hoàng Hải Thủy càng nể trọng bà hơn trong cách cư xử khi một lần ông không đi dự họp báo, lại còn tìm cách nói dối. Ông bị bà lật tẩy một cách thông minh. Sau đó bà đã nói riêng với ông rằng: “Nhà báo có nhiều người. Việc nào anh không muốn đi hay anh có việc bận không đi dự được anh cứ cho biết, để cử người khác đi. Anh đừng nhận đi rồi bỏ không đi như vậy.” Ông viết thêm: “Lời chỉnh rất nhẹ. Lời chỉnh làm tôi tự thấy xấu hổ, tôi đã không làm việc tôi phải làm, tôi còn can tội nói dối. Nhưng bà không làm tôi xấu hổ quá.”

Trong một bài phóng sự đăng trên Trung Bắc Tân Văn số 18, ngày 30/6/1940, ký giả Văn Lang viết về tài quán xuyến của bà như sau:“Có thể nói ở nhà báo Sài Gòn, chính bà Bút Trà mới thật là tổng lý, lại kiêm luôn cả ba chức nội vụ tổng trưởng, tài chánh tổng trưởng và ngoại giao tổng trưởng…. cho đến việc biên tập, cách xếp đặt và bài vở trong mỗi số báo bà cũng kiểm soát được nữa mới tài”. Ông cho biết thêm: “Đêm nào cũng thế, trước khi báo sắp lên máy, thợ phải vỗ một bản đưa trình bà quản lý xem sự

xếp đặt như thế có được không, hay tin nào nên bỏ, lời rao (quảng cáo) nào còn thiếu”. Ngay cả truyện kỳ đăng trong Saigon Mới cũng được bà Bút Trà để tâm góp ý kiến cho phù hợp với thị hiếu của độc giả.

Với nhân viên, bà Bút Trà cũng rất nhân đạo. Bà giải thích với ông Hoàng Hải Thủy lý do bà cương quyết không đổi các máy in kiểu cũ qua kiểu rotative cho hiệu quả hơn: “Mỗi máy in của mình bây giờ có một anh thợ trông nom, mỗi anh thợ có một gia đình ít nhất 5 người…Mười máy in nuôi nuôi 50 người. Nay tôi dẹp đi dùng máy rotative chỉ cần 2 anh thợ thôi, tám người mất việc, 40 người nheo nhóc. Tôi không muốn thay đổi là vậy.”

Không phải lúc nào việc làm báo cũng suông sẻ, nhưng nhờ đã từng là một nhà kinh doanh giỏi nên bà Bút Trà đã biết cách đối phó để giữ vững tờ Saigon Mới.


Về nhật báo Saigon Mới, có nhiều tài liệu khác nhau về năm ra đời của tờ Sài Thành, tiền thân của Saigon Mới. Trong tác phẩm “Ba nhà báo Sài Gòn”, tác giả Trần Nhật Vy trích hồi ký của nhà báo Ngọa Long trong loạt bài “10 năm làng báo Sài Gòn 1927-1937” rằng, khởi đầu tờ Sài Thành là của ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, đến năm 1930 nhường lại cho ông Bút Trà. Ông Thanh Việt Thanh trong “Ba nhà báo cùng tên Nguyễn Đức Nhuận” lại cho rằng tờ Sài Thành của Bút Trà đã xuất hiện từ năm 1929, đến năm 1931 đổi tên là Sài Gòn. Đến cuối năm 1946, lại đổi tên lần thứ hai thành Saigon Mới. Lúc đầu tòa soạn ở số 23 đường Filippini, nay là Nguyễn Trung Trực, sau dời về 39 đường Colonel Grimaud tức Phạm Ngũ Lão, gần bùng binh chợ Bến Thành. Nơi đây vừa là tòa soạn, vừa là nhà in và cũng là nơi cư ngụ của gia đình Bút Trà.


Saigon Mới là tờ báo thành công nhất ở Sài Gòn trước năm 1975. Thời cực thịnh, từ năm 1957 đến 1963, đối tượng của tờ báo là quần chúng ít học, người lao động và các tiểu thương. Quan điểm này thể hiện rõ trong lời từ chối của bà Bút Trà khi ông Bình Nguyên Lộc xin được cộng tác với Saigon Mới: “Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu”.

Tờ báo được sự cộng tác của nhiều cây bút rất được ưa chuộng như Bà Tùng Long, Hồng Tiêu, Thiếu Lăng Quân, Hàn Mạc Tử, Hoàng Hải Thủy, Phi Long (Ngọc Sơn), Thanh Phong, Hoa Đường, Jean Baptiste Đồng, Trọng Nguyên, Vũ Bình Thư, Mộng Đài, Nguyễn Vỹ…. và cả những nhà thơ nổi tiếng như Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, ký giả nổi tiếng tường thuật bóng đá, Huyền Vũ, cũng là biên tập viên mục thể thao của Saigon Mới.

Saigon Mới đáp ứng tức thời nhu cầu tinh thần của giới bình dân. Người lao động không có thói quen đọc sách, nhưng lại thích xem nhật báo Saigon Mới với đủ thứ tin tức từ chuyện linh tinh trong xóm đến các tài liệu hữu ích, cả các chuyện lạ khắp năm châu. Những tiểu thuyết đăng nhiều kỳ hấp dẫn, phù hợp với phong cách người miền Nam. Saigon Mới lại có thể giúp độc giả giải quyết được nhiều bế tắc qua mục Gỡ rối tơ lòng. Đây là mục Gỡ rối tơ lòng đầu tiên của làng báo hiện đại tính cho đến hôm nay.

Nhật báo Saigon Mới của ông bà Bút Trà

Trong hồi ký của mình, bà Tùng Long đã trích bài viết của ký giả Trần Quân như sau: “Khi tiếng gà vừa gáy đợt đầu, một người đàn bà đã già mở cửa một cái chòi và sai một đứa bé đi mua một cái gì đó. Mấy phút sau đứa bé chạy về với hai bàn tay không và sẳn sàng chống đỡ những lời rầy la của bà. Bà ta đã đưa cho nó hai đồng bạc để mua cho bà một tờ Sai Gòn Mới, tờ báo mà ai cũng biết xuất bản vào buổi sáng, và thằng bé đã lấy tiền đó để mua một khúc bánh mì… Người đàn bà đã không dằn được tức giận, bảo tại sao nó không chịu ăn sáng với cơm nguội như mọi người trong gia đình và để tiền mua tờ báo. Tờ báo đối với bà thật sự là một bữa điểm tâm tinh thần, cũng như một hơi thuốc lá và một tách cà phê nóng vào buổi sáng của những người thượng lưu”.

Như vậy Saigon Mới đã trở thành một món ăn tinh thần của nhiều người và có ảnh hưởng lớn đến đại chúng. Nhật báo đã tồn tại hơn 42 năm, có tuổi thọ dài nhất trong lịch sử báo chí của Miền Nam.

Theo Tuổi trẻ

No comments: