Saturday, March 24, 2018

TRÊN KÍNH DƯỚI NHƯỜNG...


Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu

Trong dịp Giáng Sinh tôi dự một bữa cơm gia đình một người bạn và anh tâm sự…”Bốn chữ trên kính dưới nhường là món hành trang tôi mang theo bên mình trong suốt năm mươi năm qua. Có lúc nó nặng như bao cát tôi cố vứt bỏ nhưng cũng có rất nhiều lúc nó là món quà thân thương nhất của đời tôi do hai người đàn bà để lại – Mẹ tôi và Cô Liễu, cô giáo lớp nhất trường Chợ Quán.

Tôi đầu tiên học bốn chữ nầy trong một buổi chiều mưa lê thê. Một người chị chú bác đem cho mẹ tôi một ít bánh trong đó có mấy cái “bánh ích nhưn đậu”, món tôi ưa thích nhất trong các loại bánh dân gian Việt Nam. Trong lúc anh tôi đang ra vườn “thăm câu”, mẹ tôi sai tôi đem bộ đồ vừa may xong cho đứa con vừa đầy tháng của anh chị Hải, ở cách chúng tôi khoảng hai trăm thước. Xúng xính với chiếc nón lá, bộ áo đi mưa bằng lá dừa nước và dĩ nhiên là chân đất, nhiệm vụ giao hàng của tôi có lẽ không đầy hai mươi phút nhưng khi trở về nhà thì mấy cái “bánh ích nhưn đậu” đã không còn nữa. Tôi nhớ sự tức giận của mình nhưng không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra sau đó ngoài việc học được hai bài học về cách xử thế: Một là về ăn uống và hai là về nhường nhịn. Tôi như còn nghe văng vẳng bên tai lời mẹ tôi nói:



Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu

Và bài học thứ hai rất sâu xa, đó là bốn chữ trên kính dưới nhường – “Con là đứa con giữa, trên phải kính anh, dưới phải nhường em”!




Lên Sài Gòn, vào học trường tiểu học Chợ Quán. Người thầy giúp tôi vượt qua những mặc cảm của một đứa học trò “nhà quê” là thầy giáo lớp 3. Một đứa học trò ăn nói ngọng nghệu, ngày đầu đến trường với bộ đồ bà ba trắng và đôi guốc giông sơn, được đứng thứ nhì trong lớp cuối năm! Nhưng hình ảnh còn sâu đậm nhất trong tôi tại trường Chợ Quán là cô Liễu dạy tôi lớp Nhất. Một trong những bài học nhớ đời cô dạy tôi cũng là câu trên kính dưới nhường, lập lại bài học của mẹ tôi với một câu chuyện thích thú. Tôi không nhớ rõ do trường hợp nào cô Liễu đã kể câu chuyện ba anh em nhà nọ, người anh thì tham lam lấy của cha mẹ làm của mình, người em biếng nhác chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Riêng người con giữa rất nghèo, trên lo cho anh, dưới nhường em và sau cùng được một ông tiên ban cho nhiều vàng bạc, sống hạnh phúc với vợ hiền, con ngoan.

Tôi thi đậu vào Trường Petrus Ký và tiếp tục được các thầy cô trui đúc Trên kính Thầy, dưới nhường bạn. Hai chữ kính nhường đã bao bọc, kìm hãm tôi. Tôi lặn ngụp trong ý niệm kính nhường đến đỗi rất nhiều lần bạn bè, quyến thuôc cho rằng tôi đã tự làm thiệt mình. Nhưng ở cái tuổi “tri thiên mệnh” nầy nhiều lúc suy gẫm lại đoạn đời đã đi qua, tôi mang ơn Mẹ tôi và cô Liễu đã dạy cho tôi hai chữ kính nhường. Cái kính nhường đã tạo cho tôi một mối dây liên hệ thân thương trong đại gia đình chúng tôi, đã đem đến cho tôi bao nhiêu bạn bè lấy ân tình làm gốc. Có những người bạn cách đây ba mươi năm đã sỉ nhục tôi vì quyền lợi cá nhân giờ đây ngồi nhắp ly trà hề hà kể lại chuyện xưa…”. Anh tâm sự tiếp “Nhưng đến bây giờ trong một số công việc chung vẫn còn một số người trách tôi tranh danh đoạt lợi… Không biết mình còn sống được bao nhiêu mươi năm nữa để được ngồi xuống với những người bạn nầy uống một ly trà nhắc lại chuyện hôm nay?”



Một câu chuyện trong “Cổ học tinh hoa” ? Không, đây là một câu chuyện thật trong trăm ngàn những câu chuyện cao đẹp của những người Việt vẫn còn giữ được giềng mối văn hóa dân tộc. Nhiều người đã bâng khuâng cho rằng hai chữ kính nhường đã được thay thế bằng hai chữ “tranh đoạt” (tranh danh đoạt lợi)! Thời buổi nào cũng có Lưu Bị! Thời buổi nào cũng có Tào Tháo!

Phạm Mai


No comments: