Monday, April 9, 2018

LÃNH MỸ A

Chắc bây giờ chỉ có giới sồn sồn hoặc loại già mới biết và nhớ cái quần may bằng "lãnh Mỹ A" mà thời trước chỉ có dân "đại gia" mới có tiền may mặc. Thời này lãnh Mỹ A đã dần dần mai một mà giới trẻ không còn biết, không thích và tôi nghĩ nếu cho không chắc tụi nó cũng chẵng thèm mặc vì sợ bị gọi là dân nhà quê nhưng một ngày nào đó nó sẽ trở thành món hàng hiếm, hàng đặc sản.


Giữ hồn lãnh Mỹ A: Giải mã chiếc quần lãnh từng là niềm ao ước của bao thiếu nữ xưa

Không uổng công tìm về xứ lụa Tân Châu (An Giang), lần đầu tiên, chúng tôi đã được thấy tận mắt, sờ tận tay xấp vải lãnh Mỹ A, loại vải mà dân gian vẫn đồn đãi rằng mùa hè mặc thì mát, mùa đông mặc thì ấm.

Vải lãnh Mỹ A đen bóng, sờ vào mát lạnhẢNH: PHAN GIANG

Nhiều năm về trước, Tân Châu (An Giang) nổi tiếng là "xứ tầm tang" với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, nức tiếng xa gần là lãnh Mỹ A. Vậy mà hiện nay, chỉ còn mỗi gia đình ông Tám Lăng giữ lấy nghề.

Ông Tám Lăng là ai?

Từ TP.HCM, qua phà Hồng Ngự xuôi về Tân Châu, hỏi gia đình Tám Lăng, dân trong vùng ai cũng biết. Trải qua bao "cuộc bể dâu", từ một làng nghề trù phú đến chỉ còn vài hộ cầm chừng và giờ đây chỉ duy nhất gia đình ông Tám Lăng còn giữ nghề làm lãnh Mỹ A truyền thống. Cái thứ vải xa xỉ ngày trước vốn chỉ dành cho những chủ cả nhà giàu, giờ đây có cầm tiền muôn bạc vạn, chưa chắc đã mua được.

Ông Tám Lăng (tên thật là Nguyễn Văn Long) năm nay đã 90 tuổi, mắt không nhìn thấy rõ nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Người đàn ông từng một thời ngang dọc đi buôn trái mặc nưa - thứ quả duy nhất có thể làm nên màu đen tuyền đặc trưng của lãnh Mỹ A, bồi hồi nhìn ra trước nhà, cũng là xưởng dệt của gia đình với chừng 4-5 khung cửi: "20 năm lái mặc nưa, 40 năm gắn với nghề làm lãnh Mỹ A, coi như cũng gần 2/3 đời người. Mấy lần bỏ rồi cũng trở lại làm. Chắc là cái duyên đó cô à".

Ông Tám Lăng đã 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn ẢNH: NHÂN PHAN

Theo lời kể của ông Tám Lăng, ngày trước vùng Tân Châu, Phú Tân (An Giang) bạt ngàn ruộng dâu. Nhà nhà nuôi tằm, dệt lụa. Trong trí nhớ của ông, thời đó có đến hơn 250 máy dệt và hơn 80 lò nhuộm hoạt động hết công suất. Trong đó, lãnh Mỹ A trở thành "đặc sản" nức tiếng Nam kỳ lục tỉnh và còn xuất sang Campuchia, Lào... Đó là thứ vải được dệt từ tơ tằm thượng hạng, nhuộm bằng mủ của trái mặc nưa với màu đen huyền đặc trưng nhưng phải qua vô số công đoạn rất cầu kỳ.

Những năm 1950 - 1960 được xem là thời kỳ thịnh nhất của lãnh Mỹ A. Có những ngày, vùng này tiêu thụ hơn 30.000 kg mặc nưa, chở xe tải từ Campuchia về. Chỉ có những ông chủ, bà cả lắm tiền, nhiều bạc mới dám mặc thứ vải này mà cũng chỉ mặc vào những dịp quan trọng như lễ tết, đám tiệc hay làm quà biếu khi dựng vợ, gả chồng. Những thiếu nữ, quý bà ngày xưa, có được chiếc áo dài hay bộ bà ba may bằng lãnh Mỹ A là cả một niềm mơ ước. Chiếc quần lãnh đen được nâng niu cất giữ cẩn thận trong tủ như một báu vật.

Lãnh Mỹ A được phơi trên đồng cỏ dưới cái nắng buổi sáng ẢNH: PHAN GIANG

Thế nhưng, đến những năm 1970, sợi nilon bắt đầu thay cho tơ lụa truyền thống. "Xứ tầm tang" chỉ còn lác đác vài hộ giữ nghề xưa. Gia đình ông Tám cũng từng không ít lần đóng khung dệt lãnh, chuyển sang nghề khác để cầm chừng. "Dân mình thì nghèo còn nilon rẻ, chắc. Chẳng trách lãnh Mỹ A dần lụi tàn. Nhưng mà, thương quá, bỏ không đành. Kinh tế thì lắm lúc trầm bổng. Lúc khó khăn, tôi cũng như nhiều hộ khác, phải tạm dừng nhưng rồi cũng quay lại vì trót thương nó rồi", ông Tám nói.

Đến giờ tên gọi lãnh Mỹ A vẫn còn là một bí ẩn nên tạm cho đây là tên riêng của loại vải này. Ngay cả ông Tám Lăng cũng không rõ lãnh Mỹ A xuất hiện từ khi nào, ở đâu và vì sao có tên gọi như vậy. Tuy nhiên, có 3 điểm làm nên lãnh Mỹ A truyền thống, đó là phải làm từ tơ tằm 100%, được dệt bằng phương pháp dệt satin 8 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm) và phải nhuộm bằng trái mặc nưa.

Năm 1990, một phụ nữ người Pháp tên Rose tìm đến xứ Tân Châu, mang theo chiếc quần lãnh Mỹ A, gõ cửa từng xưởng dệt để hỏi về loại vải chỉ còn là quá vãng này bởi trong vùng gần như chỉ dệt sợi nilon. Đến khi gặp ông Tám Lăng, cả hai như cá gặp nước. Chỉ từ một câu nói của cô Rose: "Tôi thấy ông thiệt, tôi mần với ông", đến nay gia đình ông Tám Lăng đã làm việc với người Pháp gần 20 năm, kể cả khi cô Rose đã về hưu, người khác tiếp quản.

"Của một đồng, công một nén"

6 giờ sáng, chúng tôi theo chân Trí (con trai ông Tám Lăng) ra nơi nhuộm lãnh Mỹ A. Lúc này, anh thợ nhuộm đang bỏ từng chùm mặc nưa vào máy nghiền. "Trăm nghe không bằng một thấy", lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt thấy loại trái làm nên màu đen nhưng nhức của lãnh Mỹ A. Trái mặc nưa khi nghiền ra có mùi thơm rất đặc trưng của thiên nhiên và tứa ra thứ mủ màu xanh, để hồi lâu sẽ ngả đen. Đó cũng chính là màu đen tuyền mà không một loại màu công nghiệp nào có thể sánh bằng.

Nghiền rồi vắt. Anh thợ nhuộm quen việc nên làm nhanh thoăn thoắt. Cả 10 đầu ngón tay đều được nhuộm đen. Ngặt nỗi phơi lãnh Mỹ A lại không được dùng máy sấy hay bất cứ phương pháp nào mà phải là nắng gió tự nhiên và phơi trực tiếp trên cỏ. Bởi thế mới nói, loại vải này chẳng khác nào cô gái đỏng đảnh, khó chiều. Ấy vậy mà những người thợ vẫn chiều chuộng "cô" hết mực.

Thợ nhuộm đang vắt mặc nưa

Sau đó nhuộm lên vải, quá trình này lặp đi lặp lại gần 100 lần ẢNH: NHÂN PHAN

Tự tay trở từng miếng lãnh Mỹ A đang phơi trên đồng, anh Trí cho biết để làm ra lãnh Mỹ A phải trải qua 6 công đoạn gồm quay tơ, mắc cửi, kế (hay gọi là go, nối mối), suốt, dệt và nhuộm. Lãnh Mỹ A thì phải chọn loại tơ hảo hạng, tơ xấu sẽ dễ bị đứt đoạn. Lúc dệt, thợ phải đứng canh (mỗi người thợ chỉ canh một khuôn dệt, trong khi dệt công nghiệp có thể đứng 5 - 6 khuôn) để giữ cho tơ không bị gợn. Lụa dệt xong được cho vào luộc để ra hết chất keo sau đó mới mang đi nhuộm. 

Công đoạn nhuộm cũng nhiêu khê không kém bởi phải nhuộm ít nhất 6 "da". Mỗi lần "đập" vải (cho vỡ thớ sợi, dễ bám màu) tính là một "da". "Da" đầu tiên nhuộm rồi phơi, xả khoảng 30 lần trong gần 10 ngày. Da thứ hai, thứ ba cũng làm tương tự. Ba "da" đầu là để chất lượng vải tốt hơn, ba nước "da" cuối là làm cho vải đẹp hơn. Riêng da thứ sáu, miếng vải được đập kỹ, giặt bằng nước sông, phơi khô sau đó ủi lại. 

Đặc biệt trước khi "đập", người thợ thường dùng bó chổi xuể nhúng nước, vảy lên cuốn vải cho vải ẩm. Thợ nhuộm giỏi nghề phải biết coi chừng nhịp nước. Nước ít thì sau khi đập, vải không ăn mặc nưa. Nước dư thì lại hao mặc nưa nên "bỏ nước" thì phải chính xác. Một cây hàng lãnh Mỹ A (20m - khổ 90cm) phải nhuộm khoảng 100 lần, tốn gần 80 -100 kg trái mặc nưa.

Anh Trí tự tay trở từng tấm vải ẢNH: THIÊN HƯƠNG

Nghe Trí mô tả quá trình làm ra lãnh Mỹ A, chúng tôi mới thấm thía câu "của một đồng, công một nén". Trong buổi sáng chúng tôi có mặt, anh thợ xay, lược sau đó nhuộm cũng chỉ được 2-3 lần dù trời nắng đẹp. Bởi thế mà quá trình nhuộm thường kéo dài 2 tháng. Trung bình 500m lãnh Mỹ A phải mất đến 4 tháng mới hoàn thành. Những lúc mưa dầm, nhuộm hoài không xong thì kéo dài hơn 4 tháng là bình thường. 

"Cực thì có cực nhưng chị thử chạm vào xấp lãnh Mỹ A mà xem, bao nhiêu cái cực cũng sẽ tan biến", Trí nói. Thực sự, đến khi chạm vào thứ lụa trơn láng, đen nhưng nhức ấy, tôi mới cảm nhận hết giá trị của giọt mồ hôi mà những người thợ đã đổ. Loại vải này khi khoác lên người, cứ như được chạm vào làn da của một cô gái mát rượi và thoang thoảng hương thơm. Cũng bởi thế mà tương truyền, mặc lãnh Mỹ A mùa hè mát rượi, mùa đông ấm dù chỉ khoác lớp tơ mỏng nhẹ và càng giặt càng đen bóng.

Thiên Hương
Nguồn: Thanh Niên


No comments: