Sunday, May 6, 2018

LỜI TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC CỦA CÁC ĐỜI TỔNG THỐNG MỸ

Câu chuyện thú vị xoay quanh lời tuyên thệ nhậm chức của các đời tổng thống Mỹ

Luật pháp Mỹ không hề bắt buộc tổng thống nước này sử dụng Kinh Thánh hay biểu hiện niềm tin trong quá trình tuyên thệ nhậm chức của mình, nhưng kể từ thời tổng thống Franklin D. Roosevelt trở đi, không có một đời tổng thống nào không cầu xin Chúa Trời giúp đỡ sau câu tuyên thệ[1]…




(Ảnh: The White House, YouTube)

Có thể bạn đã từng nghe nói rằng các tổng thống Mỹ thường sử dụng Kinh Thánh và cụm từ “So help me God” (Tạm dịch: Xin Chúa giúp tôi) trong khi tuyên thệ nhậm chức. “Xin Chúa bảo hộ nước Mỹ” cũng là một câu nói thường thấy trong bất cứ một bài phát biểu nào của tổng thống Mỹ hay các quan chức chính phủ nước này.

Toàn văn lời tuyên thệ nhậm chức của một tổng thống Mỹ như sau:

“I do solemnly swear (or affirm) that I will faithfully execute the Office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States.“
Tạm dịch:
“Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ hiến pháp Mỹ“.
Chính xác hơn, từ tuyên thệ có thể được sử dụng bằng hai từ khác nhau: swear (thề) và affirm (xác nhận). Các tổng thống Mỹ đều có thể lựa chọn một trong hai từ này. Tuy nhiên, trong tất cả các đời tổng thống từ trước tới nay, chỉ có duy nhất tổng thống Franklin Pierce (1853-1857) là lựa chọn sử dụng “xác nhận” thay cho “thề“.

Phó tổng thống Mỹ tuyên thệ – Ngoại trừ lời tuyên thệ của Tổng thống Mỹ, nếu người tuyên thệ lựa chọn sử dụng lời thề thì bắt buộc phải thêm vào cụm từ “Xin Chúa giúp tôi” (Ảnh: Kshb.com)

Trong đạo luật 1789, Quốc hội đầu tiên của Mỹ đưa ra yêu cầu phải sử dụng cụm từ “Xin Chúa giúp tôi” đối với lời tuyên thệ của tất cả các thẩm phán và nhân viên chính phủ, ngoại trừ tổng thống Mỹ. Hay nói chính xác hơn, nếu sử dụng lời thề (swear) thì trong câu tuyên thệ bắt buộc phải thêm vào cụm từ “Xin Chúa giúp tôi“. Chỉ khi muốn xác nhận (affirm) mà không muốn thề thì người đó mới không phải sử dụng cụm từ này và cũng không được phép sử dụng cụm từ này[2]. Trong khi đó, lời tuyên thệ tổng thống là lời tuyên thệ duy nhất không bao gồm cụm từ “Xin Chúa giúp tôi“. Tuy nhiên, hầu hết các tổng thống Mỹ, nhất là các tổng thống Mỹ sau thời Franklin D. Roosevelt đều sử dụng lời thề (swear) và thề trước Kinh Thánh.

Các đời tổng thống Mỹ (Ảnh: Shestokas.com)

Thông thường khi tuyên thệ, tổng thống Mỹ sẽ giơ tay phải để tuyên thệ, trong khi đặt tay trái lên trên một cuốn Kinh Thánh hay một cuốn sách khác. Năm 1789, George Washington đã tuyên thệ sử dụng một cuốn Kinh Thánh từ nhà thờ Thánh John, và sau đó đã hôn lên cuốn sách. Các tổng thống tiếp theo đều tiếp nối truyền thống đó, cho đến đời tổng thống Dwight Eisenhower năm 1953. Dwight Eisenhower đã cầu nguyện thay vì hôn lên cuốn Kinh Thánh.

Tổng thống Theodore Roosevelt không sử dụng Kinh Thánh khi tuyên thệ vào năm 1901. Trong khi đó, tổng thống John Quincy Adams và Franklin Pierce thì sử dụng một cuốn sách luật vì cho rằng họ đang tuyên thệ trước hiến pháp. Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên thệ sử dụng một cuốn sách dùng cho Thánh lễ trên Không lực 1. Còn các tổng thống Harry Truman, Dwight Eisenhower, Richard Nixon, và Barack Obama thì tuyên thệ trên hai cuốn Kinh Thánh.

Tổng thống Obama lần thứ 2 nhậm chức (Ảnh: Wikipedia)

Rõ ràng, tại một cường quốc về công nghệ như Mỹ, chính phủ và người dân vẫn không hề bớt niềm tin vào tín ngưỡng tâm linh. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy, có 76% tổng số người dân Mỹ theo Kitô giáo, 1% theo Do Thái giáo và 1% theo Hồi giáo, tổng cộng là gần 80% người có tôn giáo. Theo một cuộc khảo sát khác, 40% nói rằng họ tham dự các buổi lễ gần như mỗi tuần, và 58% nói rằng họ cầu nguyện ít nhất 1 lần mỗi tuần. Đó là một tỷ lệ khiến người ta kinh ngạc tại một quốc gia phát triển như Mỹ. Đa số người Mỹ cho biết tôn giáo giữ một vai trò “rất quan trọng” trong cuộc sống của mình. Nhiều tôn giáo đã nở rộ tại Mỹ, kể cả các tôn giáo được bắt nguồn từ đây và các tôn giáo du nhập vào sau này. Mỹ là một trong những quốc gia có tôn giáo đa dạng nhất.

Tờ Đô la Mỹ cũng có in câu: “In God We Trust” (Tạm dịch: Chúng ta tin vào Chúa). Tại sao một siêu cường kinh tế và quân sự bậc nhất thế giới lại chọn in câu nói thể hiện “niềm tin vào một đấng toàn năng nằm ngoài sự hiểu biết của khoa học” trên đồng tiền của mình chứ không phải là in những khẩu hiệu trung thành với Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa?

Tại sao một siêu cường kinh tế và quân sự bậc nhất thế giới lại chọn in câu nói thể hiện “niềm tin vào một đấng toàn năng nằm ngoài sự hiểu biết của khoa học” trên đồng tiền của mình? (Ảnh: Wesb.com)


Albert Einstein đã từng nói: “Tôi không phải là một người vô thần, và tôi không nghĩ tôi có thể gọi mình là một người phiếm thần. Chúng ta ví như một đứa trẻ nhỏ bé bước vào một thư viện khổng lồ chứa đầy sách bằng nhiều ngôn ngữ. Đứa trẻ biết rằng có một người nào đó đã viết những cuốn sách này. Nhưng nó không biết là bằng cách nào. Nó không hiểu các ngôn ngữ đã được sử dụng để viết các cuốn sách đó. Đứa trẻ lờ mờ nghi ngờ rằng có một trật tự huyền bí trong việc sắp xếp các cuốn sách, nhưng nó lại không biết trật tự đó là gì. Đối với tôi, dường như đó là thái độ của một con người, thậm chí là con người thông minh nhất, trước Thượng đế. Chúng ta thấy vũ trụ được sắp xếp kỳ diệu và tuân thủ theo một số định luật nhất định, nhưng chỉ hiểu một cách mơ hồ về những định luật này. Trí tuệ có hạn của chúng ta là không đủ để có thể hiểu thấu được lực lượng bí ẩn đằng sau những vì sao trong vũ trụ.“[3]

Hoàng Vũ, Quang Minh

[1] Marvin Pinkert, giám đốc điều hành Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ
[2] Đạo luật 1789, phần 7
[3] Cuốn “Einstein và tôn giáo”, Max Jammer, 1999


No comments: