Tuesday, June 12, 2018

TẢN MẠN CHUYẾN "ĐI VỀ TÀU"

Tôi đã về Úc hơn 2 tuần, hành lý vẫn chưa sắp xếp xong, nhìn những gói quà ngổn ngang không biết mua để làm gì cho nên tôi mới post 2 câu: "Đi để biết hay đi để tiếc". Tôi đã đi Trung Quốc rất nhiều lần và như đã nói, có nơi tôi đã đến đôi ba lần. Trong 6 năm nay tôi không có đến Trung Quốc mà chỉ đi qua những nước khác. Nhưng sự phát triển rất nhanh của Trung Quốc nên mỗi lần đến đều thấy nhiều cái khác hơn xưa.



Trong kỳ đi này tôi không có chuẩn bị hành trình, mọi thứ là do bà xã cùng mấy bà chị vợ, mấy người bạn cùng đăng ký đi chung cho vui vì thông thường vợ chồng tôi rất ít khi đi chung với người nhà do bận công việc nên khi nào có dịp nghỉ là đi đại thường vào những mùa holiday có kỳ nghỉ dài được vài ngày.

Tôi không biết kỳ này là tour mà tiếng lóng gọi là "Cấu Vật Đoàn " (購物團 Đoàn đi mua đồ) cho nên có những cái vui và những cái bực mình trong suốt cuộc hành trình:





CHUYẾN DU LỊCH MUA ĐỒ

Cho các bạn biết là kỳ này tôi khỏi mua vé máy bay, khỏi trả mọi chi phí ăn ở, chỉ phải đóng tiền vào cửa hay coi show còn những ngày thêm vào không được bao trong tour hoặc tiết mục đặc biệt thì sẽ tính sau khi qua bên ấy. Nói chung khi bạn đi theo tour sang Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á, hầu như đi tham quan các công ty bán đồ là điều đã được lên lịch sẵn trong tour dù cho tour đó mắc tiền hay rẻ tiền. Và khi đến đây ít nhiều gì cũng mua như vậy thì số tiền vé máy bay và chi phí ăn ở để cho các bạn mua một số đồ mang về cũng không phải là quá đáng, chỉ sợ là phải ra nhiều lần hơn số đó.

Trong nhiều năm nay, các công ty thương mại của Trung Quốc kết hợp với các công ty du lịch, được sự hổ trợ của chánh phủ. Họ bày ra chiêu mời các Hoa Kiều hải ngoại về nước du lịch, nên họ làm các tour rất rẻ vừa đưa được Hoa kiều về tham quan đất nước vừa bán được các loại sản phẩm trong nước. Cho nên đôi lúc mùa nào ế, họ tặng luôn cả vé máy bay và chi phí ăn ở.


Các công ty du lịch làm việc rất nghiêm túc, một người dẫn đoàn theo mình suốt cuộc hành trình, còn tới mỗi địa phương thì có người hướng dẫn riêng. Họ mong muốn mình mua đồ và cả các công ty buôn bán này có một dàn người làm bu theo mình, năn nỉ, rồi tặng thêm này, tặng thêm nọ, bớt giá một hồi "con quỷ tham" nó cũng siêu lòng mà mua, mua nhiều quá không xách nổi thì họ sẽ cho dịch vụ gởi sang Úc hoàn toàn miễn phí và có bảo đảm.

Có một điều không ai hài lòng là họ sẽ ưu tiên cho thời gian mua đồ, nghĩa là nếu còn người muốn mua thì tất cả đều phải chờ đến người cuối cùng mua xong. Có cái tốt là họ không ép buộc mình phải mua nếu mình không thích họ chỉ yêu cầu mình mua là để giúp đỡ những công ty bảo trợ họ, khi đến những công ty tư nhân, họ nói thẳng, họ không có áp lực ở nơi này nên tùy ý mình.

Tôi có một số kinh nghiệp cá nhân khi đi du lịch Trung Quốc là như thế này:

Mua đồ:

- Nếu theo tour vào những chỗ họ đưa đến mua đồ, nếu thích đừng bao giờ là người mua trước theo giá họ đưa ra. Thấy tất cả mọi người đều im lặng không mua, họ sẽ bắt đầu tặng thêm. Lúc đó bạn có thể trả giá hay thương lượng một package như thế nào đó và gần như sẽ rẻ gần phân nửa lúc đầu. Người mua sau cùng là người có lợi nhất vì khi thương lượng họ sẽ tách riêng ra từng người, ai thương lượng được thì nhờ, họ không muốn thương lượng nhóm. Cho nên càng riêng lẻ lại càng có lợi vì người khác không biết giá mình mua và họ cũng xuống giá cho đến khi mình đồng ý.


- Nếu đi chợ mua đồ, vào siêu thị hay shopping centre thì không có việc trả giá, rất dễ biết vì họ không có chào hàng, nếu bạn kêu họ đến mà trả giá, họ sẽ trả lời không và ánh mắt họ nhìn bạn là như "loại ở quê mới lên tỉnh". Còn những cửa hàng bình thường, họ đon đả theo bạn chào hàng nếu bạn không trả giá thì chắc chắn bạn mua lầm đấy. Cứ trả giá 1/3 trở xuống, không được thì bỏ đi đừng cố trả thêm. Họ sẽ kêu bạn lại mà bán đó. Nhớ một điều: không thích, không mua, không trả giá. Trả giá rồi, nó chịu bán mà bạn không mua thì coi chừng đấy.

Liên lạc:

- Tất cả các mạng xã hội đều không hoạt động được ở Trung Quốc, Outlook có thể xem được email nhưng trả lời không được. Còn tất cả các mạng công ty tư, mạng ngân hàng của Úc đều hoạt động bình thường.

- Nếu mua sim card Trung Quốc, nó sẽ chụp hình mình, chụp passport, chụp sim.

- Khi đến Trung Quốc, bạn nên có Internet banking, bạn sẽ kiểm soát được tất cả debit hay credit card của bạn ngay sau khi bạn trả tiền bằng card và kiểm soát hàng ngày. Bạn cũng có thể rút tiền mặt từ những máy International ATM, ngay cả keycard của bạn cũng dùng được để rút tiền nhưng không mua đồ dưới dạng thẻ tín dụng.

- Mọi khách sạn và có khi ngay trên xe bus cũng có free wifi khá mạnh, bạn có thể dùng VPN để vào xem mạng xã hội nhưng theo tôi chỉ nên xem một chút thôi và đừng gởi gì cả.


- Cách tốt nhất mà tôi đã và đang dùng là cài "WeChat", với wifi miễn phí bạn có thể liên lạc với người thân mỗi ngày bằng cách nói hay dùng video call, share hình ảnh trực tiếp,...và hoàn toàn miễn phí mà mạnh nữa. Và cách dùng tiền an toàn tốt nhất là nếu bạn có một cái "wallet" của WeChat cũng rất tiện dụng.

Tóm lại, theo những tour du lịch như thế này nếu bạn cầm lòng được, đừng bị quyến rủ của các món hàng thì cũng chẳng sao. Sợ nhất là bạn không thề rời xa những món quà tặng, những món hàng được bớt giá không ngờ nhưng bạn coi chừng: "Người mua có thể mua lầm chứ người bán thì không khi nào bán lầm nhé!". Chắc chắn họ không bán đồ giả nhưng có tốt như họ nói không thì chưa biết nhé, nghe họ quảng cáo không cũng đủ mê rồi.

Chiến thuật mới của họ là khi bạn mua  ngọc trai, cẩm thạch,...họ sẽ để vào hộp trước mặt bạn và cho bạn cầm  ngay chứ không như ngày xưa đem vào trong gói lại để tránh cho bạn cảm giác bị tráo đổi ở bên trong.

Một điều dĩ nhiên ai cũng biết là nếu bạn không theo tour mà đi một mình thì rất tự do nhưng bạn phải có nhiều thời gian và sức lực. Tuổi trẻ thì được vì nó đủ sức "phượt", còn như mình thì mọi thứ có tổ chức và phục vụ sẵn thì dễ dàng hơn nhiều phải không?

Nếu bạn sắp có một cuộc hành trình như thế này: "Chúc bạn may mắn".


LKH

No comments: