Sunday, July 22, 2018

HÍT NHIỀU NÊN MAU HẾT...THỞ !


Cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng
Chuyên gia về vệ sinh dịch tể đã từ lâu liên tục báo động về tình trạng độc chất trong môi trường tăng quá nhanh trong khi biện pháp thanh lọc môi trường còn tệ hơn dậm chân tại chỗ. Đó là lý do khiến hệ miễn dịch phải xoay trở không ngừng để tìm cách ứng phó. Càng làm nhiều càng mau kiệt sức, càng dễ phạm sai lầm, nhưng muốn ngồi yên không gây thù chuốc oán cũng không được. Hậu quả là hệ thống phòng vệ của cơ thể đến lúc nào đó hoặc hoạt động một cách bất cập, hoặc phản ứng một cách thái quá. Dưới dạng nào thì kết quả cuối cùng cũng như nhau, cũng là điều kiện thuận tiện cho nhiều căn bệnh nghiêm trọng có cơ hội  thành hình, từ tiểu đường bước qua trầm uất thậm chí cho đến ung thư!
Hễ vay phải trả
Đáng tiếc là trong khi các căn bệnh thời đại rõ ràng già không bỏ nhỏ không tha thì nhiều người vẫn lơ là chuyện này trong khi hàng trăm công trình nghiên cứu trong hai thập niên gần đây đã chứng minh tác hại khó lường của một số hóa chất rất gần gũi trong cuộc sống thường ngày. Đó là:

1. Các loại phẩm màu được sản xuất để gọi là làm đẹp cuộc sống, từ chất chống rỉ sét, chất bảo vệ đồ gỗ bước qua chất đánh bóng đồ nhựa cho đến màu tươi mát trong mỹ phẩm, màu hấp dẫn trong thực phẩm, tất cả đều là lý do thường gặp khiến người tiêu dùng, khiến “khách hàng” tuy được âu yếm đặt tên là Thượng Đế, khó tránh nhức đầu, mệt mỏi, giảm khả năng tư duy… tìm hoài không ra nguyên do, vì không ngờ phía sau là bàn tay phá binh nhưng khéo giấu của tình trạng suy kiệt sức đề kháng! Điểm ngặt nghèo hơn nữa là tuy sản phẩm gia dụng, theo quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng mà xứ nào cũng có, phải có cấu trúc không gây hại cho sức khỏe con người, nhưng lời cam kết của các nhà sản xuất, tất nhiên không thể vơ đua cả nắm, rất thường khi chỉ là lời hứa không bảo đảm! Ngay cả ở các quốc gia được tiếng tiên tiến, trường hợp nhiễm độc do hóa chất trong sản phẩm gia dụng vẫn còn là chuyện thường ngày. Biết vậy nhưng làm sao đây vì đâu có cách nào sống mà không tiếp xúc với sản phẩm gia dụng! Khỏi nói thêm cũng hiểu tại sao thuốc chống dị ứng tiếp tục là món hàng đắt khách! Không lẻ thấy cháy không chữa? Ngứa hoài ai chịu cho nổi?

2. Hóa chất bảo vệ thực vật! Trong điều kiện canh tác hiện nay và để đảm bảo doanh thu nhà nông bó buộc phải dùng thuốc diệt sâu rầy vì người tiêu thụ không thể chấp nhận sản phẩm tuy an toàn nhưng thiếu chất lượng! Tuy có nhiều phương pháp sinh học để thay thế hóa chất tổng hợp nhưng lại thiếu tính kinh tế khi đưa vào áp dụng. Điểm kẹt là hóa chất bảo vệ thực vật nếu hoàn toàn không độc, như lời hứa ngọt ngào in rất nhỏ trên tờ bướm thì không thể tác dụng, vì diệt rầy cũng từa tựa như chống tham nhũng, không thể phủi nhẹ ngoài da. Điểm gay cấn hơn nữa là khuynh hướng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để ăn chắc cho nhà sản xuất, còn chắc ăn hay không cho người tiêu dùng là chuyện khác! Lời thật khó tránh mất lòng, nhưng chất độc trong nông nghiệp, dù muốn hay không, vẫn đang tiếp tục có mặt trong bầu không khí. Các nhà nghiên cứu về vệ sinh môi trường đã chứng minh là hệ thống thực bào dễ bị đánh gục dưới ảnh hưởng của thuốc diệt sâu rầy. Thử hỏi dị ứng làm sao không chiếm kèo trên khi mấy ai không ăn trái cây, rau cải, mễ cốc bao giờ?! Viết thêm chỉ sợ mang tiếng quảng cáo cho công ty sản xuất thuốc rửa rau cải. Nhưng ngay cả thuốc rửa rau cải cũng là… hóa chất!

3. Nếu không trú ngụ ở nông thôn thì phải cư trú đâu đó trong chốn thị thành. Khi đó chạy đâu cho khỏi khói xăng dầu! Đã vậy có tránh ô mồ cũng mắc ô mả! Loại được kim loại chì trong xăng tưởng đâu là biện pháp tích cực nhưng hóa chất Benzol để khử chì lại là chất… sinh ung thư! Chuyên gia ngành ung bướu đã chứng minh là tiến trình tổng hợp thực bào, thành phần đứng mũi chịu sào trong công tác phòng vệ, bị đình trệ rõ ràng dưới ảnh hưởng của Benzol. Nói cách khác, xếp hàng mua xăng là hình thức mua thuốc độc tính theo lít! Biết vậy nhưng liệu cuộc sống sáng mai sẽ hỗn loạn thế nào nếu tối nay thiếu xăng!

Muốn sống chung cũng không được
Sống đồng nghĩa với thở. Động tác hô hấp lại không thể chỉ là thở ra. Chính vì phải hít vào trong bầu không khí ô nhiễm đến độ thù nghịch với sức khỏe mà nhiều căn bệnh nghiêm trọng bất chiến tự nhiên thành. Vấn đề đã được biết từ lâu nhưng biết tìm đâu giải pháp khi đáp án nằm rất xa tầm tay của thầy thuốc? Ngày nào chưa có biện pháp rốt ráo để bảo vệ môi trường sống ngày đó chưa có câu trả lời! Chỉ có một điều chắc chắn. Muốn hay không muốn cũng phải hít vào! Nhưng nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường thì thở ra được bao lâu chỉ còn là chuyện “trời kêu ai nấy dạ”!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

No comments: