Saturday, August 11, 2018

NHỮNG MỨC ĐỘ CHÍN CỦA MÓN BÍT TẾT

Món bít tết ở Việt Nam thường chỉ có sống, tái và chín. Tuy nhiên, ở các nhà hàng mang phong cách (chuẩn) Âu Mỹ thì có 7 loại bít tết tương đương với 7 cấp độ chín như sau: sống hoàn toàn, chín 10%, chín 25%, chín 50%, chín 75%, chín 90% và chín 100%.


1. Raw (sống hoàn toàn)

Kiểu bít tết này còn được gọi là Steak Tartare, nguyên liệu chính là thịt bò sống băm nhuyễn và không qua nấu nướng. Để tăng thêm hương vị cho bít tết, thịt bò được trộn với một ít muối, tiêu, hành, hạt câu bạch hoa, lớp trên cùng là trứng gà sống.


Kiểu bít tết sống này từng được bình chọn là 25 món ngon nên ăn trên thế giới.

2. Blue Rare (Thịt chín 10%)

Thịt được cắt thành từng miếng, được nướng cho cháy xém ở mặt ngoài, phần thịt ở chính giữa vẫn còn giữ nguyên màu đỏ tươi, và lạnh như chưa hề xử lý qua nhiệt độ cao.

Muốn có được kiểu bít tết này, thịt phải được nướng mỗi mặt khoảng 1 phút, nhiệt độ của trung tâm miếng thịt dao động từ 10 đến 29 độ C.


3. Rare (Thịt chín 25%)

Thịt được nướng sơ qua trên vỉ sao cho mặt ngoài cháy xém, phần thịt gần bề mặt có chút hơn ấm và phần trung tâm còn lạnh và có màu đó tươi, mọng nước.

Để có được món bít tết ngon theo kiểu Rare, mỗi mặt thịt phải được nướng trong khoảng 2 phút, miếng thịt có độ dày tương đương với 1 ngón tay. Nhiệt độ bên trong của thịt từ 30 đến 51 độ C.


4. Medium Rare (Thịt chín 50%)

Từ kiểu Rare nếu nướng mỗi mặt lâu hơn thêm 1 phút nữa (3 phút) thì sẽ thành bít tết kiểu Medium Rare, tức là phần thịt đã chín 50% và tỉ lệ còn lại là phần thịt sống.

Lúc này lớp ngoài cùng vẫn bị cháy xém nhưng lớp bên trong đã ấm hơn, màu đỏ tươi của thịt chuyển sang màu hồng, phần thịt gần bề mặt có màu nâu mỏng.

Khi ăn bít tết, cắt miếng nào nên dùng ngay miếng đó để thịt không bị nguội.

5. Medium (Thịt chín 75%)

Nếu nướng mỗi mặt thịt trong khoảng 4 phút, món bít tết của bạn sẽ trở thành kiểu Medium, tức là chín tái. Toàn bộ phần thịt dường như đã bị mất đi màu đỏ, màu hồng dẫn chuyển sang màu nâu.

Nhiệt độ của miếng thịt lúc này là từ 63 đến 68 độ C. Bò còn ít nước nhưng không quá khô khan, vẫn có đủ độ ẩm ở chính giữa miếng thịt. Kiểu bít tết này rất phù hợp với thói quen ăn uống của người Việt, bởi miếng thịt không quá chín cũng chẳng sống.


6. Medium Well (Thịt chín 90%)

Mỗi mặt nướng khoảng 5 phút là thời gian thích hợp để cho ra món bít tết theo kiểu Medium Well. Toàn bộ miếng thịt gần như chín hoàn toàn, phần chính giữa chỉ còn một ít màu hồng và không còn nước.


7. Well Done (chín hoàn toàn)

Sau 6 phút nướng mỗi mặt thịt, bít tết sẽ trở thành kiểu Well Done tức là thịt đã chín từ trong ra ngoài. Màu hồng ở trung tâm sẽ chuyển sang màu nâu đậm, thịt khô ráo nhưng vẫn đảm bảo được độ mềm và không quá khô khan.


Minh Đức (tổng hợp)

No comments: