Thursday, September 20, 2018

TRUNG THU CHO AI?

Vốn là biểu tượng của sự đoàn tụ, sum vầy, bánh Trung thu ngày nay đã trở thành một sản phẩm tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe. Oái oăm thay, đó lại là thứ quà cáp để đổi chác lấy tình thân. Lãng quên truyền thống để rồi vướng mắc trong vòng xoáy luẩn quẩn của sự thực dụng, chiếc bánh tự nó kể một câu chuyện nhói lòng về thế giới mà chúng ta đang thuộc về nhưng dường như không thực sự nhận ra.


Sinh ra là món quà của con người dâng lên Đất Trời

Bánh Trung thu xưa kia là món quà của con người dâng lên Trời Phật, vậy nên người xưa cũng làm ra nó với tất cả sự cẩn trọng và cầu kỳ. Chiếc bánh tưởng giản dị ấy chứa đựng biết mấy công phu và tâm huyết của những người phụ nữ vừa khéo tay, khẩu vị tinh tế và hết mực cẩn thận.

Nước đường làm vỏ bánh phải được nấu trước vài tháng thậm chỉ cả năm, mới lên được màu bánh đẹp và thơm. Mỡ lợn được phơi vài nắng đến khi trong veo, ăn béo mà không ngấy, bánh dẻo được làm từ thứ gạo nếp mới trắng ngần, cốm phải là loại cốm tươi… Từ những nguyên liệu chính là những sản vật gần gũi trong tự nhiên như mứt sen, hạt bí, hạt dưa, mỡ, gừng, lá chanh, đậu xanh, sen, cốm.., người xưa khéo léo kết hợp để làm ra một chiếc bánh thơm ngọt, dậy mùi đặc trưng, hòa quyện hương vị như biểu tượng của sự no đủ, tròn đầy, viên mãn.

Người xưa cũng làm ra nó với tất cả sự cẩn trọng và cầu kỳ để dâng lên Trời Phật. Ảnh dẫn theo brandsvietnam.com

Trung thu cho ai?

Chiếc bánh ấy vốn là biểu tượng của sự đoàn viên, của tình yêu đối với quê hương đất nước, của lòng thành kính với Trời Phật. Nhưng rồi, không hiểu sao, ý nghĩa thiêng liêng ấy không còn quan trọng nữa.

Chiếc bánh nay trở thành thứ quà cáp để đổi chác lấy tình thân và thể hiện văn hóa biếu xén cho công việc. Món quà của lòng thành trở thành món hàng béo bở, cơ hội vàng để các nhà sản xuất bánh biến hóa từ một loại bánh truyền thống dân gian vốn chẳng có gì đắt đỏ trở thành những chiếc bánh cao cấp có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Giá trị tinh thần được thay thế bằng giá trị vật chất nên bánh càng đắt tiền thì càng có giá trị. Giới buôn bánh Trung thu vẫn nói, làm một mùa ăn cả năm. Truyền thống ngày nay không phải để thờ mà là để bán mất rồi, nhất là khi nó lại siêu lợi nhuận.

Giá trị tinh thần được thay thế bằng giá trị vật chất nên bánh càng đắt tiền thì càng có giá trị. Ảnh dẫn theo madamehuong.vn

Ngày này, người ta không xem trọng hương vị mà quan tâm đến giá tiền, độ sang trọng, bắt mắt của cái hộp đựng bánh. Để đáp ứng nhu cầu này, nhà sản xuất đua nhau ra đời những dòng bánh cao cấp, thay thế nguyên liệu truyền thống vốn đã trở nên lỗi thời bằng những nguyên liệu đắt đỏ thể hiện đẳng cấp như vi cá mập, yến sào, rượu, hoặc là những nguyên liệu hoàn toàn mới lạ nhưng là thứ nguyên liệu làm bánh như phô-mai, socola, trà xanh, café.….

Chỉ cần nhìn qua nguyên liệu bánh Trung thu cũng đủ biết người ta không mua bánh để cho trẻ nhỏ. Món bánh cổ truyền xưa đã trở thành món quà đắt tiền, mà lý do của sự đắt đỏ hẳn bởi mục đích đổi chác thay vì sự tri ân giản dị.

Thay thế nguyên liệu truyền thống vốn đã trở nên lỗi thời bằng những nguyên liệu hoàn toàn mới lạ nhưng là thứ nguyên liệu làm bánh như phô-mai, socola, trà xanh, café.…. Ảnh dẫn theo foody.vn

Cơ hội của nguyên liệu bánh Trung Quốc

Thị trường lớn và cơ hội kinh doanh vàng đã khiến các nhà sản xuất nhanh nhạy tìm đến nguồn hàng giá rẻ với số lượng lớn. Báo chí đã liên tiếp đưa tin về việc bắt giữ hàng tấn nhân bánh Trung thu Trung Quốc. Lại có tin về việc phát hiện bánh Trung Quốc để 10 năm không hỏng.

Cũng như bao sản phẩm khác, Việt Nam luôn được xem như một bãi rác thải lớn để nguồn sản phẩm kém chất lượng và độc hại từ Trung Quốc đổ vào. Hàng tấn bánh bị thu giữ, còn nhiều tấn nhân bánh có thể đã được đưa vào trót lọt đã yên vị trong những chiếc bánh đẹp đẽ, bắt mắt, bao bì sang trọng.

Nguồn sản phẩm kém chất lượng và độc hại từ Trung Quốc đổ vào để làm bánh trung thu. Ảnh dẫn theo ĐKN

Truyền thống… kiểu hiện đại

Ngập trong các loại bánh Trung thu hiện đại với đủ các thứ nhân lạ lùng, người Hà Nội cũng muốn tìm về với bánh Trung thu truyền thống. Thế nên các tiệm bánh Trung thu kiểu truyền thống được dịp ‘phất’ lên như diều nhờ hàng ngàn thực khách sẵn sàng dậy sớm, xếp hàng cả nửa ngày để mua được một hộp bánh Trung thu kiểu truyền thống.

Thế nhưng cái truyền thống ấy mới nửa vời và hình thức làm sao! Cứ như thể chỉ cần nói truyền thống là đã thành cố nhân vậy. Bánh tại những tiệm bánh “truyền thống” đôi khi còn xa lắm mới đúng là hương vị truyền thống. Nhiều chiếc bánh được làm thiếu vệ sinh, và còn khó có thể gọi là ngon… vậy mà người người xếp hàng chờ đợi để được mua.

Chán nản với bánh Trung thu không đảm bảo chất lượng và giá thành đắt đỏ, nhiều người đã tự làm những chiếc bánh Trung thu cho gia đình và người thân. Trào lưu bánh Trung thu handmade (tự làm) trở nên rầm rộ. Dạo một vòng qua các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh, dễ dàng thấy hóa ra việc làm bánh handmade trở thành trào lưu cũng bởi vì nó quá dễ dàng với nhân bánh được làm sẵn, đóng gói, chỉ việc mua về nhồi vào vỏ bánh nữa là xong.

Trào lưu bánh Trung thu handmade (tự làm) trở nên rầm rộ. Ảnh dẫn theo blog.beemart.vn

Nhân bánh có đủ thứ đủ loại hương vị, từ đậu xanh, sầu riêng, khoai môn, lá dứa, chanh leo, sữa dừa… Giá thành mỗi cân nhân bánh khá rẻ, khoảng 60-80 ngàn cho một cân nhân bánh các loại. Làm một tính toán nhỏ, một cân hạt sen đã khoảng 150 ngàn, mà một cân nhân bánh chỉ có mấy chục ngàn, chưa kể để sên một mẻ nhân bánh cũng phải mất đến vài giờ đồng hồ với rất nhiều dầu và đường do nhân bánh trung thu phải được nấu rất tỉ mẩn cẩn thận với nhiệt độ thấp và thời gian dài. Chừng đó đủ thấy là nhân bánh làm sẵn không thể được làm từ nguyên liệu tự nhiên mà có lẽ được thay bằng bột, phẩm màu, hương liệu vốn có đủ không thiếu hương vị gì?

Thời gian” luôn là câu trả lời cho mọi vấn đề của cuộc sống hiện đại, nhưng sống nhanh hơn, tiện hơn liệu có tốt đẹp hơn là câu hỏi rất cá nhân dành cho mỗi người. Nhưng có lẽ người ta cũng không còn thời gian để suy nghĩ về câu hỏi đó nữa.

Tràn ngập trên mặt báo là các câu chuyện về tham nhũng, chạy trường, chạy điểm, chạy việc.. Điều gì khiến cuộc sống trở thành cuộc thi maraton như thế? Và chiếc bánh được sinh ra từ thần thoại về chị Hằng, thỏ Ngọc, bỗng phải đóng vai lo lót bất đắc dĩ, để rồi người ta chỉ quan tâm đến kết quả của cuộc đổi chác mà thôi

Trung thu trong phong tục truyền thống cổ xưa vốn là lễ thưởng trăng.Từ cảm hứng về vầng trăng tròn đầy, viên mãn, người xưa đã gửi gắm tư tưởng tình cảm của mình trong biểu tượng chiếc bánh tròn trịa được gọi là bánh Nguyệt Bính hay bánh Vầng Trăng. Hình ảnh “tròn” (viên) của trăng với cảnh quây quần “đoàn viên” của con người. Nên bánh Trung thu còn được gọi là bánh đoàn, bánh đoàn viên.

Trung thu Nguyệt bính với ý nghĩa nguyên sơ là dịp gia đình sum vầy, đoàn tụ trong một đêm trăng đẹp, cùng nhau ăn bánh, uống trà. Ảnh dẫn theo pinsdaddy.com

Trung thu Nguyệt bính với ý nghĩa nguyên sơ là dịp gia đình sum vầy, đoàn tụ trong một đêm trăng đẹp, cùng nhau ăn bánh, uống trà và các thứ hoa quả thơm ngọt ngào của mùa, thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền ảo, nồng hậu của vầng trăng để thấy ấm nồng hơn bao giờ tình cảm gia đình và tình yêu với quê hương đất nước. Vẻ đẹp trong trẻo và thuần khiết của một giá trị văn hóa có lẽ nào đã dễ dàng mất đi trong dòng xoáy bất tận của sự bán mua đổi chác danh, lợi, tình..…

Lam Thư

No comments: