Wednesday, October 31, 2018

XÚC XÍCH BÍ ẨN ĐẾN TỔNG THỐNG MỸ PHẢI MÊ

Một người bạn của tôi ở Washington DC gần đây nói với tôi rằng đặc sản của thủ đô Hoa Kỳ là món 'xúc xích hun khói một nửa'.


Tôi đón nhận thông tin trên trong sự ngạc nhiên tột độ. Tôi đã sống ở Bờ Đông hơn 10 năm và chưa bao giờ nghe đến món này.

Khi đến thăm quán Ben's Chili Bowl sau lễ tuyên thệ nhậm chức hồi năm 2009, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hỏi, "xúc xích xông khói một nửa là món gì?".

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng được cho là đã hỏi câu hỏi tương tự khi đến đây.

Không ai rõ ai là người đầu tiên làm món xúc xích xông khói một nửa, và cũng không ai rõ như thế nào là xúc xích xông khói một nửa.

Món xúc xích này thường kẹp với bánh mì, với một lớp tương ớt, pho mát, mù tạt hoặc hành tây phía trên.

Món này nổi tiếng nhất là ở cửa hàng Weenie Beenie, vốn bắt đầu phục vụ xúc xích xông khói một nửa từ năm 1954, gần Arlington, Virginia, và Ben's Chili Bowl, hoạt động từ năm 1958.

Vài ngày sau cuộc nói chuyện với người bạn, tôi đã tìm đến Washington DC.

Tôi có mặt tại cửa hàng Red Apron cùng phóng viên ẩm thực Nevin Martell và Nate Anda, đầu bếp trưởng nhà hàng này.

"Xúc xích xông khói một nửa chỉ mới được các đầu bếp đưa vào menu trong thời gian gần đây," Martell nói.


Việc món xúc xích này đã trở thành đặc sản của Washington DC như thế nào và vì sao, đến nay vẫn chưa ai rõ.

"Đó là một món xúc xích bí ẩn," Anda nói.

"Thậm chí không ai biết vì sao lại có từ 'một nửa' ở đây".

Tên gọi này có thể là do xúc xích này có một nửa là thịt bò, một nửa là thịt heo, hoặc các đường gọt thường ăn sâu vào đến gần nửa phần thân?

"Vấn đề ở đây là không ai ở Ben's Chili Bowl hay Weenie Beenie tiết lộ công thức làm món này", Anda nói.

Công thức mà Red Apron sử dụng là một nửa thịt heo và một nửa thị bò, trong đó thịt chiếm 75% và mỡ chiếm 25%.

Tôi đã thử phiên bản dùng với dưa chua.

Mùi vị của món này không giống với bất cứ gì tôi từng nếm trước đây.


Món xúc xích có hương vị vô cùng đậm đà và tinh xảo. Tôi có thể cảm nhận mùi dấm táo, một chút đường và ớt bột, tất cả được Red Apron đưa vào trong quy trình chế biến.

Nó khiến tôi nhớ đến những món ăn mà bạn có thể tìm thấy ở Việt Nam, nơi hầu hết các món đặc sản có vị ngọt, chua, cay và mặn.

Và Red Apron đã tổng hợp hết tất cả những vị trên vào trong một món xúc xích.

David Farley
Theo: BBC Travel
Link tiếng Anh:

7 LỄ HỘI MA QUỶ ĐÁNG SỢ NHẤT THẾ GIỚI

Halloween là lễ hội ma quỷ nổi tiếng nhất, tuy nhiên đó chắc chắn không phải là lế hội duy nhất trên thế giới. Tại rất nhiều nơi khác, người ta tổ chức các lễ hội ma quỷ với nhiều hình thức và hoạt động đặc biệt không kém.

1. Lễ hội Halloween



Halloween (hay còn gọi là lễ hội Hóa Lộ Quỉ) là một lễ hội thường niên được tổ chức vào 31/10 hằng năm, đây đồng thời là lễ hội ma quỷ lớn, nổi tiếng và phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới. Halloween là một kỳ nghỉ theo đạo thiên chúa để tôn vinh các vị thánh, các vị tử đạo và cái chết.

2. Wider Mann


Wider Mann không phải là một kì nghỉ, đây là một nghi lễ được tổ chức bởi một số tốc người thổ dân ở Châu Âu. Vào dịp này, mọi người sẽ hoá thân thành những "Wider Mann" với bề ngoài nửa người nửa động vật đầy ma quái.

3. Lễ hội người chết - Mexico


Lễ hội người chết hay lễ hội Día de Los Muertos (ngày của những người chết). Lễ hội này được tổ chức vào ngày 02/11 hàng năm tại toàn bộ các nước Châu Mỹ La tinh và nói tiếng Tây Ban Nha. Đây là lễ hội tương tự như Halloween của châu Âu.


Vào ngày này mọi người thường đeo mặt nạ có hình ma quỷ hoặc sọ người. Sô-cô-la nóng là một trong những món đồ uống không thể thiếu trong ngày lễ “quái dị” này. Đồng thời mọi người sẽ ăn những loại bánh làm từ bột mì có hình dạng giống như đầu lâu, sọ người.

4. Đêm đốt lửa (Guy Fawles Night)



Đây là lễ hội được tổ chức thường niên ở Anh để gọi lại một sự kiện lịch sử diễn ra vào năm 1605 khi một người Anh có tên là Guy Fawkes âm mưu lật đổ vua vua James I, hoàng tử xứ Wales cùng các thành viên quốc hộ, họ dự định làm nổ tòa nhà quốc hội. Tuy nhiên cuối cùng âm mưu bị bại lộ. Guy Fawkes bị bắt ngay trong ngày 4/11/1605, những người trung thành với đức vua vui mừng đốt lửa và thiêu cháy những hình nộm được gọi theo tên của "kẻ phản bội" Guy Fawkes.

5. Lễ cúng cô hồn



Đây là nghi lễ để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói, cúng Cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Ngày lễ này thường được tổ chức tại châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore. Vào ngày này, người ta thường cúng đồ ăn, đốt tiền giấy

6. Gai Jatra


Gai Jatra là một lễ hội được tổ chức bởi người Nepal để tưởng nhớ những người đã qua đời vào năm trước. Nếu gia đình nào có người chết, họ sẽ mang theo một con bò đến lễ hội.


Trong khi những lễ hội khách thường mang bầu không khí đáng sợ, thì Gai Jatra lại là lễ hội của những trò đùa, tiếng cười, những câu chuyện châm biếm. Tập tục bày bắt nguồn từ việc một nhà vua muốn tưởng niệm ngày mất của con trai này bằng cách làm cho vợ mình cười, ông ban thưởng cho những ai có thể làm cho nụ cười xuất hiện trên môi vợ mình.

7. Famadihana


Famadihana có lẽ là lễ hội ma quỷ kì lạ và đáng ám ảnh nhất thế giới. Đây là một nghi lễ được tổ chức bởi người Malagasy ở Madagasca. Người ta tin rằng người chết không thể siêu thoát nếu như thân xác của họ vẫn chưa tiêu huỷ hết, vì vậy người ta muốn đẩy nhanh quá trình này.


Những người Malagasy đã đào xác chết lên, quấn bằng vải và nhảy múa với thi thể đó.

Nguồn: Matador 
Hyo (Depplus.vn/MASK)

TƯNG BỪNG LỄ HỘI BIA OKTOBERFEST NƯỚC ĐỨC

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một lần nghe đến lễ hội bia Oktoberfest nổi tiếng của nước Đức. Với những người “mê” bia, lễ hội thường niên này là một thiên đường thực sự! Oktoberfest có vô số phiên bản ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ Munich Oktoberfest. Bạn đã sẵn sàng để hòa cùng không khí tưng bừng lễ hội bia Oktoberfest nước Đức, kéo dài từ cuối tháng 9 đến hết tuần đầu tiên của tháng 10?

OKTOBERFEST VÀ BIA


Đến với lễ hội Oktoberfest, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những loại bia đến từ các nhà máy bia danh tiếng tại thành phố Munich. Tất cả loại bia đều được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo danh tiếng cho thương hiệu bia Đức (chủ yếu sử dụng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên). Bia tại lễ hội tương đối khác biệt so với những loại bia bình thường khác: ngọt dịu hơn và chứa ít CO2 hơn. Chúng rất dễ uống và có thể khiến bạn quên mất mình đã uống nhanh và nhiều hơn bình thường đến mức nào.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nguồn gốc của Oktoberfest không hề xuất phát từ nhu cầu thưởng thức bia. Lễ hội này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1810, nhân dịp lễ cưới của Hoàng thái tử Ludwig, kéo dài suốt 5 ngày và dành cho các cư dân sinh sống ở Munich. Lễ hội khép lại với một cuộc đua ngựa lớn. Từ đó về sau, Oktoberfest trở thành một sự kiện truyền thống hàng năm với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các quầy bia.

THIÊN ĐƯỜNG BIA DƯỚI MÁI LỀU


Nhắc đến Oktoberfest, điều đầu tiên người ta liên tưởng đến chính là những lều bia khổng lồ. Mỗi chiếc lều bia có thể chứa đến vài nghìn người. Bạn có thể tự do ra vào các lều mà không hề tốn một khoản chi phí nào, nhưng bạn nên đến càng sớm càng tốt để vào được bên trong nếu không muốn phải chờ đợi trong tuyệt vọng. Có tổng cộng 14 lều bia để bạn lựa chọn, và dường như lều sau lại phục vụ thứ bia ngon hơn lều trước!

Hòa vào không khí tưng bừng lễ hội bia Oktoberfest ở Đức, bạn dễ dàng bắt gặp các cô gái nữ tính trong chiếc váy dirndl truyền thống, còn cánh đàn ông thì diện những chiếc quần sọc da có dây đeo. Đây không phải là quy định bắt buộc, nhưng gần như mọi người đều ăn vận như thế cho phù hợp với không khí của lễ hội. Bạn có thể hỏi thăm một số công ty cho thuê và bán phục trang, mặc dù có hơi tốn kém nếu như bạn mua chỉ để mặc vào những ngày lễ hội.

NHỮNG MẸO NHỎ ĐỂ “SỐNG SÓT” QUA LỄ HỘI


Mỗi năm Oktoberfest đón tiếp hàng ngàn người tham dự, do đó các lều bia sẽ nhanh chóng trở nên đông đúc. Nếu muốn có được một chỗ ngồi như ý trong lều và không phải chờ đợi mòn mỏi suốt hàng giờ liền, bạn cần phải đến đến thật sớm. Tuy nhiên, vào các ngày trong tuần bạn có thể đến muộn một chút, khoảng từ 10:30 đến 12 giờ trưa.

Oktoberfest diễn ra suốt cả ngày, phục vụ những ly bia cực lớn (từ 1 lít trở lên) với giá khoảng 10 EUR mỗi ly. Nếu không tiết chế tửu lượng của bản thân ngay từ đầu, bạn sẽ phải quay về và nằm bẹp trên giường vào lúc 3 giờ chiều để rồi bỏ lỡ mọi cuộc vui từ đó về sau.

Bạn sẽ không phải lo lắng khi bỏ lỡ một cuộc vui nào vì thức ăn được phục vụ ngay tại lều bia. Hơn thế nữa, các món ăn tại lễ hội đều rất thơm ngon, với giá khoảng 10-15 EUR cho một bữa ăn thông thường. Nếu có ngân sách hạn chế, bạn chỉ cần đi bộ ra bên ngoài để mua một cây xúc xích giá rẻ, và để dành tiền cho những cốc bia hảo hạng.

Hầu hết mọi quầy thanh toán tại Oktoberfest đều chỉ nhận tiền mặt, do đó bạn đừng quên mang theo số tiền vừa đủ để sử dụng. Hơn nữa, chắc hẳn bạn cũng không muốn dùng hết toàn bộ khoản tiền trong thẻ tín dụng để uống bia phải không nào?

(Ảnh: Internet)


7 LOẠI TRÁI CÂY KHÔ TỐT CHO SỨC KHỎE

Thuốc bổ không bằng ăn bổ. Chỉ cần bạn lựa chọn đúng cho dù chỉ là món ăn vặt hàng ngày cũng có thể giúp phòng và trị bệnh. Tạp chí “Daily Mail” của Anh đã tổng kết 7 loại trái cây có tác dụng chữa bệnh. Bạn có nguy cơ mắc bệnh nào, hãy chọn đúng loại quả sau đây nhé.

1. Nho khô – giảm loãng xương


Nho khô có tác dụng làm giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.

Trong nho khô có hàm lượng Boron phong phú, có tác dụng làm giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Bạn có thể ăn nho khô cùng với sữa chua – thực phẩm giàu hàm lượng canxi, để mang lại hiệu quả tốt hơn cho sức khoẻ.

2. Táo tàu – Tiêu trừ mệt mỏi


Khi mệt mỏi, chúng ta thường thích ăn đồ ngọt. Lúc này táo tàu với chỉ số hàm lượng đường thấp sẽ là 1 lựa chọn tuyệt vời. Bạn có thể kết hợp táo tàu cùng các loại quả khô khác để làm tăng cảm giác no.

3. Anh đào khô (CERISE) – giảm chứng tê thấp, gout


Trong anh đào khô chứa nhiều cyanidin, có hiệu quả trị liệu rất tốt đối với các chứng viêm khớp, tê thấp. Một nghiên cứu gần đây của Mỹ đã phát hiện, các thực phẩm có chứa anh đào có thể làm giảm 50% các triệu chứng viêm. Các chuyên gia cũng khuyến nghị mỗi ngày nên ăn anh đào khô 2 lần, mỗi lần 132g.

4. Mơ khô (ABRICOT) – Tốt cho người cao huyết áp


Mơ khô chứa hàm lượng Kali cao gấp 3 lần chuối tiêu.

Mơ khô chứa hàm lượng Kali cao gấp 3 lần chuối tiêu. Kali lại có tác dụng làm giảm huyết áp.

Cũng theo 1 nghiên cứu mới đây của Mỹ, lượng Kali nạp vào cơ thể nhiều hơn Natri sẽ có tác dụng ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, và chứng cao huyết áp.

5. Việt quất khô (CANNEBERGE) – Có lợi cho người viêm bàng quang


Theo nghiên cứu của Mỹ, mỗi ngày ăn 2 nắm việt quất khô (khoảng 42,5g), có thể làm giảm “độ bám dính” của vi khuẩn E.coli trong các mẫu nước tiểu của bệnh nhân nữ, do đó nguy cơ viêm bàng quang cũng giảm. Nguyên nhân chính giúp quả việt quất có tác dụng kì diệu này là vì nó có chứa các hoạt chất proanthocyanidis có tác dụng chống vi khuẩn lưu lại ở bàng quang.

6. Mận khô (PRUNE) – Cải thiện chứng táo bón



Mận khô chứa chất sorbose, có công hiệu thông tiện.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 6 quả mận khô (khoảng 50g), sẽ có công hiệu cải thiện chứng táo bón tốt hơn các loại thuốc. Do trong mận khô chứa chất sorbose, có công hiệu thông tiện.

7. Sung khô (FIGUE) – Tốt cho người thiếu máu


Mỗi ngày ăn 4 quả sung khô có thể cung cấp đủ 1/4 nhu cầu sắt trong ngày của cơ thể, mang lại tác dụng ngăn ngừa chứng thiếu máu. Dùng sung khô cùng với nước cam tươi chứa hàm lượng vitamin C phong phú sẽ càng có lợi cho việc hấp thụ sắt từ thực phẩm của cơ thể.

(Sưu tầm trên mạng)

Tuesday, October 30, 2018

BÍ RỢ VÀ PUMPKIN


Mùa Halloween ở Bắc Mỹ đi đâu cũng thấy bí bán đầy chợ. Thậm chí còn có các vườn bí (pumpkin patch) nơi phụ huynh hay đem con nhỏ tới để chụp hình. Người Việt gọi pumpkin là bí rợ, bí đỏ, hay bí ngô, nhưng chúng giống và khác nhau ra sao?


Ở nước ta bí rợ hay bí đỏ là cách gọi một loài bí ngô nói chung có tên khoa học là Cucurbita Moschata, họ hàng với C. Mixta, C. Maxima, C. Texana v.v. Nguồn gốc tất cả các loại này đến từ một giống bí Bắc Mỹ có tên là C. Pepo – được thổ dân cấy trồng từ 5-7 ngàn năm trước. Nó lưu lạc sang những lục địa khác bằng ngã nào không ai biết, nhưng giờ đây chỉ có Nam Cực là không trồng được Cucurbita.


Bí đỏ dùng làm lồng đèn Jack-o-lantern cho Halloween cũng là một chi của C. Pepo, được trồng trên những cánh đồng bắp (ngô) vùng Connecticut nên được gọi là Connecticut Field Pumpkin. Sau Đệ Nhị Thế Chiến kỹ nghệ trồng trọt phát triển mạnh, chủng loại này được công nghiệp hóa thành giống bí to đùng mà ta thấy ngày nay.

Nguồn: Tre Online

MÔNG CỔ: ĐỜI DU MỤC VÀ SỮA TUẦN LỘC

Chúng tôi đã đi liên tục trong năm giờ đồng hồ, ngựa phi nước kiệu qua các trảng cỏ, chạy xuyên qua khu rừng quanh năm xanh tốt.


Vùng đất càng lúc càng trở nên trơ trọi, núi đồi đan xen trong nền trời xám chì. Trong đoạn thả đèo cuối cùng, chúng tôi xuống ngựa dắt bộ, dễ đi hơn ở triền dốc bùn lầy, khó đi này. Tôi thấy kiệt lực.

Trong thung lũng, chúng tôi thấy vài đôi chục nóc lều ‘tepee’, kiểu lều đặc trưng của vùng thảo nguyên Mông Cổ, được dựng thành hai khu. Những làn khói bốc lên báo hiệu sự hiện diện của con người.

Chúng tôi được đón tiếp bằng tiếng chó sủa ầm ĩ. Không giống như giống chó Mông Cổ điển hình, đây là những chú chó săn dòng Husk dũng mãnh.

Tôi cùng hướng dẫn viên, anh Mishig, được một phụ nữ trong tấm áo choàng truyền thống của người Mông Cổ (áo choàng kaftan) trông rất giống người cổ xưa, dẫn vào một căn lều tepee.

Với người Tsaatan, đàn tuần lộc là món tài sản quý giá

Khuôn mặt bà trông dãi dầu sương gió. Chỉ vài chiếc răng còn sót lại như dấu tích cho thấy bà từng trải qua một cuộc sống khó khăn, vất vả.

Nước reo sôi trong một cái vạc, người con gái của bà cụ pha trà sữa. Tôi chọn cắm trại cạnh lều tepee của bà cụ.

Một bé gái trông lọ lem và hiếu kỳ sà xuống bên tôi, ngước lên nhìn đầy chờ đợi khi tôi chuẩn bị món đậu và khoai tây nghiền cho mình.

Cô bé há miệng như một chú chim non. Tôi lấy thìa bón cho cô bé và thấy lòng tràn ngập tình mẫu tử.

Chúng tôi đang tới thăm Tsaatan, một cộng đồng chỉ có chừng 500 người sống ở vùng núi rừng tai-ga lầy lội, đầy thông lá nhọn ở dọc biên giới với Nga, nằm về phía bắc Hồ Khuvsgul của Mông Cổ.

Trước cửa lều của gia đình Zaya có đặt những tấm pin mặt trời

Những người chăn tuần lộc này là một bộ tộc du mục, lang thang từ đồng cỏ này sang đồng có khác cứ khoảng năm tuần một lần để tìm nguồn thức ăn cho đàn tuần lộc.

Xuất xứ từ vùng Tuva của Nga, dùng cả tiếng Nga lẫn tiếng Tuva, tiến trình tập thể hóa bắt buộc trong hàng chục năm thời Cộng sản đã khiến cho người Tsaatan mất đi hầu hết số tuần lộc của mình. Ngày nay, họ đang phải vật lộn với một cuộc sống vô cùng bấp bênh.

Mỗi gia đình hiện chỉ có khoảng 15 đến 20 con gia súc, và họ sống nhờ vào việc đánh cá, săn nai sừng tấm, đi nhặt quả dâu dại và khoai tây.

Tôi được giới thiệu cho Zaya, một người biết nói tiếng Anh trong cộng đồng. Cô vừa khéo léo nhào bột vừa trò chuyện với tôi.

“Từ tháng Giêng tới tháng Ba là thời gian thiếu đói nhất của chúng tôi. Để làm bánh cho mùa lễ hội Tsaagan Sar (Bạch Nga) trong tháng Hai, chúng tôi phải gom góp hết cả bột lại, còn để làm nhân thì phải chờ cho có ai đó săn được con nai sừng tấm," Zaya nói.

“Ở đây mọi người có ăn thịt tuần lộc không?” tôi hỏi.

Zaya vừa trò chuyện với khách, vừa cho tuần lộc ăn muối

“Rất, rất hiếm, bởi chúng tôi chỉ có ít lắm, chúng tôi cần nuôi giữ chúng để lấy sữa và để giữ cho thành đàn.”

Những ngày này, người Tsaatan không còn mặc đồ làm bằng da tuần lộc nữa, các căn lều tepee được lợp bằng bạt chống thấm nước, thế nhưng đàn tuần lộc vẫn là nguồn cung cấp hầu hết các nhu cầu sinh hoạt cho họ.

Tôi đi theo, Zaya đi trước với chiếc thùng thiếc trong tay. Cô buộc hai chân trước của con tuần lộc lại để nó khỏi chạy đi, rồi ngồi xuống, bắt đầu vắt sữa một cách nhanh nhẹn, khéo léo.

“Tuần lộc mỗi lần chỉ cho được khoảng 300 ml thôi. Chúng tôi vắt sữa nó hai lần một ngày.” Lượng sữa ít ỏi này sẽ được chế biến thành thứ pho-ma khô, lổn nhổn và hơi mặn.

“Việc lấy sữa như thế này đang ngày càng mai một, ngay cả ở trong cộng đồng những người nuôi tuần lộc. Đã có một số người Sami [từ Phần Lan] tới thăm, chụp hình để đem về cho cháu chắt họ xem, bởi họ không còn vắt sữa tuần lộc nữa.”

Tình cảm mà người Tsaatan dành cho các vật nuôi của mình được thể hiện rất rõ ràng; họ sẽ thấy ngay hậu quả mỗi khi có bất kỳ con tuần lộc nào bị giết.

Cứ khoảng năm tuần, người Tsaatan lại nhổ lều di chuyển tới nơi khác

“Hồi tuần trước, chúng tôi bị sói bắt mất hai con tuần lộc non,” Zaya kể.

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, một chú tuần lộc dụi dụi đầu vào khung cửa căn lều tepee. “Đó là Britney Spears; nó vào để liếm muối đấy.” Zaya nói rằng các chú tuần lộc cần liếm muối mỏ để có đủ dinh dưỡng, bởi trong cỏ hay đất mà chúng ăn hàng ngày thì không có muối.

Cô đổ một ít muối vào lòng bàn tay tôi để tôi cho các thành viên nhà Led Zeppelin, một đàn năm con tuần lộc khác của gia đình cô. Chúng rất thuần và cứ đi theo tôi vòng quanh, dụi cái mũi ấm ấm vào bàn tay và tò mò nhìn vào phía trong căn lều của tôi.

Tôi hỏi Zaya về những mớ vải lớn treo phía sau căn lều tepee của cô - liệu có phải họ cất gia vị hay thức ăn trong đó không. Cô giải thích rằng đó là mớ đồ thiêng liêng, và là một phần bên trong các nghi thức tôn giáo của các pháp sư, vốn là một phần quan trọng của đời sống người Tsaatan.

“Chúng tôi đem ra ngoài trong những ngày đẹp trời, đốt cây cối [juniper - một loại cây ở địa phương] bên dưới trong buổi lễ các sáng, và không bao giờ hướng chân mình vào vật ấy cả,” cô nói.

Cộng đồng Tsaatan này sống ở vùng rừng tai-ga lá kim, sát với biên giới Nga

Cộng đồng có pháp sư riêng, người thực hiện các nghi lễ tâm linh, đồng thời đóng vai trò thầy lang.

“Thần thánh chọn những ai được làm pháp sư, nếu được chọn mà lại từ chối thì người đó sẽ bị bệnh nặng.”

Có khách tới tham quan là chuyện gây nhức nhối cho cộng đồng ở đây.

Trong nhiều năm, các công ty của Mông Cổ và của người nước ngoài, hầu hết đặt tại Ulaanbaatar, đã đưa khách tới mà không quan tâm tới quyền lợi, cũng không đem lại ích lợi gì, cho người Tsaatan.

Năm 2006, Trung tâm Cộng đồng Tsagaan và Du khách (TCVC) được thành lập tại thị trấn gần nhất, Tsagaanuur, nhằm mục đích để người Tsaatan kiểm soát được các chuyến viếng thăm tới cộng đồng của họ.

Trong các căn lều tepee thường có các dây phơi thịt hun khói

Trong một thời gian ngắn, cách làm này có vẻ hiệu quả, nhưng Zaya nói nay mọi sự lại trở về như trước, với tình trạng hầu hết các công ty tự làm chương trình và phớt lờ người Tsaatan.

“Chúng tôi rất vui được đón khách, nếu như họ thực sự quan tâm tới việc giao tiếp với chúng tôi, muốn tìm hiểu về đời sống của chúng tôi. Chúng tôi đã đón nhiều du khách tới đây mà không đi cùng phiên dịch, họ vứt rác, rửa bát chén vào nơi chúng tôi để nước sinh hoạt và cứ chụp hình chúng tôi, khiến chúng tôi thấy mình như là đang trong vườn thú vậy,” cô nói.

“Người Tsaatan muốn các chuyến tới thăm được thực hiện ra sao?” tôi hỏi.

“Du khách phải báo cho chúng tôi biết trước, giống như bất kỳ một người khách tới chơi bình thường nào khác. Tốt nhất là nên đi cùng phiên dịch để họ có thể trò chuyện với chúng tôi. Hãy đóng góp cho cộng đồng bằng cách nghỉ lại trong các lều tepee dành cho khách, hoặc mua đồ thủ công mà chúng tôi làm ra. Và hãy tới đây bằng những chú ngựa mà chúng tôi cung cấp thông qua TCVC, điều đó rất quan trọng; chúng tôi từng phải đón những chú ngựa chưa từng thấy tuần lộc trong đời; một con ngựa đã sợ quá, đá lung tung vào bọn tuần lộc nên kết cục là nó đã bị giết hạ.”

Tác giả bài viết lên ngựa, chuẩn bị chia tay nhóm người Tsaatan

Bất chấp cuộc sống nhọc nhằn, cách sống của người Tsaatan vẫn thu hút sự chú ý của người ngoài.

Một phụ nữ người Pháp hè nào cũng tới đây để thăm những đứa con trai mà bà đã có với một người đàn ông Tsaatan, và bản thân Zaya là người Mông Cổ, lớn lên tại Colorado và đã ở với người Tsaatan sáu năm nay.

“Tại sao cô ở lại đây?” tôi hỏi.

“Vì tình yêu,” cô trả lời một cách đơn giản rồi nhìn vào căn lều tepee của hai vợ chồng cô.

Tôi hiểu cô muốn nói gì.

Bài và ảnh: Anna Kaminski
Theo: BBC Travel
Link tiếng Anh:
http://www.bbc.com/travel/story/20140606-a-precarious-life-in-mongolias-north


ZEALANDIA: LỤC ĐỊA THỨ 8

Zealandia được ví như vương quốc mất tích Atlantic. Đây được xem là lục địa thứ 8 và cũng là lục địa nhỏ nhất của Trái đất.

Những điều thú vị về lục địa thứ 8 của thế giới


Lục địa Zealandia nằm ở phía đông Australia và có diện tích khoảng 4,9 triệu km2. Zealandia chỉ có 7% diện tích nằm trên mực nước biển, trong đó 2 phần lớn nhất là New Zealand và New Caledonia. Ảnh: Azaniapost.


Balls Pyramid, tàn tích của một núi lửa hình thành 6,4 triệu năm trước, là một điểm nằm trên mực nước biển của Zealandia. Ngọn núi này thuộc công viên hải dương đảo Lord Howe, cao 551 m. Ảnh: Reddit.


Tàu thám hiểm JOIDES Resolution với đội gồm 32 nhà khoa học từ 12 quốc gia đã thực hiện chuyến đi dài 2 tháng trong năm 2017 để tìm hiểu về khu vực này. Ảnh: Kevin Kurtz.


Họ đã thu thập hàng trăm loài hóa thạch, như các loài sống ở vùng nước nông hay các loài sống trên cạn, chứng tỏ lục địa bị chôn vùi này rất khác vào thời điểm cách đây 70 triệu năm. Ảnh: Te Papa.


Các nhà khoa học đã biết đến sự tồn tại của Zealandia từ năm 1919, khi nơi này được gọi là Tổ hợp Tasmantis. Đến năm 1995, nơi này được đổi thành Zealandia. Năm 2014, các nhà địa chất gồm Nick Mortimer và Hamish Campbell đã chứng minh Zealandia đạt đủ 4 tiêu chí để được coi là một lục địa. Ảnh: Chronicle Day.


Nếu Zealandia được công nhận là lục địa, mối quan hệ trong địa chính trị của khu vực này sẽ có nhiều thay đổi. Phần chìm dưới nước của Zealandia có nhiều tài nguyên, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch và khí gas tự nhiên. Ảnh: Travel&Leisure.


Tuy nhiên, hiện tại chưa có tổ chức khoa học nào đưa ra quyết định chính thức. Việc Zealandia có được công nhận hay không tùy thuộc vào lịch sử và khả năng xuất hiện trên bản đồ thế giới cũng như trong văn hóa đại chúng. Ảnh: Inverse.
Hoàng Linh (Tổng hợp)

KHÁM PHÁ "KAMA SUTRA" CỦA THẾ GIỚI Ả RẬP

Bộ sưu tập truyện gợi tình thời thế kỷ 15, Vườn Thơm (The Perfumed Garden), thách thức các quan niệm phương Tây về tình dục và thế giới Ả-rập, theo Joobin Bekhrad.


Khi nói về văn học và niềm đam mê, người ta thường nghĩ tới một số hình ảnh cụ thể: những sắc thái của chàng Grey, cô gái mới lớn có tên là Lolita, hay có thể là quý cô quằn quại đau khổ Lady Chatterley, và những chú chim nhỏ ríu ran.
Tuy nhiên, từ rất lâu trước khi có những thứ như thế, và trước khi có Niềm hoan lạc ái ân (The Joy of Sex), cuốn sách hướng dẫn những kỹ năng giường chiếu của tác giả người Anh Alex Comfort, thì đã có Kama Sutra, cuốn sách cổ viết bằng tiếng Phạn được cho là của tác giả Vãtsyãyana, vốn được coi như sách dạy tuyệt kỹ tình dục.


Ngay cả với những ai đoan trang thẹn thùng và còn vụng dại trong ars amatoria (nghệ thuật ái ân), thì Kama Sutra vẫn là một từ rất quen thuộc; cũng nổi tiếng không kém là tập sách mỏng của Vãtsyãyana, vốn gần như được cho là đồng nghĩa với chuyện gợi tình.

Ngoài bản dịch trứ danh Kama Sutra, nhà thám hiểm đồng thời là nhà Đông phương học Sir Richard Francis Burton còn đem đến cho độc giả Anh một cuốn sách có từ Thế kỷ thứ 15, mà người ta cho rằng tác giả là Sheikh Nefzaoui vùng Tunisia.

Được viết dựa trên bản dịch tiếng Pháp của tác phẩm nguyên gốc viết trên tiếng Ả-rập, Vườn Thơm gồm một loạt các câu chuyện, mà tất cả đều liên quan (một cách rất sinh động) tới chuyện chăn gối yêu đương. Hay như cách diễn giải đầy phấn chấn của Burton, là "sự giao cấu!"


Khác với Kama Sutra, cuốn sách ít nhiều được coi là có tính giáo dục, Vườn Thơm trong lúc khai trí cho người đọc ở nhiều chủ đề khác nhau, chẳng hạn như các cách để làm cho bộ phận sinh dục nam được to hơn, và "mọi thứ ưa thích" liên quan đến tình dục, thì nó cũng đề cao tới tính giải trí.


Nhà thám hiểm người Anh đồng thời là nhà Đông phương học Sir Richard Burton là người đã đem Kama Sutra và Vườn Thơm đến cho độc giả sử dụng tiếng Anh

Các câu chuyện được dẫn dắt một cách sống động, giống như Ngàn lẻ một đêm, và người ta có thể nói rằng những mô tả rõ về các tư thế "yêu" trong đó thậm chí khiến cho cuốn sách của Vãtsyãyana trở nên xoàng xĩnh.
Trong bản thảo tiếng Pháp mà Burton tham khảo có chương 21 nói về tình dục đồng giới và chủ đề đồng dâm nam thì không có trong bản in hiện còn.

Theo một số nguồn thì Burton định đưa nó vào bản hiệu chỉnh, được đặt tên là Vườn Hương (Scented Garden); tuy nhiên ông đã qua đời trước khi làm được điều đó, và bản hoàn toàn chưa sửa đổi này - cùng với nhiều tác phẩm khác của Burton - sau đó đã bị vợ ông là Isabel đốt bỏ.

Những quan niệm sai lầm

Ngày nay, trong một thế giới Ả-rập nơi thường được phác họa như một khu vực không có tình dục và nơi mọi chủ đề liên quan tới tình dục đều bị coi là cấm kị, thì những tác phẩm như Vườn Thơm có vẻ như là điều kỳ quái, đặc biệt.


Những cuốn sách như thế - "chứa đầy những lời mô tả chi tiết đam mê đầy nhục dục - thậm chí còn được coi như sự ban phước từ nơi thiên đường, theo lời học giả Sarah Irving.

"Khác xa so với một số kiểu khiêu dâm ngầm tồn tại trong thế giới Ả-rập thời Trung Cổ," bà viết trong blog ArabLit, "những cuốn sách gợi tình đó được chấp thuận về mặt tôn giáo, những lời khuyên trong đó được coi như một phần quà tặng mà Thượng đế ban cho con người."

Nhưng với cách nhìn ngược lại thì cuốn sách bị coi là gồm lời miêu tả của những nhà Đông phương học về một sân chơi tình dục trong đó trí tưởng tượng phương Tây được đưa ra một cách bản năng, hoang dại.


Bộ truyện Nghìn lẻ một đêm gồm các câu chuyện có nguồn gốc từ Ba Tư, Ấn Độ, Ả-rập, Hy Lạp, và các nguồn khác

Trong thế giới Ả-rập siêu phân định giới tính, Flaubert khoác lác về việc ăn nằm với vũ nữ Ai Cập Kuchuk Hanem, và bộ phận sinh dục của "gã người Thổ dâm dục" (thật ra là người Algeria) đã bị cắt phăng đi rồi được những kẻ bị hắn giam cầm cất giữ cẩn thận theo cách mà cả đến Sada Abe (một kỹ nữ Nhật Bản nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20 vì đã cắt bộ phận sinh dục của người tình rồi luôn mang theo người, trong chiếc kimono) cũng sẽ tán thưởng.

Cả hai ý tưởng về thế giới Ả-rập - tiết giảm và tình dục vô độ - tất nhiên đều bị bóp méo ghê gớm, thế nhưng việc tiết giảm có lẽ nghe tức cười hơn, nhất là khi đặt trong cách mà thế giới Ả-rập nhìn nhận vấn đề tình dục qua các thời kỳ.


Vườn Thơm có thể được đặt bên cạnh các tác phẩm văn học kinh điển của Ả-rập như Ngàn lẻ một đêm (Alf Layla wa Layla), là tác phẩm mà Burton đã dịch rất tuyệt. Nội dung căn bản của nó là về chủ đề tình dục.

Tuy nhiên, Burton đặt tên bản dịch là Những đêm Ả-rập (The Arabian Nights) gây hiểu nhầm, bởi các truyện trong đó thật ra là từ cuốn sách Ba Tư có tên là Hezar Afsaneh, tức là Một ngàn câu chuyện, tập hợp từ các truyện gốc của Ba Tư, Ấn Độ, Ả-rập, và Hy Lạp, chưa kể từ cả các nguồn khác nữa.


Trong câu chuyện nổi tiếng, vị vua Ba Tư Shahryar giết chết vợ sau khi biết hoàng hậu ngoại tình. Trở nên căm thù hôn nhân, nhà vua mỗi đêm ngủ với một trinh nữ rồi sáng ra hạ lệnh đem giết chết để không người đàn bà nào còn có thể phụ tình vua.

Cuối cùng, con gái của vị tể tướng là Shahrzad (hay với độc giả phương Tây thì tên nàng là Scheherazade) trở thành trinh nữ trong đêm. Trong long sàng, người con gái Ba Tư khôn khéo, thông minh đã kể các câu chuyện hấp dẫn, đêm này qua đêm khác, khiến nhà vua không dứt ra được và rồi bị cảm hóa, cuối cùng xóa lệnh giết người mỗi sáng, và cưới nàng làm vợ.


Tuy một số truyện nổi tiếng nhất trong Ngàn lẻ một đêm đã được chuyển thể thành phim và phim hoạt hình dành cho thiếu nhi (như Aladdin, Thủy thủ Sinbad, Alibaba và 40 tên cướp thành Baghdad), nhưng bản gốc các truyện thì không hề ngây thơ. Những câu chuyện qua lời thầm thì dẫn dắt của nàng Shahrzad đầy mô tả chi tiết về những người tình quằn quại trong cơn đam mê.

Pier Paolo Pasolini có lẽ là một trong số ít những người nhận ra và trân trọng sự gợi tình trong các truyện đó. Cho tới nay, cảnh nổi tiếng nhất trong bộ phim ra năm 1974 của ông, Bông hoa trong Ngàn lẻ một đêm (The Flower of the Thousand and One Nights - được quay một phần tại Iran và Yemen) là cảnh chàng trai trẻ Ninetto Davoli khỏa thân giương mũi tên có hình dương vật nhắm vào nơi góc xương chậu của người tình.

"Rõ ràng là những nội dung mạnh mẽ, đầy đam mê nhục dục thậm chí khiêu dâm trong Đêm Ả-rập có thể song hành trong văn học Ả-rập," học giả Robert Irwin viết nằm 2010 khi bình luận về Ngàn lẻ một đêm.

Thực sự, vượt lên trên khu vườn và những đêm thâu của nàng Shahrzad, người ta có thể nhắc tới các tác phẩm khác mang đậm chất gợi tình, như các bài viết của nhà thơ, nhà văn Al-Jahiz (sống thời thế kỷ 8-9) về nam nữ, Bách khoa Toàn thư về Khoái lạc của Al-Katib hồi thế kỷ 10, hay thậm chí Assemblies of al-Hariri, bản sách có từ thời đế chế Seljuk với những đoạn viết về tình dục đồng giới.


Một hình minh họa cho cuốn Arabian Nights, được vẽ khoảng thời gian 1880

Thêm nữa, những nội dung do nhà thông thái hồi thế kỷ 13 Nasireddin Tusi viết ra về các cách kích thích và những tư thế làm tình khác nhau gần đây đã được dịch ra cho các độc giả tiếng Anh trong cuốn The Sultan's Sex Positions (tạm dịch là Những tư thế làm tình khác nhau của vua Sultan).

Tình yêu hiện đại

Sự gợi tình trong văn học Ả-rập không hề chỉ gói gọn trong thời Trung Cổ. Các thế hệ tác giả Ả-rập mới tiếp tục viết về vấn đề này.

Chẳng hạn như cuốn The Sexual Life of an Islamist in Paris (tạm dịch, Đời sống tình dục của một người Hồi giáo tại Paris, phát hành năm 2010) của Leïla Marouane kể về những rủi ro bất ngờ hài hước của một chàng thanh niên Algeria còn trinh và những lần định làm tình nhưng rồi đều bị gián đoạn. Hay các truyện Menstruation (2001) của tác giả Ammar Abdulhamid, Season of Migration to the North (1966) của Tayeb Salih, và nhiều cuốn khác.

Liệu độc giả không phải là người Ả-rập có ngạc nhiên về sự tồn tại của những đầu sách như thế không, cả sách có từ ngày xưa lẫn các tác phẩm đương đại?


Theo học giả đồng thời là nhà văn người Syria, Salwa Al Neimi, thì không hề. "Tiếng Ả-rập là thứ ngôn ngữ đậm chất tình dục," bà viết trong cuốn tiểu thuyết The Proof of the Honey (2009).

Quả thật, tương phản với sự hiểu nhầm rằng tình dục là điều cấm kỵ trong đạo Hồi và trong các xã hội Hồi giáo Ả-rập, Al Neimi, cũng giống như những người khác từng nghĩ trước bà, cho thấy rằng nó không hề, và còn được tán dương nữa là khác.


Cho dù các hiện tượng xã hội và tôn giáo có thể khiến người ta phải tuân theo những nguyên tắc nhất định trước xã hội, nhưng đằng sau những cánh cửa đóng kín ở thế giới Ả-rập (và trên những trang giấy), thì con trai vẫn là con trai, và con gái vẫn là con gái, giống như ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Joobin Bekhrad
BBC Culture
Link tiếng Anh: