Friday, November 30, 2018

ÁNH SÁNG CỦA CON CÓ THỂ TẮT

Một học trò Tông Thiên Thai, một tông phái triết lý Phật giáo, đến thiền viện của Gasan học thiền. Vài năm sau cậu ra đi, Gasan cảnh báo cậu: “Học về sự thật bằng phỏng đoán thì lợi ích cũng chỉ như lượm lặt tài liệu giảng huấn. Nhưng nhớ rằng nếu con không thiền quán thường trực, ánh sáng chân lý của con có thể tắt.


Bình:

• Gasan Jōseki (峨山 韶碩 1275–23.11.1366) là thiền sư dòng Tào Động Nhật Bản, mà ta đã nhắc đến trong bài Không xa Phật vị.

• Đây là cảnh báo về cách học triết lý lệ thuộc nặng nề vào lý luận và suy tư của Thiên Thai Tông. Trong bài Cỏ cây giác ngộ như thế nào chúng ta đã nói đến sự vô ích của các câu hỏi triết lý rắc rối của học trò Thiên Thai.

• Khác biệt giữa “suy nghĩ” và “thiền quán”: Suy nghĩ hay suy tư là “nghĩ”. Thiền quán là chỉ “nhìn” (quán), nhìn sự vật như nó là (seeing thing as it is) mà chẳng “nghĩ” gì cả. Khác biệt về tính danh này đưa đến các khác biệt sau:

1. Khác biệt đầu tiên là tĩnh lặng về cảm xúc. Chúng ta có thể suy nghĩ với đủ loại cảm xúc trong đầu, nhưng thiền quán thì tâm ta phải rất tĩnh lặng,

Ví dụ: Suy nghĩ về cách trả đũa anh chàng chó chết mới chửi mình hồi chiều, vừa suy nghĩ vừa sôi máu. Nếu ta thiền quán về anh chàng này, thì tâm ta phải rất tĩnh lặng, không hờn giận không một gơn sóng, khi ta “nhìn” (quán) anh chàng.

2. Khác biệt thứ hai là tĩnh lặng về tư tưởng. Suy nghĩ thì có câu hỏi, và chạy theo dòng lý luận để tìm câu trả lời; thiền quán thì chỉ “nhìn” thôi, rồi cái gì nó đến thì đến, nó không đến thì không đến, chẳng chạy theo cái gì, nhắm vào câu trả lời nào cả.

Ví dụ: Suy nghĩ “Có thượng đế không?” À, có cái bàn là có ông thợ mộc. Có quả là có nhân. Có vũ trụ phải có người làm ra vũ trụ,. Vậy phải có thượng đế. Có thượng đế thì phải có người sỉnh ra thượng đế. Ai vậy?…

“Thiền quán” thì chỉ “nhìn.” Muốn quán cũ trụ thì cứ nhìn các tinh tú, không gian, các thiên hà, các giới hạn (hay không giới hạn) của vũ trụ… đến các phân tử, nguyên tử li ti của vật thể… rồi chân lý nào đến với mình thì đến, không thì thôi, chẳng đeo đuổi theo ý gì trong đầu cả…


3. Khác biệt thứ ba là sự tập trung và tự do của tâm trí. Đây chỉ là hệ quả của khác biệt thứ nhất và thứ hai bên trên. Khi “suy nghĩ” ta có cả hàng trăm tư tưởng, cảm xúc, lý luận, kết luận, phán đoán chạy tới chạy lui. “Thiền quán” thì ta chẳng có gì trong đầu cả, ngoài trừ một “hình ảnh” của cái mà mình đang quán, như nó là (as it is), mà chẳng có lý luận, phán đoán, kết luận nào cả.

Vi dụ: Suy nghĩ về chuyện cãi nhau hồi chiều với người bạn thân (hay vợ, hay chồng mình), ta có thể suy nghĩ: Cô ấy nói câu này, nói như vậy là rõ ràng làm mình đau, tại sao cô ấy làm mình đau, vì cô ấy ghen tị với mình, cô ấy đang cạnh tranh ảnh hưởng với mình, bởi vậy câu nói của mình với boss bị cô ấy cố tình bẻ méo nghĩa của nó….

Nếu thiền quán về chuyện cãi nhau này thì tâm mình thật tĩnh lặng, không sóng giận, cũng chẳng suy nghĩ gì, chỉ “nhìn” hình ảnh cãi nhau hồi chiều… và thấy… khuôn mặt cô ấy thật buồn vời vợi khi nói với mình câu này… và mình đã không thấy được các nét ấy lúc đó, và mình đã vội vã thọc cho cô ấy một quả đấm ngôn ngữ kinh hồn… và cô ấy đã nhìn mình với khuôn mặt vừa kinh ngạc vừa buồn vô tận… và lặng lẽ ra ngoài… và mình đã cho là cô ấy khinh thường mình… và mình đã chửi ngóng theo một câu cuối…

Điểm quan trọng ở đây là khi suy tưởng các vấn đề trừu tượng, chúng ta thường theo một trường phái lý luận triết lý nào đó, ví dụ: triết lý hiện sinh, hay duy vật biện chứng pháp, hay Plato, hay Decartes, hay Thiên Thai Tông, hay Trung Quán Luận, hay cynicism… cho nên tư duy thường rất phiến diện, vì bị gò bó trong khung lý luận của trường phái ta đang dùng. (Chính vì vậy mà các triết gia hay cãi nhau, ông nói gà bà nói vit). Khi “quán” ta chỉ “nhìn sự vật như nó là” cho nên ta chẳng theo trường phái nào cả. Cứ nhìn thôi. Vì vậy tâm trí ta thực sự tự do và độc lập, và cái nhìn rõ ràng hơn rất nhiều.

4. Khác biệt thứ tư là kết luận. Đây là hệ quả đương nhiên của ba khác biệt trên: Suy nghĩ chấm dứt bằng một kết luận của suy tưởng lý luận, thường theo công thức của luận lý học.

Quán chấm dứt khi nào mình biết là mình đã nhìn thấy toàn thể, thông suốt hoàn toàn, điều mình nhìn, từ trong ra ngoài, ngoài vào trong, từ mọi hướng nhìn.

Ví dụ: Suy nghĩ về một tên trộm: Hắn vào nhà, lấy cái nhẫn hột xoàn bỏ túi, toàn vụ việc bị thâu vào hệ thống quan sát điện tử. Kết luận: Vậy hắn là tên trộm.


Quán về người này thì nhìn hắn, nhìn hình ảnh hắn lấy hột xoàn, nhìn thái độ đầu hàng dịu dàng của hắn khi bị bắt, nhìn khuôn mặt buồn rười rượi tuyệt vọng của hắn, dáng đi thểu não của hắn…

Trước khi “quán” thì tâm ta phải “định” (samadhi), tức là đứng yên. Nếu tâm còn nhảy choi choi thì không thể quán được. Vì vậy người ta thường phải dùng “thiền chỉ” (samatha), ví dụ tập trung vào hơi thở để định tâm trước, khi đã “định” được rồi, muốn quán (vipassana) gì thì “quán” (và trong khi quán, tâm mình vẫn “định”).

Trần Đình Hoành dịch và bình

No comments: