Friday, November 9, 2018

HOA XƯA TRÁI CŨ TÌM LẠI TRÊN ĐẤT MỸ

Chim khuyên ăn trái nhãn lồng,
Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi


Trong kho tàng ca dao của miền Nam nước Việt, một trong những câu mà tôi thích nhất là câu:

Chim khuyên ăn trái nhãn lồng,
Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi

Lý do ưa thích vì từ ngữ rất nôm na, trực diện, bầy tỏ một cách chơn chất nhưng không kém phần quyến rũ như bản tính của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, điển hình nhất là hình ảnh của bà xã của tôi. Nhưng tìm hiểu nó không dễ chút nào vì nó dẫn dắt chúng ta qua rất nhiều điều lỉnh kỉnh bất ngờ, chứ không đơn thuần dễ dàng nếu chúng ta muốn đi sâu về sự tra cứu cặn kẽ.

Cũng như phần lớn ca dao VN, câu Lục “Chim khuyên ăn trái nhãn lồng” là theo thể hứng, nghĩa là lấy một sự vật hay hiện tượng nào đó trong thiên nhiên để làm cái cớ hay một vần điệu mà bắt qua câu Bát “Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi! Tỉ như câu: “Quạ kêu nam đáo nữ phòng, Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương”. Người ta khó mà nắm bắt sự liên hệ từ nhân đến quả từ câu Lục sang câu Bát, nhưng nếu có chăng cũng là xa xôi như giải thích là con chim khuyên vì tình cờ ăn trái nhãn lồng rồi quen mùi bén vị đã tìm đến để ăn hoài, như cá thia thia nuôi chung chậu thì ưa nhau, vợ chồng ở riết với nhau “bén mùi” nhau để rồi nhung nhớ như câu thơ tương truyền của vua Tự Đức nhớ bà Bằng phi sau khi bà này khuất bóng: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi!

Phân tách cái cơ cấu luyến ái hay “ghiền nhớ” mùi hơi từ cơ thể có thể khiến ta dài dòng nhắc đến cái chất “pheromome” của mỗi sinh vật. (Tôi tạm dịch chữ này là “luyến tình hương”!). Nhưng chủ đích của tôi trong bài này không phải phân tách cái ý vị luyến ái của câu Bát, mà muốn tra cứu về gốc gác mấy chữ “chim khuyên” và “nhãn lồng” trong câu Lục mà thôi. Tôi vốn theo nghề thuốc nay vui thú điền viên nhưng lại mù tịt kiến thức về chim chóc, cỏ cây. Có thể nói tôi là một phàm nhân tục tử về điểu học và thảo mộc học nhưng rất đam mê về thi văn và lại có y thích tìm kiếm cái giây liên hệ thực tế cách vật trí tri .

Câu ca dao này phát xuất từ miền Nam nên chúng ta cần hiểu theo từ ngữ của miền Nam. “Chim khuyên” ở đây là tên của loại chim gì trong tiếng Nam?


Theo nhà văn lão thành Xuân Tước từng viết rất nhiều về chuyện thôn quê cùng người vật hoa cỏ của miền Nam thì chim khuyên là con chim nhỏ thuộc giống sáo sẻ còn có một cái tên bình dân khác là chim “chè chiệng”, chứ không phải là chim quyên hay chim đỗ quyên tức một lọai gà cuốc hay kêu vào mùa hè. Chim chè-chiệng là thứ chim đồng nhỏ con cùng hay kêu theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Hùinh-Tịnh Paulus Của – Saigon 1895. Tôi có trong tay cuốn Birds of South ViệtNam của Philip Wildash- Xuất bản Tuttle 1968, vì không có tên khoa học của chim “chè chiệng” nên không biết nó có phải nằm trong gia đình chim với Warbler hay Flycatchers.

Đến Trái Nhãn Lồng, thì vì tôi từng sống ngoài Huế tôi dứt khoát chỉ nghĩ đến loại Long Nhãn, trái mọc từ chùm đến mùa trái được người ta lấy mo cau làm lồng che bọc kẻo dơi và chim chóc ăn. Nhưng tôi còn nhớ thuở bé lang thang ngoài lùm bụi từng hái loại trái gọi là trái Mắm nêm mà ăn. Hình dáng của trái màu vàng nằm trong cái bọc tua như cái lồng đèn. Trong trái có những hột nhỏ có cơm trăng trắng. Lấy tay vò lá và trái, ngửi có mùi ngái ngái. Cái tên Mắm Nêm chỉ nghe được ở Huế. Kỷ niệm về cây mắm nêm thời thơ ấu ở Huế chỉ vỏn vẹn từng ấy thôi cọng với vị rốt rốt chua ở đầu luỡi khi ăn thử những hạt của nó.


Khi vô Nam học thuốc vào đầu thập niên 50 thì tôi mới nghe câu ca dao với chữ Nhãn Lồng và tôi khám phá là cây Nhãn Lồng trong Nam là cây Mắm Nêm ngoài Huế, và trong Nam thì Nhãn lồng còn gọi là Cây Chùm Bao, cây Lồng Đèn. Tôi lại có kỷ niệm nghe ru em những buổi trưa hè với câu ca dao này, khiến tôi về sau thỉnh thoảng tủm tỉm cười trong cuộc sống phối ngẫu với bà vợ gốc Cái Nhum miền Nam của tôi. Mãi sau này tôi tra cứu sách Cây Cỏ Việt nam của Phạm Hoàng Hộ, tôi mới biết những cây Nhãn Lồng thuộc Passifloraceaceae. Và thời đó, vì chứng tim hồi hộp và khó ngủ, tôi được bác sĩ cho uống thuốc nước gọi là Passiflorine của nhà bào chế PDĐ (dược sĩ Phạm Doãn Điền ở Huế) chế bằng rễ và lá của cây Lạc Tiên có những tên bình dân là Nhãn Lồng, Lồng Đèn, Chùm Bao.

Giòng đời trôi chảy gần 30 năm mãi đến gần đây, khi về hưu ở Austin Texas, tôi mới trồng ở vườn sau một lọai giây có hoa gọi là hoa Passion rất đẹp.


Nguồn gốc của tên gọi là Hoa Khổ Nạn là do các giáo sĩ Tây Ban Nha lần đầu tiên đến Nam Mỹ mà đặt ra vì nó tượng trưng cho Mùa Thương Khó của Chúa Giêsu trên khổ giá với chi tiết sau: tua hoa xòe ra là vương miện đầy gai hay hào quang trên đầu Chúa, 5 dây nhụy đực là 5 vết thương, 10 cánh hoa là 10 tông đồ theo Chúa (không kể Thánh Phê rô và tên Giuđa phản nghịch)

Tra cứu tên khoa học thì có tên Passiflora edulis và có trái ăn là trái Passion thường bán tại chợ Mỹ.

Tôi có cảm tưởng bối rối như chim chích lạc vô rừng với qua nhiều tên gọi cho những cây trong họ Passifloraceae hay Nhãn Lồng. Tôi bèn hỏi giáo sư Tôn Thất Trình thì được cung cấp nhiều thông tin phong phú được hệ thống hóa rành mạch như sau:

Họ thực vật Passifloraceae đã được GS Phạm hòang Hộ gọi tên là họ Nhãn lồng ở sách cây cỏ Việt Nam. Tên này thường dùng để gọi các loài Passiflora hoang dại. Còn các loài Passiflora spp. trồng ít nhiều ở vài nơi ăn trái thì:

_ khi gọi là chùm bao trứng như Passiflora edulis Sims,

_ khi thì gọi là nhãn lồng như Passiflora coerulea

a) Loại nhãn lồng lam, hoa trắng, trái khá lớn 4-6cm, nhiều hột, trồng ở Quảng Nam- Đà Nẵng,

b) Loại nhãn lồng Suber đôi khi trồng ăn trái ở vùng Sài gòn Passiflora suberosa L. , hoa không cánh hoa màu xanh, trái nhỏ 1cm,

_ khi thì là gọi là guồi tây Passiflora laurifolia L. , trái to bằng quả trứng gà , có 3 sóng dọc, thịt trắng, hột cũng to, thấy trồng ở Thảo cầm viên Sàigòn,

_ khi thì gọi là lạc tiên hay mắc mát Passiflora incarnata, hoa màu sim trắng lợt, tràng hoa màu tía trái vàng khá to 3.5 – 7cm, hột nâu đậm, nguồn gốc Phi châu, đem về trồng ở vùng Hà Nội, Đà Lạt.

_ khi thì gọi là dưa gang tây, chùm bao dưa Passiflora quadrangularis L. , gốc Nam Mỹ như các loài giống thứ P. edulis, mặt trong hoa đỏ, cánh hoa đỏ, trái to dài đến 30cm, thịt vàng, hột đen, trồng từ đồng bằng thấp đến cao độ 1000m, hay thấy ở thung lũng gần thành phố Kontum.

_ Tên mới của một giống tông chi Passiflora mới nhập từ Brasil trồng ở Lâm đồng nay đem bán ở Sài gòn có tên là chanh dây, trái Thương Khó (hay Khổ Nạn- passion fruit, rất có thể là một thứ giống của lòai P. edulis, loài phụ var. edulis .
Trái Thương Khó có hai loại là tím và vàng:


_ Loại tím tên Anh là purple pasion fruit, tên Pháp là grenadille pourpre, tên Việt là nhãn lồng tím (da trái tím, nhưng thịt màu vàng cam, ăn chua chua ngọt ngọt.

_ Loại vàng là loài phụ P. edulis var flavicarpa, da trái vàng, trái nhỏ hơn và chua hơn, trồng tốt hơn ở vùng thấp đồng bằng. Loại này còn được gọi là Chanh dây vì trái mọc ở dây.

[Về cách thức gọi tên các loài chanh thì chúng thường gọi:

_ chanh tây có da vàng và nước chua, citron theo tiếng Pháp (citron theo tiếng Mỹ bên ta gọi là bòng), lemon theo tiếng Anh,

_ Còn chanh da (vỏ) xanh thì tên Anh gọi là lime, tên Pháp là limette, tên Việt là chanh giấy, chanh ta).]

Hoa Nhãn Lồng hay Hoa Khổ Nạn (Thương Khó) tùy theo loại có nhiều sắc vẻ rực rỡ vô cùng cũng như chúng có nhiều tên gọi khác nhau bằng tiếng latinh cũng như tên Việt.


Hiện nay người ta khám phá ra gần 400 loại Nhãn Lồng, có loại mọc ngoài hoang dã, có loại được trồng trong vườn cảnh trong khi có rất nhiều loại trồng lấy trái để ăn hay lấy rễ lá làm thuốc. Nguyên thủy môi trường của các loại Nhãn Lồng là vùng đất từ phía bắc xứ Mexico cho đến vùng Brazol miền Nam, nói chung Nhãn Lồng mọc khỏe ở vùng nhiệt đới.

Sau đây là lịch trồng Nhãn Lồng bằng chậu trong nội thất:

_ Từ January đến March là mùa yên nghỉ: Để chậu nhãn lồng ở chỗ mát, hướng về phía bắc. Đừng để đất khô mà giữ cho ướt, nhưng không bón phân. Cắt dây nhãn lồng còn khoảng 8 inch để nó phục hồi lại hằng năm.

_ Tháng April là tháng tăng trưởng. Chậu cần nhiều ánh sáng, đất dùng loại compost có fertilizer

_ Từ May cho đến September: Mùa nở rộ, có thể để chậu ở ban-công. Mỗi tuần tưới một lần thì hoa lá đẹp

_ October đến December là mùa bắt đầu tàn rụng. Bớt tưới và cho phân nhưng giữ cho bầu rễ có độ ẩm mà hồi sinh năm tới.

Câu chuyện kể của tôi về hoa trái của cây Nhãn Lồng đã đưa các bạn từ một câu ca dao mộc mạc chơn chất của quê hương Việt Nam qua những hình ảnh hoa trái rực rỡ ngon lành trên đất Mỹ, kể ra như đã phiêu du theo buớc chân của đoàn người tỵ nạn lữ thứ VN đi nửa vòng trái đất.

Cây Nhãn Lồng gốc tại Mỹ Châu trên giòng thời gian đã lan tràn khắp nẻo trên địa cầu. Tôi từng hái những hoa chùm bao, nếm những trái mắm nêm hoang dại ở Huế vào tuổi ấu thơ, rồi thổn thức vẩn vơ khi nghe câu ru em tình tứ vào tuổi hoa niên với chuyện chim khuyên ăn trái nhãn lồng để rồi vào tuổi vãn niên tìm hiểu rõ thấy chân tướng và gốc gác của nó trên đất Mỹ Châu. Câu chuyện nghe chừng xa xôi, diệu vợi nhưng e phải có một cái duyên nào đó nhỉ!

Trong cuốn Kiều, vào khúc kết tái hồi có câu:

Tình nhân lại gặp tình nhân,
Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình

Thì câu chuyện của tôi có thể đặt cho một tựa đề là “Hoa xưa trái cũ nay tìm lại trên đất Mỹ Châu” và được thực hiện bằng một bụi Nhãn Lồng ở vườn sau.

Bs Lê Văn Lân

No comments: