Thursday, November 8, 2018

VENICE THÀNH PHỐ CỦA CON TIM


Vào một ngày cuối thu năm 2015, trong một hành trình dài qua nhiều nước Tây Âu, chặng cuối cùng tôi đặt chân lên Venice, thành phố bên bờ biển Adriatique, nằm về phía đông bắc nước Ý.

Một người bạn Đức, sống lâu năm ở Venice, giải thích cho tôi rằng: Venice (tiếng Ý là Veneza), bắt nguồn từ người Veneti cổ, từng ở đây vào khoảng thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên.



Theo tiếng Latin, Venice có nghĩa là tình yêu. Venice được mệnh danh là “thành phố tình yêu”, còn đức vua Byron thì gọi Venice là “thành phố thần tiên của con tim”, bởi nơi đây được biết đến với những câu chuyện tình ngọt ngào, cảm động. Thành phố này còn là “thủ đô của những câu chuyện lãng mạn”.

Tôi cùng đoàn người xuôi ngược trong nắng thu vàng trải dài trên thành phố của 118 hòn đảo lớn nhỏ, nằm trong một vịnh chạy dài trên 60 km, rộng 40 km, với trên 200 con kênh ngang dọc, được nối với nhau bởi 400 cây cầu độc đáo.

Cầu Rialto 
Trong những con kênh đan xen như mạng nhện, có con dài tới 3.800 m, ngăn đôi thành phố thành hai phần không bằng nhau, với 3 cây cầu bắc qua, nổi tiếng nhất là cầu Rialto được xây dựng từ thế kỷ 16, bằng vòm đá nguyên khối, nối liền hai hòn đảo lớn.

Cầu ở Venice là nơi hẹn hò của những đôi tình nhân, là nơi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con kênh len lỏi trong thành phố, với những con thuyền êm ả mái chèo xuôi ngược trong những đêm trăng thanh. Người ta nói không ngoa “Venice, thành phố kỳ quan trên nước”, hay “thành phố của những chiếc cầu và những con kênh”.


Ven các bờ kênh là những ngôi nhà cổ, những di tích lịch sử, những công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử văn hóa với 120 nhà thờ kiểu Phục hưng, hơn 60 tu viện, 100 tháp chuông, 40 cung điện… được xây dựng từ thế kỷ 5 đến thời kỳ Phục hưng thế kỷ 15 -16, như nhà thờ mạ vàng Cadoro, lâu đài Vedramin Calergi, nhà thờ Đức Bà Santa Maria Della Salute, do kiến trúc sư nổi tiếng Longhena (1598 - 1682) thiết kế xây dựng, kéo dài từ năm 1634 -1687, khi nhà thiết kế qua đời 5 năm, mới hoàn thành. Nhà thờ có mặt bằng bát giác, với hai tháp tròn mái vòm, trên đỉnh tháp có bầu chiếu sáng.

Quảng trường Piazza San Marco
Ở trung tâm thành phố có quảng trường Piazza San Marco, nơi có nhiều lâu đài, cung điện, nhà thờ nguy nga tráng lệ, như đại giáo đường San Marco được xây dựng từ thế kỷ 11, bằng đá cẩm thạch, điện Chấp chính (thế kỷ 13), lâu đài các Pháp quan (thế kỷ 15 - 16). Trong các lâu đài này còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của các danh họa: Pao Veronese, Giovani, Titian, Tintoretto, Giorgion…

Vương Cung Thánh Đường San Marco
Đến Venice, phương tiện đi lại độc nhất là Gondola, một loại thuyền cổ, nhỏ và dài. Đây là thành phố duy nhất ở châu Âu, trong thế kỷ 21, không lưu hành ô tô, xe cơ giới. Phương tiện giao thông của thành phố là những chiếc thuyền, những con tàu đi lại trên các kênh và các con kênh được mệnh danh là “đại lộ trên mặt nước”, đẹp nhất và xanh, sạch nhất thế giới.


Sau một ngày lượn lờ trên các kênh rạch Venice, thả hồn vào mây nước với mái chèo khua nhẹ trong sóng nước vỗ bờ lao xao, tôi nghe đâu đó ngân lên những giai điệu cổ điển của các nhạc sĩ tài danh đã từng sống ở Venice như Antonio, Vivaldi, Giovanni, Picchi…

Tôi rời Venice trong màn sương lạnh, thành phố khuất dần trong mưa bụi. Xa rồi “thành phố mặt nạ hóa trang”, “thành phố thần tiên của những con tim” đã từng làm điên đảo, thu hút cả tâm trí và cả trái tim những ai đã một lần đặt chân lên mảnh đất này, để rồi khi chia xa, luôn luôn khao khát sẽ được một lần trở lại.

Mạnh Thường


No comments: