Thursday, February 28, 2019

TRƯỜNG TƯƠNG TƯ

Trường Tương Tư (長相思) – Lương Ý Nương (梁意娘)

Nhập ngã tương tư môn, 
Tri ngã tương tư khổ.
入我相思門,
知我相思苦。


Trường tương tư hề trường tương tư, 
Trường tương tư hề vô tận cực.


Lương Ý Nương 

Đời Hậu Chu, thời Ngũ Quý (905-955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương, con gái của Lương công. Nàng có sắc đẹp lại hay chữ.Ở trọ nhà có chàng Lý Sinh, một hàn sĩ mỹ mạo tuấn tú.

Nhân một đêm Trung Thu, Ý Nương thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới.

Lương công biết được, tức giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn, từ đó sinh ra bịnh tương tư triền miên, mới làm bài khúc “Trường tương tư ” mượn giòng Tương Giang để chỉ nổi niềm thương nhớ, nguồn tâm sự cho người yêu biết.


Lại có dị bản :

Sông Tương là Tương Giang thuộc địa phận huyện Ninh Lăng tỉnh Hồ Nam , Trung Quốc. Trong văn chương và âm nhạc, sông Tương là một điển cố, xuất phát từ 2 truyện khác nhau:

1. Theo truyền thuyết dân gian Trung quốc , khi vua Thuấn mất, hai bà phi là Nga Hoàng và Nữ Anh thương tiếc không nguôi, hết vật vã thảm thiết trong cung, lại ra bờ sông Tương khóc than đêm ngày. Hai bà mất được dân chúng lập đền thờ bên bờ sông Tương gọi là Tương Phi. Nước mắt hai bà nhỏ xuống bờ trúc, làm cho trúc ở đây nổi lên những đường vân đẹp như mây sóng ẩn hiện. Người đời sau thường tìm đến bờ sông Tương mua loại trúc này về làm mành. Nước mắt của cuộc tình vắn số đã nhỏ xuống để tạo nên những đường vân tản mạc, nên mành tương là một tượng trưng cho một số phận đoạn nỗi. Trúc Tiêu Tương không những làm mành đẹp mà sáo trúc Tương giang cũng mang một âm thanh có sức truyền cảm lạ lùng.

2. Môt bài thơ tình tuyệt diệu nhan đề là Trường Tương tư do một nữ sĩ có tên là Lương Ý Nương viết. Bài thơ này nói lên tình yêu thiết tha của một đôi nam nữ, phải sống xa nhau. Chàng là nho sĩ Lý Sinh; nàng là thôn nữ Lương Ý Nương. Đôi trẻ yêu nhau tha thiết đã nặng lời hẹn ước. Sau khoa thi sẽ làm hôn lễ; nàng quay tơ dệt vải đợi chờ; đêm đêm nàng cũng chịu khó chong đèn, chịu khó rèn chút chữ nghĩa để có văn thơ với người yêu. Nhưng rồi giặc giã nổi lên khắp nước, thân trai phải xếp bút nghiên lên đường theo nghiệp đao binh. Chén rượu ngày hợp cẩn xin là chén ly bôi bên bờ sông Tương.

落花落葉落紛紛,
盡日思君不見君。
腸欲斷兮腸欲斷,
淚珠痕上更添痕。

我有一寸心,
無人共我說。
願風吹散雲,
訴與天邊月。

攜琴上高樓,
樓高月花滿。
相思未必終,
淚滴琴玄斷。

人道湘江深,
未抵相思畔。
江深終有底,
相思無邊岸。

我在湘江頭,
君在湘江尾。
相思不相見,
同飲湘江水。

夢魂飛不到,
所欠唯一死。
入我相思門,
知我相思苦。

長相思兮長相思,
長相思兮無盡極。
早知如此罫人心,
迴不當初莫相識

Phiên Âm

Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân,
Tận nhật tư quân bất kiến quân.
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn,
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.

Ngã hữu nhất thốn tâm,
Vô nhân cộng ngã thuyết.
Nguyện phong xuy tán vân,
Tố dữ thiên biên nguyệt.

Huề cầm thượng cao lâu,
Lâu cao nguyệt hoa mãn.
Tương tư vị tất chung,
Lệ trích cầm huyền đoạn.

Nhân đạo Tương giang thâm,
Vị để tương tư bạn.
Giang thâm chung hữu để,
Tương tư vô biên ngạn.

Thiếp tại Tương giang đầu,
Quân tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.

Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ.

Trường tương tư hề, trường tương tư,
Trương tương tư hề, vô tận cực.
Tảo tri như thử quải nhân tâm,
Hồi bất đương sơ mạc tương thức.

Trong bài có những câu rất lâm ly ai oán:

Nhân đạo Tương Giang thâm,
Vị để tương tư bán.
Giang thâm chung hữu để;
Tương tư vô biên ngạn.

Quân tại Tương Giang đầu,
Thiếp tại Tương Giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương Giang thủỵ

Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ! 


Dịch Nghĩa

Người ta bảo sông Tương rất sâu,
Nhưng chưa bằng nguồn tương tư
Sông sâu còn có đáy,
Tương tư không bờ bến.

Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương.
Tương tư không gặp mặt,
Cùng uống nước sông Tương.

Hồn mơ bay chẳng tới
Chỉ thiếu một điều chết.
Ta vào cửa tương tư,
Mới biết tương tư đau khổ! 


Một số bản dịch:

Hoa rơi lá rụng tơi bời
Mặt hoa xa cách tháng ngày nhớ thương
Nhớ ai bao nỗi đoạn trường
Nhớ ai suối lệ sầu thương tuôn dòng

Đầy vơi riêng một tấc lòng
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Mong cho gió thổi mây bay
Cùng trăng xin gửi muôn lời nhớ thương

Lầu cao dạo phím đàn cầm
Trăng soi hoa tỏ đầy vườn mãi khai
Tương tư chưa dứt một bài
Lệ rơi chan chứa ngưng dây đàn chùng

Tiếng rằng sâu nhất sông Tương
Làm sao sánh với niềm thương gửi người
Sông sâu có đáy người ơi
Lòng ta thương bạn trùng khơi vô bờ

Sông Tương thương nhớ ngẩn ngơ
Hai đầu sông luống mong chờ gặp nhau
Nhớ thương mà chẳng thấy đâu
Xin cùng uống nước sông sâu nhớ người

Mộng hồn bay chẳng tới nơi
Xin lìa xác để tới nơi gặp người
Tương tư ngơ ngẩn bồi hồi
Biết yêu là khổ, tình người vương mang

Nhớ thương thương nhớ mien man
Nhớ thương vô hạn muôn vàn nhớ thương
Hay đâu bể khổ tình trường
Thà xưa đừng gặp đừng thương nhớ người


Hoa hoa lá lá rụng bời bời
Không thấy chàng ngày nhớ chẳng nguôi.
Gan ruột xót xa dường muối xát
Lệ rưng chưa đọng đã tuôn ơi.

Mình ta một tấc lòng
Không ai cùng để ngỏ
Gió cuốn mấy tầng không
Với trăng ta bày tỏ.

Ôm dàn lên lầu cao
Lầu cao tràn ánh nguyệt
Chưa dứt khúc tương tư
Lệ nhỏ đàn dây đứt.

Người ta bảo Tương sâu
Chưa bằng tương tư đâu
Sông sâu còn có đáy
Tương tư lại không bờ

Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không thấy
Cùng uống nước sông Tương.

Mộng buồn bay chẳng đến
Chỉ chết mới gặp nhau
Tương tư ta khổ đau
Có tương tư mới biết.

Tương tư, tương tư, ôi tương tư!
Tương tư dằng dặc, ôi vô tận!
Sớm biết yêu thương lòng mang hận
Thà buổi ban sơ cứ hững hờ.

Nguyễn Đôn


LẨU NƯỚC LÃ

“Lẩu nước lã” không màu, không mùi, không vị làm xiêu lòng thực khách ở Bắc Kinh


Nồi lẩu chỉ là nước lã và vài hạt kỷ tử rất nhạt nhẽo nhưng quán Dong Lai Shun (Đông Lai Thuận 东来顺) ở Bắc Kinh lúc nào cũng tấp nập khách

Ẩm thực Trung Hoa vốn được biết đến với sự phong phú, đa dạng lại vô cùng độc đáo. Đặt chân đến Bắc Kinh – thủ đô hoa mĩ nhất Trung Quốc chắc chắn bạn không khỏi ngạc nhiên trước sự phong phú của ẩm thực nơi đây. Bên cạnh những món ăn Bắc Kinh được nhiều người biết đến như vịt quay, há cảo, đậu phụ thối… bạn nên thưởng thức một món ăn độc đáo không kém đó là “lẩu nước lã” , món ăn làm xiêu lòng bao thực khách của quán Dong Lai Shun


Tọa lạc ngay khu Vương Phủ Tỉnh – trung tâm Bắc Kinh, quán Dong Lai Shun luôn đông khách. Món ăn ai cũng muốn thử đó là lẩu nước lã trong veo, không màu, không mùi, không vị. Bên trong quán rộng rãi, khách ngồi bàn tròn có mâm xoay ở giữa để tiện gắp thức ăn, đồng thời cũng có phòng riêng dành cho những ai yêu cầu


Điểm nhấn của tiệm là nồi lẩu màu xanh vẽ hoa mẫu đơn bắt mắt thiết kế theo kiểu truyền thống ở giữa là lò than nóng hổi để giữ nước luôn sôi

Khác với những món lẩu thông thường nước lẩu được chế biến từ xương hầm hay lẩu Thái chua ngọt, nước lẩu ở quán Dong Lai Shun là nước lọc, không nêm gia vị gì chỉ có vài hạt kỷ tử. Hương vị của nó chủ yếu là từ các loại đồ ăn kèm như nấm, tàu hũ, rau… tiết ra. Bạn phải chờ một lúc lâu mới cảm nhận được hương vị tự nhiên


Món ăn này có nguồn gốc từ kiểu ăn halal (kiểu ăn của đạo Hồi) không dùng vị gia vị, không dùng thịt heo. Ở đây chỉ có thịt bò phổ biến nhất là thịt cừu thái mỏng. Khi cho các loại thức ăn kèm vào nồi nước đang sôi tựa như đang luộc đồ ăn nên không phải ai cũng ưa chuộng món ăn này mặc dù nó rất nổi tiếng ở Bắc Kinh


Ngoài các món ăn đi kèm như nấm, lá sách bò, các loại rau chân vịt, xà lách … tươi ngon nhà hàng này còn nổi tiếng với nhiều loại nước chấm nguyên chất. Tuy nhiên tại Dong Lai Shun muốn sử dụng nước chấm bạn phải trả 10 tệ/chén (35.000 đồng) chứ không được dùng miễn phí như các quán lẩu thông thường. Hầu hết đều là nguyên chất nên khá mặn hoặc nhạt, bạn có thể gọi nhiều thứ rồi pha với nhau cho vị vừa ăn. Ngoài ra muốn có một bữa lẩu no nên thì giá phải chi cũng khá cao

Mặc dù vậy Dong Lai Shun vẫn là một địa chỉ nổi tiếng và hút khách. Lẩu nước lã thích hợp cho những ngày đông hoặc lúc bạn đã ngán các món ăn dầu mỡ đặc trưng của ẩm thực vùng Đông Bắc Trung Quốc nhưng vẫn muốn ăn thịt


Anh Đào
Theo Báo du lịch



LOÀI BỒ CÂU ĐẶC BIỆT VỚI "TRÁI TIM RỈ MÁU"

Chúng ta có thể thấy bồ câu ở khắp mọi nơi, thường thì bồ câu đa phần có màu xám đen hoặc màu trắng tượng trưng cho hòa bình, thật ra trong họ bồ câu còn có những loài bồ câu có màu sắc đặc biệt khác mà nhiều người không biết. Ví dụ như loài bồ câu Luzon, trước ngực của loài này có phần lông màu đỏ như máu được ví là “trái tim rỉ máu” khiến người nhìn cảm thấy thương cảm.

(Ảnh: Wikipedia)

Loài bồ câu Luzon phân bố ở đảo Luzon nằm trong nhóm đảo của Philippines, do đó được gọi là bồ câu Luzon. Loài này rất nhút nhát và thích ẩn nấp, trước ngực chúng có một khối lông màu đỏ, thoạt nhìn thì trông có vẻ như là vết thương đang bị chảy máu.


Bên dưới của vết đỏ này còn có một phần lông màu đỏ nhạt kéo xuống bụng càng khiến người ta có cảm giác như máu chảy xuống phía dưới. Nếu so sánh với con mái thì phần lông đỏ của con trống hơi sáng hơi một chút. Và khi chúng gặp nhau tìm bạn đời, con trống cũng sẽ ưỡn ngực ra để lộ rõ phần lông đỏ này.

(Ảnh: Wikipedia)

Loài bồ câu Luzon có ý thức lãnh thổ cao. Chúng có đôi chân dài, đuôi ngắn, mỏ đen cùng cánh và đầu màu xanh xám nhạt; lông trên người chúng cũng có nhiều màu, có thể là màu tím, xanh lục đậm hoặc màu xanh lam đậm hơi ngả đỏ, độ sáng cũng không giống nhau.

Đa phần bồ câu Luzon ở trong rừng để tìm hạt, quả rơi hoặc côn trùng nhỏ. Chỉ khi nghỉ ngơi và ngủ thì chúng mới rời khỏi mặt đất và bay lên cành cây. Tổ của loài chim này thường được làm trên cây thấp, trong bụi cây hoặc dàn cây leo và không xa mặt đất.

(Ảnh: Amusing Planet)

Bồ câu Luzon là một loài chim nhút nhát, con người khó mà quan sát được tập tính tự nhiên của chúng. Do nạn săn bắt và chặt phá rừng của con người dẫn đến việc nhiều loài động vật mất đi nơi sinh sống, số lượng loài chim này hiện đang giảm dần.

Dưới đây là một số hình ảnh về loài chim bồ câu Luzon với “trái tim rỉ máu”:

(Ảnh: Wikipedia)(Ảnh: Amusing Planet)(Ảnh: Amusing Planet)(Ảnh: Amusing Planet)

Bạch Linh
Theo: Trithucvn
Link tham khảo:




ĐỨC PHẬT HỮU TÌNH HAY VÔ TÌNH?

Đức Phật hữu tình hay vô tình? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Hơn thế nữa, chữ “tình” trong cuộc sống thường ngày của chúng ta và chữ “tình” trong văn hóa truyền thống vốn dĩ là khác nhau. Vậy nên để trả lời câu hỏi ấy, thì cần phải bàn về chữ “tình”.


Khái niệm “tình” mà chúng ta hay bàn tới là chỉ những cảm xúc, tâm thái, hay cách hành xử tốt đẹp nơi xã hội người thường. Chính vì thế, chúng ta hay có những lời khen người tốt như: “hữu tình”, “sống tình cảm”, “chân tình”, v.v.. Người “vô tình” chính là kẻ “lòng lang dạ sói”, sống không biết nghĩ tới người khác, ích kỷ, tự tư tự lợi, v.v.. Ấy là chữ “tình” trong mắt thế nhân ngày nay.

Nhưng trong văn hóa truyền thống, chữ “tình” lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Lễ Kí có viết: “Hà vị nhân tình? Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục thất giả, phất học nhi năng” (何为人情?喜, 怒, 哀, 惧, 爱, 恶, 欲七者, 弗学而能), có nghĩa là “Cái gì gọi là tình người? Mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn, gọi là thất tình, không học cũng biết”. Đó chính là chữ “tình”.

Ái tình, cảm tình, nhiệt tình, trữ tình, si tình, giao tình, bạc tình, v.v., chữ “tình” ấy bao hàm mọi sắc thái cảm xúc tình tự của con người. Nó biểu hiện trong những khái niệm như thất tình lục dục, hỉ nộ ai lạc, v.v.. Điều đó có nghĩa là người ta vui thích cũng là tình, buồn chán cũng là tình, yêu cũng là tình, mà ghét cũng là cái tình ấy. Người ta thích làm điều tốt, thích giúp đỡ người khác cũng là tình, mà muốn làm điều xấu, làm hại người khác cũng là cái tình ấy. Chính vì thế, cái “vô tình” hay “hữu tình”mà chúng ta thường hay nói đến ngày nay, tựu chung vẫn là chữ “tình” ấy cả.

Tu Phật là gột rửa tâm mình, thoát ly khỏi cái tình, đạt đến cảnh giới “Không” – vô tình (Ảnh: Pixabay, Public Domain)
Chữ “tình” mà đạo Phật sử dụng tất nhiên cũng có ý nghĩa bao hàm mọi khía cạnh cảm xúc con con người. Đạo Phật dạy phải tu bỏ chữ “tình”. Ví như khi người ta làm một điều tốt, và nghĩ rằng mình làm việc Thiện, thì ẩn dấu đằng sau nó có thể là cái tình đối với người thân, hay sự cố chấp vào hiểu biết bản thân, hay cũng có thể là cái tâm cầu danh, hoặc giả là tâm khoe khoang hiển thị. Vô tư vô ngã thì sẽ không vướng vào cái “tình” này nhưng không có mấy ai làm được như thế. Vậy nên mới nói rằng người ta khó mà thoát khỏi cái tình ấy được.

Phật giáo thời xưa yêu cầu tăng nhân đoạn tuyệt với hết thảy duyên nợ nơi thế tục. Các tăng nhân khi xuất gia rồi thì đến cả cha mẹ, vợ chồng, con cái đều không nhận, đều phải gọi là “thí chủ”, xưng là “bần tăng”. Điều này bởi vì mục đích cuối cùng là tu bỏ cái “tình” ấy đi, giải thoát khỏi những vướng bận của con người. Tôn giáo chỉ là hình thức bề mặt của đạo Phật, vì thế chuyện cổ Phật gia xưa kia vẫn thường hay có hàm ý nhắc nhở người tu Phật rằng, xây chùa đúc tượng không bằng tu tâm. Dù có dùng bao nhiêu công sức để cúng dường, lập bao nhiêu đám cỗ, bố thí bao nhiêu tiền của thì cũng chỉ là “làm việc” chứ không phải là tu. Vứt bỏ cái “tình”, tu tâm đoạn dục, đó mới là tu hành chân chính.

Vậy thì có thể sẽ có người thắc mắc rằng, nếu nói như vậy thì phải chăng khi tu thành Phật rồi sẽ là vô tình? Có thể nói như vậy, nhưng không phải là khái niệm “vô tình” mà chúng ta hay nói ngày nay. Khi “tình” đi rồi thì cái Thiện chân chính mới có thể sinh ra. Chẳng phải đạo Phật nói về tâm từ bi hay sao? Trong tín ngưỡng truyền thống, người ta hay nói rằng Đức Phật đại từ đại bi, rằng Quan Thế Âm Bồ Tát từ bi, chính là để nói rằng khi thật sự không bị cái tình của người thường ràng buộc, thì các vị Thần Phật mới có được nội tâm trong sáng, và hoàn toàn là vô tư vô ngã. Đó chính là chữ “Không” của Phật gia hay chữ “Vô” của Đạo gia. Khi người ta không mang một cái tâm nào cả, “vô vi” mà làm việc, thì hành động ấy mới là sáng suốt nhất.

Tượng Phật tại Sri Lanka (Ảnh: Pixabay, Public Domain)
Chính vì Đức Phật thuần Thiện, luôn lấy từ bi mà đối đãi con người, nên ngày nay người ta mới nhìn nhận rằng Đức Phật “hữu tình”. Điều đó cũng không đáng trách, vì dù sao thì chữ “tình” trong người thường và chữ “tình” của đạo Phật vốn dĩ khác xa nhau. Người tu hành tự thân sẽ hiểu được hàm nghĩa chân chính của chữ “tình” và sự “từ bi” mà nỗ lực vươn đến.

Đức Phật hữu tình hay vô tình? Chính là tùy cảnh giới nội tâm của mỗi người mà nhìn nhận.

Quang Minh

Wednesday, February 27, 2019

CÂU CHUYỆN VỀ TIỀN "TIP" Ở MỸ

Người phục vụ xấu hổ khi chỉ nhận được hơn 3 đô tiền tip, 10 ngày sau gặp bất ngờ lớn

Một nhóm học sinh Mỹ đi ăn ở nhà hàng đã vô ý gây tổn thương cho một nhân viên phục vụ. Sau khi ý thức được điều này, họ lập tức cố gắng hết sức để bù đắp, mang đến cho anh sự bất ngờ và cảm động.

Người phục vụ rất xấu hổ khi chỉ nhận 3.28 đô la tiền tip, không ngờ 10 ngày sau, người ta đưa cho anh một cái phong bì, bên trong là một lá thư dài đầy chân thành.

Nhóm học sinh 13 tuổi cùng nhau đi ăn ở một nhà hàng để ăn mừng được về nhà, do chưa hiểu chuyện, họ đã không để lại tiền tip xứng đáng cho nhân viên đã phục vụ họ.

Ở Mỹ, tiền tip là một phần thu nhập của nghề phục vụ. Theo thông lệ, nếu tiền tip không tự động được tính vào hóa đơn thì khách nên trả số tiền tip khoảng 15% của tổng tiền thanh toán. Nếu nhận được trên 20% thì có nghĩa là rất vừa ý. Ngược lại, nếu không được 15% thì có nghĩa là không vừa ý với sự phục vụ của nhân viên.

Vì vậy, khi nhân viên phục vụ các em học sinh này chỉ nhận được khoản tiền tip là 3.28 đô la, anh cảm thấy vô cùng ngại ngùng.

Anh Seminole đã đăng tải một bài viết trên trang Reddit với nội dung: “Khi ra về khách cười rất vui vẻ và cho tôi khoản tiền tip ít ỏi này, không còn gì khiến tôi xấu hổ hơn nữa”.

Anh cho biết tối hôm đó để nhóm học sinh này vui vẻ ra về, anh đã làm việc rất nỗ lực.

Không ngờ 10 ngày sau, quầy phục vụ đã đưa cho anh Seminole một lá thư viết tay dài khiến suy nghĩ của anh về các em học sinh này hoàn toàn thay đổi.

Các em viết:

Thân gửi anh nhân viên phục vụ:

Khoảng một tuần trước, vào ngày 7/10, để ăn mừng về nhà, em và ba người bạn đã đến ăn ở nhà hàng. Buổi họp mặt ăn uống này rất vui, mọi thứ đều là một trải nghiệm rất mới mẻ với chúng em. Anh là nhân viên phục vụ tuyệt nhất mà chúng em được gặp. Sự thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ, bao dung của anh cũng như việc anh không xem chúng em là trẻ con, thậm chí cả việc em bị dị ứng với rất nhiều món ăn, anh đã giúp chuẩn bị mọi món ăn để em không gặp vấn đề gì khi ăn. Anh đã cho chúng em một trải nghiệm “là người lớn” tuyệt vời và vô cùng vui vẻ, em rất muốn bày tỏ sự biết ơn đến anh.

Em cũng muốn thay mặt mọi người nói lời xin lỗi với anh. Bởi vì mọi thứ đều rất mới mẻ với chúng em, những học sinh 13 tuổi chúng em không biết nên xử lý hóa đơn ra sao. Anh đã giúp chúng em rất nhiều khi chia theo đầu người và còn nhận những đồng tiền lẻ lặt nhặt ấy. Nhà hàng thu phí rất hợp lý, nhưng chúng em đã hoàn toàn quên mất (nói thật là không biết) tiền tip là gì chứ đừng nói là nên gửi bao nhiêu.

Vì vậy chúng em rút túi ra góp lại chỉ có 3.28 đô. Chúng em không ý thức được rằng số tiền này lại ít đến thế và đã để số tiền ấy lại, chúng em càng không biết cách báo đáp cho sự vất vả của anh.

Sau đó chúng em đã biết được sai lầm của mình và cảm thấy vô cùng “khủng khiếp”, chúng em biết mình phải sửa sai. Vì vậy anh sẽ nhìn thấy 18 đô trong phong bì này, đây chỉ là để cảm ơn sự phục vụ rất tuyệt vời của anh. Chúng em rất biết ơn sự giúp đỡ và kiên nhẫn của anh cũng như cảm ơn anh đã cho chúng em trải qua một buổi tối vui vẻ! Cảm ơn anh!

Bốn thiếu niên tối hôm ấy.




Lá thư đầy chân thành này đã khiến nhân viên phục vụ lấy lại được lòng tin vào bản chất thiện lương của con người cũng như cảm phục sự giáo dục từ phía gia đình các em.

Anh Seminole có viết: “Tôi đã làm nghề phục vụ nhà hàng một thời gian rất dài rồi, dù là tôi hay người khác đều chưa từng gặp việc này. Tôi không biết các bạn làm thế nào để hiểu được hoặc học được kiến thức về tiền tip, nhưng tôi thật sự cảm ơn sự cố gắng và tốt bụng của các bạn. Chúc các bạn có một chuyến về quê vui vẻ khó quên!”

Các cư dân mạng đã rất hào hứng phản hồi bài chia sẻ của anh. Có người viết rằng:

“Có những bậc phụ huynh đã dạy dỗ con rất tốt.”

“Lá thư này thật sự rất tuyệt! Tôi rất thích cách mà các em thêm cả số trang. Đến bây giờ tôi vẫn còn đang cười đây. Cảm ơn vì đã chia sẻ.”

“Đối với một người 13 tuổi thì lá thư này viết rất xuất sắc. Theo kinh nghiệm của tôi, có rất nhiều người lớn cũng không viết được hay như vậy.”


Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, rất nhiều người đều sẽ nhận ra bản thân mình trở nên qua loa đại khái, vô tâm với những gì mình làm và vô tâm với người khác, thế nhưng cũng có nhiều người muốn dùng tấm lòng để bù đắp sự vô tâm trước đây, hành động này thật sự rất ấm lòng.

“Đừng bao giờ dựa vào trang bìa để phán đoán một quyển sách hay hay dở”.

Ngọc Trúc
Theo: Trithucvn
Link tham khảo:


HÃY TRÁNH XA 5 VIỆC LÀM HẠI ĐẾN VẬN MAY

Khi tâm trạng thay đổi thì năng lượng trong cơ thể cũng sẽ thay đổi. Chỉ cần bạn suy nghĩ tích cực hơn một chút, giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực đi một chút thì bản thân sẽ lạc quan hơn, cuộc sống sẽ trở nên vui vẻ hơn.

Vì vậy, hãy tránh xa 5 việc làm hại đến vận may sau đây:


1. Đừng hở chút là kêu xui xẻo

(ảnh qua taringa.net)

Trong cuộc sống có không ít người hễ gặp phải việc không như ý thì sẽ kêu lên “xui quá”, gặp phải chút chuyện lớn nào đó thì lập tức “la làng” lên với những người khác, “than trời trách đất”. Nếu mãi như vậy, bạn sẽ thật sự bị ảnh hưởng bởi những điều xui xẻo đó.

Vốn dĩ mỗi người chúng ta đều sẽ gặp phải những sự thử thách trong cuộc sống, đương nhiên những người tốt số thì sẽ ít những việc phiền phức hơn. Khi gặp phải vấn đề gì đó, hãy lạc quan đối mặt, ví dụ như bạn bị mất 200.000 đồng, bạn thầm nghĩ “của đi thay người”, sau khi tâm trạng thay đổi thì nguồn năng lượng trong người bạn cũng sẽ chuyển đổi, bạn sẽ lạc quan lên, tươi sáng hơn, vận may cũng sẽ tìm đến bạn, còn vận xui sẽ sợ năng lượng trong người bạn và tránh xa bạn.

2. Đừng than ngắn thở dài

(ảnh: Shutterstock)

Có những người cứ tự tìm phiền sức, làm cho tâm trạng buồn bực khi không được như ý hoặc không đạt được những điều mình mong muốn trong cuộc sống. Từ đó vô tình hình thành thói quen than ngắn thở dài, hở ra một chút là lại “ôi” “ai” không ngừng cứ như tận thế đến nơi vậy.

Than thở sẽ khiến cho xui xẻo tìm đến. Hơn nữa khi mà bạn cứ than thở, ai nấy cũng sẽ thấy phiền khi nhìn bạn, người có vận khí tốt cũng sẽ tránh xa bạn.

3. Đừng để mặt mày xám xịt

(Ảnh: shutterstock.com)

Nếu bạn để cho mặt mày xám xịt như thể “vừa chui từ dưới đất lên”, lôi thôi lếch thếch, không có hình tượng cũng chẳng có sức sống, không thấy chút tích cực nào cả, thì cũng sẽ khiến cho những người khác cảm thấy cuộc sống không có gì vui vẻ. Khi một người khiến người khác cảm thấy không có sức sống thì làm sao có quý nhân phù trợ được?

4. Đừng nhăn mặt cau mày

Khi bạn cau mày thì trán sẽ bị nhăn lại khiến cho người khác cảm thấy khó chịu, như thể “ai nợ tiền không trả” vậy, trong lòng không thể nào vui vẻ được.


Hễ nhìn thấy những người hay cau mày nhăn mặt là đã khiến cho người khác cảm thấy không muốn nói chuyện, không thể nào nào bàn bạc chuyện gì được và cảm thấy không nên chọc vào những người này để tránh việc chưa kịp nói gì thì đã bị làm cho “mất mặt” rồi.

Những người hay nhăn mặt cũng không được may mắn, vận may sẽ tránh xa họ, ai nhìn thấy cũng sẽ đi thẳng một nước, không thể chủ động chào hỏi để tránh tự chuốc lấy phiền phức. 

5. Đừng rung chân

(ảnh: amanaimages)

Rung chân là biểu hiện của việc “nam tiện nữ cùng”, người xưa có câu: “rung cây lá rụng, rung người phúc bạc, nam rung chân thì nghèo, nữ rung chân thì rẻ mạt”. Dù là nam hay nữ thì rung chân cũng là thói quen không tốt.

Những người hay ngồi rung chân thường là người tùy tiện, không thận trọng. Nam thích rung chân sẽ rất khó đạt được phú quý, dù cho có tiền thì cuối cùng cũng khó mà giữ được tiền. Phụ nữ thích rung chân, suy nghĩ mông lung, dễ xảy ra vấn đề về mặt tình cảm và cũng không có ý định sống an phận thủ thường, đầu óc lúc nào cũng suy tính sâu xa.


Vậy làm cách nào để có thể tăng vận may của mình lên? Cách đơn giản nhất đó chính là “mỉm cười”, chỉ cần mỗi chúng ta có thể hòa ái mỉm cười bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu, ngay ở trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, dù là trong công việc, học tập, sinh hoạt, trong nhà hay ở ngoài, với người thân, với người lạ thì cũng đều nên mỉm cười thân thiện. Khi mỉm cười không chỉ tâm trạng nhẹ nhõm mà còn có thể xua đuổi vận xui. Một người lạc quan, hòa ái thì vận may sẽ luôn theo bạn.

Thanh Tâm

TÌM LẠI ĐƯỢC NHẪN ĐÍNH HÔN SAU 13 NĂM "LƯU LẠC" TRONG VƯỜN NHÀ

Bà Mary Grams sinh sống ở Alberta, Canada đã làm mất chiếc nhẫn đính hôn của mình trong lúc làm việc ở vườn nhà. Sau 13 năm bặt vô âm tín, đến một ngày con dâu bà bỗng dưng tìm thấy nó.

Bà Mary Grams cầm trên tay của cà rốt “đeo” chiếc nhẫn đính hôn của bà.

Tháng 9 năm 2004, bà Mary Grams đã mất chiếc nhẫn đính hôn gắn kim cương của mình trong lúc đang làm vườn. Bà đã dành nhiều ngày tìm kiếm, nhưng chiếc nhẫn vẫn không “hồi âm”.

Bà Mary kể lại ngày mà làm mất chiếc nhẫn đính hôn của mình: “Tôi đi ra vườn để làm vài việc thì thấy cỏ dại mọc um tùm, bởi vậy, tôi đã nhổ chúng và chiếc nhẫn của tôi theo đó mà tuột ra.”

Bà đã đeo nó từ năm 1951, một năm trước khi kết hôn với ông Norman. Bà nói: “Chúng tôi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thể tìm ra nó.”

Bà đã giữ bí mật về chuyện làm mất chiếc nhẫn với chồng. Thay vào đó, bà đã lẳng lặng đi mua một chiếc nhẫn khác giống hệt chiếc nhẫn đã mất với hy vọng ông Norman sẽ không phát hiện ra chiếc nhẫn đính hôn của họ đã bị mất. Bà nói với CBC Canada: “Tôi không nói với ông ấy bởi lẽ tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ nổi xung lên hoặc gì đó.”

Sau đó, bà Mary cùng gia đình quyết định chuyển đến Camrose sinh sống, nhưng gia đình họ vẫn tiếp tục trồng trọt trên khu vườn ở nông trại cũ gần Armena, nó đã gắn bó với gia tộc bà khoảng 105 năm.

Gần 13 năm sau, cách đây vài tuần, khi con dâu bà đang thu hoạch cà rốt trong vườn, cô để ý thấy có một củ cà rốt thân hình vẹo vọ như thể một tay mập ú đang bị một chiếc nhẫn thít chặt. Quan sát kỹ, cô thấy rằng hóa ra củ cà rốt đó quả thực đang đeo một chiếc nhẫn kim cương.


Củ cà rốt phát triển một cách hoàn hảo xung quanh chiếc nhẫn.

Cô Colleen Dakey, con dâu bà Mary nói với phóng viên CBC Canada: “Tôi biết nó chắc chắn là của bà nội hoặc mẹ chồng tôi, bởi không có người phụ nữ nào khác ngoài hai người họ sinh sống ở nông trại này.”

Cô nói tiếp: “Tôi đã hỏi chồng mình xem anh ấy có nhận ra chiếc nhẫn không, và câu trả lời là có. Anh ấy bảo mẹ anh đã mất chiếc nhẫn đính hôn từ nhiều năm trước trong khu vườn này và đến giờ vẫn chưa tìm thấy nó. Và hóa ra đã xuất hiện ở trên thân một củ cà rốt.”

“Bạn biết không, củ cà rốt phát triển một cách hoàn hảo xung quanh chiếc nhẫn, trông rất độc đáo. Tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì kỳ lạ như thế. Vô cùng ấn tượng!” ,cô Daley nói thêm.


Bà Mary Grams hạnh phúc vô bờ khi tìm lại được kỷ vật.

Bà Mary Grams hạnh phúc vô bờ khi tìm lại được kỷ vật đính hôn đã mất, và bà đã đeo nó lên ngón tay mình bởi bà chắc rằng nó vẫn hoàn toàn vừa vặn và đó là nơi của nó.

Bà Mary không phải là người đầu tiên may mắn tìm lại được nhẫn. Năm 2011, một tờ báo Thụy Điển đã đưa tin bà Lena Pahlsson cũng tìm lại được chiếc nhẫn mà bà đã đánh mất 16 năm trước ngay trong vườn nhà. Và điều ngạc nhiên hơn cả là chiếc nhẫn cũng vòng quanh củ cà rốt nhỏ… Qua hai câu chuyện này nhiều người nói vui rằng để tìm chiếc nhẫn bị mất, thì trồng cà rốt là một cách hiệu quả.

Theo Oddity Central
Minh Minh
Link tham khảo:



Tuesday, February 26, 2019

NHÂN CHUA CẦU QUẢ NGỌT

Thiên đình tháng giêng không ngày nào yên tĩnh, hổm rày càng huyên náo vì các sao La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch tranh giành bổng lộc do người trần cúng dâng lên.


Phật tổ Như Lai phiền lòng, gọi các tinh quân lại hỏi:

- Các ông nhốn nháo thế, không sợ làm mất tính trang nghiêm của cõi trời?

Thái Bạch Kim Tinh ngượng ngùng thanh minh:

- Thưa Đức Thế Tôn, đó là do người trần lâu nay không lo làm lành lánh dữ, nay sợ bị quả báo nên đua nhau cúng giải hạn, chứ đã lên tới trên này còn ai ham hố ba thứ lẻ tẻ ấy!

- Thiện tai! Đút lót thánh thần thì có, chứ giải hạn là giải làm sao? Nhìn quả là biết nhân, nhân nào thì quả nấy - đó là quy luật vận hành của tam thiên thế giới! Đến thời mạt pháp rồi!

- Đức Thế tôn nghĩ vậy là oan cho người trần. Ngược lại, đạo pháp chưa bao giờ được sùng tín như bây giờ! Người trần giờ mê đi chùa lắm. Họ đi đông đến mức kẹt đường kẹt xá, học sinh phải nghỉ học cho an toàn! Ba vạn người vừa đổ xô đến ngôi chùa sắp lập kỷ lục lớn nhất thế giới... Hay là Đức Thế tôn xuống đó hoằng khai chánh pháp một chuyến nữa xem sao?

- Thế thì đáng mừng... Nhưng này, người ta đến chùa để cầu gì? Có cầu quốc thái dân an không?


Thiên lý nhĩ dõng tai nghe một hồi, đáp:

- Dạ không, họ toàn cầu tài cầu lộc, cầu danh lợi cho riêng mình.

Phật tổ nghe thế phẩy tay:

- Haiza... Thế thì họ đâu cần ta mà ta phải xuống? Thần Tài đâu, dưới kia đang chờ ông kìa!

Người Già Chuyện
Theo: Người Đô Thị Online

ĐẠO LÝ TỪ CÂU CHUYỆN "MỘT CHÉN GẠO DƯỠNG ƠN, MỘT ĐẤU GẠO GÂY THÙ"

“Một chén gạo dưỡng ơn, một đấu gạo nuôi thù” kỳ thực là ý chỉ rằng nếu bạn giúp ai đó một việc dù rất nhỏ trong lúc nguy cấp, họ sẽ vô cùng cảm kích bạn. Thế nhưng nếu sau khi họ có thể tự làm được mà bạn vẫn tiếp tục giúp thì bỗng nhiên một lần nào đó bạn không giúp họ, có thể họ sẽ ghi hận với bạn.


Câu chuyện dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều này:

Trước đây, có hai người hàng xóm, một người thì gia đình khá giàu có, người kia thì gia đình lại khá nghèo.

Hai gia đình này vốn không có ân oán gì, thường ngày quan hệ của họ rất tốt. Thế nhưng, có một năm, ông trời nổi cơn thịnh nộ, giáng xuống một trận thiên tai khiến ruộng đồng thất thu, mùa màng thất bát. Gia đình nghèo nọ không có thu hoạch, lại cũng không có dự trữ, không có gì ăn, họ đành nằm chờ chết. Lúc này, nhà giàu kia đã mua rất nhiều lương thực, họ nghĩ đến tình cảnh của nhà hàng xóm, bèn mang một thưng gạo cho họ để cứu nguy.

Gia đình nghèo kia vô cùng cảm kích, cho rằng đây chính là ân nhân cứu mạng. Sau khi qua khoảng thời gian khó khăn nhất, gia đình nghèo đến bày tỏ lòng cảm ơn đối với nhà giàu.

Khi hai nhà trò chuyện, họ nói đến việc chưa có hạt giống cho năm sau, nhà giàu bèn hào phóng tặng một đấu thóc để làm hạt giống. Gia đình nghèo lại hết lời cảm ơn rồi mang đấu thóc về nhà.


Về đến nhà, anh em nhà nghèo lại nói rằng: một đấu thóc này thì làm được gì chứ, ngoài ăn ra thì vốn dĩ không đủ để năm sau trồng, nhà giàu này quá đáng thật, lắm tiền như thế thì nên cho nhiều lương thực và tiền, chứ cho có một chút thế này thật quá là tệ.

Những lời này truyền đến tai nhà giàu kia khiến họ rất tức giận, họ nghĩ rằng mình đã tặng nhiều lương thực không công như thế, chẳng những không cảm ơn mà còn đố kỵ xem mình như kẻ thù, thật đúng “chẳng phải là người”.

Thế là, vốn dĩ quan hệ của hai gia đình rất tốt, từ đó trở thành kẻ thù của nhau.

Câu chuyện “Một chén gạo dưỡng ơn, một đấu gạo nuôi thù” này có ý nghĩa rằng khi việc ‘cho đi’ trở thành một thói quen thì rồi sẽ thành trách nhiệm không thể chối bỏ được. Có câu nói rằng: Dục vọng giống như nước biển vậy, uống càng nhiều sẽ càng khát. Dục vọng, ham muốn thật ra chính là vết ngứa trong tâm hồn bạn. Đau còn có thể nhịn được, còn ngứa thù thì càng gãi sẽ càng ngứa!

Ngọc Trúc
Theo: trithucvn

DÂY XÍCH CỦA CUỘC SỐNG

Đời người chính là một hành trình vô cùng gian nan, mỗi bước đi đều bị ràng buộc bởi những sợi dây xích “danh, lợi, tình”. Nếu như không thể buông bỏ nó, thì cuộc sống sẽ không thể tìm thấy được niềm vui.


Có một tượng bằng đất rất ganh tỵ với mọi người khi họ đi ngang qua nó. Nó bèn cầu Phật:

- Làm ơn biến cho tôi thành người.

- Con có thể thành người. Tuy nhiên, trước hết con hãy theo ta để đi thử một cuộc hành trình về cuộc đời của con người. Nếu con không thể chịu đựng được đau đớn, ta sẽ biến người thành một tượng đá

Ngay sau khi Phật dứt lời, ngài ta vẫy tay một cái thì tượng đá biến thành một thanh niên. Người thanh niên đi theo Phật đến bên bờ một cái vực thẳm. Ở đó có hai cái vực đối diện nhau trên một đoạn đường dài. Cái vực bên này là "sống" và cái bên kia là "chết", hai cái nối liền bằng một cái cầu giây dài. Cái cầu này được làm bởi nhiều cái vòng bằng sắt với nhiều cỡ khác nhau.


Phật bảo: "Bây giờ, con đi đi, từ cái vực này sang cái vực kia!"

Người thanh niên bước trên những cái vòng sắt và tiến lên với toàn thân run lên. Tuy nhiên, chỉ một chút bất cẩn, anh ta rơi vào một cái vòng và bị hỏng chân. Ngực của anh ta bị dính rất chặt vào cái vòng đến nổi anh không thở được. Anh bắt đầu kêu khóc lớn:

-Cứu! Cứu!

- Con phải tự giúp mình. Trong cuộc hành trình này, người duy nhất mà có thể cứu con chính là con. Phật nói với nụ cười trên môi.

Người thanh niên vặn chéo người lại và cố hết sức bình sinh gỡ mình ra. Anh ta hỏi:

- Cái vòng sắt này loại gì vậy? Mấy cái ngạnh rất đau đớn

- Tôi là cái vòng danh và lợi - Cái vòng trả lời.


Người thanh niên tiếp tục tiến lên. Thình lình, anh ta thấy lờ mờ một phụ nữ tuyệt đẹp nở nụ cười chào anh. Anh ta mất hồn và trượt, làm cho anh bị ngã nữa. Anh khóc la trong sợ hãi kêu:

-Cứu!

Phật lại hiện ra trước mặt anh và nói:

- Trong cuộc hành trình này, người duy nhất mà giúp con chính là con

Người thanh niên hết sức mình gỡ ra khỏi cái vòng, nhưng đến lúc đó anh ta đã quá mệt và anh ta ngồi giữa hai cái vòng để nghỉ và nghĩ

- Cái vòng đau đớn bây giờ là gì vậy?

-Tôi là cái vòng mỹ nhân tai vạ. Cái vòng trả lời.

Trong cuộc hành trình đó, người thanh niên rơi vào các vòng như tham lam, ganh tỵ và thù ghét. Khi anh ta cố gỡ mình ra từ những cái vòng đau khổ này, anh ta không còn đủ can đảm để đi thêm nữa. Sau đó Phật nói với anh ta:


- Mặc dầu có rất nhiều đau khổ trong đời một người, ở đó cũng có hạnh phúc và sung sướng. Con chắc chắn là con muốn bỏ cuộc không thành người phải không?

- Có rất nhiều đau khổ trong một đời người, trong khi hạnh phúc và sung sướng chỉ là trong chốc lát. Con quyết định bỏ và trở về với cuộc sống của tượng đất - Người thanh niên trả lời không chút do dự.

Phật liền vẫy tay và người thanh niên biến thành một cái tượng. Không lâu sau, những hạt mưa lớn làm tan rã và lôi cuốn cái tượng đi xa và nó trở thành một đống bùn.

Tuệ Tâm

HỦ TÍU KIA CŨNG CÓ BA BẢY ĐƯỜNG

Hủ tíu - còn gọi hủ tiếu - là món ăn phổ biến khắp các tỉnh thành phía Nam nước ta, đến nay đã xuất hiện ở một số địa phương miền Trung lẫn miền Bắc. Trong các chương trình liên hoan văn hóa ẩm thực Việt Nam tại hải ngoại, thiên hạ luôn trân trọng giới thiệu đặc sản hủ tíu. Tuy nhiên, dẫu từng nấu và xơi hủ tíu hoặc thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, nào phải ai ai cũng hiểu rõ gốc gác cùng bao biến thể của món ăn này.

Hủ tíu Nam Vang. Ảnh: Phanxipăng
Từ đâu? Bao giờ?

Bấy lâu, không ít người cứ bảo món ăn này xuất xứ từ đất nước Chùa Tháp láng giềng vì thường nghe "hủ tíu Nam Vang". Kỳ thực, vậy mà... chẳng phải vậy!

Cái tên hủ tíu / hủ tiếu vốn bắt nguồn bởi tiếng Hoa được viết phồn thể 粿條 và giản thể 粿条. Danh từ nọ có âm Hán-Việt là quả điều, còn dân Tiều tức Triều Châu phát âm thành cổ chéo. Nghĩa là "bánh sợi". Thì đấy là sợi bánh bằng bột gạo, gần giống bánh phở(1); song hủ tíu khác cơ bản ở chỗ sợi bánh thường được sấy khô, lúc chuẩn bị ăn mới trụng nước sôi và chần mỡ hành phi cho mềm-thơm-bùi-béo.

Như thế, trên cơ sở từ nguyên, có thể thấy rằng món hủ tíu thông dụng xưa nay khắp "Nam Kỳ lục tỉnh" vốn từng được khai sinh tít tận Trung Hoa rồi du nhập vào nước ta qua biên giới tây nam sau một thời gian "quá cảnh" tại Campuchia. Và cũng tương tự phở bò (2) cực kỳ phổ biến ở Bắc Bộ, món hủ tíu ngoại lai dần được Việt hóa theo bao cung cách khác nhau để trở thành đặc sản quen thuộc "đậm đà tính dân tộc" trên dải đất cong cong hình chữ S.

Một Việt kiều ở Pháp vẫn được bạn bè quen gọi bằng biệt danh Sous Chef, vì anh từng làm bếp phó tại một khách sạn lớn giữa thủ đô Paris và từng đi đó đi đây để trao đổi nghiệp vụ "dao thớt". Sous Chef nói với tôi:

- Gặp dịp khảo sát món hủ tíu ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Hong Kong (Trung Hoa) cũng như ở Phnom Penh (Campuchia), mọi người Việt chắc đều ngạc nhiên nhận ra hủ tíu những nơi ấy khác xa hủ tíu quê nhà. Khác và không ngon bằng! Sợi bánh của họ ít dẻo thơm bằng. Nước lèo / nước súp của họ thì kém trong, kém ngọt. Còn tôm thịt cùng gia vị cũng tồn tại lắm dị biệt.

Hủ tíu Mỹ Tho. Ảnh: Phanxipăng
Chợt Sous Chef đặt câu hỏi:

- Chẳng rõ hủ tíu xuất hiện ở nước mình tự bao giờ hở anh Phanxipăng?

Trong tuyển tập Hương vị quê nhà, một ấn phẩm của nhiều cây bút viết về văn hóa ẩm thực Việt Nam do báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện năm 2000, Thuận Lý lập luận rằng thuở tràn vào châu thổ sông Cửu Long để mở cõi vào giai đoạn thế kỷ XVI - XVII, lưu dân từ Đàng Ngoài rất nhớ quê cha đất tổ, nhớ hương vị nhiều món ăn truyền thống, đặc biệt là nhớ phở. Vì thế, gặp món cổ chéo của bà con Minh Hương, khác nào "buồn ngủ gặp chiếu manh", lưu dân tiếp thụ ngay món ăn tương tự phở nhưng không nhất thiết đòi hỏi thịt bò, mà chỉ cần chế biến với nguyên vật liệu sẵn có ở vùng đất mới như heo / lợn, tôm, cá, bột gạo, v.v. Đó chính là hủ tíu.

Theo tôi, Thuận Lý suy diễn hơi bị... nghịch lý. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh: món phở mới được di dân Quảng Đông (Trung Quốc) đưa vào Bắc Việt độ trăm năm nay thôi. Vận dụng phương pháp lịch sử để "hình dung ra sự tiến hóa của phở", giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng bước khởi phát là "du nhập và Việt hóa - Hà Nội hóa" món phở vào thời điểm đầu thế kỷ XX. Nếu vậy, cớ sao vội vã kết luận "món ăn cùng tuổi với vùng đất Nam Bộ" (?) là hủ tíu lại thấp thoáng dáng dấp phở được nhỉ?

Chưa rõ dựa vào cứ liệu nào mà Trần Phước Thuận khẳng định trên báo Bạc Liêu số 52 (ra ngày 4-10-1998) rằng hủ tíu xuất hiện ở miền Nam muộn nhất cũng từ thời Mạc Cửu, tức đã hơn ba thế kỷ. Bỏ công tra cứu hàng loạt thư tịch tiếng Việt ra đời từ thời Alexandre de Rhodes đến nay, nhà dân tộc học Nguyễn Tùng đã nhận xét rằng ngay cả món hủ tíu cũng chỉ quen thuộc ở miền Nam khoảng đầu thế kỷ XX.

Tôi đích thân kiểm chứng sơ bộ bằng cách lật dăm pho từ điển xưa. Dictionarium Anamitico Latinum do Pierre Pigneaux de Béhaine soạn năm 1773, cũng như Đại Nam quấc âm tự vị của Hùynh-Tịnh Paulus Của in lần đầu năm 1895 chẳng hề có mục từ hủ tíu / hủ tiếu.

Hủ tíu bò viên Sa Đéc. Ảnh: Phanxipăng
Với điều kiện tư liệu hiện tại, chỉ có thể tạm nêu giả thiết: cùng mang nguồn gốc Trung Hoa, phở du nhập vào phía Bắc, hủ tíu du nhập vào phía Nam nước ta và cả hai món đều trải qua quá trình Việt hóa mạnh mẽ; sự du nhập ấy có khả năng triển diễn ngẫu nhiên đồng thời vào đầu thế kỷ XX. Ví xem xét sít sao, biết đâu hủ tíu du nhập vào Việt Nam sớm hơn phở cơ đấy!

Những "biến tấu" hấp dẫn

Sous Chef còn nêu ý kiến đáng chú ý:

- Nhiều nước, hủ tíu tồn tại cũng chỉ vài ba "chủng loại". Riêng Việt Nam, thật đặc sắc, hủ tíu được phát triển tới hàng chục kiểu khác nhau. Anh Phanxipăng tính xem đúng vậy không?

Về phở, giáo sư Phan Ngọc chịu khó lục lọi sách vở và thống kê 17 kiểu cả thảy. Tôi thì la cà nhà hàng, quán xá, quày, sạp, xe, gánh ở một số tỉnh thành phía Nam, ghi nhận chưa đầy đủ được 25 kiểu hủ tíu. Này nhé: hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Lái Thiêu, hủ tíu mì, hủ tíu nui, hủ tíu hoành thánh, hủ tíu xá xíu, hủ tíu thịt băm, hủ tíu sườn heo, hủ tíu lòng heo, hủ tíu cá, hủ tíu cua, hủ tíu tôm, hủ tíu gà ta, hủ tíu gà ác, hủ tíu bò kho, hủ tíu bò viên, hủ tíu bò tái, hủ tíu bò sa tế, hủ tíu nai sa tế, hủ tíu vịt quay, hủ tíu nấm, hủ tíu măng, hủ tíu chay. Nói chung, mỗi kiểu đều chia 2 dòng là khô và nước, do đó nhân đôi lên vị chi món hủ tíu đã có sơ sơ 50 kiểu. Một số kiểu còn có thể phát sinh thêm dòng xào. Tùy nơi, tùy lúc mà các kiểu được linh động tổ hợp thành "model" mới như hủ tíu mì-nui-hoành thánh, hủ tíu cá-tôm-cua, hủ tíu nấm-măng, hủ tíu thập cẩm, v.v. Ấy là tôi chưa liệt kê mấy kiểu "độc chiêu" thỉnh thoảng bắt gặp ở các tỉnh miền Tây như hủ tíu chuột, hủ tíu dơi, hủ tíu rắn, hủ tíu rùa. Thời gian qua, bên cạnh mì ăn liền, nhiều loại hủ tíu ăn liền còn xuất hiện nhan nhãn trên thị trường, âu cũng góp phần làm phong phú thêm bảng thực đơn "chuyên đề" hủ tíu.

Nói theo lý luận bếp núc Âu Mỹ, thì hủ tíu nằm trong hệ thống mỹ vị pháp (gastronomie) vô cùng phong phú vì nó mang tính cách mở, linh hoạt, phóng khoáng, dễ hội nhập và thích ứng. Như vậy, tô hủ tíu phản ánh phần nào tính cách lẫn bản sắc của người dân Nam Bộ.

A Cánh - một chủ tiệm hủ tíu người Việt gốc Hoa ở quận Gò Vấp - tiết lộ:

- Gia đình ngộ (3) ít nhất đã ba đời sống bằng nghề này. Cũng như bún bò và phở, muốn nấu hủ tíu ngon thì phải đặc biệt chú ý tới nồi nước lèo. Hủ tíu khô hay ướt gì cũng cần nước lèo, chỉ khác là hủ tíu khô phải dọn nước lèo riêng thôi. Nồi nước lèo ngọt thơm nhờ hầm xíu quách (4), củ cải, tôm khô và khô mực nướng. Ngộ còn thả thêm miếng xí pố (5) nướng thiệt thơm. Bán hủ tíu mì, các quán chuyên nghiệp thường tự sản xuất sợi mì cho đúng ý, đồng thời chế biến xíu mại (6) cùng tài páo(7) luôn. Dọn tô hủ tíu, cũng phải lưu tâm kỹ các thứ gia vị cần thiết như zìm (8), tsu(9), chương dẩu (10), càng không thể quên tăng xại (11).


Hủ tíu khô Lái Thiêu. Ảnh: Phanxipăng

Tăng xại / đông thái là cải bắc thảo thái mỏng và muối khô, một loại "phụ tùng" độc đáo thường thấy các tiệm hủ tíu đựng trong thạp gốm tráng men màu da lươn. Sau khi bỏ bánh sợi và mì sợi vào vợt kim loại nhúng xuống thùng nước sôi rồi trút vô tô, đầu bếp nhón một ít đông thái, thêm tóp mỡ, giá trụng thả vô tô nốt. Tiếp theo là đặt xá xíu, thịt băm, miếng gan heo, quả trứng cút; kế đó rắc lá hẹ (chứ không phải hành lá) xắt nhỏ, rồi múc nước lèo chan vô tô. Cuối cùng, bứt ngọn xà lách xanh muốt làm đôi, đặt trên mặt tô và dọn mời. Thực khách tùy gu (12) mà thêm dấm, ớt, tiêu, xì dầu, đoạn trộn đảo và xưởng xích(13) nóng sốt. Khi dùng, có người gọi thêm chén xíu mại, có người xơi kèm chiếc bánh quẩy / giò cháo quẩy(14).

Ấy là món hủ tíu mì quen thuộc. Thay mì bằng nui, bằng hoành thánh tức vằn thắn(15), thành hủ tíu nui hay hủ tíu hoành thánh. Tô hủ tíu sườn thì lổn nhổn mấy miếng sườn heo non nấu hồng nhự (16) với hương vị rất đặc trưng. Hủ tíu bò kho, bò viên, bò tái, bò sa tế hoặc hủ tíu gà cũng khác xa phở bò, phở gà. Hủ tíu bò sa tế nổi tiếng trên địa bàn Chợ Lớn có ba quán cùng lấy hiệu Tô Ký do ba anh em ruột làm chủ, hai quán thuộc quận 6, một quán thuộc quận 5. Riêng hủ tíu gà, ở Sài Gòn có mấy tiệm "chuyên trị" món này tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi. Nồi nước lèo dành cho hủ tíu gà phải hầm toàn xương gà với củ cải, thảo quả (17), mục quả (18) cùng gia vị, sao cho nước ngọt thanh và trong veo. Thịt gà xé đặt lùm lùm miệng tô, cùng mề, gan, tim, cật gà đã được xử lý bằng bí quyết riêng, ăn sao thấy lạ miệng và ngon đáo ngon để. Các loại hủ tíu thủy hải sản (cá, tôm, mực, cua, v.v.) thì giá cả thường đắt nhất, song chẳng phải chỗ nào cũng nấu đạt chất lượng.

Ba bảy là gì?

Tiểu Quỳnh - cô em kết nghĩa của tôi - luôn tự nhận là "chuyên gia hủ tíu". Nàng liến thoắng:

- Muốn ăn hủ tíu tôm thì ghé ngã năm Bình Hòa ở quận Bình Thạnh. Hủ tíu cá, phải lên Chợ Lớn. Hủ tíu cua, về Gò Vấp. Nhưng mấy món hủ tíu xá xíu thịt bằm và hủ tíu thủy hải sản, em cho rằng chưa đâu nấu cừ khôi bằng quán chú Xồi ở miệt Lái Thiêu (Bình Dương), anh ạ.

Hắng giọng, Tiểu Quỳnh véo von hát:

- Chưa ăn hủ tíu chú Xồi,
Cầm bằng chưa biết... mùi đời ra sao!


Chú Xồi hoặc chú Chệc chỉ là tên gọi chung quý vị tu mi nam tử Hoa kiều. Thực tế, tại nhiều thị tứ phía Nam nước ta, đa số quán tiệm hủ tíu đắt khách thường do bà con người Việt gốc Hoa đứng bếp. Phần lớn các tiệm này cũng là "mì gia" treo biển hiệu song ngữ Việt - Hoa mà thoạt trông dễ nhận biết (và cũng dễ bị giả mạo) là hiệu danh chứa hậu tốKý như Diệu Ký, Lưu Ký, Tuyền Ký, Hưng Ký, Hồng Ký, Tô Ký, Quang Ký, Oai Ký, Phánh Ký, Zìn Ký. Gia vị dùng cho hủ tíu cũng đậm đặc chất Tàu: nào đông thái, nào dấm đỏ, nào hắc xì dầu, v.v.

Hủ tíu mì Sài Gòn. Ảnh: Phanxipăng
Vậy mức độ Việt hóa món ăn này thể hiện ở điểm nào? Sous Chef phân tích nghe khá hợp lý:

- Hủ tíu là món gốc Hoa, nhưng đã Khmer hóa và nhất là Việt hóa để thích nghi thủy thổ, cơ địa. Rõ rệt nhất là tô hủ tíu Mỹ Tho. Anh biết rằng tập quán người Hoa là dùng dấm, xì dầu và hầu như chẳng bao giờ ăn rau sống. Hủ tíu Mỹ Tho thì dùng chanh, giá sống, cùng lắm loại rau mùi, và độ mặn nhạt được "chỉ đạo" bằng thứ gia vị chính cống Việt Nam: nước mắm.

Tôi đã cùng cô em Tiểu Quỳnh về thành phố Mỹ Tho ở tỉnh Tiền Giang để lai rai khảo nếm món hủ tíu lừng danh nơi dãy quán quanh khu vực cầu Quay. Ba Châu - chủ tiệm hủ tíu đắt khách trên đường Trưng Trắc - cho biết:

- Một trong những yếu tố tạo nên nét riêng của hủ tíu Mỹ Tho là bánh sợi. Sợi bánh được làm từ gạo Gò Cát dẻo thơm, loại gạo mà không phải đất nào cũng trồng được. Hiện cả tỉnh Tiền Giang có hai lò sản xuất bánh hủ tíu số zách: lò Bảy Hưng ở ngay Mỹ Tho, và lò Tám Thảo dưới Gò Công. Còn bí quyết nấu hủ tíu ngon hả? Phải phối hợp nguyên vật liệu và gia vị sao để nước lèo, thịt thà, rau củ thiệt là vừa miệng. Khoản này thuộc loại... gia truyền, khó chỉ bày chi tiết cụ thể lắm à!

Bên cạnh hủ tíu Mỹ Tho, đất phương Nam còn nổi tiếng hủ tíu Sa Đéc. Khách sành điệu ở Sài Gòn vẫn còn nhắc hủ tíu chính hiệu Sa Đéc do một ngôi sao sân khấu mở quán bán tại góc đường Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương vào năm 1973: bà Năm Sa Đéc, người bạn đời của nhà sưu tầm cổ ngoạn Vuơng Hồng Sển. Bây giờ, hai ông bà đã quy tiên, quán xưa cũng thay tên, đổi chủ. Thèm tô hủ tíu thơm mùi gạo Tân Khánh, hiện chỉ còn cách lặn lội về tỉnh Đồng Tháp, vượt sông Tiền, ghé thị xã Sa Đéc mà lùng sục.

Há lẽ ăn tô hủ tíu, chạy ba quãng đồng? Tiểu Quỳnh cười khoe răng khểnh:

- Tìm món ngon như tìm... tương tri. Đừng nói ba, mà cả bảy quãng đồng, anh em mình cũng cùng... phi, nghen!

Hủ tíu chay. Ảnh: Phanxipăng
Đặt vấn đề bếp núc vùng / cuisine réogionale, học giả J. F. Flandrin yêu cầu tiếp cận các món ăn đặc biệt ở mỗi khu vực địa lý nhằm phát hiện "mô hình cấu trúc của hệ thống thực tiễn và khẩu vị ẩm thực của một vùng có gì khác so với các vùng lân cận". Áp dụng phương pháp chọn mẫu, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra ba món phổ biến đại diện cho ba phong cách bếp núc vùng của nước ta: miền Bắc có phở Hà Nội, miền Trung có bún bò giò heo Huế, miền Nam có hủ tíu Mỹ Tho hay hủ tíu Sa Đéc hay hủ tíu Lái Thiêu. Nhìn từ góc độ nào đấy, tô hủ tíu miền Nam không chỉ là món đặc sản. Luận theo giáo sư Trần Quốc Vượng, tô hủ tíu còn là hiện vật sống động biểu hiện cả quá trình "đan xen, hỗn dung, tiếp biến, giao thoa, tương tác của văn hóa Việt Nam nói chung, của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam nói riêng".

Hủ tíu kia cũng có ba bảy đường chế biến, soạn bày, thưởng thức, phân tích và nhận định. Ba bảy đây chẳng phải "3 hay 7", cũng chẳng phải "từ 3 đến 7", mà là "37" (băm bảy) hoặc... nhiều hơn.

Bài & Ảnh: Phanxipăng
_________________

[1] Bánh phở: 粉 / phấn / fen - nghĩa gốc là bột.
[2] Phở bò: 牛肉粉 / ngưu nhục phấn / niuroufen / ngầu phảnh.
[3] Ngộ: 我 / wo / ngã: tôi.
[4] Xíu quách: 豬骨 / 猪骨 / zhugu / trư cốt: xương heo.
[5] Xí pố: 魚仔 / 鱼仔 / yuzi / ngư tư: khô cá.
[6] Xíu mại: 燒賣 / 烧卖 / shaomai / thiêu mại: thịt bằm vo viên.
[7] Tài páo: 包子 / baozi / bao tử: bánh bao.
[8] Zìm: 盐 / yan / diêm: muối.
[9] Tsu: 醋 / cu / thố: dấm.
[10] Chương dẩu: 酱油 / jiangyou / tương du: xì dầu / vị tâm / nước tương.
[11] Tăng xại: 冬菜 / dongcai / đông thái.
[12] Phiên âm danh từ goût trong tiếng Pháp, nghĩa là khẩu vị.
[13] Xưởng xích: 赏识 / shangshi / thưởng thức.
[14] Giò cháo quẩy: 油条 / youtiao / du điều.
[15] Vằn thắn: 雲吞 / wuntun / vân thôn - còn gọi 水餃 / sủi cảo / thuỷ giáo.
[16]Hồng nhự: 紅乳 / 红乳 / gonru / hồng nhũ: chao đỏ.
[17] Thảo quả: 草果 / caoguo.
[18] Mục quả: 木瓜 / mugua / mộc qua: đu đủ.


LẠ MIỆNG MÓN VẦU MĂNG CUỐN THỊT ĐẮNG NGỌT

Vị ngòn ngọt, đăng đắng cùng sự béo ngậy của thịt và mùi thơm của rau răm, sự kết hợp khéo léo hương vị của món măng vầu cuốn thịt khiến ta khó có thể cưỡng lại.

Măng Vầu cuộn thịt

Lên các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu… mà không thưởng thức món măng vầu cuốn thịt thì chắc chắn bạn vẫn chưa cảm nhận được hết hương vị ẩm thực nơi đây.

Măng vầu cuốn thịt là món ăn đặc trưng của người dân miền núi phía Bắc. Măng vầu cuốn thịt là món ăn đặc trưng của người dân miền núi phía Bắc .

Măng Vầu cuộn thịt là món đặc trưng của người dân miền núi phía Bắc

Măng vầu thuộc họ tre thân nhỏ không có gai. Mọc ở rừng hoặc trên núi. Hàng năm, cứ đến tháng mười hai khi mưa xuân lây phây từ dưới lớp lá hoại mục măng bắt đầu đội đất nhú lên lộ hai tai nhỏ xíu xanh thẫm. Măng vầu ngon nhất vào tháng 12 đến khoảng giữa tháng 3 những củ măng to, tròn và rất ngọt. Theo kinh nghiệm của người dân, khi nào có sấm thì măng đắng nhiều hơn sẽ khó ăn lắm. Hầu như ở khắp các góc chợ miền núi đều có thứ đặc sản này.

Măng Vầu

Ở miền núi, măng vầu cuốn không chỉ phổ biến trong bữa cơm hằng ngày mà còn có mặt trong các mâm cỗ cưới đặc biệt những nhà hàng đặc sản dân tộc luôn có sẵn món này trong thực đơn.

Món măng vầu cuốn thịt không cầu kỳ phức tạp chỉ cần mớ rau răm,một quả trứng, thịt ba chỉ và các loại gia vị như muối, bột ngọt… Công đoạn đầu tiên là chọn củ to luộc trên bếp khoảng ba đến năm tiếng cho đỡ he và dễ gọt. Sau khi bỏ hết lớp vỏ già bên ngoài người ta dùng tay bóc nhẹ lấy lớp lá non. Công đoạn này cũng cần sự khéo léo nếu lỡ tay để lá bị rách khi cuốn thịt dễ bị bung ra ngoài. Còn phần củ dùng dao gọt xung quanh dài khoảng tám đến mười phân. Nên gọt thật mỏng để tránh bị dai khi ăn.

Công đoạn sơ chế măng Vầu

Người miền núi rất chú trọng phần nhân thịt thường thì phải là thịt ba chỉ vì có cả mỡ lẫn nạc măng cần có nhiều mỡ để tăng vị thơm ngon. Rau răm băm thật nhỏ trộn đều với thịt đã xay nhuyễn và trứng thêm một chút muối và bột nêm. Không để nhân thịt nhiều muối như vậy măng sẽ đắng hơn nhất là lúc chấm cùng gia vị sẽ không còn thơm và đúng chất.

Xong khâu chuẩn bị thì bắt tay vào cuốn. Những lớp lá non cuốn nhân thịt được xếp trên cùng vì dễ chín. Nên lọc lấy thịt còn bì để dưới đáy nồi như vậy sẽ làm măng có nhiều mỡ và không bị cháy. Tôi để ý thấy khi nồi nóng lên bà con nơi đây cho thêm một chút nước vào và luôn giữ ngọn lửa vừa phải đun đến khi măng mềm và chín là có thể lấy ra.

Măng Vầu sau khi cuộn nhân thịt thì được giữ chặt bằng một chiếc lá hành.

Cảm nhận đầu tiên khi đặt miếng măng cuốn vào đầu lưỡi là vị ngòn ngọt, đăng đắng cùng sự béo ngậy của thịt và mùi thơm của rau răm. Trước kia, thường nước chấm được nấu lên từ mẻ cho khoảng ba thìa mẻ vào chảo rán thật vàng rồi cho nước vào thế là có bát nước chấm chua dịu và thơm lừng. Còn bây giờ, phần nhiều người ta dùng nước mắm tỏi ớt.

Món măng Vầu cuộn thịt khiến ta khó thể cưỡng lại.

Sự kết hợp khéo léo hương vị của món măng vầu cuốn thịt khiến ta khó có thể cưỡng lại. Tôi đã có cơ hội được thưởng thức một lần nên nếu có dịp đặt chân đến một trong những tỉnh miền núi phía Bắc bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món măng này nhé.

Mytour - Nguồn tổng hợp