Sunday, February 3, 2019

LỄ HỘI XƯA VÀ NAY: KHÁC BIỆT BỞI MỘT CHỮ 'TÂM"

Lễ hội truyền thống vốn là một loại hình sinh hoạt văn hóa, là sản phẩm tinh thần được hình thành và phát triển trong lịch sử. Nó thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc, tôn vinh những con người có thật trong lịch sử dân tộc, những hình tượng thiêng liêng, những thần thoại truyền thuyết, và tỏ lòng tri ân sự từ bi của Thần linh đối với con người.

Người xưa đến lễ hội với tâm thành kính (Ảnh: Internet)

Đồng thời, lễ hội còn là dịp người ta được trở về nguồn cội, nguồn cội của dân tộc, nguồn cội của tự nhiên. Điều đó mang một ý nghĩa quan trọng thẳm sâu trong tâm trí mỗi người. Thông qua lễ hội, người ta có thể chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống ý nghĩa.
Lễ hội truyền thống đậm tính nhân văn

Những hình tượng mà người dân tôn vinh trong lễ hội truyền thống đều có một ý nghĩa thiêng liêng. Ví như lễ hội Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là để tôn thờ những vị tiên tổ thần linh đã khai sinh ra dân tộc Việt; lễ hội thờ vua Hùng là để tưởng nhớ những vị vua đã có công khai sáng ra một giai đoạn văn minh đầu tiên cho người Việt; hay như lễ hội thờ Trần Hưng Đạo là để kỷ niệm một người anh hùng đã vì nợ nước quên thù nhà, đóng góp những công trạng hiển hách bậc nhất cho dân tộc…

Lễ hội tưởng nhớ Hai Bà Trưng tại Hà Nội xưa (Ảnh: 36phophuong)

Sự tôn vinh những vị Thần từ bi, hay những người anh hùng xuất chúng như vậy đồng thời cũng là tôn vinh đạo đức, tôn vinh phẩm cách, tôn vinh tính Thiện. Người đến với lễ hội mang tâm thái thành kính, trở về với những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, nhờ đó họ có thể gột rửa tâm hồn và hoàn thiện bản thân.
Lễ hội truyền thống là nơi cộng đồng gắn kết

Người xưa coi trọng cộng đồng, bởi vì cộng đồng gắn kết sẽ giúp người ta biết tự ước thúc đạo đức, và lối sống của bản thân. Chính vì thế, người xưa sống hiền lành chất phác, bảo vệ lẫn nhau, người đi ra ngoài không cần khóa cửa, mất cắp và trộm cướp cũng là chuyện hiếm có

.
Lễ hội là dịp để đoàn kết cộng đồng (Ảnh: dep24h)

Lễ hội truyền thống là một dịp quan trọng để gắn kết cộng đồng. Ví như người nông dân có thể cùng nhau chung vui sau một vụ mùa bội thu, và tỏ lòng cảm tạ Thần linh vì đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa. Trong một buổi lễ như vậy, mỗi người trong cộng đồng đều sẽ góp sức cho hoạt động chung, mọi người đều phối hợp, từ đó tạo nên sự kết nối vững chắc.
Lễ hội xưa và nay: Khác biệt bởi một chữ “Tâm”

Ngày nay, người ta đến với lễ hội mang theo đủ loại tâm thái, nhưng hẳn là cái tâm kính ngưỡng đã bị mai một. Người đến vì tò mò, vì cầu danh, vì giải nạn, vì phát tài, vì tình duyên… Lễ hội đã không còn được như trước.

Hẳn là người ta vẫn khó có thể quên được cái cảnh dòng người chen chúc vào sâu trong ban thờ, hậu cung của đền Thiên Trường để cúng bái trong Lễ khai ấn đền Trần. Cửa đền bị người dân chen lấn, xô đẩy dữ dội, nhiều đồ bài trí trong đền nghiêng ngả, cùng với nhiều tiếng la ó, chửi rủa vang lên. Phong cách “đi cửa sau” cũng lọt cả vào đền chùa, người ta – mà phần nhiều là quan chức – phải có “thẻ đại biểu” thì mới được dự lễ. Nhiều người vì bức xúc mà trèo rào vào trong điện…

Một cảnh tượng “cướp lộc” trong đêm khai ấn đền vua Trần (Ảnh: Soha.vn)

Người ta đi lễ mà không hiểu ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao, thậm chí có người còn không hiểu đền thờ ai, chỉ là vì “nghe đồn” rằng có được ấn đền Trần thì sẽ thăng quan tiến chức…

Cũng có người đến tham dự lễ hội để “hối lộ” Thần linh. Vì để tỏ “lòng thành” của mình nên nhiều người đã không bỏ tiền vào hòm công đức, mà dúi thẳng vào tay tượng Phật, thậm chí còn nhét vào… miệng Phật, vì e rằng không làm thế thì sẽ không “thiêng”!? Không nói đến các vị Phật trang nghiêm và thù thắng, bất cứ ai có nhân cách tự trọng cũng đều không thể chấp nhận việc người ta cứ dúi tiền vào tay, vào miệng mình…

Nhét tiền vào tay tượng Phật liệu có linh? (Ảnh: Báo Đất Việt)

Người đến dự hội đã đành, cả những người tổ chức lễ hội cũng có trường hợp mua thần bán phật, chặt chém, lừa gạt, khấn thuê, v.v. Rồi những kẻ côn đồ cũng lợi dụng lễ hội để gây sự, cờ bạc, trộm cắp.

Một cảnh tượng tranh đoạt trong lễ hội (Ảnh: facebook)

Dường như càng nhiều lễ hội thì niềm tin tâm linh của người ta càng giảm sút, lễ hội văn hóa mà lại để lộ ra nhiều nét thiếu văn hóa, âu cũng là một chữ “Tâm” vậy. Người xưa đến với lễ hội mang tâm kính ngưỡng, người nay đến với lễ hội, trong vô tri mà làm loạn chốn linh thiêng…

Hy Vọng

No comments: