Monday, February 11, 2019

NGHỆ NHÂN LÀM BÙ NHÌN Ở SHIKOKU, NHẬT BẢN

Trong khi lái xe qua trung tâm đảo Shikoku, Nhật Bản, nhà văn Don George đã gặp một ngôi làng có nhiều bù nhìn.

Ở Shikoku, hòn đảo nhỏ nhất và ít người đến nhất trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản, một phụ nữ đã đáp lại một cách lạ lùng với cuộc khủng hoảng chung.

Tôi đã bắt đầu khám phá trung tâm của Shikoku, hòn đảo nhỏ bé nhất và ít được ghé thăm nhất trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản, và lái rất nhanh chiếc xe thuê dọc theo một con đường một làn qua một thung lũng núi tới chiếc cầu bằng vật liệu thiên nhiên. Tôi lái qua một ngôi làng có vẻ hoang vắng với một chục ngôi nhà sàn trên cọc kim loại trên một con sông, rẽ và nhìn thấy xa xa ba hình người tựa vào một cột điện.

Họ đi ủng cao su, mặc quần và áo gió của nông dân, và đeo găng tay trắng, đội mũ lưỡi chai.


Tuy nhiên tư thế của họ trông là lạ, có vẻ không hẳn là người. Khi đến gần tôi mới biết họ không phải là người. Mặt được làm bằng vải trắng, trông bụ bẫm, mắt bằng khuy, lông mày bằng sợi đen.

Cách đó 5m, có một hình người nữa dẩy xe cút kít trên cánh đồng, rồi đến một hình người nhổ cỏ dại, ba hình ngồi trên một ghế dài ở trạm đỗ xe buýt.

Tôi không hiểu tôi rơi vào một cái thực tế gì khi tôi nhìn thấy một hình người nữa ở bên đường phía trước mặt. Hình này trông rất giống thật, đi giày vải đen, mặc quần và áo khoác xám, đi găng, mặt bị lấp dưới mũ không vành. Tôi quay nhìn lại con đường nhưng dừng lại ngay. Hình người đã bước một bước! rồi một bước nữa!


Tôi dừng xe lại và đi thận trọng về hình người đó, không biết sẽ gặp ai hoặc cái gì.

"Bác ơi!" Tôi gọi. Hình người có vẻ không nghe thấy. "Bác ơi!" Tôi hét to.

Hình người dừng lại và từ từ quay đầu.

Một khuôn mặt con người xuất hiện- thân thiện, có màu da thịt, nhăn nheo và hiền từ, đôi mắt nhỏ lấp lánh. "Sao ạ?" Giọng của một người phụ nữ trả lời bằng tiếng Nhật.

"Xin lỗi, xin hỏi một chút được không?"

"Vâng, tất nhiên."

Tôi tiến về phía trước, khoát tay về phía các hình người hai bên đường. "Bác có biết ai đã tạo ra những người tuyệt vời này không?"

Bà ấy nhìn tôi chăm chú một lúc rồi nở một nụ cười. "Tôi làm đấy!"

Đó là cách tôi đã gặp Ayano Tsukimi, nghệ nhân làm bù nhìn của Shikoku. Năm đó là năm 2013, và tôi đang mạo hiểm vào những khe núi um tùm cây của Thung lũng Iya, một vùng hẻo lánh ở phía đông bắc của hòn đảo nơi mà những con đường trải nhựa chỉ mới có từ nửa thế kỷ trước.


Vợ tôi sinh ra và lớn lên trên đảo Shikoku và tôi đã nghe về Thung lũng Iya từ người anh rể, anh nói đó là một nơi gồ ghề với những trang trại mái tranh, ruộng lúa mạch, cầu bằng dây rừng và phong cách truyền thống- nhưng anh không nói gì về những hình giống như người.
Ayano-san bật cười khi thấy tôi ngỡ ngàng ngạc nhiên.

"Tôi hỏi về những thứ này được không ?" Tôi nói.

"Tất nhiên rồi!" bà nói. "Ông uống trà nhé?"

Chúng tôi lang thang vượt qua hai đứa bé trai- những hình trông như bé trai- đang chơi trên một chiếc xe đạp rỉ, và một phụ nữ đang ngồi trong một nhà kho lưng quay ra đường. Ayano-san dẫn tôi theo con đường tới căn nhà giản dị của bà. Ngồi bên cạnh con đường dẫn đến cửa nhà có thêm vài hình người nữa: một cô gái mặc đồng phục học sinh; một người mẹ có em bé trên lòng; một người đàn ông lớn tuổi mặc com lê cầm một điếu thuốc.

Tôi cởi giày và bước vào một căn phòng trải chiếu rơm có nhiều hình sáng tạo của bà, trong đó có một cặp vợ chồng mặc bộ kimono đám cưới, đứng trang trọng ở cuối phòng. Tôi cảm thấy như một nhân vật trong một tập phim 'The Twilight Zone'.

Ayano-san mời tôi ngồi trên chiếu rơm cạnh lò sưởi truyền thống, rồi đi pha trà. Bà trở lại với một cái khay sơn mài nhỏ chứa hai cái tách, và cẩn thận đặt một tách trước mặt tôi.

Tôi cúi chào và cảm ơn, bà nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh. "Họ trông khá khác thường, phải không ạ?"

Khuôn mặt của bù nhìn được làm bằng vải trắng, mắt bằng khuy áo và lông mày bằng sợi màu đen.

"Vâng," bà bắt đầu. "Tôi lớn lên ở đây nhưng rời đi Osaka cùng bố mẹ khi tôi còn học trung học. Tôi ở đó, kết hôn và có con. Đến một thời điểm, cha mẹ tôi chuyển về đây và sau đó, khi mẹ tôi qua đời, tôi trở lại để chăm sóc cha tôi. Đó là vào năm 2002.

"Tôi đã làm kakashi đầu tiên…"

Tôi ngắt lời bà. "Xin lỗi, từ đó là gì?"

"Kakashi. Những hình người nông dân để xua đuổi chim khỏi thu hoạch mùa màng của họ."

"À, kakashi!" Bù nhìn.


"Tôi làm kakashi đầu tiên để xua đuổi lũ chim. Tôi nhận thấy rằng chúng đang ăn những hạt giống trên cánh đồng ngoài kia"- bà chỉ ra ngoài của- "và vì thế tôi muốn xuỵt đuổi chúng đi."

"Tôi đã làm thêm một vài cái cho mục đích đó. Sau đó, khi người hàng xóm của chúng tôi ở đầu đường qua đời, tôi nhớ bà ấy vì hàng ngày tôi thường nói chuyện với bà. Vì vậy, tôi đã làm một bù nhìn trông giống như bà ấy, để tôi có thể tiếp tục chào hỏi bà mỗi sáng.

"Theo thời gian," bà nói, nhún vai và thở dài, "ngày càng có nhiều dân làng qua đời. Tôi bắt đầu làm những người bù nhìn để tưởng nhớ họ và, theo cách nào đó, để họ được sống."

Bà dừng lại. Tôi nhấm nháp trà và quan sát. Trong một khoảnh khắc, một nét buồn thoảng qua khuôn mặt bà. Rồi nó biến đi, và bà chỉ vào một nhân vật ngồi trên chiếu rơm phía sau tôi, một người phụ nữ khôn ngoan với các bím tóc bạc bện bằng sợi chỉ dày, mặc bộ kimono màu xám thanh lịch. "Đó là mẹ tôi," bà nói. "Tôi vẫn nói chuyện với bà hàng ngày. Ông có muốn đi dạo không?"

Ayano Tsukimi chế tạo từng bù nhìn, tiếng Nhật gọi là kakashi, bằng tay.

Chúng tôi lang thang một vài phút dọc con đường đến một tòa nhà bê tông hai tầng uy nghi phía sau một sân chơi nền đất. "Đây từng là trường tiểu học," bà nói. "Nhưng qua nhiều năm, số học sinh ngày càng ít dần, rồi cuối cùng, vào năm ngoái, họ đã đóng cửa trường. Bây giờ tất cả học sinh trong khu vực này đi đến trường cách đây 30 phút bằng xe buýt."


Không có sự hối tiếc nào trong giọng nói của bà; bà chỉ đơn giản là nói sự thật. "Ta vào trong đi!" bà nói, mở cánh cửa dẫn vào trường.

Khi đi vào, tôi khó có thể tin vào mắt mình. Bù nhìn ở khắp mọi nơi. Một hiệu trưởng bù nhìn giám sát hành lang, các bù nhìn giáo viên tụ tập trong phòng chờ của giáo viên, và trong một phòng học, 20 đứa trẻ bù nhìn đang ngồi ngoan ngoãn ở bàn học, sách giáo khoa để mở, nghiêm túc nhìn vào cô giáo viên bù nhìn ở phía trước phòng. Trên bảng đen phía sau cô có dòng chữ, 'Giấc mơ tương lai của tôi'- nghĩa tiếng Nhật là 'Điều tôi muốn trở thành khi lớn lên'.

Vào thời điểm chúng tôi kết thúc chuyến đi dạo, mặt trời đã xuống thấp. Tôi cần trở lại khách sạn trước khi trời tối, nên tôi vội nói lời cảm ơn và hứa sẽ trở lại.

Ayano Tsukimi:"Tôi bắt đầu làm các bù nhìn để tưởng nhớ (dân làng đã mất) và để họ được sống theo một cách nào đó".

Khi lái xe trở về theo con đường quanh co, tôi tràn đầy cảm xúc sâu sắc lẫn lộn. Một mặt, có điều gì đó không thể phủ nhận là đáng lo ngại về các hình người, đặc biệt là đám học sinh, mà chúng giống như nhân vật trong một phim kinh dị sắp nhảy vào cuộc sống. Nhưng mặt khác, có một sự ấm áp đối với tính cách của Ayano-san và sự chua cay trong câu chuyện của bà đã tạo hạt giống trong tâm hồn tôi.

Một năm sau, vào một ngày nắng của mùa xuân, tôi trở lại. Lần này tôi dẫn đầu một nhóm tám người Mỹ đến cây cầu bằng vật liệu thiên nhiên, và khi chúng tôi đến Nagoro, làng bù nhìn, tôi đã yêu cầu người lái xe minivan gắng bám theo đường. Ayano-san đang đứng trước nhà.

Tôi nhảy ra. "Xin chào, Ayano-san!" Tôi gọi, vẫy tay chào.

Bà ấy nhìn tôi, bối rối. Rồi bà ấy nhìn kỹ hơn. "À, chào mừng đã trở lại!" bà nói. Và bà ấy mời chúng tôi vào nhà để giới thiệu những sáng tạo của bà.

Trong một năm, tôi đã tự hỏi làm thế nào bà ấy thực hiện những hình người này. Cuối cùng, tôi đã có cơ hội để hỏi.

Phải mất khoảng ba ngày để làm một kakashi, Ayano-san giải thích. Bà bắt đầu với khuôn mặt, lấy một miếng vải hình vuông màu trắng, vải loại jersey dai, và quấn nó xung quanh một loại bông nhồi. Sau khi đã khâu phía sau, bà ấy nhồi thêm bông để tạo thành mũi, khâu khuy để tạo mắt và tạo môi bằng véo một cách khéo léo rồi khâu vải. Bà thận trọng đặc biệt khi làm tai, Ayano-san nói, gấp lộn mép và khâu vải để tai có nếp gấp có tính cá nhân. "Tôi muốn chắc chắn rằng kakashi của tôi có thể nghe rõ," bà giải thích với một nụ cười.

Các bù nhìn của Ayano-san miêu tả những nông dân, những người hàng xóm và học sinh.

Đối với cánh tay và chân, bà quấn dây thép quanh các tờ báo cuộn tròn, sử dụng nhiều tờ báo hơn để tạo phần thân. Khi cơ thể đã hoàn tất, bà mặc quần áo cho nó- từ khăn choàng đến những bộ kimono phức tạp- mà chúng được người hâm mộ mang đến hoặc gửi đến cho bà từ khắp Nhật Bản. Sau đó, bà đặt hình người vào vị trí mà bà đã hình dung trước, sử dụng tính mềm dẻo của dây thép để sắp xếp cánh tay và chân.

Khi bà giải thích xong, tất cả chúng tôi đều vỗ tay. Nụ cười của bà truyền cảm khắp phòng.

Kể từ đó mỗi mùa xuân tôi đều trở lại Nagoro, và trong những năm tiếp theo, khi những người nước ngoài khác cũng đã đến đây, Ayano-san đã trở thành một người nổi tiếng. Một nhà làm phim người Đức đã đăng một bộ phim tài liệu ngắn về bà vào năm 2014, và một tá bài báo đã được viết về bà (nhiều bài trong số đó, thật đáng buồn do sao chép mù quáng, đã nói nhầm rằng bố bà đã qua đời- tin tức đó là cú sốc đối với bố bà, người còn đang hăng hái làm việc vặt ngoài sân trong chuyến thăm gần đây nhất của tôi vào tháng 5 vừa qua).

Những bài tường thuật của các nhà văn khác thường dùng từ 'đáng sợ' hoặc những từ tương tự để mô tả sự sáng tạo của bà, nhưng do tôi năm nào cũng quay lại đây, sự hiểu biết của tôi đã già giặn hơn.

Câu chuyện của Nagoro không phải là duy nhất. Mỗi năm nó xẩy ra ở hàng trăm ngôi làng trên đất Nhật Bản. Trẻ em lớn lên ở những vùng sâu vùng xa, đối phó với các điều kiện khó khăn của đời sống nông thôn, bị cám dỗ bởi sự quyến rũ của các thành phố lớn- tiện ích, việc làm, giải trí- và rời bỏ quê hương để không bao giờ trở lại.

Phải mất khoảng ba ngày để làm mỗi bù nhìn.

Thế tiến thoái lưỡng nan này là phổ biến, nhưng phản ứng của Ayano-san là tinh khiết, toàn tâm và độc đáo. Một vài lần một tuần, bà tập hợp vải, nhồi bông, cuốn báo, uốn dây và mặc quần áo, và bắt đầu chế tạo một nhân vật thể hiện một người bà yêu dấu hoặc hoặc một người ông đã mất hoặc một đứa trẻ chuyển đi thành phố, hoặc thậm chí là một khách đã để lại dấu ấn trên trái tim bà.

Bà đã lựa chọn để phục hồi lại dân số ngôi làng của mình với những bù nhìn rõ ràng không đáng sợ, và bà lấp đầy chúng bằng nghệ thuật, bằng tâm hồn và bằng kỷ niệm yêu thương.
Trong việc này, bà tượng trưng cho chính Shikoku, một hòn đảo đẹp tuyệt vời nhưng ít người biết đến và một đảo nghèo khó mà cư dân phải đối phó với những thử thách của cuộc sống hàng ngày với sự tháo vát và kiên cường đã ăn sâu bám rễ. Mỗi ngày trên Shikoku, nông dân trồng và thu hoạch lúa, cam mikan, nấm shiitake, lúa mì, cà chua và các loại cây trồng khác, như họ đã làm trong nhiều thế kỷ; mỗi ngày, ngư dân lái thuyền ra khơi trước bình minh và trở về vào buổi chiều với lưới bạc lung linh với cá đuôi vàng, cá tráp và cá ngừ.

Và trong truyền thống nổi tiếng nhất của hòn đảo, những người hành hương Phật giáo từ gần đến xa đã đi bộ một tuyến thiêng liêng qua 88 ngôi đền, tôn vinh người sáng lập Phật giáo Shingon Nhật Bản, Kobo Daishi. Khi họ đi, họ được dân địa phương tươi cười chào đón, cúi mình tặng gạo, cam và bánh quy để giúp họ.

Tôi đã nhận ra là, theo cách riêng của mình, Ayano-san cũng đang tặng quà để giúp tất cả chúng ta trong cuộc hành trình của cuộc đời mình.

Trong chuyến thăm tháng 5 của tôi đến Nagoro, tôi gặp một cư dân khác của làng và hỏi bà ấy nghĩ gì về những bù nhìn.

"Lúc đầu, chúng có gây một chút lo lắng," bà nói, "đối với chúng tôi cũng như đối với du khách. Nhưng rồi tôi thấy thích chúng và thấy thoải mái với chúng. Tôi nhận ra những người đã qua đời và thật tuyệt khi có họ ở đây."

Trong chuyến thăm đó, Ayano-san lại mời tôi và những người bạn của tôi vào nhà. Tôi hỏi bà ấy đã làm bao nhiêu bù nhìn từ năm 2002. "Tôi nghĩ khoảng 450," bà nói. "Cứ khoảng ba năm hoặc xấp xỉ như vậy, tôi phải thay thế chúng. Bây giờ có 27 người sống trong làng- và 200 bù nhìn!" bà cười.

Một trong nhóm chúng tôi hỏi bà, một khi cha bà qua đời, liệu bà có quay lại Osaka không.
Có một sự im lặng dài và bà dường như chìm trong suy nghĩ, nhìn vào quãng xa xăm.

Cuối cùng bà mới nói. "Tôi không nghĩ thế," bà nói. Bà nhìn ra những cánh đồng, trạm xe buýt, kho củi, con đường một làn xe, tất cả đều được sinh động lên nhờ sáng tạo của bà. "Tôi hoàn toàn hài lòng khi ở đây. Tôi ở cùng với các bạn tôi.

"Và nhìn kìa!" bà quay lại nhìn chúng tôi, đôi mắt bà lấp lánh, khuôn mặt bà nhăn nheo thành một nụ cười tươi sáng. "Chúng cũng mang đến cho làng tôi những người bạn mới!"

Don George
BBC Travel
Link tiếng Anh:


No comments: