Saturday, March 23, 2019

NHỮNG CÂU CHUYỆN LẠ LÙNG VỀ "NĂNG LỰC BÍ ẨN" CỦA VUA CHÚA VIỆT NAM

Theo các giai thoại lịch sử, một số vua chúa Việt Nam có những khả năng đặc biệt khiến hậu thế kinh ngạc và không thể nào lý giải nổi.

Tài xem tướng, xét việc của Lý Thái Tông

Lý Thái Tông (1000 – 1054, tên thật Lý Phật Mã, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Lý. Nổi tiếng là vị vua giỏi, ông không chỉ có tài dụng binh, trị dân… mà còn có khả năng xem tướng xét việc chính xác


Tác phẩm Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã đề cập đến khả năng này của Lý Thái Tông như sau: “Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông”.

Một minh chứng là việc Lý Thái Tông biết trước được mưu phản của tướng Nguyễn Khánh chỉ nhờ vào những biểu hiện bên ngoài của viên tướng này.

Theo đó, trong một lần ban yến cho các quan hầu và tướng súy, vua đã nhắc đến Định thắng đại tướng Nguyễn Khánh và nhận định rằng: “Khánh thế nào cũng làm phản”. Nghe thấy lời này, các quan tướng đều kinh ngạc hỏi: “Bệ hạ làm sao mà biết, xin nói rõ cho”.

Lý Thái Tông trả lời: “Lòng Khánh có điều không thường nên nhìn trẫm có vẻ hổ thẹn, đi đứng thất thố, nói năng trái lẽ. Lấy đó mà xét thì đủ biết là nó có ý khác, hình trạng đã rõ lắm rồi”.

Một thời gian sau, vua đem quân đi dẹp loạn ở Ái Châu. Vừa lúc giành thắng lợi thì nhận được tin báo là phe Nguyễn Khánh đang mưu phản. Sự việc đúng như lời nhà vua nói trước kia, khiến các phi tần kinh ngạc, vái lạy và thưa rằng: “Bọn thiếp nghe nói Thánh nhân có thể thấy được chỗ chưa hiện hình, biết trước được việc chưa xảy ra, nhưng nay mới được chính mắt mình trông thấy”.


Do đã bị vua nhìn thấu tâm can từ trước nên âm mưu của kẻ phản phúc nhanh chóng bị đập tan.

Tài thấu cảm, tiên tri của Lý Huệ Tông

Lý Huệ Tông (1194 – 1226) tên thật Lý Sảm, là vị vua thứ tám của nhà Lý. Ông cầm quyền trong giai đoạn nhà Lý suy vong, họ Trần lũng đoạn triều đình, do lực bất tòng tâm mà cuối đời đã phát điên.

Dù mang tiếng vua điên, nhưng lại có những lời nói, khả năng dự đoán hậu vận, cảm được ẩn ý trong câu nói của người khác một cách rất chính xác, khiến người đời tin rằng cái sự điên của ông không phải là điên của người phàm.

Có một số câu chuyện đã được ghi lại trong sử sách về khả năng này của Lý Huệ Tông.

Vào năm 1224, Lý Huệ Tông trao quyền bính cho con gái nhỏ Lý Chiêu Thánh. Thái sư Trần Thủ Độ của họ Trần sợ lòng người còn hướng về nhà Lý, liền cho quản thúc Lý Huệ Tông trong chùa Chân Giáo. Một hôm Trần Thủ Độ đi ngang qua chùa, thấy Lý Huệ Tông đang nhổ cỏ ở sân chùa, liền nhắc nhở: Nhổ cỏ thì nhổ cả gốc!

Huệ Tông nghe xong, hiểu Trần Thủ Độ có ý muốn giết mình. Ông đáp: “Câu ngươi nói ta hiểu rồi”.


Sau lần đó, Trần Thủ Độ cho người đến xin Lý Huệ Tông một việc. Huệ Tông chưa nghe dứt câu đã đáp: “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”.

Đây chính là mong muốn của Trần Thủ Độ trong kế hoạch tiêu diệt tận gốc nhà Lý. Lý Huệ Tông hiểu rõ, nhưng bất lực và đành chấp nhận số phận.

Ông vào trong buồng ngủ rồi khấn rằng: “Thiên hạ của nhà ta đã về tay nhà mày rồi, mày lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến ngày khác con cháu nhà mày cũng lại thế”. Sau đó ông thắt cổ tự tử ở vườn phía sau chùa.

Lời khấn của Lý Huệ Tông sau này đã ứng nghiệm. Sự nghiệp của nhà Trần đã kết thúc trong bi kịch với cuộc giành ngôi của Hồ Quý Ly.

Tài “câu khách” của “Chúa Chổm” Lê Trang Tông

Lê Trang Tông (1533-1548) tên thật Lê Duy Ninh, là vua đầu tiên của nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Dù sự nghiệp làm vua khá mờ nhạt nhưng ông lại “nổi như cồn” với biệt danh “Chúa Chổm” vì một giai thoại lạ lùng.

Theo những lời truyền miệng trong dân gian, Lê Duy Ninh ngày bé tên là Chổm. Mẹ ông từng qua lại với vua Lê Chiêu Tông khi vua đang bị Mạc Đăng Dung giam lỏng, rồi có mang với vua. Sau khi sinh ra Chổm, mẹ đem ông và cả bảo ấn “Ngọc tỷ truyền quốc” của vua lánh đi nơi khác sinh sống.

Do nhà nghèo, Chổm phải đi làm thuê và kiếm củi nuôi mẹ. Những lần vào thành bán củi, Chổm thường la cà vào ăn ở các quán cơm cửa ô. Lạ lùng một điều là Chổm ăn hàng nào thì hàng đó hôm ấy bán đắt như tôm tươi.


“Biệt tài” của Chổm khiến các hàng quán thi nhau mời Chổm đến ăn uống và sẵn sàng cho chịu. Ðược thể, Chổm chè chén bạt mạng, nợ đầm đìa khắp nơi, ai đòi cũng thì bảo: “Chờ lúc tôi làm nên sẽ trả”.

Sau này Nguyễn Kim khởi binh chống nhà Mạc, tìm được Chổm là dòng dõi nhà Lê nên lập làm vua Lê Trang Tông. Sau khi thắng quân Mạc, vua trở lại kinh thành Thăng Long, khi đi qua làng cũ, Chổm đã trả hết tiền cho chủ nợ cũ và còn miễn thuế một năm cho dân cả làng…

Theo KIẾN THỨC

No comments: