Tuesday, April 30, 2019

SAU 75, NHÀ TÔI DẸP TIỆM...

Nhà tôi là tiệm bán đồ xe gắn máy Honda và xe đạp vào hạng lớn ở quận Hòa Tân (Gò Công). Sau 30/4, nhà tôi phải dẹp tiệm. Má tôi giao nhà ở chợ lại cho chị tôi, rồi má về quê trông coi mấy mẫu ruộng đất.


Chính sách “cải tạo” rầm rộ sau năm 1975 (qua ba đợt) đã gây khốn đốn khắp thành thị cho đến nông thôn. Chỉ qua một đêm, có nhiều người trắng tay hoàn toàn. Các nhà sản xuất dẹp tiệm, công việc bị đình trệ. Nền kinh tế miền Nam, một thời là mơ ước của các nước Đông Nam Á, trượt dài xuống tận đáy.

Nông thôn miền Nam không dữ dội như ở thành phố mà nó âm ỉ kéo dài, đến nỗi người dân ở vựa lúa lớn nhất Việt Nam đã phải từ ăn cơm chuyển qua ăn độn khoai, độn bo bo,… trong suốt mấy năm trời. Thật là thê thảm.

Ở đây tôi chỉ đề cập đến chuyện nhà tôi dẹp tiệm thế nào thôi.

Năm 74-75, hàng tháng má tôi vẫn còn đi Sài Gòn bổ đồ về bán. Tiền tử tuất của anh Sáu tôi cộng với tiền bán lúa mỗi năm mấy trăm giạ, má tôi đều đổ vào tiệm. Buôn bán có đồng ra đồng vô, và cũng để cho con cái có việc làm. Lúc đó tôi mới 11-12 tuổi, ngoài việc đi học tôi còn vá xe đạp tại tiệm để kiếm tiền ăn hàng, tiêu vặt mỗi ngày. Vả lại tôi còn có học bổng của chính phủ, cộng thêm phần thưởng sách vở cuối năm nên việc đi học của tôi chẳng phải hao tốn gì hết.


Do thời cuộc chiến tranh, chuyện buôn bán nhà tôi có hơi xuống nhưng vẫn duy trì tốt. Đến đầu năm 75 thì tuột dốc hẳn. Nếu thiếu chút ít gì thì mấy anh chị xách chiếc Honda 67 chạy cái vèo lên chợ Gò Công là có ngay. Đồ đạc vơi dần trong khi chiến cuộc ngày càng biến động mạnh. Không ai còn tâm trí gì nghĩ đến chuyện làm ăn. Chúng tôi cũng học vội vội vàng vàng cho xong năm học.

Khi những chiếc xe jeep, xe nhà binh kéo cờ trắng chạy ra phía bờ biển là lúc vùng quê tôi mọi công việc làm ăn đều ngưng trệ hẳn.

Rồi tin kiểm kê, đánh tư sản mại bản từ thành phố dội về nông thôn như một trận cuồng phong cuốn đi tất cả những gì trên đường nó đi qua. Nhà tôi dọn dẹp những đồ phụ tùng xe đắt tiền. Ba tôi vào chùa ở với ông nội tôi, mang theo một số món phụ tùng xe honda, đem cất trong chùa.

Ngày ban Quân quản tới kiểm kê, đồ phụ tùng mới không còn bao nhiêu. Nhưng mọi việc không đơn giàn và không dừng lại đó. Những đồ phụ tùng hư nhưng chưa kịp dẹp bỏ cũng bị… kiểm kê từng món.

Ngày nhà tôi nhận giấy báo đóng thuế là một ngày thê thảm. Có bán hết cũng không đủ đóng cho chính quyền vì thuế đánh vào cả những món đồ hư chưa kip quẳng đi! Má tôi phải bán số lúa để dành cho mùa tới mới giải quyết xong vụ này.


Má tôi kêu chị tôi báo chính quyền là đóng cửa tiệm ngay, vì nếu còn mở cửa sẽ không có đủ tiền đóng thuế nữa. Chị tôi ở lại, cùng mấy đứa con giữ nhà, còn má tôi ở hẳn trên quê lo việc ruộng nương. Tôi học xong cấp 2 trường Hòa Tân, chuyển lên Gò Công để học tiếp. Bấy giờ tôi về quê ở với má để đi học cho gần, cũng là để phụ má tôi trong mọi công việc đồng áng và ruộng vườn.

Sau 75, thời cuộc thay đổi đã đưa gia đình tôi đi vào ngả rẽ. Trận cuồng phong “cải tạo” đã cuốn trôi mơ ước của má tôi về tương lai của các con, đẩy đám trẻ chúng tôi vào vòng xoáy bị kỳ thị và phân biệt vô lý…

Kiều Dương

ĐƯỜNG ĐI NGÀN DẶM, BẮT ĐẦU TỪ BƯỚC ĐẦU TIÊN

Lão tử có câu rằng, “Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên”, (thiên lý chi hành thủy vu túc hạ). Câu nói ngắn gọn, hàm nghĩa sâu xa cũng là lời nhắn nhủ cho những ai đang muốn mở ra 1 con đường.


ĐƯỜNG ĐI NGÀN DẶM, BẮT ĐẦU TỪ BƯỚC ĐẦU TIÊN
千里之行始于足下

Thành ngữ này xuất phát từ chương 64 sách “Lão tử”: “Hợp bao chi mộc, sinh vu hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi vu lũy thổ; thiên lí chi hành, thủy vu túc hạ” (合抱之木,生于毫末;九层之台,起于累土;千里之行,始于足下), nghĩa là các vòng vân gỗ manh nha từ những vòng rất mỏng, đài cao chín tầng được xây lên từ đống đất nhỏ, đường đi ngàn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên.


Thành ngữ này bắt đầu từ điển đích thời Xuân Thu, triết gia nổi tiếng Lão tử cẩn thận dựa vào quy luật phát triển của vạn vật đã chỉ ra: giải quyết vấn đề nên bắt đầu từ lúc mà nó chưa xảy ra, trị quốc nên bắt đầu từ lúc trước khi bạo loạn, cũng như cây to trưởng thành từ một ngọn nhỏ, tháp cao chín tầng hình thành từ từng giỏ từng giỏ bùn đắp nên, nghìn dặm đường đi cũng bắt đầu từ một bước chân.


Thành ngữ này nói lên một đạo lí không thể đơn giản hơn, một con đường chỉ có thể từng bước từng bước đi tới mới có thể đến đích. Khó khăn có to lớn hơn đi chăng nữa, chỉ cần cẩn thận làm từng chút một đều có thể giải quyết ổn thỏa.
Có rất nhiều đạo lý ở đời mà ai ai cũng biết, nhưng cũng có những bài học lớn chỉ được rút ra từ những va vấp nhỏ nhặt trong đời sống thường ngày, có nhỏ mới thành lớn, biết gom góp để từ đó có thể thu được thành công thật sự.
(Sưu tầm trên mạng)

KHI NÀO CẦN THUỐC SINH TỐ?


Do nhiều chuyên gia quảng cáo trong ngành dược xuống giọng quá ngọt nên không ít “người tiêu dùng” (không thể gọi là bệnh nhân vì thường khi chưa bệnh) đang có khuynh hướng dùng thuốc sinh tố khi thì như thuốc tăng lực, lúc thì như phương tiện phòng bệnh và trì hoãn tuổi già. Đáng tiếc hơn nữa là nhiều sản phẩm gọi là thực phẩm chức năng đang đươc lưu hành với giá cắt cổ trên thực tế chỉ là một nhúm sinh tố nào đó! Sinh tố, như tên gọi, đúng là cần thiết cho sự sống và sức sống, nhưng việc lạm dụng thuốc sinh tố không hẳn lúc nào cũng “không có phản ứng phụ” như thông tin ngọt xớt trên tờ bướm. Giữa nên và cần bao giờ cũng có một khoảng cách cần được tôn trọng nếu muốn thuốc thực sự nên thuốc!
Tóm lại, trước khi dùng thuốc sinh tố nên bình tâm điều nghiên một số điểm như sau:
-Người có chế độ dinh dưỡng đa dạng và cuộc sống cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi hầu như khó thiếu sinh tố, nghĩa là ít khi phải cần đến thuốc sinh tố. Với chế độ dinh dưỡng theo kiểu người mình, với khẩu phần phong phú rau quả tươi, tất nhiên với điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rất hiếm khi thiếu sinh tố, trừ khi cơ thể bất ngờ có nhu cầu bội tăng ngoài dự kiến, như bệnh hoạn, thi cử, tranh đua thể thao…

-Đừng tưởng càng nhiều càng hay. Rất ít khi phải dùng thuốc sinh tố ở liều cao nếu chỉ nhằm mục tiêu bổ sung nguồn dự trữ sinh tố. Thông thường chỉ cần thuốc ở liều thấp nhưng nên chứa nhiều loại sinh tố. Nếu thuốc được phối hợp với khoáng tố và ít chất đạm cần thiết cho tiến trình hấp thu và biến dưỡng sinh tố càng hay.
-Thuốc sinh tố đơn phương và ở liều cao thường chỉ dùng cho mục tiêu điều trị bệnh đặc hiệu. Thuốc vì thế chỉ nên dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.
-Nếu phải nhờ đến thuốc sinh tố nên dùng thuốc trong nhiều ngày liên tục, nhưng không nhất thiết phải dùng thuốc trong thời gian dài nếu không có sự theo dõi của thầy thuốc. Đừng quên là một số sinh tố, như A, D, E, K, B12… có thể gây phản ứng phụ bất lợi nếu tích lũy trong cơ thể do dùng quá liều.

-Đừng vội tin vào lời quảng cáo đường mật rồi vét túi cho sinh tố nào đó với ảo vọng ngăn ngừa được bệnh chứng nghiêm trọng. Đừng quên sinh tố chỉ giữ vai trò xúc tác phản ứng biến dưỡng. Không sinh tố nào có khả năng ngừa ung thư hay ngăn lão hóa nếu gia chủ tự đầu độc bằng thuốc lá, rượu bia… hay tạo điều kiện cho bệnh ác tính phát triển qua nếp sống trái ngược với qui luật của thiên nhiên.
Nói chung, chỉ đối tượng thuộc các nhóm dưới đây nên dùng thuốc sinh tố, tất nhiên dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc hay dược sĩ:
-Người phải thường ngày đối đầu với cuộc sống căng thẳng cần sinh tố C, E, tập thể sinh tố B, khoáng tố selen, kẽm, manhê để đương đầu với stress. Nếu thuốc có thêm arginin, chất đạm cần thiết cho hoạt động của cơ tim, càng hay.

-Thai phụ, người đang mong thụ thai cũng như phụ nữ trẻ suy nhược đi kèm với rối loạn kinh nguyệt nên bổ sung tập thể sinh tố B, acid folic, C và sắt, càng thường càng tốt.
-Trẻ con không nên thiếu chất vôi, 3-Omega, acid folic và kẽm vì nhu cầu tăng trưởng liên tục và vì cơ thể còn non yếu trước nguy cơ bội nhiễm. Nhưng đừng vì thế mà ép trẻ uống thuốc thay vì món ăn ngon miệng.
-Người phải lao động nặng, vận động viên, người sau cơn bệnh nặng, sau lần chấn thương, sau đợt hóa hay xạ trị rất cần kali, manhê, kẽm, sinh tố B, C và E nhằm tối ưu hóa phản ứng phục hồi và kiến tạo trong cơ thể đã tiêu hao nhiều năng lượng cũng như dưỡng chất.

-Người cao tuổi đừng quên sinh tố B, nhất là acid folic và B12, chất vôi và sinh tố D vì đây là những nhân tố dễ thiếu hụt do khả năng hấp thu đằng nào cũng giảm thiểu thấy rõ khi tuổi đời chồng chất.
Bất cứ tác chất nào, dù là hóa chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên cũng thế, khi đưa vào cơ thể đều có phản ứng phụ, không nặng thì nhẹ, không sớm thì muộn, không nhiều thì ít, nếu không được dùng đúng cách, đúng lúc. Thuốc sinh tố cũng thế mà thôi. Đừng mong thuốc nếu không bổ bề dọc cũng bổ chiều ngang. Cũng đừng tưởng thuốc nếu không có hiệu quả như mong muốn thì cùng lắm ngã về không. Không đơn giản như thế vì thuốc nếu không triển khai tác dụng như mong đợi lại ngã sang phía gây toàn phản ứng phụ! Do đó không dùng thuốc thì thôi, hễ dùng đừng dùng sai.

Trước khi dùng thuốc nào vậy, đừng quên một yếu tố tối quan trọng. Đó là vai trò tư vấn không thể thay thế của thầy thuốc. Đây lại là vấn đề cốt lõi trong bối cảnh y tế hiện nay của nước mình vì không ít thầy thuốc đang bình chân như vại với thái độ “im lặng là vàng”!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG TÔI

Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, n…gày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp.



Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.

Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”.

Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kì diệu.

Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.


Tối hôm đó thằng Mình bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ giành cho các du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.

Thằng Minh khoe cái cassete ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassete là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973 quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassete của một người du học Đông Đức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo, người thường không thể có.

Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thật vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành.

Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bỉu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Mình tủm tỉm cười không nói gì, nó mở casete, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca 7. Kết thúc Sơn ca 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!


Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gon. Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.

Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.

Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy giành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo.

Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí.

Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có.


Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu đần. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt.

Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có!

Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.

Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Captain, tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính.

Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt.

Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum sê, hai vỉa hè đầy sách. Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác – Lê.


Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nôi chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác – Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác – Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn.

Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy.

Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi. Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị. Tôi thì rất vui vì biết mình đã được giải phóng.

NGUYỄN QUANG LẬP

Monday, April 29, 2019

CÁCH "ẨM TRÀ" ĂN HÁ CẢO HONG KONG ĐÚNG ĐIỆU

Sinh ra và lớn lên ở Hong Kong, đi 'yum cha' ('ẩm trà') cùng gia đình mỗi Chủ Nhật là truyền thống quan trọng qua nhiều thế hệ người dân ở đây.

Yum cha là bữa ăn phổ biến ở Hong Kong, giống như dùng cà phê và bánh mì trong văn hóa phương Tây

Từ đây, chuyện xưa chuyện nay được kể quanh bàn ăn đầy giỏ tre có nhiều loại dim sum - là các viên há cảo nhỏ có chứa mọi loại nguyên liệu từ bánh bao nhân tôm ngon lành và cuốn gạo mỏng manh đến bánh bao nhân mãng cầu dẻo và bánh bao nhân thịt heo quay ngọt

'Yum cha' có nghĩa là "uống trà" trong tiếng Quảng Đông.

Yum cha là bữa ăn phổ biến ở Hong Kong, giống như uống cà phê và ăn bánh mì nướng trong văn hóa phương Tây. Trong bữa ăn, trà Trung Quốc được uống cùng với há cảo ở những trà quán truyền thống.


Từ thời Trung Hoa cổ đại, trà quán từ lâu đã là nơi nghỉ chân và trò chuyện cho giới bình dân.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, dân nhập cư mới từ Trung Quốc mang theo văn hóa yum cha cùng họ, trở thành thói quen thông thường giữa gia đình và bè bạn, và đến tận ngày nay vẫn là một phần quan trọng trong xã hội Hong Kong.

Mặc dù đây là ẩm thực Quảng Đông, bắt nguồn từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nhưng Hong Kong vẫn là một trong những nơi có văn hoá yum cha và không khí truyền thống nhất trên thế giới.

Yum cha là sinh hoạt nhóm, trong đó mọi người quanh bàn ăn đều tham gia.

Vì trọng tâm của bữa ăn là cùng nhau chia sẻ mọi thứ, cho nên có một số điều tất nhất định bạn cần lưu ý khi bạn phục vụ hay được người khác phục vụ trong bữa ăn.

Bà nội tôi, người lớn tuổi nhất trong các bữa yum cha gặp gỡ hàng tuần của gia đình, sẽ luôn luôn nhanh chóng chỉnh thái độ của mọi người quanh bàn ăn.


Một vài quy tắc mà bà thường đề cập là phải ăn hết hạt cơm cuối cùng trong chén để làn da của vị hôn thê tương lai cũng mịn màng như một cái chén sạch; và không bao giờ được dựng đứng đũa ăn trong chén cơm vì nó giống với nhang thắp cho người chết và sẽ mang lại điều không lành.

Bà cũng nhắc nhở chúng tôi không được gõ đũa vào tô cho vui vì đó là điều người ăn mày thường làm để thu hút sự chú ý, vì vậy hành động này được cho là sẽ khiến gia đình nghèo khó.

Với người không rành, những quy tắc này có vẻ như ngẫu nhiên. Nhưng đây là các nghi thức đã được truyền từ đời này qua đời khác qua những giai thoại có từ thời Trung Hoa cổ đại.

Nghi thức yum cha đã được truyền từ đời này sang đời khác

Một trong những ví dụ mà tôi thích nhất là chuyện về quân tượng.

Trên bàn cờ tướng, hai phe đối lập đứng cách nhau một con sông, và người chơi cần tiến quân sang sông để bắt tướng đối phương. Theo luật chơi, tượng giữ vị trí phòng thủ và không được phép vượt tuyến sang khu vực của đối phương.

Cũng giống như những quân tượng trên bàn cờ tướng, từ thuở nhỏ tôi đã được dạy rằng trên bàn ăn yum cha, bạn không được "sang sông" và với xa hơn tầm tay tới những đĩa thức ăn đặt trước mặt người khác đang ngồi đối diện với bạn. Hành động này bị coi là thô lỗ và gây khó chịu trên bàn ăn.

Cho nên thay vì vươn tay, bạn nên đợi đến khi đĩa thức ăn được đặt trước mặt bạn, hoặc bạn nhờ người khác chuyển đĩa thức ăn đó cho bạn. Đó là lý do vì sao, bất cứ khi nào khi tôi quên quy tắc, bà sẽ bảo tôi không được 'phi tượng quá hà' ("飛象過河") - và nhắc nhở tôi chỉ nên ngồi ăn trong tầm với của mình.

Khi thưởng thức vài vòng các món há cảo và cập nhật mọi chuyện tuần qua, món trà Tàu là lý tưởng để nhấp môi và giảm độ dầu mỡ của thức ăn.

Truyền thống gõ lên bàn là cách thể hiện lời cảm ơn, được cho là bắt nguồn từ Hoàng đế Càn Long thời Nhà Thanh

Vào đầu bữa ăn, nhiệm vụ thuộc về tôi, thế hệ trẻ hơn sẽ gọi món và rót trà Pu-erh mà gia đình tôi ưa thích, sau đó luôn chú ý chiêu trà cho mọi người trong suốt bữa ăn.

Bà tôi, người đã làm việc nhiều năm tại trà quán ở địa phương, sẽ gõ ngón tay xuống bàn tỏ ý cảm ơn người rót trà. Và câu chuyện đằng sau hành động này là chuyện mà rất nhiều người địa phương, trong đó có tôi đã nghe rất nhiều lần trước đây.

Theo truyền thuyết, Hoàng đế Càn Long thời Nhà Thanh có lần mặc thường phục đi vi hành ở một thị trấn ở Trung Quốc, cùng với một số thị vệ tháp tùng.

Nhóm người quyết định đến một trà quán để yum cha, và hoàng đế gọi một bình trà và rót trà cho các thị vệ. Nhóm tùy tùng hoảng hốt, nhưng không thể quỳ xuống tạ ơn hoàng đế vì sợ sẽ làm ngài bị lộ. Thay vào đó, họ nghĩ ra một cách, và gõ lên bàn ba lần với ba ngón tay co vào, tượng trưng cho hành động quỳ lạy ba lần vì biết ơn.


Từ đó, nghi thức đã được lưu giữ lại đến thời hiện đại, như trong tác phẩm Kung Fu Trà Thoại (功夫茶話) do tác giả Cao Peng viết, đây là nghi thức để cảm ơn một người giữa bàn ăn yum cha mà không cắt ngang cuộc trò chuyện hay phải nói khi miệng đây đầy thức ăn. Tác giả Cao cũng viết rằng cử chỉ gõ bàn này vừa có nghĩa là muốn thêm trà, vừa tỏ ý cảm ơn.

Không may thay, mức độ chính xác về mặt lịch sử trong câu chuyện này khá thấp, theo Tiến sĩ Siu Yan-ho, giảng viên Khoa Trung Văn Đại học Lingan ở Hong Kong.

"Khả năng Hoàng đế nhà Thanh cải trang đi vi hành là không cao. Các ghi chép chính thức về hoàng đế cũng như những tài liệu lịch sử khác trong cùng thời kỳ, được đánh giá là gìn giữ rất kỹ càng, nhưng tới hiện nay vẫn không có ghi chép gì cho thấy ông có làm những việc đó," ông giải thích.

Tuy nhiên, một nguồn gốc khác của truyền thống này được Xu Jie-Xun nêu ra trong tác phẩm "Phong tục dân gian thời nhà Hán".

Ông giải thích rằng trong các bữa yến tiệc thời Đường và thời Tống, quan khách phải hát một bài sau mỗi vòng uống trong khi người nghe sẽ gõ nhịp theo người hát.


Không có nhạc cụ gõ nào trong tay, cho nên mọi người sẽ gõ ngón tay lên bàn, trong tiếng Hoa gọi là 'kích tiết' (ji-jie 擊節).

Tuy truyền thống hát tại bàn tiệc dần phôi pha, nhưng việc gõ lên bàn gỗ đã trở thành cử chỉ cảm ơn và khuyến khích mà ngày nay được sử dụng riêng cho hành động rót trà. Ý nghĩa của cụm từ "ji-jie" trong tiếng Trung cũng thường được chuyển từ "gõ nhịp" thành "gõ lên bàn".

Có rất nhiều cách gõ, tùy thuộc vào quan hệ giữa bạn với người rót trà. Với người lớn tuổi, bạn nên nắm tay vào rồi gõ, nhằm thể hiện lễ nghĩa và trân trọng. Giữa những người cùng thế hệ, bạn gõ bằng ngón tay trỏ và ngón giữa, cũng giống như hành động nắm tay là thể hiện sự tôn trọng. Thái độ của người trên với kẻ dưới, trẻ hơn, như bà thường làm với tôi, bà chỉ dùng một ngón tay gõ nhẹ để thể hiện lời cảm ơn.

Chúng tôi uống quá nhiều trà đến mức cứ khoảng nửa tiếng lại phải chiêu thêm đầy bình trà trên bàn ăn


Bất cứ khi nào cần bồi bàn rót thêm nước nóng vào bình trà, chúng tôi ra dấu bằng cách để nắp bình trà nằm lên trên quai bình. Động tác này nhằm giúp bồi bàn thấy tiện hơn, để họ không phải đi kiểm tra từng bình trà hoặc bị gọi lại - nhưng động tác này được cho là bắt nguồn sâu xa hơn là chỉ vì tiện lợi.

Theo Siu, truyền thuyết ban đầu được truyền lại qua nhiều thế hệ gia đình Trung Hoa như một giai thoại vui. "Chuyện bắt đầu từ cuối thời nhà Thanh, có một công tử là cháu dòng dõi hoàng tộc, và thường bị người dân tránh xa vì sợ bị bắt nạt," Siu giải thích.

"Một ngày, anh chàng đi đến trà quán sau khi thua to trong một trận chọi chim, và quyết định bày trò lừa đảo để kiếm lại tiền. Chàng ta lấy một bình trà trống và bỏ chú chim vào bình. Người bồi bàn đến rót trà vào bình, nhưng khi bồi bàn mở nắp bình trà, chú chim thoát ra và bay đi mất. Gã công tử sau đó tỏ ra sửng sốt và đòi bồi thường. May mắn thay, có một vị đại hiệp xuất hiện và giải quyết tình huống, nhưng từ đó đến ngày nay, chủ trà quán quy định khách hàng phải mở nắp bình trà khi cần chiêu thêm trà."

Ông Lâm, người làm việc tại trà quán Lin Heung Kui nổi tiếng ở Sheung Wan, lại kể cho tôi một phiên bản câu chuyện khác, theo đó nước trà quá nóng đã làm chết con chim của tay công tử, vì vậy quy định này là để tránh phải bồi thường trong những sự vụ tương lai. Do đó, điều này là khởi đầu cho biểu tượng yên lặng, được ngành công nghiệp ăn uống học theo, và được truyền từ đời này qua đời khác vì lý do minh bạch, sau đó mới tới sự tiện nghi.

Khi cần thêm nước nóng, theo truyền thống, khách hàng để ngỏ nắp bình trà trên tay cầm cho thấy cần thêm nước

Ngày nay, nước nóng trong bình giữ nhiệt thường được đặt sẵn trên bàn để khách ăn có thể tự chiêu thêm nước vào bình trà. Nhưng thậm chí hiện thời trong bữa yum cha hàng tuần của chúng tôi, gia đình vẫn để nắp bình trên tay cầm bình trà khi hết nước, ngay cả khi chúng tôi tự chiêu thêm nước nóng, và tiếp tục dạy các thành viên nhỏ trong gia đình câu chuyện đằng sau nghi thức và quy tắc tại bàn ăn.

Vì vậy, nếu lần tới bạn đi yum cha ở Hong Kong, nhớ gõ lên bàn tỏ ý cảm ơn người rót trà, hãy nghĩ về chuyện quân tượng sang sông trước khi với lấy thức ăn, và hãy hỏi người địa phương về nhiều câu chuyện thú vị về quy tắc tại bàn ăn của người Hoa.

Karen Chiang
BBC Travel
Link tiếng Anh:


KHANG HI NGŨ ĐÀI SƠN TẦM PHỤ BÍ SỬ

Nếu bạn nào có đọc qua bộ "Lộc Đỉnh Ký" hay xem qua các tập phim truyền hình, điện ảnh,..dựng lên từ quyển tiểu thuyết này của nhà văn Kim Dung nói về 2 nhân vật chính trong đó là hoàng đế Khang Hy và Vi Tiểu Bảo. Lồng trong cốt truyện ông có nói nhiều về lịch sử và những diễn biến trong triều đại nhà Thanh vể việc sai Vi Tiểu Bảo lên Ngũ Đài Sơn tìm cha mình, lúc đọc, tôi cứ nghĩ là hư cấu. Hôm nay đọc được một bài dịch của anh Huỳnh Chương Hưng mới biết đó là một chi tiết được ghi trong "Đại Thanh Hoàng Đế kỳ văn bí sử", thấy hay nên share lại cho các bạn nhé (LKH):



KHANG HI NGŨ ĐÀI SƠN TẦM PHỤ BÍ SỬ

Khang Hi 康熙 tên Ái Tân Giác La . Huyền Diệp 爱新觉罗 . 玄烨, con thứ 3 của Thanh Thế Tổ Thuận Trị 清世祖顺治, sinh năm 1654. Ông là hoàng đế đời thứ 2 của triều Thanh khi đã vào trung nguyên.

Khang Hi lên ngôi lúc 8 tuổi, trong thời gian trị vì, ông luôn nhớ đế tiên hoàng Thuận Trị, phụ thân của mình. Khang Hi thường hỏi mẫu thân:

- Cha đi đến nơi nào rồi? Mẹ có biết không?

Mẫu thân của Khang Hi nhũ danh Niệm Cẩm 念,锦 là một phụ nữ thông minh. Bà biết hoàng đế Thuận Trị thích những nơi xa vắng yên tĩnh, thích du lãm danh sơn đại xuyên, thường ngày luôn nhắc đến phong cảnh đẹp và yên tĩnh ở vùng Ngũ Đài sơn 五台山. Nhân đó, khi Khang Hi một lần nữa hỏi về tung tích của phụ thân, bà liền đáp rằng:

- Cha con xuất gia. Nếu con muốn tìm ông ấy, thì có thể đến vùng Ngũ Đài sơn hỏi thăm thử.

Khang Hi nghe qua lời mẫu thân tin đó là thật, quyết định đi đến Tam Môn hiệp 三门峡tìm phụ thân. Ông cởi bỏ hoàng bào, thay vào bộ thường phục, giả trang thành bách tính bình thường, sau đó từ biệt mẫu thân, đi đến Ngũ Đài sơn.


Khi Khang Hi đến Ngũ Đài sơn, nhìn thấy sông núi nơi đây mĩ lệ, hiệp cốc hùng vĩ, nước Hoàng hà tung lên đến hiệp khẩu, chảy xuôi ngàn dặm. Cảnh sắc tự nhiên mĩ lệ nơi đây chưa từng thấy tại kinh thành Bắc Kinh. Khang Hi nghĩ rằng: Đây đúng là nơi mà phụ thân Thuận Trị ưa thích, không chừng phụ thân ở nơi đây.

Thế là, Khang Hi bèn trú lại nơi đó, vừa tìm phụ thân, vừa có thể du sơn ngoạn thuỷ.

Một ngày nọ, Khang Hi đi đến một ngọn núi, dạo qua dạo lại, bất giác trời tối, trên đường không có lấy một người. Núi này phong cảnh tuy đẹp, nhưng hoang vắng quá, trước mặt chẳng có thôn xóm, sau lưng chẳng có hàng quán. Đêm nay nghỉ lại nơi đâu đây? Khang Hi đang lo lắng, ngẩng đầu lên nhìn, thấy trước mặt không xa có một chiếc chiếu. Bên trái chiếu có để 3 cây gậy táo. Khang Hi vội đến, nhặt lấy một cây gậy táo thô nhất làm vũ khí tự vệ, đề phòng dã thú, sau đó nằm trên chiếu ngủ qua đêm.

Sáng sớm hôm sau, Khang Hi thức dậy, lại đi lên núi một vòng nữa, dọc đường hỏi thăm tung tích của phụ thân, nhưng kết quả không có chút tin tức gì, đành phải quay về.

Về đến Bắc Kinh, mẫu thân của Khang Hi hỏi rằng:

- Có gặp được cha không?

Khang Hi đáp rằng:
- Dạ không gặp.

Mẫu thân Khang Hi lại hỏi:
- Thế trên đường con có gặp thứ gì không?

Khang Hi đáp:
- Buổi tối nọ trên núi con không tìm được một chỗ trú, nhìn thấy một chiếc chiếu, bên trái dựng 3 cây gậy táo. Con lấy gậy táo cầm trong tay làm vũ khí, ngủ qua đêm trên chiếu.

Mẫu thân Khang Hi suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đúng rồi, cha con nhất định ở nơi đó. Con viết xem thử, phía trước chữ 页 (hiệt – lượng từ của chiếc chiếu) thêm 3 nét sổ.

Khang Hi cầm bút, phía trước chữ 页 thêm 3 nét sổ, nhìn qua đúng là chữ 顺 (thuận) trong từ 顺治 (Thuận Trị). Lúc bấy giờ Khang Hi mới hiểu, hối hận là đã bỏ mất thời cơ. Khang Hi nói với mẫu thân:

- Con đi lại một lần nữa, nếu như không gặp thì sẽ đem chiếc chiếu và 3 cây gậy táo về làm kỉ niệm.



Lần thứ 2 Khang Hi đến Ngũ Đài sơn, lại lên ngọn núi đó, muốn đem chiếc chiếu và 3 cây gậy táo về. Nhưng lên tới đỉnh, không thấy chiếu và gậy táo không thấy đâu, nghĩ rằng chắc phụ thân đã lấy về rồi. Thế là Khang Hi lại đi về phía trước tìm. Qua khỏi núi là một vùng đất bằng phẳng, mùa màng xanh tươi nhìn như mặt biển mênh mông, mắt nhìn không thấy bờ. Khang Hi cứ đi, trời lại tối. Lúc này Khang Hi không dám tiến về phía trước, lại sợ giống như lần trước không tìm được chỗ trú, bèn đứng bên đường nhìn chung quanh, bỗng nhiên nhìn thấy trong thôn phía trước, thấp thoáng một ngôi miếu, Khang Hi liền đi về phía đó. Đến trước miều nhìn qua, thấy trên cửa viết 2 chữ 八 x (bát x), không biết chữ gì. Nhìn bên trong, trong miếu chỉ có 1 chiếc giường và 1 cái bàn, ngay cả tượng thần cũng không có, càng không biết đây là miếu gì. Khang Hi đi đã rất mệt, vừa bước vào miếu đã nằm trên giường ngủ ngay. Nửa đêm, bỗng nghe có tiếng gõ cửa, Khang Hi mở cửa nhìn, một lão hoà thượng đứng phía trước, Khang Hi liền hỏi ông ta từ đâu đến, pháp hiệu là gì.

Lão hoà thượng đáp rằng:
- Ta là hoà thượng 八 x (bát x), đến từ phía bắc núi. Còn ông từ đâu tới?

Khang Hi đáp:
- Tôi từ kinh sư tới.

Niệm Cẩm 念锦 ở kinh sư khoẻ không? (1)
- Tình hình kinh sư rất tốt, ngũ cốc được mùa.

Lão hoà thường mỉm cười, bảo rằng:
- Tốt rồi. Ông cứ ở đây, ta đi tìm chỗ khác.

Khang Hi quả thực muốn ngủ, nên không chối từ. Sau khi lão hoà thượng rời khỏi, Khang Hi lại ngủ.

Lần nầy đi tìm phụ thân, cũng không có kết quả, gậy táo và chiếu cũng không tìm thấy, Khang Hi đành tay không trở về.

Sau khi về đến kinh sư, mẫu thân Khang Hi hỏi:
- Chiếu và gậy táo có mang về không?

Khang Hi đáp rằng:
- Dạ không. E là cha đã lấy đi rồi.

Bà lại hỏi:
- Thế con có gặp cha không?

Khang Hi đáp:
- Cũng không gặp, núi đó hoang vắng, ngay cả một người cũng không gặp. Dưới núi chỉ có một ngôi miếu nhỏ, con ở trong miếu đó qua đêm. Nửa đêm có hoà hượng 八 x đến, hỏi con tình hình ở kinh sư tốt không, con nói là ngũ cốc được mùa, ông ấy đi tìm chỗ khác để nghỉ.

Mẫu thân Khang Hi suy nghĩ một lúc rồi nói với Khang Hi:
- Phía dưới chữ 八 (bát) con viết thêm chữ ‘x’ vào, xem thử là chữ gì?

Khang Hi cầm bút viết vào, lúc bấy giờ mới phát hiện đó là chữ 父 (phụ). Mẫu thân Khang Hi lại than:

- Con gặp cha mà không nhận ra, cơ hội lần này lại mất nữa rồi. “Niệm Cẩm” là nhũ danh của mẹ, cha con hỏi mẹ có khoẻ không, đáng tiếc là con trả lời mà coi như không.

Khang Hi nghe qua những lời của mẫu thân, vô cùng ân hận. Nghĩ rằng từ nơi xa ngàn dặm không ngại gian khổ, bôn ba đến Ngũ Đài sơn là để tìm phụ thân, nhưng không ngờ nhân vì sơ ý nên đã lỡ mất cơ hội cực tốt. Khang Hi suy đi nghĩa lại, trong lòng rất không vui.

Thế là Khang Hi quyết định cho xây một toà cung điện trên Ngũ Đài sơn để phụ thân Thuận Trị ở. Thuận Trị sẽ vui với lòng hiếu thảo của người con thứ 3 chăng?


Chú của người dịch

1- Thuận Trị hỏi “Niệm Cẩm” 念锦 có khoẻ không, Khang Hi nghe thành “niên cảnh” 年景 .
“Niệm Cẩm” bính âm là “nian (thanh 4) jin (thanh 3 )”; “niên cảnh” bính âm là “nian (thanh 2) jing (thanh 3). Hai từ có âm đọc gần giống nhau, nên Khang Hi nghe nhầm.

Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguồn:
ĐẠI THANH HOÀNG ĐẾ KÌ VĂN BÍ SỬ
大清皇帝奇闻秘史
Tác giả: Lưu Gia Bình 刘家平
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2004

ĐỐI XỬ VỚI KẺ TIỂU NHÂN CÀNG CẦN PHẢI KHÉO LÉO

Nơi nào cũng có tiểu nhân, thông thường kẻ tiểu nhân làm người xử thế không được hậu đạo cho lắm, họ thường dùng những thủ đoạn bất lương để đạt được mục đích của mình. Bậc quân tử tấm lòng rộng rãi, kẻ tiểu nhân thường hẹp hòi, u uất. Mỗi người đều sẽ gặp phải kẻ tiểu nhân. Khi ở chung với kẻ tiểu nhân, chỉ cần thiếu thận trọng một chút bạn sẽ phải chịu thiệt lớn, vậy nên học cách phân biệt kẻ tiểu nhân vô cùng quan trọng.


Ngôn ngữ, hành vi của kẻ tiểu nhân có những đặc điểm dưới đây:

Thích đặt điều sinh chuyện

Thông thường họ có âm mưu hay mục đích khác, chứ không chỉ đơn thuần vì tìm kiếm niềm vui. Đôi khi vì muốn thăng quan phát tài, phô diễn sự ưu tú của bản thân, mà họ không tiếc lời bôi nhọ đối thủ. Họ chỉ e rằng thiên hạ không loạn, và quen dùng từ “nghe nói” để đặt câu, bẻ cong sự thực, hoá mù ra mưa.

Thích bới móc ly gián

Họ rất giỏi chia rẽ tình cảm giữa đồng nghiệp, tạo ra tranh chấp và đa đoan, tranh giành lẫn nhau, kết quả là ngư ông đắc lợi. Họ có tài ăn nói, giỏi rũ bỏ trách nhiệm, sau khi xong việc lại thích diễn vai người hoà giải, âm mưu hai mặt, như thể “con dao hai lưỡi”.

Thích a dua nịnh hót

“Khích lệ, tán dương” và “phỉnh nịnh, vuốt đuôi” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Kẻ a dua miệng nói lời hay nhưng trong tâm lại ủ mưu tính kế. Họ có vẻ thân thiện, nhiệt tình, lại dẻo miệng, khiến con người ngây ngất mà lạc mất phương hướng. Họ cố tình gần gũi với cấp trên, thường thừa cơ ngấm ngầm bẩm báo lên trên để được ân sủng.

Thích lá mặt lá trái

Về phương diện công việc, họ thường ngôn hành bất nhất, giỏi thể hiện công lao trên bề mặt và giỏi thừa cơ cướp công kể thưởng. Về phương diện đối nhân, họ là người hai mặt, trong ngoài bất nhất. Đôi khi trước mặt, họ khen ngợi để dò la bí mật của bạn, nhưng sau lưng lại sẵn sàng làm tổn hại và bán đứng bạn.


Thích gió chiều này che chiều nấy

Ai có ưu thế thì gần gũi người đó, ai thất thế thì vứt bỏ người đó, họ lợi dụng quyền thế của người khác để nâng cao địa vị của bản thân. Những người không có giá trị lợi dụng, họ sẽ không muốn thân cận, đa phần chỉ ứng phó cho qua.

Thích dẫm lên đầu lên cổ người khác

Bạn trồng cây, họ hưởng bóng mát. Họ lợi dụng bạn mở đường cho họ, nhưng khi thành công họ sẽ không báo đáp bạn. Thậm chí họ còn trở mặt vô tình tiêu diệt bạn. Họ coi việc chiếm lợi là việc đương nhiên, đâu có chuyện cảm kích người khác?

Thích dậu đổ bìm leo

Hễ có người vấp ngã hay thất bại, họ sẽ đuổi theo giáng thêm một cú nữa, ví như tuyên truyền khắp nơi rằng ai đó “chịu khổ cũng đáng đời”… Họ cũng thường nói những lời châm chọc vui mừng trước tai hoạ của người khác.

Thích tìm người thế mạng

Rõ ràng là lời nói hành vi của họ có sai sót, nhưng thà chết họ cũng không chịu thừa nhận, mà tự dối gạt lương tâm và chia rẽ người khác. Họ cũng tìm một người chịu hàm oan để gánh tội thay mình. Miệng lưỡi họ sắc bén, lại dám thề thốt, nên rất dễ khiến mọi người nhầm lẫn mà truyền tai nhau những điều bất chính. Lâu ngày nhờ dư luận họ có thể biến đúng thành sai, biến đen thành trắng. Đôi khi sự thực như đá chìm sâu dưới đáy biển, vĩnh viễn bị bẻ cong và che đậy.

Trên thực tế, đặc điểm của kẻ tiểu nhân không chỉ có những điều trên, phàm là người coi thường pháp luật, vứt bỏ đạo lý, hà khắc tuyệt tình, không tuân theo luân thường đạo lý, chỉ biết chiếm lợi về mình, mà làm tổn hại người khác… đều có tính cách của kẻ tiểu nhân.

Cổ nhân có câu: “Vẽ hổ vẽ da, khó vẽ xương; biết người biết mặt, chẳng biết lòng”, lại có câu “Gặp người chỉ nói đôi câu, đừng dốc hết ruột gan với họ”, hay như câu “Người chẳng thể nhìn tướng mạo, biển chẳng thể dò nông sâu”… Đây đều là những câu răn dạy con cháu nhìn rõ thật giả, biết phân biệt thiện ác, từ đó bảo vệ bản thân mình.


Sau khi đã nhìn rõ ai là kẻ tiểu nhân, cũng cần biết cách nên chung sống với họ như thế nào.

Đừng đắc tội với kẻ tiểu nhân

Nhất thiết không nên công khai vạch trần họ chỉ vì chút cảm giác chính nghĩa của bản thân mà không suy trước tính sau. Kẻ tiểu nhân xưa nay không hề cho rằng bản thân mình gian trá, không có hậu đức. Độ mẫn cảm của họ rất cao, mắt sắc như chim ưng, lưỡi bén như gươm đao. Bạn tuyệt đối không phải là đối thủ của họ.

Kính nhi viễn chi, giữ khoảng cách nhất định với họ

Trên bề mặt bạn hãy giữ một mối quan hệ bình thường, nhất thiết không nên thân thiết quá mức với họ. Bởi lẽ kẻ tiểu nhân sẵn sàng trở mặt vô tình, khiến bạn trở tay không kịp.

Nói năng cẩn trọng, khách khí xã giao là được

Nếu bạn phê bình hay nói về những chuyện riêng tư của người khác, thì chắc chắn sẽ trở thành cái cớ để họ gây sóng gió, hoặc trù tính báo thù bạn ngày sau. Nếu họ phê bình hay nói những chuyện riêng tư của người khác, bạn hãy lập tức ngăn lại, một lời cũng không nên nghe. Bởi lẽ dẫu thế nào thì họ cũng sẽ không thể vu oan giáng hoạ cho bạn.

Không nên có lợi ích dây mơ rễ má với họ

Họ rất giỏi tạo nên một vòng giao tiếp nhỏ, có vẻ như nơi ấy rất náo nhiệt và có nhiều lợi ích. Nhưng bạn nhất thiết không được trông cậy vào họ để có được lợi ích. Bởi lẽ, họ nhất định sẽ yêu cầu bạn phải báo đáp gấp bội, chắc chắn bạn sẽ lợi ít mà hại nhiều, cái được chẳng thể bù cho cái mất.


Chịu thiệt một chút cũng không sao

Bởi lẽ bạn không chỉ rất khó tìm được sự công bằng , mà ngược lại còn gây thù kết oán với họ lớn hơn. Họ thường gian xảo, gian trá, và sẵn sàng sinh sự với bạn mãi không thôi, bạn sẽ chỉ cảm thấy mệt mỏi hơn mà thôi.

Cổ nhân có câu: “Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Bạn hãy coi đây như một bài học cho sự tu dưỡng của bản thân, giúp bạn trưởng thành, và giành được nhiều sự tôn kính hơn. Huống hồ sự công bằng nằm ở nơi lòng người, ai dám kết bạn với kẻ tiểu nhân đây.
Thiên Cầm

NGƯỢC VÙNG CAO "SĂN" CÁ TIẾN VUA

Từng được mệnh danh là “ngũ quý hà thủy”, cá dầm xanh là một trong 5 loại cá tiến Vua hiếm có khó tìm trong truyền thuyết. Nếu có may mắn được thưởng thức, chắn chắn thực khách sẽ không ngớt lời khen ngợi với hương thơm và vị ngọt từ thịt cá rất đặc trưng.

Cá dầm xanh có vảy ánh xanh.

Cá dầm xanh là một loài cá thuộc họ cá chép, thường sống ở tầng đáy của sông, nhất là các con sông, con suối của vùng núi Tây Bắc. Loại cá này sống và di cư theo mùa. Mùa nước trong, từng đàn cá ngoi lên để tận hưởng không khí trong lành và làn nước mát lạnh. Nhưng đến mùa nước đục, cá dầm xanh lại chui vào các hang đá và sống ẩn mình.

Đây là một loại cá quý, từng được mệnh danh là “ngũ quý hà thủy”, một trong năm loại cá tiến vua hiếm có khó tìm trong truyền thuyết. Cá dầm xanh quý hiếm cũng bởi chất lượng thịt thơm ngọt, xương mềm, nhất là bộ trứng bùi ngầy ngậy rất hấp dẫn. Đặc biệt, ngay từ khi còn nhỏ như đầu ngón tay, thịt cá dầm xanh đã có hương vị rất riêng. Chúng có thể phát triển lên đến trọng lượng 6 – 7kg.

Toàn thân cá có vảy óng ánh màu xanh. Chúng gây ấn tượng với cái miệng rất dày, trề ra nhìn khá xấu xí. Chính bởi đặc điểm này mà nhiều người đã nhầm lẫn cá dầm xanh với cá anh vũ. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ sẽ thấy thấy cá anh vũ có môi dưới dày hơn và phần vây ánh đỏ. Bên cạnh đó, cá dầm xanh thường có nhiều ở các sông, vì thế giá cả cũng rẻ hơn so với cá anh vũ.

Môi cá dầm xanh (bên trái) mỏng hơn cá anh vũ (bên phải).

Cá dầm xanh chỉ ăn rong rêu và khoáng sa ở các tảng đá dưới lòng sông, lòng suối cho nên rất khó để câu. Thông thường, người dân chỉ có cách quăng lưới mới bắt được loại cá này. Cá dầm xanh rất khỏe. Khi bị bắt, chúng có thể xé toang lưới, thậm chí kéo lưới đi lung tung để tìm hướng chạy thoát thân.

Dù chế biến theo cách thức nào thì thịt cá cũng rất ngon mà không có mùi tanh. Tuy nhiên, khi lên vùng cao Tây Bắc, du khách có thể dễ dàng nhận thấy, món cá nướng được coi là đặc biệt và hấp dẫn hơn cả. Cá nướng không đòi hỏi những dụng cụ như xoong, nồi mà chỉ cần 1 con dao cùng chút nguyên liệu để nêm nếm và vài thanh nứa tươi là đã có thể bắt tay vào chế biến.

Sau khi làm sạch cá, người ta đem ướp với các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng… Nhưng món ăn này nhất thiết không được thiếu mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Tiếp đến, đầu bếp sẽ gập đôi cá lại, cho vào một đoạn tre để kẹp chặt rồi nướng trên than củi, trở đều tay cho tới khi cá được nướng chín vàng ruộm 2 bên và thơm nức mũi.

Lên vùng núi cao, ngồi quây quần bên đống lửa cạnh bờ suối, trực tiếp nướng cá và thưởng thức ngay khi vừa chín tới sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị. Nếu có thể, đừng quên nhâm nhi chén rượu nồng ấm áp để bữa ăn thêm trọn vẹn.

Các món ăn từ cá dầm xanh khiến không ít du khách tấm tắc khen ngon

Món ăn sau khi chế biến có màu vàng, vị thơm ngọt của cá dầm xanh hòa quyện với mùi thơm đặc trưng của quả mắc khén tạo ra một vị riêng chỉ có ở núi rừng. Hương vị này chắc chắn sẽ làm vừa lòng cả những người sành ăn hay khó tính nhất.

Ngoài ra, du khách cũng đừng bỏ qua cơ hội nếm thử món gỏi cá dầm xanh với lá và quả rừng. Để làm nên món này, người bản địa thường lọc lấy 2 phần lườn thịt cá, loại bỏ lớp da vảy, cắt miếng rồi trộn với lá rừng chua, mắc khén, ớt và chút muối, vừa khử mùi tanh lại tạo hương vị đặc trưng cho món ăn.

Nộm cá dầm xanh thơm lừng mùi mắc khén và lá rừng, hòa với vị ngọt từ thịt cá tươi. Thêm vào đó, vị chua chua cay cay càng kích thích vị giác, khiến người ăn không khỏi xuýt xoa.

Những món ăn chế biến từ cá dầm xanh thường được người bản địa ăn kèm với cơm nếp dẻo thơm, cơm lam hay xôi ngũ sắc. Mùi vị thơm ngon mà giá thành lại không quá đắt như các loài cá tiến Vua khác, nên cá dầm xanh chắc chắn sẽ làm vừa lòng bất cứ du khách nào khi đến với vùng cao.

Hoàng Ngọc
Tổng hợp

Sunday, April 28, 2019

IM LẶNG, SỨC MẠNH HAY SỰ LẠNH LÙNG?

Im lặng thực sự có sức mạnh vĩ đại, xua đi hận thù, bất bình, oán hận. Người xưa nói, “im lặng là vàng”. Tuy nhiên im lặng cũng có thể là tiếp tay cho tội ác, thừa nhận cái ác, khiến người tốt phải chịu khổ. Vậy chúng ta nên im lặng như thế nào?


Khi nào thì chúng ta nên im lặng? Đó là khi chúng ta cần nhìn lại bản thân mình. Ví như khi bị xem nhẹ, bạn đừng nên nói lời oán giận. Khi bị nhục mạ, bạn đừng nên nói lời xằng bậy vô nghĩa. Khi được khen ngợi, bạn đừng nên hoan hỉ mà nói lời ngạo mạn. Còn khi người khác có gì vui, hãy chú ý tới tâm ghen tị của mình mà tránh rêu rao lời đồn đại. Gặp những điều ấy, thì đúng là chúng ta nên im lặng…

Tại sao vậy? Vì mọi việc đều có nguyên nhân của nó, và điều đáng quý nhất của con người là biết tự nhìn lại bản thân mình để trở thành một người tốt hơn. Nếu bạn oán giận người xem nhẹ mình, có phải là tấm lòng bạn cũng chẳng hề rộng rãi? Nếu bạn cãi nhau với người ta, có phải bạn đang đặt mình ngang với họ? Gặp chuyện không vui trong cuộc đời chưa hẳn đã là việc không tốt, vì bạn đã có được cơ hội tự hoàn thiện bản thân mình.


Im lặng chính là lúc bạn cảm nhận nhiều hơn về các sự việc, hiểu rõ nguyên nhân – kết quả, nhìn rõ những gì bản thân làm chưa tốt. Im lặng cũng là cách để bạn thể hiện cảm xúc của mình với người đối diện, khiến sự xao động trở nên bình tĩnh, khiến những cảm xúc tiêu cực chợt mất hút chẳng còn.

Nhà hiền triết Socrates từng thừa nhận rằng: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Ấy là vì tri thức tựa như biển rộng, còn những điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước trong đại dương. Người ta chỉ nên nói về những điều mình biết rõ, và giữ thái độ cởi mở, im lặng, tôn trọng lắng nghe đối với những thứ bản thân chưa được tiếp xúc hoặc còn mơ hồ. Nếu như bạn nhất thiết cho rằng quan điểm của mình chẳng hề có chỗ sai sót, thì chẳng phải bạn đã trực tiếp đóng cánh cửa tri thức lại hay sao?


Im lặng cũng cho con người ta cơ hội suy ngẫm, nhờ đó mà có được những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ. Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng thì đừng phá khoảng riêng của họ, vì sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

Nhưng im lặng không có nghĩa là không nói gì khi ai đó đang trò chuyện với bạn. Im lặng không có nghĩa là thụ động, dửng dưng với mọi thứ xung quanh. Im lặng không đúng cách cũng sẽ làm cho người ta nghi ngờ lẫn nhau, khiến lòng tin giữa người với người giảm sút. Im lặng cũng không có nghĩa là hèn nhát trước cái ác, sợ bị “tai bay vạ gió”, sợ bị liên lụy đến lợi ích bản thân mình mà không dám nói lời công đạo.


Martin Luther King đã từng nói, “Sự bất công ở bất cứ đâu là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi”. Nhưng mấy ai là hiểu được lời nói đó? Nếu im lặng vì lợi ích bản thân, thì chính là đang tiếp thêm sức mạnh cho cái ác. Lẽ ở đời, tiếp sức cho cái ác, cái ác sẽ quay lại làm hại bạn.

Trong cuốn “Tận Tâm”, Mạnh Tử viết: “Điều con người không học mà biết đó là lương năng. Điều không nghĩ mà biết đó là lương tri”. “Không nghĩ” ở đây không phải là không suy xét gì, mà ý Mạnh Tử là lương tri không phải thứ chịu ảnh hưởng của những suy nghĩ ích kỷ, bảo vệ bản thân, cũng không chịu ảnh hưởng của những quan niệm đắn đo này khác. Thấy chết mà không cứu, thấy điều nhiễu nhương mà im lặng, thấy tội ác mà tỏ ý nghi ngờ, ấy không phải là lương tri vậy.

Thanh Phong
Theo: trithucvn

BÁN CHỮ

- Tôi yêu cầu các em phải đi học thêm! -- Quắc mắt nhìn lũ học trò chẳng hiểu mô tê gì, tôi nói tiếp - Các em có nghe tôi nói không?

Vẫn im lặng.



Trống đổi tiết. Tôi hết giờ dạy. Xuống phòng hội đồng nhìn đồng nghiệp cười nói vui vẻ, tôi tự trách mình sao cứ để cuộc sống đến bây giờ vẫn khốn đốn. Không biết có phải cái chất tiểu tư sản làm bản tính tôi ngại khó, ngại khổ trong việc cạnh tranh để sinh tồn hay vì sỉ diện?

Rời khỏi trường, đầu óc tôi miên man với những nghĩ suy gần như là đốn mạt đang gặm nhấm linh hồn tôi. Tôi quyết định dạy thêm để tồn tại. Phải bằng mọi giá bắt buộc lũ học trò đến nhà tôi học thêm. Phải bằng mọi giá, mọi giá mới được...

Dắt chiếc xe đạp vào nhà, tôi cất tiếng lấy lòng vợ:

- Có chuyện gì cần anh làm không nào?

Im lặng.

- Em mệt hả? Cứ nghỉ cho khỏe. Mọi chuyện để đó, anh làm cho.

Vợ tôi cất tiếng:

- Tôi ở nhà là để phục vụ anh chắc!

Tôi sững sờ:

- Ơ hay! Sao bữa nay em nói vậy? Có khi nào anh coi thường em đâu?

- Tôi chán cảnh tù túng này rồi! Nhờ anh đi xin việc, anh cứ khất hẹn... Tôi đi làm để mình tôi ăn chắc?

Tôi xẵng giọng:

- Em không biết anh chẳng quen thân ai ngoài lũ học trò. Vả lại, em đã lớn tuổi, cơ quan, xí nghiệp nào nhận người quá tuổi như em?

- Tôi già rồi chứ gì? Ờ! Tôi già rồi, hèn gì...

Bữa trưa hôm ấy, tôi đắng cả cuống họng. Cơm nuốt chẳng trôi. Hai đứa con tôi lại thúc bên tai tôi:

- Ba! Cho con tiền nộp học phí.

- Ba! Cho con tiền mua vở.

Ăn cơm xong, tôi lên giường nằm. Đầu óc tôi cuốn theo cơn lốc nghề nghiệp.

Trước đây, khi còn trẻ, tôi đâu có tính toán phải làm nghề nọ, nghề kia đâu... Được vào trường sư phạm, tôi vẫn chưa có khái niệm về nghề dạy học. Đơn giản là tôi được đọc Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách. Thế là tôi muốn trở thành người cầm bút và dạy học. Việc đời cứ tưởng êm xuôi theo mộng ước của mình, thế nhưng đời đâu là ly nước trà cúng, mà đời là biển lớn khi tôi lao vào cuộc sống để sinh tồn.

Rồi xí nghiệp chỗ vợ tôi làm bị giải thể. Vợ tôi thành người thất nghiệp và biến thành người nội trợ hay nói. Không biết có phải không có việc làm, người ta thường tạo ra cớ để nói cho quân bình trạng thái tâm thần?

* * *

Tôi mở lớp dạy thêm như bao đồng nghiệp khác. Tôi dạy thêm văn. Chứ còn cách nào khác để kiếm thêm tiền trong thời buổi cạnh tranh này.

Giờ trả bài tập làm văn, các học sinh nhìn tôi ái ngại. Rồi, em lớp phó học tập đứng lên nói:

- Thưa thầy! Sao điểm cả lớp ít thế, thầy?

Tôi được dịp tấn công:

- Tại các em không chuẩn bị bài kỹ. Phải đi học thêm mới có thể tiến bộ! Các em nghĩ xem, ăn vào nó không nở bề dọc thì nó nở bề ngang. Học thêm thì nó cũng thế!

Tôi vừa dứt lời, cả lớp nhao nhao:

- Thầy! Thầy dạy thêm cho chúng em đi thầy!

Rồi thầy trò chúng tôi ngã giá về việc dạy học thêm.

Lòng tôi mừng khấp khởi. Về nhà, tôi quên cả cơm trưa. Tôi hì hục một mình kê dọn lại bàn ghế để làm công việc dạy học theo nghĩa của nền kinh tế cạnh tranh lấy đồng tiền làm thước đo mọi giá trị.

Học trò đến đông. Không đủ chỗ ngồi. Các em phải đứng mà học thêm.

Tôi dạy bày tỉ mỉ, rất chân thành với các em. Rồi... cứ thế... ngày lại ngày...

* * *

Lại đến giờ các học sinh nhận lại bài tập làm văn. Các em xem lại các lỗi tôi đã phê vào bài làm. Có tiếng xì xào. Tôi đập thước trên bàn hỏi:

- Làm gì mà ồn thế?

- Thưa thầy, bài em làm giống như bạn Tuấn mà bạn lại nhiều điểm hơn em? - Sơn đứng dậy kiện. Sơn là học sinh không đi học thêm môn văn.

- Thế, em mấy điểm? Tuấn mấy điểm?

- Dạ! Em được 4 điểm, còn Tuấn được 8 điểm.

Tôi nghiêm mặt, đập thước xuống bàn, nói to:

- Có thật không? Đem bài lên cho tôi xem nào!

Đối chiếu hai bài của Sơn và Tuấn: giống nhau, không sai một tí nào, giống như bài văn tôi đã dạy thêm.

Tôi bán chữ. Tôi bán cháo phổi. Tôi cũng bán dần lương tâm nhà giáo... Tôi ấp úng nói:

- Thầy... thầy xin lỗi! Thầy lộn...

Tôi cúi mặt, sửa điểm cả hai bài. Cả hai bài đều đạt điểm 2. Rồi tôi tuyên bố:

- Thầy huỷ bài này. Không lấy điểm vào sổ. Thầy ra lại đề khác cho các em. Chúng ta phải làm lại! Chúng ta phải làm lại. Cả thầy và các em. Các em hiểu không?

* * *

Tôi bước ra khỏi phòng học. Sân trường đầy nắng mai rực rỡ. Những con chim sẻ thanh thản ríu rít hoà tiếng cười của lũ học trò trong giờ ra chơi.

Tháng Tư,1995 
Phan Trang Hy
(Trích từ tập truyện Người thầy dạy búp bê, Nxb Văn nghệ, 2009)

TỰ Ý SỬA ĐIỂM BÀI THI, QUAN CÓ CÔNG CŨNG BỊ XỬ TỬ

Vì sửa điểm mà Tiến sĩ Ngô Sách Tuân mặc dù là bậc đại khoa, công thần của triều đình đương thời vẫn bị thắt cổ chết.


Ngô Sách Tuân (1648-1697) là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng bậc nhất lúc bấy giờ. Bản thân gia đình Ngô Sách Tuân có cha và anh trai cùng đỗ tiến sĩ và làm quan to trong triều.

Ông đỗ tiến sĩ năm Bính Thìn (1676) đời Lê Hy Tông khi 29 tuổi, làm quan thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn, từng được thăng tới chức Hữu thị lang bộ Lại. Khi trấn giữ vùng Lạng Sơn, ông đã lập công lớn trong việc dùng mưu bắt được dư đảng nhà Mạc lẩn tránh tận Trung Quốc.

Nhưng chỉ vì một sai lầm trong việc chấm bài thi mà cuộc đời cũng như danh tiếng của ông đã tiêu tan thành bọt nước. Không những phải mất mạng, Ngô Sách Tuân còn để lại một “vết đen” trong lịch sử khoa bảng nước nhà.

Chuyện bắt đầu từ tháng 7-1694, Ngô Sách Tuân tố cáo Tham tụng Lê Hy lên triều đình về chuyện ông này lén lút đưa người con là Lê Thuyên và học trò là Tô Hinh vốn không có năng lực vào quan trường. Sự việc được tấu trình lên nhưng nhà vua xét thấy không đủ bằng cớ để kết tội Lê Hy nên đã giáng chức Ngô Sách Tuân. Hai người giữ mối hiềm khích kể từ đó.

Sau này, khi Ngô Sách Tuân giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa thì trước khi đi ông có đến yết kiến Lê Hy.


Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34) chép lại nội dung câu chuyện này như sau:

Lê Hy bèn đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho Sách Tuân biết.

Nhưng, sau vì thấy quyển thi của các con Lê Hy không được xếp vào hạng trúng cách Sách Tuân muốn nhân dịp này xoá mối hiềm khích với Lê Hy, bèn lấy quyển thi của con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ.

Quan Đề điệu trường thi này là Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, có thề với Sách Tuân là sẽ giấu kín việc này nhưng quan Tham chính Thanh Hóa là Phan Tự Cường phát giác được, tâu lên.

Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (bắt phải thắt cổ mà chết), Ngô Hải vì không biết lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.


Chép xong chuyện này, các sử gia thời Nguyễn đã có Lời cẩn án rất sắc sảo như sau:

Lê Hy làm Tể tướng một nước, thế mà gởi gắm con mình cho viên quan giữ việc chấm thi và Sách Tuân xu nịnh với riêng bậc đại thần mà mình nhận lời kí thác, đặt trong phép nước mà xét thì tội hai người như nhau, vậy mà chỉ mình Sách Tuân bị trị còn cha con Lê Hy thì không ai xét hỏi gì đến, như thế thì còn gọi là phép nước làm sao được nữa!

Phan Tự Cường biết hạch tội Sách Tuân mà không một lời nào đả động đến Lê Hy, thế thì so với người nịnh hót Lê Hy cũng chẳng hơn kém nhau bao nhiêu vậy. Tự Cường cũng cùng một loại với Sách Tuân mà thôi.

Có lời bình rằng:

Có mỗi một khoa thi Hương, kẻ đỗ cao nhất cũng chỉ là Cử nhân, vậy mà hỏng một cách thảm hại lại là bốn vị Tiến sĩ lừng danh: Lê Hy, Ngô Sách Tuân, Phan Tự Cường và Ngô Hải, nhục thay! Chư vị sử gia thời Nguyễn, sắc sảo thì quả là thật sắc sảo, song chừng như chư vị chỉ muốn mượn Lời cẩn án để kí thác chút tâm sự với thời cuộc đó thôi.

Tự cổ, búa rìu của phép nước vẫn giáng từ trên xuống, có đâu lại vung từ dưới lên, vung lên như thế, lỡ bay đầu Tể tướng, bay luôn đầu cả Chúa lẫn Vua, thiên hạ như gà con mất mẹ, biết nương tựa vào đâu. Vả chăng, vung lên lâu ngày quen tay thành tật, chư vị ngồi trong kinh thành, nhỡ bị họa lây thì lấy ai mà viết sử?

Kẻ hậu sinh này viết tới đây, ngẩn ngơ mà tình cờ dừng lại, ngắm mãi cái gì đen đen trong trang sử cũ, một lúc sau mới chợt nhận ra đó chính là xác Tiến sĩ Ngô Sách Tuân đang treo lủng lẳng, khô như một nét sổ của trang chữ Hán lạnh lùng. Mạo muội dịch ra quốc ngữ, lại nhìn kĩ lần nữa, thì chao ơi, cái xác treo lủng lẳng ấy bay vào trang đánh máy, chẳng khác gì cái dấu chấm than. Hóa ra, dấu chấm hết cuộc đời của Tiến sĩ Ngô Sách Tuân lại là dấu chấm than!


Tổng hợp theo bài viết “Dấu chấm hết cuộc đời Ngô Sách Tuân”
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
Đăng tại tạp chí Quê Hương Online

CHỢ BÌNH TÂY XƯA LÀ CHỢ LỚN MỚI

Chợ Bình Tây hay còn gọi là Chợ Lớn Mới là ngôi chợ lớn nhất ở khu Chợ Lớn và là ngôi chợ duy nhất có khoảng sân trời và vườn hoa giữa chợ.

Những kiosk mái ngói bên ngoài Chợ Lớn Mới nay đã không còn. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Trong những năm 1776, vùng đất Sài Gòn là nơi định cư của người Hoa ở Cù Lao Phố sau khi chạy lánh nạn do chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. So với Cù Lao Phố, Sài Gòn có nhiều lợi thế hơn hẳn do có giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi. Theo phong tục tập quán, người Hoa thường lập chợ khi đến nơi định cư mới nhằm có chỗ để trao đổi hàng hoá. So với chợ Tân Kiểng của người Việt thì chợ Sài Gòn (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) có lớn hơn nên được người dân nơi đây gọi là Chợ Lớn.

Chợ Lớn ngày càng phát triển sung túc, nhiều người dân từ nơi khác tập trung đến làm ăn mua bán. Chợ trở nên chật hẹp không thể phát triển thêm. Chính quyền tỉnh Chợ Lớn thời đó cũng dự định xây dựng chợ mới nhưng chưa tìm được đất. Hay tin, ông Quách Đàm bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp bằng phẳng, xây dựng chợ mới bằng xi măng cốt thép tặng lại chính quyền. Riêng ông chỉ xin xây dựng mấy dãy phố lầu xung quanh chợ và dựng tượng ông chính giữa chợ sau khi ông qua đời.

Chợ Lớn cũ nay là Bưu điện quận 5 năm 1920 đã trở nên chật chội khiến chính quyền tìm đất cất chợ mới. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Ông Quách Đàm, thương hiệu Thông Hiệp (1863 – 1927, theo ghi khắc tại bệ đá thờ ông trong hoa viên của chợ), người làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu, Trung Quốc, rời quê hương với hai bàn tay trắng. Thuở ban đầu ông đi thu mua ve chai, lông vịt và các loại nguyên liệu phế thải để kiếm sống qua ngày. Khi đã có một số vốn, ông bước vào nghề mua bán lúa gạo. Ông đã tạo nên Thông Hiệp, một cơ sở kinh doanh danh tiếng ở khu vực Chợ Lớn ngày ấy. Nhờ đức tính cần cù chịu khó, lại giỏi tính toán, bán buôn, Quách Đàm dần trở thành người giàu có.

Khi được chính quyền tỉnh Chợ Lớn đồng ý, ông tổ chức xây chợ mới theo lối kiến trúc Trung Quốc và áp dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại của Pháp thời bấy giờ. Chợ được xây cất bằng xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây, nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc. Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có “lưỡng long chầu châu”, 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát. Riêng tượng ông Quách Đàm bằng đồng được thuê đúc tận bên Pháp.

Nói về bức tượng ông Quách Đàm, nó được dựng lên sau khi ông mất vào năm 1930, trên bệ cao, dưới chân tượng có kỳ lân chầu và rồng phun nước. Đây là bức tượng toàn thân của một người đàn ông trung niên với tư thế đứng hơi rướn người về phía trước, tay trái ôm những cuộn giấy (có lẽ là những sắc phong), tay phải cầm cuộn giấy đã mở hé một phần, trang phục theo kiểu truyền thống người Hoa được chạm khắc tỉ mỉ đến từng chi tiết: những nếp gấp ở tay áo, gấu áo thật mềm mại, sinh động – đẹp nhất là những hoa văn li ti phủ khắp mặt áo và cả những tấm huy chương Long bội tinh, Bắc đẩu bội tinh chạm khắc trên ngực áo. Nghe đâu ông Đàm được chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh vì đã mua đứt một nhà máy đường của Pháp đang làm ăn thua lỗ.

Bức tượng ông Quách Đàm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. (Ảnh: Wikipedia)

Chợ mới sau khi xây xong rất khang trang, sạch sẽ, trên khuôn viên đất khá rộng nên được người dân gọi là Chợ Lớn Mới. Ngay sau khi được đưa vào hoạt động, với lợi thế về giao thông thuỷ bộ cũng như tay nghề kinh doanh của bà con tiểu thương người Việt và người Hoa, Chợ Lớn Mới nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, giữ tính chất đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh, trong nước và các nước láng giềng.

Chợ Lớn Mới của những năm 1960 nhìn từ trên không. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Sau 1975, chính quyền tiếp nhận, đổi tên chợ là chợ Bình Tây, tượng ông Quách Đàm bị hạ xuống, trôi nổi mãi mới được đưa về bày trong sân Nhà triển lãm số 6 Phó Đức Chính Quận 1, sau dời về trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Còn trong hoa viên giữa chợ Bình Tây, chỉ còn một cái lư cắm nhang và một cái hộp nhựa, bên trong đựng một tấm ảnh vàng ố, cong veo của ông Quách Đàm. Mãi sau trước yêu cầu của các tiểu thương, tấm ảnh mới được thay thế bằng một pho tượng bán thân (kích thước khoảng 100cm x 80cm)

Gia đình ông Quách Đàm cùng quan chức Pháp. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Năm 1992, Quận 6 tổ chức sửa chữa nâng cấp nhà lồng chợ thêm một tầng lầu. Năm 2006 tiếp tục đầu tư cải tạo sửa chữa khu vực Trần Bình – Lê Tấn Kế. Chợ Bình Tây giữ vững vị thế là một trong những ngôi chợ lớn của thành phố với 2.358 quầy sạp. Khu vực nhà lồng chợ có 1446 sạp, trong đó tầng trệt là 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp. Khu vực ngoài nhà lồng có 912 sạp, trong đó Trần Bình có 408 sạp, Lê Tấn Kế có 328 sạp, Phan Văn Khoẻ là 176 sạp. Các ngành hàng được bố trí, sắp xếp hợp lý, tập trung theo từng khu vực kinh doanh nhằm phát huy thế mạnh của từng ngành hàng. Bà con người Hoa vẫn tập trung về chợ làm ăn mua bán mà đa số là người Hoa sinh sống tại các quận 5, quận 6 và quận 11. Tiểu thương người Hoa chiếm tỷ lệ 25% số lượng hộ kinh doanh tại chợ Bình Tây. Cuối năm 2016, chợ Bình Tây lại bắt đầu đóng cửa để sửa chữa nâng cấp và hiện tại (10/2018) đã gần hoàn thành.

Với lối kiến trúc cổ xưa của Trung Quốc và bề dày lịch sử lâu năm, chợ Bình Tây còn mở ra một hướng phát triển mới đó là điểm du lịch tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Dựa theo bài viết “Lịch sử hình thành chợ Bình Tây”
Tác giả: Huỳnh Văn Yên & Bùi Thụy Đào Nguyên
Theo: trithucvn