Thursday, May 2, 2019

CÁI THANG ĐỜI

Ai cũng nhìn ra, nền giáo dục này đã, đang và sẽ biến con em chúng ta thành cái gì ? Nó sẽ biến con em chúng ta thành một bầy cừu chỉ biết nghe lời, gian giảo, láu cá vặt, ích kỷ, cơ hội, lạnh lùng vô cảm, duy ý chí v.v… Một nền giáo dục tồi tệ mà còn không bình đẳng, những kẻ được nâng điểm thênh thang trên đường hoạn lộ và hậu quả tất nhiên là sản sinh ra những con quái vật như Thủy già Vũng Tàu, Hùng “thang máy”, Linh “nựng” Đà Nẵng v.v… Và nạn nhân lại là con cháu chúng ta. Ôi cái thang đời!


Nhưng tại sao ai cũng lờ đi coi như không có? Bởi vì, tất cả chúng ta, chỉ cần bình thản lại một chút cũng thấy rằng ai cũng mang trong mình (không nhiều thì ít) những tính xấu đó. Không sao, con người chưa hoàn thiện.

Vì thế, giáo dục, tôn giáo, triết học ra đời. Tôn giáo cho thấy những siêu việt trí tuệ, siêu việt đạo đức qua hình ảnh Phật và Chúa. Vì sao những hình ảnh đó lại mang cái vẻ ngoài là con người? Vì đó cũng chính là con người nhưng là “con người đã chiến thắng”. Mục đích tối hậu của Tôn giáo chân chính là thế.

Vừa thông thái vừa thông minh chính là đức Tương- Dung của tôn giáo chân chính và nó cũng là 2 phẩm tính của trí thức đúng nghĩa. Triết học ra đời, băn khoăn quan sát thế giới, phân tích cuộc đời để tìm đâu ra cái đích thực Chân, Thiện, Mỹ cũng là mục tiêu hướng tới của nhân loại.


Giáo dục như một cái thang lênh khênh, để cho ta trèo từng bước gập ghềnh vươn tới đỉnh cao, nó nhọc nhằn vì đâu phải bao giờ người bước lên thang cũng chọn được đúng điểm tựa. Câu ca dao trong sách vỡ lòng:

Cái gì cao lớn lênh khênh
Đứng mà không tựa ngã kềnh ngay ra.


Chẳng là luôn nhắc nhở ta hay sao? Nó cũng có dấu vết trong chữ viết, High trong tiếng Anh nghĩa là cao cũng là dấu vết của chữ “H”, thuở ban đầu là hình cái thang. Nhưng đâu phải vì thế mà ta lo sợ không dám trèo.

Vậy thì, vấn đề ở đây sẽ là: Bạn đồng ý hay không khi cho con em mình trèo lên cái thang “giáo dục XHCN”? Bạn có muốn con em mình trở thành như mình với khiếm khuyết bất khả từ chối của một lịch sử đã là quá khứ hay con bạn phải có một tương lai với nhân cách cao hơn cha mẹ nó? Hay bạn muốn con mình gian giảo, láu cá, biết nắm cơ hội vặt v.v…hơn bản thân mình để kiếm một chỗ cao hơn trên cái thang đời? Vì đời bạn đã bị đốn ngã, bị ê chề trong một xã hội: “thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt”.


Quyết định là ở bạn, bởi vì khi con cái bạn còn non nớt, bạn có quyền quyết định trong việc đưa con bước lên bậc đầu tiên của cái thang nào, và, bởi vì người khác cũng không có quyền tước đoạt quyền của bạn khi nói rằng: “Bố mẹ biết cái gì mà thắc mắc?”- Hồ Ngọc Đại.

Không thể nào im lặng được nữa! Luật Nhân Quả không chừa một ai, bà Thanh Tân (vợ ông Linh) viết: “Nhưng con tôi, các cháu không có tội”. Ôi, giá mà ông Linh nghĩ đến hậu quả khi bước lên cái thang đời, sẽ phải nhìn vào mắt con mình suốt phần đời còn lại, mỗi buổi sáng khi thức dậy, mỗi lúc ngồi vào bàn ăn, mỗi tối trước khi đi ngủ. Dù kinh tởm ông Linh, tôi vẫn mong con cái ông vượt qua được cái thang này.

ĐĂNG NHẬT NGÔ

No comments: